Từ “buôn văn hóa tiêu biểu” đến “buôn du lịch cộng đồng”: Tiềm năng, cơ hội và thách thức đặt ra cho Akŏ Dhông (Đắk Lắk)

Buôn Akŏ Dhông từ lâu đã được biết đến như một điểm sáng văn hóa, một không gian di sản đặc sắc của tỉnh Đắk Lắk và của vùng Tây Nguyên. Không hề ngẫu nhiên mà Akŏ Dhông là buôn đầu tiên của Đắk Lắk được tỉnh công nhận là buôn du lịch cộng đồng (DLCĐ). Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt mới trên hành trình chuyển đổi của Akŏ Dhông: từ một “buôn văn hóa tiêu biểu” trở thành “buôn du lịch cộng đồng”. Bài viết này tập trung phân tích các tiềm năng, cơ hội và thách thức đặt ra cho buôn Akŏ Dhong, đồng thời, cũng đưa ra một vài hàm ý chính sách nhằm giúp Ako Dhông phát triển DLCĐ theo hướng bền vững.

Du khách thưởng thức cà phê, âm nhạc tại Khu du lịch sinh thái Ako Ea (nằm trong Buôn du lịch cộng đồng Akŏ Dhông, tỉnh Đắk Lắk) - Ảnh: baodaklak.vn

Khái niệm DLCĐ

Theo Rozemeijer, DLCĐ là hoạt động du lịch được sở hữu, khởi xướng bằng một hay vài cộng đồng địa phương, có sự liên kết với khối tư nhân nhằm tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên cũng như văn hóa một cách bền vững để thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế (1). Còn theo Bộ Tiêu chuẩn ASEAN, “Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch trao quyền cho cộng đồng quản lý sự tăng trưởng của hoạt động du lịch, đạt được những khát vọng về sự thịnh vượng của cộng đồng, đảm bảo được sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Du lịch cộng đồng là những hoạt động du lịch mà cộng đồng sở hữu, vận hành và quản lý hoặc điều phối ở cấp cộng đồng. Các hoạt động này đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng thông qua hỗ trợ các sinh kế bền vững và bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa, xã hội và bảo tồn các tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên” (2).

Ở Việt Nam, DLCĐ được định nghĩa tại Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018). “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi” (3).

Có thể thấy, tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng điểm chung trong các định nghĩa về DLCĐ là đề cao vai trò của cộng đồng địa phương trong sự vận hành loại hình du lịch này: cộng đồng trước hết là chủ thể sở hữu, sáng tạo và quản lý các loại tài nguyên (tự nhiên, nhân văn) có thể khai thác thành tài nguyên du lịch; cộng đồng là chủ thể cung cấp dịch vụ và cũng là chủ thể được hưởng lợi trực tiếp từ các dịch vụ đó. Tóm lại, một hoạt động chỉ được coi là DLCĐ chỉ khi nó được xuất phát từ cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng.

Tiềm năng du lịch của Akŏ Dhông

Tài nguyên tự nhiên

Vị trí địa lý và địa hình: Buôn Akŏ Dhông thuộc phường Tân Lợi, cách trung tâm hành chính của thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2,5km, cách bến xe của tỉnh khoảng 4km và cách sân bay Buôn Ma Thuột khoảng 10km. Như thế, Akŏ Dhông rất gần các điểm nút giao thông và được kết nối với các địa điểm khác trong thành phố bằng các tuyến đường nhựa rộng rãi, chất lượng tốt. Thêm vào đó, do nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, địa hình bằng phẳng, nên việc tiếp cận Akŏ Dhông rất dễ dàng. Từ Akŏ Dhông, có thể dễ dàng di chuyển đến các công trình văn hóa - lịch sử quan trọng khác trong thành phố như: Bảo tàng Thế giới cà phê, Nhà Đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Dân tộc Đắk Lắk, Làng cà phê Trung Nguyên, Di tích Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, chùa Khải Đoan, đình Lạc Giao. Bên cạnh đó, các phương tiện du lịch - ở mọi kích cỡ đều có thể chở khách vào trong buôn mà không gặp trở ngại nào (4).

Khí hậu: Akŏ Dhông nằm trong khu vực khí hậu cao nguyên mát dịu. Thời tiết chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Nhờ có thời tiết thuận lợi, thời gian có thể triển khai tốt các hoạt động du lịch ở Akŏ Dhông tương đối dài, từ 150-200 ngày trong năm (5).

Cảnh quan thiên nhiên: Một trong những ưu thế lớn của Akŏ Dhông là sở hữu rừng cộng đồng. Rừng nằm vào phía Tây của buôn, trong một thung lũng sâu và rộng, bao quanh bởi các con suối nhỏ và một hồ nước lớn. Sau nhiều biến động (do bị lấn chiếm), diện tích rừng còn khoảng 1ha. Hệ thực vật của rừng Akŏ Dhông khá phong phú và gồm nhiều tầng: tầng cao là các cây lớn, nhiều trong số đó là cây cổ thụ (cây tung, sào, dầu, cà te); tầng thấp có các loài dây leo và các cây bụi (lồ ô, mây, xoan, muồng). Thảm thực vật này là chỗ trú ngụ của một hệ động vật không đến nỗi nghèo nàn: sóc, chồn, đồi mồi, các loài chim (kể tên), rắn, trăn... (6). Hiện nay, rừng Akŏ Dhông đã trở thành một không gian sinh thái an lành, một địa điểm giải trí lý tưởng, thu hút rất đông khách du lịch và người dân thành phố về đây, nhất là vào các ngày cuối tuần.

