Diễn Hoàng trên đường đổi mới

So với 37 xã của huyện Diễn Châu (Nghệ An) thì xã Diễn Hoàng có nhiều khó khăn hơn cả bởi nằm vào vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện 25km, hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Năm 2011, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM), Diễn Hoàng mới đạt 8 tiêu chí và cũng chưa bền vững. 11 tiêu chí còn lại cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp, làm mới các công trình trọng điểm như đường, trường, trạm, trụ sở làm việc của UBND xã. Đảng ủy, UBND xã Diễn Hoàng xác định phải làm thay đổi nhận thức và phát huy dân chủ của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Tuyên truyền vận động cho nhân dân hiểu đúng đắn việc xây dựng NTM là cho chính mình làm và mình là người thụ hưởng, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là đòn bẩy. Do đó, ngay sau khi có hướng dẫn của Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh và huyện, Đảng ủy, chính quyền xã Diễn Hoàng đã tập trung vào công việc nghiên cứu, quán triệt các các văn bản chỉ đạo của Trung ương tỉnh, huyện để tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, nội dung 19 tiêu chí yêu cầu của chương trình; làm cho mọi tầng lớp nhân dân nắm chắc nội dung xây dựng NTM, nhận thức sâu sắc, rõ ràng nội lực là chính, người dân làm chủ tự đổi mới cuộc sống cho mỗi gia đình, Nhà nước chỉ hỗ trợ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng nông nghiệp, quy hoạch phát triển sản xuất và xây dựng NTM, Ban lãnh đạo xã hướng dẫn các xóm lập đề án xây dựng NTM. Đề án xây dựng NTM của xã có sự tham gia thảo luận rộng rãi của người dân ngay từ khi dự thảo, những khúc mắc được giải trình, những đề xuất được trao đổi, tiếp thu, tạo sự đồng thuận cao. Thực hiện đề án, các thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã, Đảng ủy viên, trưởng các đoàn thể quần chúng, trưởng thôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Cấp ủy, chính quyền các đoàn thể Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hội CCB phát động phong trào cụ thể thiết thực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Ban chỉ đạo xã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các tiêu chí để bàn bạc, tháo gỡ, giúp các xóm giải quyết những việc mà dân quan tâm, nhất là đất đai, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh gia súc, vốn vay cho hộ nghèo, việc làm cho thanh niên nông thôn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, trao cờ thi đua của UBND tỉnh Nghệ An và công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng cho xã Diễn Hoàng

 

Một trong những tiêu chí xây dựng NTM là đẩy mạnh chuyển dịch, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Diễn Hoàng đã nâng cấp mở rộng hai làng nghề đan lát và trống da, tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn các chương trình khuyến nông, khuyến công. Khi thấy làm thương mại, dịch vụ cho thu nhập cao và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, Đảng ủy, UBND đã kịp thời nắm bắt và ra chủ trương cơ cấu lại sản xuất, chuyển 50% số lao động sang làm thương mại, dịch vụ, đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; đầu tư nâng cấp chợ thành chợ nông thôn loại 2, tạo điều kiện cho bà con 5 xã phía Bắc huyện kinh doanh buôn bán hàng hóa. Đến nay, toàn xã có 200 hộ “Ly nông bất ly hương”, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm thương mại, dịch vụ, mỗi năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ hộ. Còn lao động ở nước ngoài, các khu công nghiệp trong nước mỗi năm gửi về cho gia đình 3 - 4 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Diễn Hoàng mạnh dạn đầu tư sang làm VAC, làm nhà màng trồng rau xanh, trồng cây có giá trị. Hơn 160 hộ làm trống da, đan lát đều cho thu nhập cao, từ 50 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi hộ/ năm. Để có nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM bền vững, bên cạnh việc tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã đã tích cực vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông, xây dựng Nhà văn hóa, bãi tập thể thao, khu vui chơi giải trí. Trong giai đoạn 2011 - 2019, tổng mức đầu tư xây dựng NTM ở Diễn Hoàng đạt  300 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp chiếm 60%. Đặc biệt, có 1 doanh nghiệp ủng hộ 4 tỷ đồng để xây dựng cổng làng to, cao nhất huyện. Nhờ có nguồn kinh phí vốn đầu tư và sự đồng thuận của nhân dân nên việc thực hiện các tiêu chí ở địa phương đều đạt và vượt kế hoạch. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm. Ngân hàng chính sách xã hội cho các hộ gia đình chính sách và các hộ nghèo vay vốn. Hộ nghèo được học nghề miễn phí và được giới thiệu nơi làm việc. Xã ưu tiên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cho hộ nghèo ứng trước vật tư phân bón (đến mùa thu hoạch mới trả), thay đổi tập quán canh tác của bà con. Từ 12% số hộ nghèo năm đầu xây dựng NTM (2011) nay rút xuống còn 2%, hộ giàu và khá, thu từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng hộ/ năm chiếm 70%. Đời sống nhân dân được nâng lên, với mức thu nhập tính theo đầu người bình quân từ 36 - 38 triệu đồng/ năm (hơn 7.300 nhân khẩu).

