Nâng cao hiệu quả hoạt động học tập phục vụ cộng đồng trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam

Học tập phục vụ cộng đồng (HTPVCĐ) được triển khai rộng rãi trong hoạt động đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều hoạt động trong chương trình đào tạo hoặc ngoại khóa tương đồng với hoạt động HTPVCĐ mang lại hiệu quả tốt trong việc thu hút sự tham gia của người học, tạo hiệu ứng tích cực cho cộng đồng và làm cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch (NNLDL) trở nên có chất lượng. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các tài liệu liên quan đến HTPVCĐ và dựa trên thực tiễn tổ chức, triển khai hoạt động này tại một số trường đại học, bài viết trình bày cơ sở lý luận, phân tích vai trò của HTPVCĐ đối với các bên tham gia. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả trình bày một số đề xuất phát huy hiệu quả HTPVCĐ trong quá trình đào tạo NNLDL nhằm đáp ứng yêu cầu không ngừng đổi mới, phát triển của ngành Du lịch nước nhà.

Các học viên thực hành, tìm hiểu văn hóa truyền thống tại Lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch (tỉnh Kon Tum) - Ảnh: baokontum.com.vn

1. Lý thuyết HTPVCĐ

HTPVCĐ bắt nguồn từ quan điểm gắn việc học lý thuyết với trải nghiệm, nhận thức với hành động của John Dewey và William vào những năm đầu TK XX là: “Giáo dục là vừa học vừa làm”, “Giáo dục phải phù hợp với cuộc sống và kinh nghiệm của các sinh viên”, “Sự tương tác giữa kiến thức và kỹ năng với kinh nghiệm là chìa khóa để học tập”, cùng với đó là việc cụ thể hóa quan điểm HTPVCĐ và tích hợp HTPVCĐ vào các chương trình đào tạo đại học (1). HTPVCĐ được định nghĩa: “Là một loại trải nghiệm giáo dục bao gồm việc tích lũy tín chỉ, trong đó sinh viên tham gia vào một hoạt động phục vụ có tổ chức đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và chiêm nghiệm về hoạt động đó nhằm hiểu thêm về nội dung khóa học, đánh giá cao hơn về ngành học và nâng cao ý thức trách nhiệm công dân” (2). HTPVCĐ là một sự kết hợp cân bằng của cả hai khái niệm “Phục vụ” và “Học tập” (3). Jacoby cho rằng: “Học tập phục vụ cộng đồng là một hình thức giáo dục trải nghiệm, trong đó học sinh tham gia vào các hoạt động giải quyết vấn đề và nhu cầu của cộng đồng cùng với sự tự phản ánh của người học nhằm đạt được kết quả học tập mong muốn” (4). Nguyễn Duy Minh đưa ra khái niệm HTPVCĐ: “Là những hoạt động phục vụ được xác định bởi nhà trường, cá nhân hoặc tập thể bao gồm giảng viên, cán bộ, sinh viên thông qua các hoạt động chính thức hoặc không chính thức nhằm sử dụng các nguồn nhân lực, tài lực và năng lực để giải quyết các vấn đề cụ thể, mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người dạy, người học và xã hội; hình thành ý thức trách nhiệm với cộng đồng, phát triển tiềm năng để thích ứng với sự thay đổi của xã hội” (5).

Nhóm tác giả đồng thuận với quan điểm của Trần Thị Bích Hòa, HTPVCĐ được hiểu với ba đặc điểm chính: Đáp ứng nhu cầu con người trong một cộng đồng mà liên quan đến tình trạng của cá nhân và/ hoặc tình trạng môi trường mà họ sinh sống; Mục tiêu học thuật và mục tiêu công dân đạt được thông qua quá trình phục vụ kết hợp học tập; Cơ hội cho sinh viên thể hiện kinh nghiệm và kết nối với các mục tiêu học thuật/ công dân được lồng ghép trong hoạt động (6).

