Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm làm ngày Gia đình Việt Nam. Sự ra đời của Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình phải thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ trao giải cuộc thi CLB “Gia đình hạnh phúc” tỉnh Nghệ An năm 2020
Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, 20 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An tổ chức theo hướng là một ngày hội với nhiều hoạt động có ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế… Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình thể hiện sự quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến phụ nữ, người già và trẻ em.qGia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp đã góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.
Xác định được vai trò quan trọng đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện đồng bộ. Đồng thời, huy động toàn hệ thống chính trị - xã hội tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các hoạt động về công tác gia đình.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua, gắn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với công tác gia đình. Duy trì, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ; xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình; các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình dần được bãi bỏ; nhiều mô hình, câu lạc bộ về công tác gia đình được thành lập; nhiều hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được thực hiện. Các cuộc vận động, phát động phong trào, hội thi tìm hiểu về gia đình văn hóa, kiểu mẫu, dòng họ hiếu học; các chương trình truyền thông trong học sinh, sinh viên được lan tỏa. Nhiều chuyên trang, chuyên mục về “Nếp sống văn hóa gia đình” phát thanh trên hệ thống thông tin đại chúng được triển khai thường xuyên. Từ đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí công tác gia đình trong xã hội; về vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong gia đình ngày càng được quan tâm; trách nhiệm, ý thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong gia đình ngày càng được chú trọng; số vụ bạo lực trong gia đình giảm đáng kể (năm 2010 có 844 vụ, năm 2020 còn 452 vụ); ý thức đồng sức, đồng lòng tích cực tham gia xây dựng gia đình, xã hội được nâng lên rõ rệt. Các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình dần được khôi phục; quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình được thực hiện đầy đủ; đặc biệt, với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
Lễ phát động phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020
Từ năm 2005 đến nay, kinh phí đầu tư cho công tác gia đình bình quân cấp tỉnh chi khoảng 300 triệu/năm; trong đó, chuyển 50% kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ; cấp huyện, xã bố trí khoảng 5 - 10% trong nguồn ngân sách chung cho sự nghiệp văn hóa và thể thao (chủ yếu các hoạt động truyền thông). Năm 2020, cấp huyện, thành thị: 20 triệu đồng/năm; xã, phường, thị trấn 10 triệu đồng/năm.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hằng năm, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách và huy động nhiều nguồn lực cho chương trình xóa đói giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo đi xuất khẩu lao động cho 42 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên; chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; chính sách đào tạo, dạy nghề cho đối tượng người có công, người tàn tật, người bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp... Mỗi năm, tỉnh đầu tư trên 1.300 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo; từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 18% (2019) còn 4% (2020) theo chuẩn trung ương. Ngoài ra, chương trình giảm nghèo còn nhận được sự viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ lên đến hàng triệu USD.
Các đơn vị, địa phương đã phát động nhiều phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, làm giàu chính đáng rộng khắp và xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mở trang trại, gia trại, sản xuất kinh doanh, nhận khoán bảo vệ rừng, trồng cây lâm nghiệp, trang trại chăn nuôi, trang trại hỗn hợp; duy trì và bảo vệ làng nghề truyền thống gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thu nhập bình quân toàn tỉnh năm 2006 là 14 triệu đồng/người/năm; năm 2014 là 26 triệu đồng/người/năm đến năm 2019 là 43,8 triệu đồng/người/năm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đã tổ chức phát động nhiều phong trào tình nghĩa, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vay không lấy lãi... Các chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công với cách mạng được triển khai, thực hiện tốt (năm 2005 có 1.035 hộ, năm 2010 có 570 hộ, năm 2019 có 364 hộ); số người được vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách và tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5% (năm 2005 có 937.622 người, năm 2010 có 1.794.775 người, năm 2019 có 2.786.265). Các cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, xây dựng “Quỹ tín dụng vay vốn hội viên nghèo” và nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn không lãi suất được lan tỏa và tạo thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh...
