Giai đoạn 2016 - 2020, xã Phú Thọ đã được UBND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp chọn là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Dù gặp không ít khó khăn nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng kể, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi thay rõ rệt...
Ông Châu Văn Bo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết: “Đến cuối quý I/2021, xã Phú Thọ đã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí quốc gia xây dựng NTM và đã gửi bộ hồ sơ minh chứng về Văn phòng Điều phối NTM huyện và tỉnh thẩm định. Đến ngày 23/02/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã ban hành thông báo kết quả thẩm định xã Phú Thọ đạt chuẩn xã NTM, hiện đang trình UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định công nhận”.
Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn ngân sách Nhà nước, xã Phú Thọ đã đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn, 10 công trình thủy lợi, 1 Nhà văn hóa xã, 5 Nhà văn hóa ấp, 11 công trình điện, 1 công trình chợ và các công trình về y tế, giáo dục, nước sạch được đầu tư đạt chuẩn. Bên cạnh đó, xã Phú Thọ còn vận động từ nguồn xã hội hóa trên 2,2 tỷ đồng xây dựng 6 cây cầu bê tông cốt thép, huy động trong dân trên nửa tỷ đồng thực hiện 4 công trình theo cơ chế đặc thù… Ông Châu Văn Bo vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi còn vận động trên 10 tỷ đồng để đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, chăm lo hộ nghèo, gia đình chính sách, xây dựng nhà ở cho người khó khăn, thực hiện tốt phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Và nhờ mô hình Tết quân dân, Phú Thọ đã cất mới 54 căn nhà tình thương tặng cho hộ nghèo; cất mới và sửa chữa 10 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; cất mới 5 căn mái ấm công đoàn và nhà nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình quân dân; hỗ trợ và giúp đỡ 1.200 suất quà, 52 suất học bổng, 51 chiếc xe đạp và 129 suất quà cho học sinh nghèo…”
Nhờ mô hình Tết quân dân, xã Phú Thọ đã cất mới 54 căn nhà tình thương tặng cho hộ nghèo; cất mới và sửa chữa 10 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; cất mới 5 căn mái ấm công đoàn và nhà nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình quân dân; hỗ trợ và giúp đỡ 1.200 suất quà, 52 suất học bổng, 51 chiếc xe đạp và 129 suất quà cho học sinh nghèo…”
Tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường, lắp đặt trụ đèn thắp sáng đường quê, làm tuyến đường hoa… tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp còn có lực lượng cựu chiến binh và hội viên nông dân xã. Ông Lương Văn Nhương ở ấp Long An B bày tỏ: “Là một cựu chiến binh trở về đời thường thì mình chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương. Xã phát động nông thôn mới thì mình cũng tham gia trồng bông để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho con cháu sau này, cùng nhau phát huy, gìn giữ NTM để làm giàu cho quê hương, cho xã hội”. Bà Nguyễn Thị Hiên, ở ấp Long An B, đã tự nguyện hiến khoảng 620m2 đất thổ cư (ngang 25m, dài 25m) phía trước nhà trị giá trên 250 triệu đồng để xây dựng hoàn thành tuyến đường. Bà Hiên còn cùng với Đoàn vận động của địa phương đi đến từng nhà vận động bà con tự nguyện hiến đất làm đường và được người dân đồng tình hưởng ứng rất cao. Nhờ vậy, đoạn đường nông thôn bờ bắc ấp Long An B dài trên 3.600m, ngang 5m, cao trình vượt lũ năm 2000 đã được nâng cấp, mở rộng, lót đal mặt đường hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Tổng kinh phí đầu tư trên 7,3 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 2,2 tỷ đồng. Bà Hiên cho biết: “Nói đến NTM, làm đường cho mình đi thì hầu như ai cũng hiến đất hết. Tôi thấy làm đường xong các cháu đi học được thoải mái. Ra khỏi sân là leo lên xe đi, con đường rộng, thênh thang như thế này tôi thấy thoải mái lắm. Cảm ơn Nhà nước đã quan tâm. Công sức của nhân dân đóng góp một phần, Nhà nước lo cho dân một phần, làm được con đường này nhân dân phấn khởi lắm!”.
Đến nay, đường trục ấp và liên ấp; đường trục xã và đường trung tâm xã đến đường huyện đều thực hiện cứng hóa đạt 100%; đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa dài 9.959m đã thực hiện đạt 100% và đường trục chính nội đồng dài 22.670m cũng hoàn thành. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt 99,71%. Đặc biệt, mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng NTM hoạt động hiệu quả - nhất là làm đèn đường thắp sáng ban đêm cặp tuyến bờ đông kênh Phú Thành 3, trồng hoa kết hợp làm hàng rào tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở ấp Thống Nhất, có 157 hộ treo ảnh Bác Hồ trong nhà, trên 95% số hộ có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. 100% hộ dân đăng ký thu gom rác thải…
Những năm gần đây, Phú Thọ được đánh giá là một trong những xã dẫn đầu của huyện Tam Nông về xuất khẩu lao động. Giai đoạn 2015 - 2020, xã Phú Thọ đã đưa trên 150 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Bình quân mỗi lao động gửi về gia đình từ 18 - 27 triệu đồng/tháng. Toàn xã còn có các điểm du lịch homestay Tư Cá Linh, Sáu Lế, Năm Thiện và một điểm dừng chân thăm gian hàng “đặc sản khô cá lóc Tứ Quý” thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Hiện tại, xã đang nhân rộng thêm 1 điểm du lịch cộng đồng “Hoàng Anh - Tam Nông”. Xã cũng có làng nghề nuôi và chế biến khô cá lóc nổi tiếng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa làng khô cá lóc Phú Thọ… Cuộc sống người dân từng bước khá giả, sung túc. Người dân tham gia bảo hiểm y tế, lao động có việc làm qua đào tạo đạt tỷ lệ cao, nhà tạm và dột nát không còn... Những điều này đã góp phần xây dựng Phú Thọ đạt chuẩn xã NTM, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân trong xã.
Tác giả: Trần Trọng Trung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021