Kế thừa các nghiên cứu trước và thực tế tham gia một số lớp tập huấn về HTPVCĐ, nhóm tác giả đề xuất cách hiểu về hoạt động HTPVCĐ như sau: hoạt động HTPVCĐ là quá trình dạy và học chủ động, có sự gắn kết giữa môi trường lớp học với các hoạt động bên ngoài cộng đồng mà thông qua đó người học áp dụng kiến thức, kỹ năng được học trên ghế nhà trường vào điều kiện thực tế. Kết quả của hoạt động HTPVCĐ hướng đến mục tiêu hỗ trợ giải quyết vấn đề thực tế của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cộng đồng, đồng thời mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người dạy, người học và xã hội.

2. Ý nghĩa của hoạt động HTPVCĐ trong đào tạo NNLDL

Trải nghiệm thực tế, gắn kết với thực tiễn nghề nghiệp là một hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục nói chung và đào tạo ngành Du lịch nói riêng. Hoạt động trải nghiệm thực tế có thể coi là một phương pháp tối ưu trong dạy và học ngành Du lịch. Thông qua trải nghiệm thực tế giúp người đứng lớp và người học ngành Du lịch có cơ hội được trau dồi kiến thức thực tế, thực hành các kỹ năng nghiệp vụ, phát triển kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội, của nghề du lịch.

Để phát triển du lịch một cách bền vững phải bắt nguồn từ tài nguyên du lịch và cộng đồng địa phương. Khi khai thác phải không ngừng củng cố để có thể khai thác lâu dài. Đẩy mạnh hoạt động HTPVCĐ trong quá trình đào tạo NNLDL mang ý nghĩa giáo dục không chỉ đối với người đứng lớp, người được đào tạo về du lịch, mà còn hướng đến cộng đồng, bao gồm dân cư địa phương, khách du lịch và cả doanh nghiệp du lịch. Đưa hoạt động HTPVCĐ và quá trình đào tạo NNLDL bao hàm việc đem lại lợi ích phục vụ cộng đồng nhằm phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững và nhân văn. Hoạt động HTPVCĐ có thể mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các bên tham gia trong quá trình đào tạo NNLDL.

Đối với người học

HTPVCĐ giúp người học mở rộng việc học tập ra ngoài phạm vi khuôn khổ lớp học. Tham gia quá trình HTPVCĐ, người học được yêu cầu tiếp cận với cộng đồng và các hoàn cảnh thực tế để giải quyết tình huống. Đặc biệt, người học có cơ hội áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học, so sánh giữa lý thuyết với thực tiễn, có thể nhận thức tốt hơn về nghề nghiệp của mình, từ đó nâng cao chất lượng học tập của bản thân, tạo động lực học tập tốt trong quá trình diễn ra môn học.

Người học được rèn luyện một số kỹ năng cơ bản như: tổng hợp, phân tích và sử dụng thông tin hiệu quả, diễn đạt và thuyết trình, giao tiếp trực tiếp, gián tiếp và một số kỹ năng bổ trợ như: khả năng làm việc độc lập và khả năng làm việc nhóm, đánh giá thách thức và giải quyết vấn đề, lập kế hoạch và viết báo cáo, tư duy tích cực, lãnh đạo, marketing… Quá trình phát hiện, xử lý, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề và khả năng phối hợp làm việc trong nhiều nhóm khác nhau giúp người học có thêm kỹ năng học tập hiệu quả, tự phát hiện ra năng lực, sở trường của bản thân và có thể hình dung ra thực tế công việc sau khi ra trường.

Đồng thời, giúp người học cảm nhận thông qua HTPVCĐ, từ đó hình thành thái độ, kỹ năng, hành vi và trách nhiệm tích cực của công dân đối với địa phương, với xã hội và cộng đồng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi người học trên cơ sở gắn kết với nhà trường, gia đình và cộng đồng. Người học có quan điểm thực tế hơn về các vấn đề của xã hội.

