Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông thôn, phấn đấu 100% số xã (117 xã) đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Trong đó, có ít nhất 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và khoảng 7 - 9 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.
Ngày 13/12/2020, đoàn thẩm định Trung ương do đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương làm trưởng đoàn thẩm định hồ sơ hai huyện Gò Quao, Giồng Riềng đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020 tại UBND tỉnh.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hai huyện Giồng Riềng và Gò Quao đã quan tâm, chú trọng huy động các nguồn lực để xây dựng thành công 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng hoàn thiện 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức trách nhiệm của người dân, diện mạo nông thôn ở Giồng Riềng đã có nhiều thay đổi: thu nhập bình quân đầu người đạt 57,06 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 2,24%. Có sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây lúa, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm hơn 1.780ha, đang thí điểm sản xuất lúa hữu cơ 500ha…
Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Gò Quao chú trọng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện vận động nhân dân chuyển đổi trên 2.700ha đất sản xuất kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, trồng khóm, hồ tiêu và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; xây dựng được 6 nhãn hiệu tập thể cho các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện; đầu tư cơ bản hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ cho gần 91% diện tích sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.811 tỷ đồng, tăng hơn 3.256 tỷ đồng so năm 2010. Gò Quao đầu tư cơ bản hoàn thành hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê bao, trạm bơm điện đảm bảo phục vụ cho gần 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện còn 2,95%.
Tại buổi thẩm định, các thành viên trong đoàn ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của hai huyện Giồng Riềng, Gò Quao. Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp với các tuyến đường hoa, điện thắp sáng về đêm. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng rau màu trên đất vườn tạp, mô hình trồng hồ tiêu leo cây tràm kết hợp nuôi ong, mô hình kết hợp lúa - khóm - tôm, nghề đan lục bình… Có ý kiến cho rằng, môi trường nông thôn tại hai huyện đã có nhiều chuyển biến, ý thức người dân được nâng lên, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, cần phân loại rác tại nguồn để có hướng xử lý phù hợp như chôn lấp, làm phân hữu cơ...; rác vô cơ, chất thải rắn cần được thu gom xử lý tập trung.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đánh giá cao những nỗ lực hai huyện Gò Quao, Giồng Riềng đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, hai huyện quan tâm tuyên truyền, vận động hộ dân phân loại chất thải rắn tại nguồn, giữ gìn cảnh quan môi trường, tăng diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Theo ông, Kiên Giang là tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước nên rất có tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP, do đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) trên địa bàn. Hai huyện Giồng Riềng, Gò Quao cần có kế hoạch phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng; có giải pháp khắc phục những vấn đề người dân chưa hài lòng về bảo vệ môi trường nông thôn; sớm hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận hai huyện Giồng Riềng và Gò Quao đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020...
Lễ hội Nghinh Ông ở xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao phát triển bền vững, hiệu quả, tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của nông dân, bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Được biết, tỉnh Kiên Giang đặt ra mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong 5 năm tới. Ngoài việc huy động nguồn lực nhân dân đóng góp kết hợp với các nguồn vốn khác, tỉnh sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai mạnh các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Chưa hết, trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh còn đổi mới và phát triển công tác đào tạo nghề cho nông dân, chú trọng đào tạo những nghề như: nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất giống cây trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí nông nghiệp... ; củng cố lại các hợp tác xã nông nghiệp để nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp nhằm chủ động trong sản xuất, tránh trình trạng “được mùa, mất giá”.
Có thể nói, trong thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hạ tầng kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 79/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chỉ tiêu nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 16,6 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm. Huyện Tân Hiệp của tỉnh đã đạt Huyện nông thôn mới và cơ quan chức năng vừa thẩm định công nhận 2 huyện Giồng Riềng, Gò Quao .
Nhờ xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh có 80% đường liên ấp nhựa hóa, 99% hộ sử dụng điện an toàn, giải quyết việc làm từ 35.000 - 40.000 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 99%...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí một cách bền vững ở các xã, nhất là các xã đã được công nhận nông thôn mới; chú trọng xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ vùng nông thôn, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp để giúp nông dân nâng cao thu nhập, phấn đấu giá trị sản lượng trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 130 - 170 triệu đồng/ha, trong đó giá trị sản lượng bình quân trồng trọt 100 - 110 triệu đồng/ha; thực hiện tốt đề án mỗi xã một sản phẩm...
Tác giả: Thế Hạnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021