Trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện Phù Ninh (Phú Thọ) luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân qua đó, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
CLB hát Xoan và dân ca Phú Thọ xã Phú Nham biểu diễn hát Xoan tại đình Cả
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, UBND huyện Phù Ninh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, Kế hoạch, hướng dẫn về công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Các xã, thị trấn thực hiện việc lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện hương ước, quy ước trong nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi hương ước, quy ước của mỗi khu dân cư đi vào cuộc sống, ý thức của người dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Ông Nguyễn Đức Thịnh, trưởng khu 11, xã Phú Mỹ chia sẻ: “Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa, đồng thời bổ sung những nội dung mới tiến bộ phù hợp với tình hình thực tế địa phương, năm 2018 khu 11, xã Phú Mỹ đã họp bàn thống nhất xây dựng hương ước, quy ước của khu gồm 5 chương, 23 điều. Ngoài quy định chung, hương ước của khu dân cư còn coi trọng việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, đoàn kết dân tộc, khuyến khích các hộ gia đình tổ chức lễ cưới, hỏi theo nếp sống mới, loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tang”. Trong quá trình triển khai, UBND huyện chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn các khu dân cư việc rà soát sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước cho phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế nhằm thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chúng tôi còn tiến hành đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu để quần chúng noi theo. Đến nay, 100% khu dân cư trên địa bàn huyện được phê duyệt hương ước, quy ước theo Quyết định số 2991/QĐ - UBND ngày 24/9/2018 của UBND huyện Phù Ninh.
Việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội; đồng thời, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là phát huy và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể. Từ 2009 đến nay, Phù Ninh đã khôi phục được CLB Ca trù ở thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ; duy trì và thành lập được 7 CLB hát Xoan đi vào hoạt động có hiệu quả (trong đó có 4 CLB cấp tỉnh, 3 CLB cấp xã). Các lễ hội được tổ chức thường niên như: lễ hội Đình Tử Đà (xã Tử Đà), lễ hội Đình Xuân Hưng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ - thị trấn Phong Châu; lễ hội Đình Làng Tố (lễ hội dồn lợn) xã Trạm Thản; lễ hội Đình Vĩnh Xá (xã Hạ Giáp); lễ hội chùa Hoàng Long (xã An Đạo); lễ hội Đền Nhà Bà (xã Tiên Du);… Các lễ hội tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính trang nghiêm, không có hiện tượng mê tín dị đoan, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Hương ước, quy ước đã phát huy vai trò, hiệu quả trong việc khơi dậy tính chủ động, tự nguyện của đông đảo người dân đối với những công việc chung của khu, xã. Nhờ đó, trong những năm qua, tỷ lệ Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa toàn huyện tăng lên đáng kể. Số Gia đình văn hóa năm 2010 là 21.178/24.112 gia đình, đạt tỷ lệ 88%; năm 2015 có 24.715/27617 gia đình đạt tỷ lệ 90%; năm 2020 tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 92%. Tỷ lệ khu dân cư đạt chuẩn văn hóa năm 2010: 68%; năm 2015: 82%, năm 2020, tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 92%. Đời sống văn hóa xã hội được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hiện nay, 183/183 khu dân cư có Nhà văn hóa để hoạt động; phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ ở các xã, thị trấn. Toàn huyện có 1 đội văn nghệ cấp huyện, 2 đội văn nghệ mạnh được cấp tỉnh công nhận (xã Phú Lộc và thị trấn Phong Châu); 150 đội văn nghệ khu dân cư thường xuyên hoạt động sôi nổi, rộng rãi, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Có thể thấy, hương ước, quy ước đã đóng góp phần vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, chung tay xây dựng nông thôn mới. Bằng chứng là từ năm 2015 đến nay, đời sống kinh tế của các tầng lớp nhân dân từng bước được ổn định và phát triển bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua hàng năm. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Diện mạo khu vực nông thôn có nhiều đổi mới, 10/16 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Với những lợi ích thiết thực như trên, rõ ràng việc thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào việc hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, phát huy những truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, tiến bộ. Quá trình thực hiện đã xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, vận động các thành viên trong cộng đồng đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Chỉ đạo rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thẩm định, phê duyệt hương ước, quy ước đảm bảo chất lượng, góp phần phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư.
Tác giả: Đặng Hiền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021