Đối với các cơ sở, đơn vị, tổ chức, trung tâm thực hiện hoạt động đào tạo

Những tác động của HTPVCĐ đối với trường đại học được Eyler và cộng sự chỉ ra gồm có: cải thiện sự hài lòng và tăng sự gắn bó của sinh viên đối với trường, phát triển các mối quan hệ giữa trường đại học và cộng đồng. HTPVCĐ cung cấp ba lợi ích liên quan đến quan điểm giáo dục là phân biệt được phương hướng sư phạm, hiểu và áp dụng được nội dung, gắn kết với cộng đồng (7).

Thực tế cho thấy, đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách áp dụng hoạt động HTPVCĐ sẽ giúp các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng dạy và học, khuyến khích người dạy và người học vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học tương tác trong học tập, nghiên cứu và các hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, giúp xây dựng mạng lưới gắn kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp đóng góp cho quá trình thực hiện mục tiêu chương trình đào tạo đặt ra, tăng thêm cơ hội tìm kiếm đầu ra việc làm cho người học thông qua các mối quan hệ cộng đồng đó và có cơ hội phát triển sâu hơn, rộng hơn lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khi tiếp cận hoạt động HTPVCĐ.

Đối với giảng viên áp dụng hoạt động HTPVCĐ có được lợi ích như phương pháp giảng dạy trở nên đa dạng hơn và hỗ trợ các phong cách học tập khác nhau, hiệu quả giảng dạy và năng lực chuyên môn được nâng cao, cơ hội phát triển nghiên cứu mở ra nhiều hơn. Như vậy, HTPVCĐ cung cấp cho giảng viên bằng cách cho họ cơ hội để tiến hành nghiên cứu cũng như nâng cao năng lực giảng dạy, chất lượng dạy học trong khi tích cực tham gia vào hoạt động điền dã với người học.

Tại Việt Nam, HTPVCĐ là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Về mặt chính sách, nhiệm vụ phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu được đặt ra một cách tường minh tại Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT. Những tiêu chuẩn có liên quan đến hoạt động PVCĐ trong Bộ tiêu chuẩn này gồm tiêu chuẩn 5, 21, 24, 3/25 tiêu chuẩn, 12/111 tiêu chí có liên quan đến phục vụ cộng đồng trong Bộ tiêu chuẩn cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này trong bức tranh chung của một trường đại học.

Đối với cộng đồng

HTPVCĐ mang lại các lợi ích như: có thêm nguồn nhân lực để thúc đẩy các mục tiêu trước mắt hoặc lâu dài, đại diện cộng đồng/ các nhân viên của các tổ chức đóng vai trò quan trọng như là giảng viên của người học (8), vai trò “đồng giáo dục” và các đối tác cộng đồng tạo ra cơ hội quan trọng để chia sẻ công việc, tầm nhìn và mục đích của tổ chức với người học, tạo ra tác động tích cực đến người học khi họ phát triển nghề nghiệp và bản thân. Cộng đồng đóng góp vào hoạt động HTPVCĐ được hưởng lợi từ hoạt động phục vụ của người học, hưởng lợi từ các đóng góp chuyên môn của người dạy và tăng cường mối quan hệ với trường đại học (9).

Như vậy, cộng đồng chính là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp những thành quả mà người học đạt được. Người học tham gia hoạt động HTPVCĐ sẽ trở thành nguồn nhân lực trẻ, tích cực, chủ động học hỏi và sẵn sàng dùng kiến thức, kỹ năng mình đã được học để hỗ trợ phục vụ cộng đồng. Với vai trò tương tác, cộng đồng cũng trở thành nơi giúp người học kiểm chứng kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và đề xuất những hướng đi mới cho chính cộng đồng mà người học phục vụ thông qua những cách tiếp cận mới đồng thời có xu hướng trở thành đối tác liên kết với các cơ sở đào tạo.

