Năm 2020, xã Xuân Lương huyện Yên Thế, Bắc Giang về đích nông thôn mới. Đóng góp vào thành tích ấy có sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các ban nghành đoàn thể, đặc biệt là cuộc vận động hiến đất làm đường giao thông, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất nông thôn mới của xã mà tiêu biểu là bản Đồng Gián.
Làm đường vào bản Đồng Gián
Bản có 122 hộ với hơn 500 khẩu của 7 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường, Sán Dìu, Kinh, chung sống. Bản thuộc diện được hưởng chính sách 135 của Chính phủ. Dù đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ngoài ngân sách của trên, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, ban công tác mặt trận thôn, bản đã đoàn kết đồng lòng huy động sức dân đóng góp, là một điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường xây dựng nền tảng hạ tầng cơ sở khang trang, góp phần đưa xã Xuân Lương cán đích nông thôn mới năm 2020.
Cùng Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản Phạm Văn Lợi, Phó bí thư - Trưởng ban công tác mặt trận bản Phạm Thị Chiến và Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản Đoàn Xuân Lan đi một vòng ở những đường trục chính của Đồng Gián, người viết không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của bản hôm nay.
Còn nhớ, cách đây vài năm, chúng tôi đến Đồng Gián vào một ngày trời mưa, con đường đất lầy thụt hai xe máy tránh nhau còn khó, thêm phân gia súc phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Cả bản lưa thưa vài ngôi nhà kiên cố. Nay nhiều ngôi nhà tầng mọc lên, sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là những con đường. Đường bê tông phẳng lì rộng 4m chạy hết bản nối với những con đường nhỏ, vào từng gia đình.
Thấy tôi ngạc nhiên trước sự đổi thay ấy, anh Phạm Văn Lợi cho biết: “Xã Xuân Lương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới theo lộ trình 2016-2020. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành từ xã tới bản đã thực sự vào cuộc”. Với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng, lấy sức dân, lo cho dân, ngoài hỗ trợ của trên, Đồng Gián đã huy động sự đóng góp vốn đối ứng của người dân, huy động người dân hiến đất để mở rộng đường.
Nghị quyết 07 ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh Bắc Giang về hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh đã mở cho Đồng Gián một hướng đi.
Ban vận động xây dựng nông thôn mới của bản được thành lập gồm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, đại diện các ban ngành và già làng có uy tín. Ban họp với dân của bản, tới từng gia đình có đường đi qua, vận động người dân hiến đất. Chi bộ có 15 đảng viên đã cử mỗi đảng viên phụ trách vài gia đình. Với suy nghĩ làm đường cho mình rồi đời con cháu mình đi lại được thuận tiện mọi người đã tự nguyện hiến đất.
Anh Phạm Văn Sĩ, một cựu chiến binh đã gương mẫu đi đầu trong phong trào. Năm 2019, anh hiến tới hơn 2.000m2 đất lâm nghiệp đang trồng cây lấy gỗ để con đường đi qua. Trên mảnh đất ấy, anh đã trồng keo cho thu hoạch vài lứa, mỗi lần thu hàng trăm triệu đồng.
Chi hội phó chi hội cựu chiến binh bản Đồng Gián là ông Đặng Văn Thịnh lại có cách làm đặc biệt: ông Trần Văn Thông có mảnh đất gần đình Xuân Lung, thuộc bản Xuân Lung. Khi bản có chủ trương mở rộng diện tích xây đình, sẽ lấn sang diện tích đất của gia đình ông Thông. Ông Đặng Văn Thịnh đã chủ động đổi cho ông Thông mảnh đất 1.100m2 để ông Thịnh lấy mảnh đất của ông Thông hiến cho bản làm đình. Bản thân ông Thịnh cũng công đức hàng chục triệu đồng để xây dựng đình Xuân Lung khang trang hơn để đình trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút khách thập phương.
Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận bản Đồng Gián, bà Phạm Thị Chiến hồ hởi cho chúng tôi biết: đường đi đến đâu, nếu vào diện tích nhà ai, mọi người đều tự động hiến đất. Ngoài hai cá nhân tiêu biểu là các ông Đặng Văn Thịnh và Phạm Văn Sĩ ra, Đồng Gián còn 32 hộ mỗi hộ hiến từ 50-100m2 đất và các tài sản trên đất để mở rộng đường.
“Tấc đất tấc vàng. Là người nông dân, chúng tôi ai chả quý đất nhưng quý hơn là chúng tôi thấy quê hương đổi mới, mọi người được đi trên con đường thênh thang đổ bê tông” - anh Thịnh, anh Sĩ đã tâm sự với chúng tôi những lời mộc mạc như vậy.
Ngoài hiến đất, mỗi khẩu trong bản Đồng Gián còn đóng góp 1.400.000 đồng làm đường và cổng vào bản, mỗi hộ đóng 3.500.000 đồng để xây Nhà văn hóa. Ngày trước, hai bên vệ đường ở những trục đường chính là nơi tập kết rác thải, nay chi hội phụ nữ đã đảm nhiệm việc trồng hoa hai bên đường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Tác giả: Vũ Hoàng Nam
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021