Điểm nổi bật nữa ở Diễn Hoàng là xã gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với kiện toàn các đoàn thể quần chúng, củng cố ban quản lý HTX nông nghiệp theo luật HTX năm 2012, sáp nhập các xóm nhỏ thành xóm lớn theo hướng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, tinh gọn hiệu quả. Từ 18 xóm trước đây nay còn 9 xóm, giảm được 117 cán bộ. Để người dân tin tưởng đóng góp xây dựng NTM, xã và các xóm đã làm tốt việc công khai tài chính, đất đai để dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Diễn Hoàng còn có đội ngũ cán bộ am hiểu việc xây dựng NTM, đủ năng lực vận động thuyết phục, đối thoại giải pháp những vấn đề vướng mắc với nhân dân. Đồng thời, kêu gọi con em làm ăn xa đóng góp xây dựng quê hương. Từ đó, người dân tích cực đóng góp xây dựng NTM, trở thành phong trào thi đua làng trên xóm dưới. Xã đã phát động toàn dân làm cách mạng về “dồn điền đổi thửa”, làm giao thông thủy lợi, bê tông hóa kênh mương, xây dựng mô hình, cánh đồng cho thu nhập cao. Với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân, đến nay, toàn xã Diễn Hoàng đã có những cánh đồng mẫu lớn để cùng thực hiện “Đồng giống, đồng trà, đồng phương thức thâm canh, chăm sóc”. Hiện 100% tuyến đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến 9 xóm, đường trục thôn, liên thôn, đường trục chính nội đồng được nhựa hóa hoặc bê tông. Hệ thống điện về từng nhà, với tỷ lệ hộ dùng điện an toàn đạt 100%. Hơn 80% diện tích đất nông nghiệp được chủ động tưới tiêu, hệ thống kênh mương thủy lợi, bể đựng nước sạch, giếng khoan đáp ứng yêu cầu dân sinh và quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ. Xã đã xây dựng được hai vùng chuyên canh, thâm canh lúa màu, rộng hơn 320 ha, trong đó 200 ha lúa vụ xuân, 100 ha lúa hè thu, 120 ha trồng lạc xuân, và 140 ha để trồng dưa hấu, dưa lê và rau sạch. Hệ số sử dụng đất đạt 3 lần/ năm. Các  giống lúa, giống mà đưa vào thâm canh đều cho năng suất cao (Lúa xuân đạt bình quân 70 tạ/ ha, lạc 35 tạ/ ha, ngô 50 tạ/ ha). Tổng sản lượng lương thực và nông sản đạt mỗi năm từ 4.000 - 4.200 tấn). So với các xã chủ động nguồn nước tưới, được hưởng lợi từ hệ thống thủy nông Đô Lương chảy về thì năng suất này còn khiêm tốn nhưng nhìn rộng ra cả tỉnh Nghệ An, nhất là đối với một xã còn khó khăn như Diễn Hoàng thì đây quả là một cuộc cách mạng xanh trên đồng ruộng.

Sau 9 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến giữa tháng 12/2019, Diễn Hoàng đã đạt 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh Nghệ An xét công nhận đạt chuẩn NTM, tặng Bằng khen và thưởng một công trình trị giá 500 triệu đồng. Đảng bộ xã Diễn Hoàng đạt trong sạch, vững mạnh nhiều năm; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc luôn đạt tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Về Diễn Hoàng những ngày đầu xuân năm 2021, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi trên mảnh đất vốn thuần nông, khó khăn nhất huyện. Bây giờ đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Năm nào người dân cũng hoàn thành nhanh gọn nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước và tập thể, lập các loại quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học khuyến tài”, “Nạn nhân chất độc da cam”... có số dư hàng năm đến hơn 100 triệu đồng/ quỹ. Làng xóm được làm mới, nhà cửa ngày một khang trang. Nổi bật ở khu trung tâm là trụ sở làm việc của UBND xã, Nhà văn hóa xã, sân vận động xã và ngôi chợ mới. Trạm y tế, trường mầm non, tiểu học, THCS giữ vững đơn vị chuẩn quốc gia. Cả 9 xóm trong xã đều có Nhà văn hóa được nâng cấp, xây mới và mở rộng. Toàn xã có hơn 1.800 hộ thì 1.700 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa - Thể thao”. 14 đơn vị đạt danh hiệu “Trường học văn hóa”, “Trạm y tế văn hóa”, “Dòng họ văn hóa”, “Làng văn hóa”... Hơn 400 ha lúa lạc, ngô dưa hấu vụ xuân phủ màu xanh bát ngát trong tiết lập xuân như tấm lòng người dân khoáng đạt đón nhận cách làm mới được khơi dậy, nhân rộng từ chính sức lực của mình. Niềm vui nữa là sau 10 năm xây dựng NTM, đồng ruộng xã Diễn Hoàng đã khoác lên màu xanh của ấm no, trẻ trung và hồng hào sức sống mới.

Đường về xã nông thôn mới xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu (Nghệ An)

 

 

Tác giả: Lê Hoài Thung

Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021

;