Tài nguyên nhân văn

Kiến trúc nhà sàn dài: Trước 1975, nhà sàn dài (sang) là loại hình kiến trúc đặc trưng và gần như là duy nhất trong không gian cư trú của người Ê Đê. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố (chương trình định canh định cư của nhà nước, đô thị hóa, di dân, thiếu nguyên liệu truyền thống), kể từ thập niên 2000, nhà sàn dần trở thành nhóm thiểu số tuyệt đối trong cơ cấu nhà ở của các buôn Ê Đê ở Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Điểm khác biệt của Akŏ Dhông so với phần còn lại là cộng đồng này không những còn giữ được khá nhiều nhà dài, mà số lượng nhà dài ở đây có xu hướng tăng lên, trái ngược hoàn toàn với xu hướng giảm sút nhanh chóng ở các buôn khác. Năm 2014, nếu Akŏ Dhông có 23 nhà dài thì đúng mười năm sau (2024), toàn buôn đã có 33 nhà dài. Bên cạnh việc gia cố, sửa chữa các ngôi nhà đã có từ trước, một số hộ trong buôn, sau nhiều năm gom góp vật liệu và tích lũy tiền bạc, đã dựng các ngôi nhà dài hoàn toàn mới. Hầu hết nhà dài ở Akŏ Dhông làm bằng gỗ, lợp ngói, vách nghiêng, mái nhọn nhô ra phía trước, nằm dọc hai trục đường chính của buôn. Mặc dù các hộ Ê Đê ở Akŏ Ddhông đều có nhà xây “tân thời” theo kiểu người Kinh, nhưng họ đều cố tình đặt nhà xây ở phía sau nhà sàn, như một cách để tôn vinh nhà sàn truyền thống. Đồng thời, với việc bảo tồn không gian nhà sàn, một số hộ trong buôn còn có ý thức mua sắm một số linh vật thiết yếu để sắp đặt trong không gian nhà sàn: kpan, trống, chiêng và ché. Hiện nay, trong buôn có 8 bộ chiêng, 8 trống lớn, 7 kpan, 20 ché cổ (7).

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống: Trong không gian làng còn giữ được rừng cộng đồng và kiến trúc nhà dài, cộng với ý thức bảo tồn văn hóa rất mạnh của người dân, các sinh hoạt văn hóa truyền thống trở thành một bộ phận hữu cơ trong đời sống hiện tại của buôn Akŏ Dhông.

Hiện nay, sinh hoạt cồng chiêng có tỷ lệ sinh hoạt thường xuyên lên đến 93,75%. Việc kể khan, một thực hành văn hóa đã từng rất quan trọng trong quá khứ nhưng ngày càng ít xuất hiện ở các làng Ê Đê do sự “rơi rụng” của lớp nghệ nhân cũ, vẫn thỉnh thoảng được trình diễn ở Akŏ Dhông là điều rất đáng quý, nếu không nói là một loại “đặc sản” của cộng đồng này (8). Để các thực hành văn hóa truyền thống có thể “sống” một cách tự nhiên trong đời sống đương đại, bên cạnh vai trò thuyền trưởng của cố già làng Ydiêm Niê, còn có sự đóng góp rất đáng kể của các thế hệ nghệ nhân ở Akŏ Dhông. Họ đảm nhận rất nhiều vai trò: là “ông bầu” văn hóa như Y Pin Bing - người đầu tiên làm DLCĐ ở Akŏ Dhông và thông qua du lịch để vừa tạo thêm thu nhập cho các nghệ nhân vừa tạo sân chơi văn hóa cho họ; là nghệ nhân chuyên sửa chiêng và chế tác nhạc cụ truyền thống như Ama H’loan; là nghệ nhân vừa giỏi chơi chiêng vừa có thể làm mới các bản chiêng theo tinh thần hiện đại như Y Tul... Và điều quan trọng nhất là họ thuộc các thế hệ khác nhau. Chính điều này đã đảm bảo tính liên tục, tiếp nối cho sự trao truyền và thực hành văn hóa truyền thống ở Akŏ Dhông.

Về phương diện nghề thủ công truyền thống, ở Akŏ Dhông hiện có 6 gia đình làm nghề dệt thổ cẩm, một gia đình làm nghề đan lát và hầu hết các gia đình đều làm nghề nấu rượu cần. “Đầu ra” của các sản phẩm này chủ yếu là khách du lịch, hoặc các nhà hàng có nhu cầu sử dụng rượu cần. Với đà phát triển của mô hình DLCĐ, tới đây, sẽ có thêm một số hộ tham gia vào nhóm dệt thổ cẩm để phục vụ khách du lịch.