Theo nhóm tác giả, là một phần của HTPVCĐ, cộng đồng phải không ngừng nâng cao năng lực trên nhiều phương diện, bao gồm cả những hiểu biết sâu sắc về tri thức bản địa trong sáng tạo các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần và trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chẳng hạn như hoạt động giao tiếp, chuyển giao công nghệ, quảng cáo truyền thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ động thực vật... Cộng đồng có được nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của đa dạng sinh học và giữ gìn bản sắc văn hóa. Những yếu tố kể trên đối với đời sống cộng đồng và sự phát triển du lịch là rất lớn và sâu xa cũng chính là bảo vệ nguồn lợi của cộng đồng.

3. Một số đề xuất nhằm phát huy vai trò của hoạt động HTPVCĐ trong đào tạo NNLDL

Căn cứ đề xuất

Về căn cứ pháp lý, kể từ khi có Thông tư số 12/2017/TT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, nhận thức chung về chức năng phục vụ cộng đồng của trường đại học đã dần được cải thiện. Có thể nói, HTPVCĐ là hoạt động phải thực thi theo Luật Giáo dục đại học nên cần thiết phải triển khai sớm và đồng bộ trong thời gian tới trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trong các cơ sở đào tạo du lịch nói riêng. Với tinh thần trên, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tích cực xây dựng các văn bản hướng đến thực hiện tốt hoạt động HTPVCĐ, như các trường đại học: Hoa Sen, Văn Lang, Nguyễn Tất Thành, Khánh Hòa…

Về căn cứ thực tiễn, đề tài KHXH-22.08: Một số giải pháp triển khai hoạt động học tập phục vụ cộng đồng đối với Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa (10) đã tiến hành nghiên cứu sâu với phương pháp điều tra bằng bảng hỏi trên số lượng 296 sinh viên, phỏng vấn sâu đối với 12 giảng viên tại Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa (tại thời điểm năm học 2022-2023), phỏng vấn sâu 7 trường hợp điển hình: 4 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, khu du lịch đã từng tiếp nhận sinh viên đến học tập, thực hành, thực tập và 3 đại diện cộng đồng dân cư địa phương quan tâm đến hoạt động HTPVCĐ.

Theo kết quả khảo sát, nhận định về sự cần thiết, đa phần sinh viên đồng thuận về mức độ cần thiết của hoạt động HTPVCĐ tại Khoa Du lịch (Hoàn toàn đồng ý chiếm 35,1%, đồng ý chiếm 21,3%). Số lượng sinh viên không đồng tình (Không đồng ý chiếm 7,1%; Hoàn toàn không đồng ý chiếm 4,1%) chênh lệnh đáng kể và chiếm không nhiều so với lượng sinh viên có thái độ đồng tình về sự cần thiết triển khai hoạt động HTPVCĐ tại Khoa Du lịch. Còn lại 31,8% đánh giá bình thường. Nhận định về sự yêu thích, phần lớn sinh viên tỏ thái độ yêu thích đối với hoạt động HTPVCĐ tại Khoa Du lịch (Rất yêu thích chiếm 36,1%, Yêu thích chiếm 22,3%).

Một số đề xuất đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động HTPVCĐ trong đào tạo NNLDL

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng về du lịch

Cần xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách, chương trình cụ thể về HTPVCĐ, hoạch định nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm cụ thể hóa các hoạt động HTPVCĐ trong các cơ sở, đơn vị, trung tâm đào tạo NNLDL.

Cần bổ sung, phân công chức năng nhiệm vụ đối với HTPVCĐ cho các đơn vị có liên quan để tổ chức các hoạt động, triển khai khảo sát nhằm đánh giá thực trạng và cải tiến các hoạt động liên quan đến hoạt động HTPVCĐ.

Tổ chức triển khai đồng bộ đến các đơn vị có liên quan đến du lịch về HTPVCĐ; Tổ chức tập huấn cho cán bộ viên chức ngành Du lịch về nội dung HTPVCĐ để họ hiểu rõ được ý nghĩa, mục đích, lợi ích và cách thức triển khai hoạt động HTPVCĐ.

