Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Xác định tầm quan trọng như vậy nên huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã chú trọng xây dựng và phát triển phong trào. Kết quả đáng phấn khởi là đến thời điểm này, phong trào của huyện đã có những bước phát triển mới, khả quan, hiệu quả, có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Công tác gia đình ở huyện Lộc Hà ngày càng được quan tâm. Nhiều loại hình câu lạc bộ gia đình được thành lập đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển. Việc bình xét Gia đình văn hóa tại thị trấn và các xã được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát các tiêu chí. Tính đến nay, toàn huyện có 21.068/22.114 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, chiếm tỉ lệ 95%. Sự phát triển của phong trào xây dựng gia đình văn hóa giúp giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Cùng với việc xây dựng tiêu chí văn hóa trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, phong trào xây dựng Thôn văn hóa ngày càng được quan tâm, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Việc bình xét danh hiệu này tại 12 đơn vị cấp xã đã được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công bằng, khách quan, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Nhiều thôn, tổ dân phố sau khi được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa đã trở thành điểm sáng, giữ vững danh hiệu nhiều năm liên tục. Đến nay, huyện Lộc Hà đã có 91/92 thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 99%. Có thể nói, sự phát triển của phong trào xây dựng Thôn văn hóa đã làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng lành mạnh, phong phú, đời sống kinh tế ở các thôn, tổ dân phố ổn định và phát triển, đặc biệt góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đặc biệt, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được triển khai và tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, từng bước tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực trên các mặt của đời sống xã hội. Số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục được xã hội hóa. Có thể khẳng định, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo nên sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Huyện Lộc Hà đã tích cực thực hiện Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL ngày 24/9/2014 của Bộ VHTTDL quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”... Đến nay, toàn huyện có 28 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 41%. Phong trào đã thực sự tạo ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, có tác động rất lớn đến đời sống văn hóa của người lao động, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, dân chủ; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động; cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục được huyện quan tâm thực hiện. Đây là tiêu chí quan trọng trong xét công nhận Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; trở thành một nội dung quan trọng trong xây dựng hương ước, quy ước tại các thôn. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngành Văn hóa thì hoạt động lễ hội về cơ bản được tổ chức gọn nhẹ, chỉ tổ chức phần lễ không tổ chức phần hội. Các đám cưới, đám tang được hướng dẫn thực hiện trong điều kiện phòng, chống dịch. Trong năm 2020, toàn huyện có 531 đám cưới và 647 đám tang được tổ chức, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Các đám tang được thực hiện theo nghi thức truyền thống văn hóa, đảm bảo thuần phong mỹ tục địa phương. Các nghĩa trang trên địa bàn huyện đã được quy hoạch theo đúng quy định.
Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, đến nay, các thiết chế văn hóa - thể thao tại Lộc Hà được đầu tư khá đồng bộ: 12/12 đơn vị cấp xã có hệ thống thiết chế đảm bảo hoạt động (đạt tỷ lệ 100%); 91/92 thôn có Nhà văn hóa đạt chuẩn phục vụ sinh hoạt cộng đồng, 100% thôn có tủ sách, 100% thôn có sân thể thao và hệ thống sân chơi, bãi tập cơ bản phát huy tốt công năng sử dụng; hệ thống bảng biểu các tiêu chí văn hóa theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP được cập nhật kịp thời, trang trí khánh tiết phù hợp với quy chuẩn, đảm bảo về mặt thẩm mỹ; hệ thống chiếu sáng phủ kín các làng quê; hơn 90% hộ dân được sử dụng dịch vụ internet và có các phương tiện nghe nhìn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Lộc Hà vẫn còn có những hạn chế. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa thật đầy đủ và tích cực. Một bộ phận, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên chưa chấp hành nghiêm những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Sự biến động về môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa - xã hội, nền kinh tế thị trường tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân, phần nào làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống, chất lượng các danh hiệu văn hóa có nguy cơ thiếu bền vững, một số nơi còn chạy theo thành tích trong xét công nhận các danh hiệu. Việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa chưa được một số đơn vị quan tâm đúng mức. Kinh phí phục vụ cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp còn hạn chế. Một số đơn vị sớm thỏa mãn với danh hiệu được công nhận, có biểu hiện buông lỏng công tác chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu dẫn đến việc không được công nhận lại.
Mặc dù có một số tồn tại nhưng nhìn chung, những kết quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự tạo hiệu ứng tốt trên địa bàn huyện Lộc Hà. Điều này không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà huyện đã đề ra. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong thời gian tới huyện Lộc Hà cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần khẳng định vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp, phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nâng cao trách nhiệm của từng thành viên, đưa ra các giải pháp, phương pháp và cách thức phù hợp với tình hình phát triển phong trào và điều kiện của địa phương.
Hai là, tăng cường nâng cao sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, cán bộ làm công tác phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa các nội dung phong trào, đưa phong trào phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng.
Ba là, tăng cường phối hợp tuyên truyền cả chiều rộng lẫn chiều sâu, phát huy vai trò các thiết chế văn hóa, hệ thống báo đài, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo... giúp cho mỗi đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa tác dụng, hiệu quả thiết thực của phong trào, cũng như nhân rộng các mô hình hay, tiêu biểu. Đẩy mạnh, gắn việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước khác.
Bốn là, việc triển khai thực hiện phong trào phải gắn liền với triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và các chương trình xây dựng thôn mới phù hợp với thực tế của địa phương, được nhân dân bàn bạc, thống nhất; lấy chất lượng, hiệu quả, lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu của phong trào.
Năm là, cần tập trung hơn nữa trong việc phối hợp đánh giá, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, dòng họ văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng con người về đạo đức, nhân cách và lối sống.
Tác giả: Nguyễn Nga
Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021