Về xây dựng gia đình văn hóa, có 100% đơn vị, địa phương đưa chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối, xóm văn hóa, xã có thiết chế VHTT đạt chuẩn vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, chương trình hành động của chính quyền và kế hoạch thực hiện của các đoàn thể gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều gia đình gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; giúp đỡ cộng đồng; hăng say sản xuất, phát triển kinh tế; nhiều phong tục tập quán tốt đẹp dần khôi phục, nhiều hủ tục lạc hậu, rườm rà bị xóa bỏ; các nghi thức, nghi lễ được rút gọn, đảm bảo tính văn minh, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương, đơn vị.
Các mục tiêu, chỉ tiêu gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của công tác xây dựng gia đình cũng có trong nghị quyết cấp ủy về thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, địa phương, đơn vị; nội dung xem xét, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên xuất sắc là một trong những tiêu chuẩn công nhận “Gia đình văn hóa" và đưa tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa” làm căn cứ đánh giá, xếp loại các danh hiệu của cán bộ, đảng viên.
Hằng năm, việc xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa được thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”'; các tiêu chí thi đua trong xây dựng Gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu; thôn, bản văn hóa, kiểu mẫu; cơ quan, đơn vị văn hóa, kiểu mẫu được gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu... góp phần đưa tỷ lệ Gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2005, toàn tỉnh có 474.016 được công nhận Gia đình văn hóa (72,9%), năm 2010, có 550.939 được công nhận gia đình văn hóa (77,6%); năm 2020, có 697.510/831.892 được công nhận Gia đình văn hóa (83,84%).
Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp hằng năm được bổ sung, kiện toàn kịp thời và hoạt động có hiệu quả. Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh với 19 thành viên từ các sở, ban, ngành (theo Quyết định số 1553/2009/QĐ-UBND.VX, Quyết định số 124/2014/QĐ-UBND) và ban hành Quy chế hoạt động (Quyết định số 2133/2014/QĐ-UBND), UBND tỉnh đã chỉ đạo 21/21 huyện, thành, thị; 460/460 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình và đi vào nề nếp. Các thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình ở các cấp đã nhận thức rõ vai trò, vị trí của công tác gia đình trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung Chỉ thị 49-CT/TW, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW gắn với chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, đơn vị và các phong trào xã hội: phong trào xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Đến nay, toàn tỉnh có 689 cán bộ làm công tác gia đình (chuyên trách và bán chuyên trách) trong đó: Sở Văn hóa & Thể thao 2 người; bán chuyên trách sở, ban, ngành cấp tỉnh 31 người; các huyện, thành phố thị xã 42 người, bán chuyên trách cấp huyện 126 người, các xã, phường, thị trấn 460 người.
Thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An" (theo Quyết định số 1643/2013/QĐ-UBND-VX) với các chỉ tiêu: Năm 2015, đạt 85-90%, năm 2020, đạt trên 90% gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng ngừa sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; trên 90% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về hôn nhân và gia đình; trên 90% gia đình không có bạo lực, không có tệ nạn xã hội và trên 95% gia đình không có người tảo hôn... đã góp phần đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghệ An vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự sâu sát và rõ nét, chưa đồng đều, chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Chưa có công trình nghiên cứu toàn diện về công tác gia đình. Việc theo dõi và đánh giá công nhận Gia đình văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Một số phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa còn tạo ra nếp sống gia đình gia trưởng, trọng nam khinh nữ, tảo hôn; tình trạng suy thoái đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội... gây ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng, xã hội...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới, Nghệ An cần tập trung chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW của Ban Bí thư, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác gia đình trong giai đoạn mới. Có chủ trương, cơ chế, chính sách và đầu tư phù hợp đối với công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh; quan tâm đầu tư các công trình nghiên cứu trọng điểm, toàn diện về công tác gia đình ở Nghệ An. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu và hoạt động trong công tác gia đình; đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức công tác văn hóa cơ sở; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực, có tinh thần trách nhiệm và có chuyên môn. Tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, phát động nhiều phong trào, chương trình, hội thi... về công tác gia đình gắn với các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và rà roát, bổ sung, đôn đốc thực hiện các chương trình, đề án cụ thể hóa của Chỉ thị số 49-CT/TU, Thông báo Kết luận số 26-TB/TW.
Tác giả: Nguyễn Vinh Quang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021