Nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn)

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tại huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), tỉnh đã chú trọng đầu tư vào du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Sự phát triển này cần sự ủng hộ và nhận thức đúng đắn từ cộng đồng địa phương về vai trò của mình. Người dân cần tăng cường tham gia vào các hoạt động du lịch và hưởng lợi từ đó. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn sâu cư dân; điều tra xã hội học, sau đó xử lý dữ liệu... Bài viết tập trung phân tích rõ thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn.

Người dân tham gia vào cuộc thi đua bè trên suối tại “Ngày hội du lịch sinh thái và trải nghiệm” huyện Bắc Sơn năm 2024 - Ảnh: bacson.langson.gov.vn

1. Cơ sở lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch

Khái niệm sự tham gia của cộng đồng địa phương trong du lịch

Có nhiều quan niệm khác nhau, từ góc độ tiếp cận khác nhau về khái niệm sự tham gia của cộng đồng. Trong bài viết này, nhóm tác giả quan niệm: Sự tham gia của cộng đồng vào du lịch được hiểu: các giá trị vật chất và tinh thần của người dân địa phương được phát huy trong du lịch, nhằm phát triển các lợi ích kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường du lịch; tăng tính bền vững của điểm đến du lịch cộng đồng. 

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch

Yếu tố quan trọng để thúc đẩy cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch là kinh tế, du lịch tạo ra công ăn việc làm. Người dân địa phương có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh như: làm dịch vụ, kinh doanh làng nghề thủ công, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm… Từ đó, một số ngành liên quan phát triển: dịch vụ homestay, vận chuyển… tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Nhờ có du lịch mà cơ chế chính sách cũng có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển, hỗ trợ vay vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng nên nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.

Sự ủng hộ của chính quyền địa phương giúp cộng đồng địa phương định hướng rõ ràng, điều hành, đảm bảo an ninh, tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

Nguồn lực của hộ gia đình: bao gồm nguồn nhân lực (chất lượng và số lượng lao động), nguồn vốn xã hội (mối quan hệ họ hàng, thân quen), nguồn vốn tự nhiên (đất đai thuộc sở hữu của hộ), nguồn vốn vật chất (cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện của hộ), nguồn vốn tài chính (vốn).

Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành có nguồn khách, kinh nghiệm phát triển du lịch cũng là yếu tố thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch.

Những rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch 

Tầm nhìn hạn chế, thiếu quan tâm và nhận thức hạn chế về du lịch ở một số cộng đồng địa phương dẫn đến việc làm du lịch không có kế hoạch hoặc theo phong trào, gây ra nhiều bất cập và hạn chế trong hoạt động du lịch.

Thiếu vốn đầu tư là một thách thức lớn đối với phát triển du lịch cộng đồng, và cần có chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương để khuyến khích và giúp các hộ gia đình, cá nhân thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch địa phương.

Thiếu sự hợp tác và trao đổi giữa các bên liên quan làm giảm chất lượng và đa dạng sản phẩm du lịch. Ở tầm vĩ mô, không có sự kết nối giữa điểm du lịch, công ty lữ hành và công ty vận chuyển, khiến khách du lịch thường tự túc mà không qua các công ty lữ hành. Ở tầm vi mô, sự thiếu liên kết giữa các điểm du lịch dẫn đến hoạt động du lịch giống nhau nhưng giá cả khác nhau, gây sự đơn điệu và nhàm chán cho du khách.

Chất lượng nhân lực trong phát triển du lịch chưa cao. Người dân địa phương, dù là chủ thể chính, thiếu tổ chức, chuẩn bị và kỹ năng. Sự nóng vội thu lợi dẫn đến tình trạng nhà nhà làm du lịch, ai cũng có thể trở thành hướng dẫn viên, gây cạnh tranh thiếu lành mạnh và thu hút khách bằng mọi giá.

Vì lợi nhuận trước mắt, người dân ở một số địa phương bỏ nghề truyền thống để chạy theo du lịch, làm giảm sự đa dạng và tính hấp dẫn của địa phương. Khi cộng đồng không giữ gìn bản sắc riêng và thương mại hóa du lịch, sản phẩm du lịch trở nên đơn điệu, dẫn đến mất cơ hội phát triển bền vững.

