Huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) xác định xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn.
Lễ Khánh thành hạng mục cầu Thuận Duyên
Năm 2011, thời điểm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), 100% xã ở Giồng Riềng không đạt tiêu chí giao thông. Sau 10 năm xây dựng NTM, huyện có một hệ thống giao thông liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp. Trong đó, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 156,2/156,2km; đường trục ấp, liên ấp cứng hóa 350,1/318,9 km; đường ngõ, xóm cứng hóa 710,6/916,2km.
Ngoài ra, Giồng Riềng còn nâng cấp, sửa chữa và xây mới các các hệ thống cung cấp nước sạch nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn đạt 98,3%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 67,5%, trong đó 22,6% hộ dân được cung cấp nước sạch từ 26 công trình cấp nước tập trung.
Huyện cũng đã thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” năm 2020 và giai đoạn năm 2021-2025 có 2 sản phẩm (Bánh tráng Mạnh Tài, mắm Tám Dô) đạt chuẩn OCOP 3 sao. Trong năm 2021, phát triển thêm 2 sản phẩm là rượu Hoa Hải Đường và trà Mãng cầu xiêm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; giai đoạn 2021-2025, có thêm ít nhất 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, ít nhất 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.
Ở thời điểm hiện tại, huyện đang tập trung đẩy mạnh phát triển 2 địa điểm du lịch sinh thái nông nghiệp homestay là vườn dâu xã Long Thạnh và vườn sầu riêng, măng cụt xã Ngọc Hòa; phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ như: nghề đan đác truyền thống xã Bàn Thạch, nghề vót đũa, rổ tre xã Bàn Tân Định, Hợp tác xã đan ghế nhựa xã Long Thạnh. Các sản phẩm có tiềm năng như: tiêu hữu cơ, măng cụt, sầu riêng xã Ngọc Hòa và Hòa Thuận; nước mắm cá linh Hương Đồng, xã Hòa An; mật ong vườn tràm xã Thạnh Lộc; dưa leo muối xã Ngọc Thuận... được tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào chương trình OCOP.
Hiện nay, ước tính mỗi ngày trên địa bàn huyện có lượng rác thải ra môi trường khoảng 155m3, tương đương 83,75 tấn/ngày, 29.104 tấn/năm. Giồng Riềng đã tổ chức thu gom, vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung xã mỗi ngày khoảng 65m3, tương đương 42 tấn/ngày, khoảng 15.330 tấn/năm, đạt tỷ lệ 50,14%; phần còn lại chưa thu gom do địa bàn rộng, xe chỉ thu gom các tuyến đường chính nên người dân chủ yếu xử lý tại hộ gia đình. 34.376 hộ có hố rác gia đình bao gồm hố rác bằng đất và bê tông, lượng rác nhân dân tự phân loại xử lý tại hộ gia đình ước khoảng 31,75 tấn/ngày; khoảng 11.589 tấn/năm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình toàn huyện đạt 88,04%.
Để đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Giồng Riềng triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm xử lý rác thải như: ủ phân compost tận dụng để trồng trọt, đào hố chôn lấp, tái sử dụng chất thải hữu cơ; tái chế, tái sử dụng chất thải có thể phục hồi, chế biến. Xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng xã, thị trấn với phong trào “Chống rác thải nhựa và nhân rộng mô hình đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm”, mô hình “Đoạn đường đẹp”, “Thắp sáng đường quê”; “5 không 3 sạch”; “Câu lạc bộ về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”… nhằm cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Song song với đó, trong thời gian tới, tỉnh, huyện sẽ phân bổ nguồn lực nâng cấp 26 công trình cấp nước tập trung để nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch. Dự kiến trong quý 1/2021, sẽ khởi công xây dựng trạm nước Thạnh Bình và Thạnh Phước với công suất 15.000 m3/ngày/ đêm phục vụ khoảng 8.000 hộ sử dụng nước sạch và xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung, rà soát lại nhu cầu đầu tư nước sạch cho khu vực nông thôn trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2021- 2025 để đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Đồng thời, Giồng Riềng sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng thêm ít nhất 150km tuyến đường ngõ xóm, nâng tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa đạt chuẩn từ 93,9% trở lên. Hoàn thiện các hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đến năm 2025 đạt từ 90% trở lên, tỷ lệ cống đập trạm bơm điện được kiên cố hóa từ 80% trở lên; xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang hoàn thiện hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; duy trì và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất văn hóa như: Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện, Nhà văn hóa xã, Nhà văn hóa các ấp, sân thể thao xã và ấp, các thiết chế văn hóa. Bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, các công trình trọng điểm nhằm nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị. Trong đó, ưu tiên đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch sinh thái - văn hóa huyện Giồng Riềng.
Các tổ hợp tác, cánh đồng lớn và các hợp tác xã đã thành lập tiếp tục được củng cố; các THT, HTX được tạo điều kiện trao đổi với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGap để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực của địa phương đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch.
Giồng Riềng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân hỗ trợ, đóng góp bằng tiền, vật tư, ngày công lao động, hiến đất,… phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp và người dân để đầu tư phát triển sản xuất và chỉnh trang các công trình phúc lợi nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm xã Thạnh Hưng, Long Thạnh, Hòa Lợi, Ngọc Thuận và Thạnh Phước; 1 xã đạt NTM kiểu mẫu Thạnh Hưng.
Tác giả: Trương Anh Sáng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 459, tháng 4-2021