Thúc đẩy hợp tác với cộng đồng địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp, liên kết các đơn vị đào tạo NNLDL để đề ra các kế hoạch, chính sách hợp lý nhằm gia tăng các hoạt động/ dự án nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ trong cộng đồng.

Đối với các cơ sở, đơn vị, tổ chức, trung tâm trực tiếp thực hiện hoạt động đào tạo NNLDL

Thứ nhất, xây dựng thêm hoạt động HTPVCĐ định kỳ trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo với nội dung, cách thức và khung thời gian cụ thể, đồng thời lồng ghép hoạt động HTPVCĐ trong xây dựng và triển khai các môn học. Có nhiều cách thức để triển khai: lồng ghép vào từng môn học cụ thể, đặc biệt là các môn học có thời lượng thực hành tương đối nhiều; tổ chức một chương trình ngoại khóa có tính chất bắt buộc; được thiết kế và xây dựng thành một môn học.

Thứ hai, tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác cùng lĩnh vực đào tạo, tương đồng về điều kiện đã từng áp dụng hoạt động HTPVCĐ. Thông qua đó, có thể tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự tương tác và hợp tác. Điều này giúp tăng cường sự đồng thuận và sự tham gia của các thành viên trong quá trình triển khai hoạt động HTPVCĐ và góp phần phát triển các giải pháp.

Thứ ba, tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các giảng viên và các đối tác cộng đồng dưới hình thức tọa đàm, hội thảo, báo cáo chuyên đề để giảng viên và các đối tác cộng đồng có thể giới thiệu về hoạt động HTPVCĐ, chia sẻ kinh nghiệm về phương thức tổ chức, những ưu điểm, hạn chế của quy trình áp dụng và một số mô hình HTPVCĐ. Trên cơ sở nhu cầu và yêu cầu cần đạt đối với người học, cần họp bàn, đánh giá, cân nhắc và lựa chọn áp dụng trong tổng thể chương trình đào tạo của cơ sở, đơn vị mình. Từ đó, việc áp dụng HTPVCĐ mới thực sự hiệu quả và phát huy được những lợi thế của cơ sở, đơn vị mình so với các phương pháp giảng dạy và học tập khác.

Thứ tư, thường xuyên cử giảng viên thuộc cơ sở, đơn vị đào tạo tham dự các buổi tập huấn và hội thảo về HTPVCĐ nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của giảng viên về triển khai hoạt động HTPVCĐ.

Thứ năm, xây dựng quy trình triển khai hoạt động HTPVCĐ trong quá trình đào tạo nhân lực du lịch phù hợp với đặc điểm, điều kiện của cơ sở, đơn vị mình. Nhóm tác giả cũng đề xuất xây dựng quy trình triển khai hoạt động HTPVCĐ và danh mục các hoạt động có thể triển khai như một nguồn tài liệu tham khảo nhằm thực tế hóa giải pháp này: Xác định mục tiêu -> Tìm hiểu về cộng đồng -> Thiết kế chương trình/ Lập kế hoạch dự án -> Thực hiện và giám sát chương trình/ dự án -> Đánh giá, phản hồi và cải tiến -> Kết thúc chương trình/ dự án. Danh mục các hoạt động HTPVCĐ có thể triển khai trong đào tạo NNLDL:

Đào tạo truyền thông, marketing du lịch: hướng dẫn cộng đồng/ nhóm những người làm sale du lịch viết content hoặc làm video truyền thông sản phẩm du lịch; thiết kế tài liệu và làm phim ngắn miễn phí cho một tổ chức từ thiện; PR cho một làng nghề truyền thống/ làng chài.

Đào tạo nhân viên khách sạn, nhà hàng và dịch vụ ẩm thực: lập nhóm tư vấn miễn phí về địa điểm lưu trú/ ăn uống cho khách du lịch; tập huấn kỹ năng trang trí cơ bản ở cơ sở lưu trú/ cơ sở ẩm thực cho cộng đồng/ sinh viên du lịch...