2. Thực trạng sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn

Để nghiên cứu thực trạng tham gia của cộng đồng địa phương ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn vào hoạt động du lịch, nhóm tác giả sử dụng ba phương pháp nghiên cứu chính: Phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện với 20 gia đình tại địa phương để tìm hiểu nhận thức, mức độ tham gia và nguyện vọng của họ trong du lịch, cùng những khó khăn gặp phải; Phương pháp điều tra xã hội học sử dụng phiếu khảo sát cho cư dân huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn, cán bộ công chức và thành viên các tổ chức chính trị - xã hội, kết hợp phỏng vấn sâu để bổ sung thông tin, tạo sự phong phú và minh bạch cho nghiên cứu; Bảng hỏi được thiết kế gồm ba phần: giới thiệu, thông tin nhân khẩu học và nội dung chính, với các câu hỏi ngắn gọn, bao gồm câu hỏi đóng và mở.

Tổng số phiếu khảo sát phát ra cho người dân đang sinh sống trên địa bàn huyện Bắc Sơn là 300 phiếu, số phiếu thu về hợp lệ là 289 phiếu.

Tỷ lệ người dân tham gia hoạt động du lịch

Kết quả khảo sát số lượng hộ dân tại địa phương tham gia hoạt động du lịch từ việc lập kế hoạch, tham gia công tác bảo vệ tài nguyên du lịch đến việc cung ứng các dịch vụ du lịch cũng như tham gia quảng bá hình ảnh địa phương cho thấy có đến 72% cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch và 28% không tham gia vào hoạt động này.

Các dịch vụ du lịch có sự tham gia của cộng đồng 

Theo biểu đồ, đối với những người dân tham gia vào hoạt động cung ứng dịch vụ, thì lực lượng tham các cơ sở dịch vụ nhà hàng phục vụ ăn uống và các cơ sở lưu trú, kinh doanh homestay khá cao, lần lượt là 47%, 43% và 32%. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ tham quan, kinh doanh lữ hành và hướng dẫn khách du lịch tham quan tỷ lệ khá thấp ở mức 14%, 14% và 12%.

Mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động cung ứng các dịch vụ du lịch và lập kế hoạch phát triển dịch vụ du lịch địa phương

(Nguồn: tác giả điều tra, 2024)

Thực tế khảo sát đã chỉ ra, bên cạnh hơn một nửa số dân trên địa bàn đã tham gia dịch vụ du lịch với mức độ trung và khá (tư vấn và khuyến khích), vẫn còn một số người dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn thiếu đi sự chủ động, sáng tạo trong quá trình cung cấp dịch vụ du lịch. Đây là một trong những hạn chế cần được chú trọng để khắc phục nhằm đưa hoạt động du lịch của cộng đồng cư dân Bắc Sơn trên địa bàn huyện Bắc Sơn trở thành hoạt động du lịch bền vững.

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn

(Nguồn: tác giả điều tra, 2024)

Để nhận diện nhân tố thúc đẩy cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch tại huyện Bắc Sơn, tác giả đã tìm hiểu ý kiến của các bên liên quan, tổ chức thảo luận nhóm với thành phần tham dự là cư dân sống tại địa phương với 5 mức độ các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch: cơ hội việc làm và kỹ năng quản lý điều hành du lịch có mức độ ảnh hưởng nhất đến sự tham gia của cộng đồng; tiếp theo là yếu tố gia tăng thu nhập cho cộng đồng và chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển du lịch có mức độ ảnh hưởng ở tầm trung và tương đương nhau. Song, do trình độ dân trí chưa cao, tâm lý xem trọng những lợi ích cá nhân hơn lợi ích tập thể, nên yếu tố hiểu được lợi ích của hoạt động du lịch mang lại cho cộng đồng được xem xét ở mức độ thấp.

Rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch

Để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của những rào cản đến sự tham gia của cộng đồng trong du lịch, tác giả sử dụng thang Likert. Thang đo Likert 5 điểm đi từ mức độ đánh giá “hoàn toàn không quan trọng” đến “rất quan trọng”.

Nhóm rào cản quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng bao gồm: Không công bằng, minh bạch về chia sẻ lợi ích, trách nhiệm thiếu đối thoại và gắn kết các bên liên quan và thiếu kỹ năng làm du lịch; Nhóm rào cản quan trọng thứ hai ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng là: Thiếu nguồn lực tài chính và xung đột lợi ích cũng như chưa chấp nhận cách giải quyết xung đột; Nhóm rào cản tương đối quan trọng ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng gồm có: Nhận thức về du lịch trong cộng đồng địa phương còn thấp và thiếu thông tin.