Đào tạo quản lý bán lẻ trong du lịch: truyền thông về các điểm bán đồ lưu niệm/ đặc sản ở 1 địa phương/ điểm đến cho khách du lịch; tập huấn kỹ năng bày bán sản phẩm cho các bạn sinh viên du lịch có ý định khởi nghiệp; tuyên truyền tiểu thương, cửa hàng bày bán sản phẩm cho khách du lịch hạn chế sử dụng bao nilon...

Đào tạo nhân viên lĩnh vực lữ hành: hỗ trợ khách đi phượt xây dựng lịch trình tham quan tại một địa phương/ điểm đến tại Việt Nam; tập huấn kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, kỹ năng đón tiếp khách, cách trang trí homestay cho cộng đồng làm du lịch ở một địa phương/ điểm đến; xây dựng và duy trì mô hình câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch cho đối tượng sinh viên du lịch; hướng dẫn kỹ năng hoạt náo trong du lịch cho sinh viên đam mê lữ hành...

Thứ sáu, xây dựng các mô hình câu lạc bộ liên quan đến HTPVCĐ. Tại đây, có thể tổ chức, tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng, góp ý và chia sẻ kinh nghiệm với các cơ sở, đơn vị khác trong lĩnh vực du lịch.

Thứ bảy, thường xuyên khảo sát, đối sánh, tự đánh giá tính hiệu quả trong quá trình thử nghiệm hoặc triển khai hoạt động HTPVCĐ trong thực tế và báo cáo kết quả của một số môn học tiêu biểu có áp dụng HTPVCĐ, đồng thời có sự hiện diện của người học và đối tác cộng đồng để họ có thể chia sẻ, đánh giá khách quan nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các hoạt động HTPVCĐ.

Đề xuất đối với giảng viên

Giảng viên cần nhận diện rõ rệt những ưu điểm mà phương pháp HTPVCĐ mang lại, từ đó có thể xây dựng kế hoạch, các bước thực hiện và các mô hình phù hợp, nhằm đảm bảo hoạt động giảng dạy đạt mục tiêu đề ra, phát huy được năng lực của người học và hướng đến phục vụ cộng đồng.

Cần tham khảo, cân nhắc và xem xét áp dụng một số mô hình trong từng môn học cụ thể giúp đổi mới, phát huy hiệu quả triển khai bài giảng và nâng cao chất lượng HTPVCĐ. Có nhiều cách để triển khai hoạt động HTPVCĐ. Cách phổ biến là yêu cầu người học tham gia dự án được triển khai tại cộng đồng; một cách khác để triển khai hoạt động HTPVCĐ là yêu cầu người học làm việc với một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch trong môi trường của cộng đồng để giúp người học phát triển các kỹ năng chuyên môn và học hỏi về thực tế của công việc...

Cần tích cực, tăng cường tham gia các lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo có liên quan đến hoạt động HTPVCĐ để trau dồi, nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn giảng dạy theo hướng phục vụ cộng đồng.

4. Kết luận

Giá trị đạt được từ việc đào tạo thông qua hoạt động HTPVCĐ đã được chứng minh và áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lĩnh vực du lịch khai thác nguồn tài nguyên từ cộng đồng và dựa vào cộng đồng để tổ chức, phát triển, do đó, việc áp dụng hoạt động HTPVCĐ vào trong quá trình đào tạo NNLDL là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở, đơn vị, trung tâm có đào tạo NNLDL chưa biết cách, hoặc đã triển khai hoạt động HTPVCĐ một cách có hiệu quả. Nghiên cứu lý thuyết và phân tích vai trò của HTPVCĐ đối với đào tạo NNLDL Việt Nam hướng tới đề xuất một số giải pháp, nhóm tác giả mong muốn bước đầu phát huy vai trò của HTPVCĐ góp phần đáp ứng quá trình đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng NNLDL nước nhà.

Tổng kết lại, việc triển khai hoạt động HTPVCĐ tại một cơ sở giáo dục giúp sinh viên phát triển toàn diện lý thuyết lẫn thực tiễn, đồng thời mang lại các giá trị thiết thực cho cộng đồng là rất cần thiết và cần thực hiện trong thời gian sắp tới. Đánh giá được thực trạng triển khai hoạt động HTPVCĐ đối với sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa và đưa ra các giải pháp thiết thực thúc đẩy việc triển khai hiệu quả hoạt động HTPVCĐ phần nào đáp ứng quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy đại học, nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Đại học Khánh Hòa.

Ngoài ra, nhóm tác giả thiết nghĩ, việc nghiên cứu một cách có hệ thống cơ sở lý thuyết và nghiên cứu chuyên sâu khả năng áp dụng của HTPVCĐ, cũng như khảo sát thực trạng triển khai hoạt động HTPVCĐ ở quy mô lớn tại các cơ sở, đơn vị đào tạo NNLDL giữ vai trò rất quan trọng đối với hoạt động tạo nguồn, nâng cao thái độ, ý thức, kỹ năng nghề nghiệp của cộng đồng những người làm du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của ngành Du lịch nước nhà.

_______________

1. Kesten, A., The Evaluation of Community Service-Learning Course in terms of Prospective Teachers’ and Instructors’ Opinions (Đánh giá khóa học phục vụ cộng đồng theo ý kiến ​​của giáo viên và giảng viên tương lai), Khoa học giáo dục: Lý thuyết và thực hành, Thổ Nhĩ Kỳ, 12(3), 2012, tr. 2139-2148.

2. Bringle, R. G., Hatcher, J. A., Implementing service learning in higher education (Triển khai dịch vụ học tập trong giáo dục đại học), Tạp chí Giáo dục Đại học, vương quốc Anh 1996, tr.112.

3. Sigmon, R. L., Journey to Service-Learning: Experiences from Independent Liberal Arts Colleges and Universities (Hành trình đến học tập phục vụ cộng đồng: Kinh nghiệm từ các trường Cao đẳng và Đại học Nghệ thuật Tự do Độc lập), Washington, DC: Hội đồng các trường Cao đẳng Độc lập, Hoa Kỳ, 1996.

4. Jacoby, B. (Ed.), Building partnerships for service-learning (Xây dựng quan hệ đối tác cho dịch vụ học tập), John Wiley & Sons, 2003.

5. Nguyễn Duy Minh, Xây dựng bộ chỉ số để đo lường kết quả hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Báo cáo tổng kết đề tài NCKH dành cho cán bộ giảng viên, TP.HCM, 2021, tr.8.

6. Trần Thị Bích Hòa, Xu hướng áp dụng phương pháp học tập phục vụ cộng đồng trong giáo dục đại học, cao đẳng hiện nay và khả năng triển khai tại một số trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Tạp chí Trường Đại học Phú Yên, 2020, tr.74-80.

7, 8. Eyler, J. and Giles, Jr., Where’s the Learning in ServiceLearning (Học tập ở đâu trong Dịch vụ học tập), San Francisco: Jossey-Bass, Hoa Kỳ, 1999.

9. Eyler, Janet, Dwight E. Giles, C. M. Stenson, and C. J. Gray, At a Glance: What We Know About the Effects of Service-Learning on College Students, Faculty, Institutions, and Communities, 1993-2000 (Sơ lược: Những gì chúng ta biết về tác động của Học tập phục vụ cộng đồng đối với sinh viên đại học, khoa, tổ chức và cộng đồng, giai đoạn từ 1993 đến 2000), Đại học Nashville: Đại học Vanderbilt, 3rd ed., 2001.

10. Nguyễn Thị Hồng Hà, Phạm Thị Hương Giang, Huỳnh Thị Bích Phụng, Đề tài Một số giải pháp triển khai hoạt động học tập phục vụ cộng đồng đối với Khoa Du lịch Trường Đại học Khánh Hòa, 2023.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Giáo dục đại học, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19-5-2017.

Ths NGUYỄN THỊ HỒNG HÀ - Ths PHẠM THỊ HƯƠNG GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;