3. Đề xuất giải pháp phát huy sự tham gia của cộng đồng cư dân Bắc Sơn vào hoạt động du lịch

Sau khi phân tích thực trạng về sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cộng đồng địa phương

Để nâng cao năng lực cộng đồng làm du lịch, cần giảm tỷ lệ người chưa qua đào tạo (hiện là 17,65%), đảm bảo họ có đủ trình độ đọc hiểu tài liệu và chính sách. Điều này đòi hỏi chính quyền điều tra, phân loại người chưa qua đào tạo và huy động tình nguyện viên giúp đỡ. Cần tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch và ngoại ngữ, với nguồn kinh phí từ tổ chức phi chính phủ và địa phương. Năng lực ngoại ngữ cũng cần được chú trọng, thiết lập hệ thống tình nguyện viên hỗ trợ. Tổ chức các chương trình giao lưu học tập từ các mô hình du lịch thành công hoặc mời người thành công đến giao lưu, với kinh phí từ mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Thứ hai, tăng cường gắn kết các bên liên quan để cùng nhận diện rào cản và khắc phục những rào cản đó

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hai rào cản chính khiến cộng đồng không hào hứng tham gia du lịch là sự thiếu công bằng, minh bạch trong chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và thiếu đối thoại, gắn kết các bên liên quan. Các xung đột lợi ích chưa được giải quyết thỏa đáng, do quy hoạch du lịch không từ dưới lên, thiếu sự tham gia của cộng đồng ngay từ đầu. Để khắc phục, cần tăng cường các buổi đối thoại thường xuyên, kết hợp với họp thôn, bản, phân biệt rõ giữa sự tham gia thực chất và sự hiện diện đơn thuần. Loại trừ đối thoại hình thức sẽ nâng cao chất lượng đối thoại và giảm rào cản.

Thứ ba, hỗ trợ cộng đồng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp người dân chuyển đổi nghề nghiệp và phát triển du lịch bền vững, nhưng số tiền vay từ 10-30 triệu đồng/hộ và thời gian vay 2 năm là hạn chế. Các khoản vay nhỏ và thời gian ngắn chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho các nghề cần vốn lớn và thu hồi vốn lâu như kinh doanh homestay hay cho thuê xe. Để phát huy hiệu quả, cần kết hợp hỗ trợ vốn với đào tạo kỹ năng và kiến thức, khuyến khích sử dụng vốn tự có và vốn vay, có tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn đối tượng vay với sự đồng thuận cao từ cộng đồng.

Thứ tư, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương

 Để cải thiện du lịch, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới và tiếp cận thị trường mới. Chuyển từ quảng cáo giới thiệu sang tạo niềm tin và sự yêu thích sản phẩm. Cụ thể, tăng cường truyền thông nội bộ để khẳng định thương hiệu địa phương, phát triển dịch vụ du lịch độc đáo dựa trên tri thức bản địa, xây dựng đối tác chiến lược với các công ty du lịch để thống nhất về giá cả và hoạt động, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch qua mạng xã hội và phương tiện mới, thay mới pano, biển quảng cáo và biển chỉ dẫn du lịch.

Thành công của du lịch phụ thuộc vào sự tham gia của cộng đồng địa phương, vì họ đóng vai trò quan trọng trong khai thác tài nguyên và phát triển sản phẩm du lịch. Nghiên cứu xem xét mức độ tham gia của người dân vào các hoạt động du lịch, nhận diện các yếu tố thúc đẩy và rào cản ảnh hưởng. Sử dụng phương pháp định tính và định lượng, với mẫu khảo sát n=300. Kết quả thể hiện mức độ tham gia vào bảo vệ môi trường, cung ứng dịch vụ, lập kế hoạch và quảng bá du lịch. Nghiên cứu xác định các yếu tố thúc đẩy và rào cản sự tham gia của cộng đồng; Đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại Bắc Sơn.

________________

Tài liệu tham khảo

1. UBND tỉnh Lạng Sơn, Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 19-9-2022 triển khai thực hiện “Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030” giai đoạn 2022-2025.

2. Võ Quý, Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc quản lý các khu bảo tồn, tuyển tập báo cáo, Hội thảo quốc gia về sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, TP.HCM, 2005.

3. Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách Xã hội, Tiếp cận cộng đồng và quản lý dự án phát triển SPERI-FFS, 2007.

4. Ellis, S., Community- based Tourism in Cambodia: Exploring the Role of Community for Successful Implementation in Least Developed Countries (Du lịch dựa vào cộng đồng ở Campuchia: Khám phá vai trò của cộng đồng để thực hiện thành công ở các nước kém phát triển nhất), Luận án Tiến sĩ, Đại học Edith Cowan, Úc, 2011.

CHU THỊ HẰNG NGA - TS ĐỖ HẢI YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;