Cơ hội của Akŏ Dhông

Thứ nhất, chính quyền địa phương ưu tiên phát triển du lịch: Trong vài năm trở lại đây, Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang cố gắng đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch nói chung và DLCĐ nói riêng để tận dụng ưu thế của địa phương. Ngày 8-4-2022, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Đề án số 08-ĐA/TU về Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (9). Đề án tập trung ưu tiên đầu tư cho thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk và huyện Buôn Đôn. Trước đó, vào ngày 13-8-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ra Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025, trong đó lựa chọn buôn Ako Dhong làm mô hình điểm để tập trung hỗ trợ phát triển DLCĐ (10). Sau khi chủ trương và chính sách đã được thông qua, các cấp chính quyền ở Đắk Lắk đã có các biện pháp cụ thể để hỗ trợ Akŏ Dhông phát triển DLCĐ. Theo trưởng buôn Akŏ Dhông , tỉnh đã hỗ trợ buôn 1 tỷ đồng xây dựng các công trình: bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ phát triển nghề ủ rượu cần truyền thống; thành lập Ban Quản lý DLCĐ với 5 thành viên và mở các lớp tập huấn về DLCĐ cho người dân trong buôn. Các lớp tập huấn tập trung giới thiệu kiến thức và đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân để phát triển DLCĐ, chẳng hạn: kỹ năng giao tiếp, marketing, chăm sóc và phục vụ khách du lịch; tổ chức, dàn dựng chương trình văn nghệ dân gian, văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch; kỹ năng chế biến món ăn phục vụ khách du lịch; kỹ năng tổ chức du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương, tạo ra sản phẩm DLCĐ, dịch vụ homestay đặc thù, chất lượng tốt.

Thứ hai, nhu cầu trải nghiệm DLCĐ của khách du lịch trong nước và quốc tế tăng cao: Theo dự báo của UNWTO, trong bối cảnh hiện nay, du lịch toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu du lịch tăng 4% hằng năm trong giai đoạn 2018-2028, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, đứng đầu thế giới. Bên cạnh các nhu cầu truyền thống (tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí), du khách sẽ ưu tiên nhu cầu trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo). Nói khác đi, DLCĐ sẽ là xu thế quan trọng của du lịch toàn cầu trong hiện tại và tương lai. Việt Nam được UNWTO đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Sau vài năm chững lại vì đại dịch COVID-19, tổng số khách du lịch quốc tế của Việt Nam năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt xa con số đặt ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt và đạt mục tiêu điều chỉnh vào tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch và bằng 93% so với năm 2019 (11).

 Song song với khách du lịch quốc tế, thị trường du lịch nội địa của Việt Nam cũng tăng trưởng nhanh và ổn định. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của du lịch nội địa đạt khoảng 15%/ năm. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, trải qua nhiều lần “đóng - mở”, thị trường du lịch nội địa vẫn là chỗ dựa duy nhất giúp ngành Du lịch Việt Nam giảm thiệt hại từ đại dịch. Một nghiên cứu vào năm 2022 của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho thấy nhu cầu tìm hiểu, khám phá các giá trị tự nhiên và văn hóa là ưu tiên của khách nội địa hiện nay (57,1%) (12). Nghĩa là, khách du lịch trong nước, đặc biệt giới trẻ, ngày càng dành nhiều quan tâm cho DLCĐ để khám phá vẻ đẹp của các vùng sinh thái, nhân văn của đất nước... Trong bối cảnh này, Akŏ Dhông có nhiều cơ hội để đón chào các đoàn khách quốc tế và trong nước đến đây để trải nghiệm văn hóa.

Những thách thức đang đối diện

Thứ nhất, du lịch Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng: Mặc dù đã có những bước chuyển mình đáng kể, nhìn chung, sự phát triển của du lịch Tây Nguyên vẫn được xem là chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Tổng thu từ du lịch của Tây Nguyên chỉ chiếm 4,3% trong cơ cấu nguồn thu từ du lịch của cả nước. Hạn chế lớn hiện nay của du lịch Tây Nguyên là thiếu liên kết giữa các tỉnh và sản phẩm du lịch na ná nhau (13). Tốc độ phát triển chậm của du lịch vùng Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển của DLCĐ ở Tây Nguyên.

Thứ hai, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính quyền địa phương và cộng đồng. Chẳng hạn, từ 2018, UBND phường Tân Lợi đã xây dựng đề án bảo tồn hai ngôi nhà dài trong buôn nhằm phát triển mô hình homestay và đã vận động người dân tham gia nhưng không mang lại kết quả. Mặc dù được chính quyền hỗ trợ tiền và đào tạo nghiệp vụ, người dân vẫn từ chối tham gia đề án vì các lý do: sợ bị phụ thuộc Nhà nước; sợ mất quyền riêng tư của gia đình do sự có mặt của khách du lịch. Vì thế, cho đến nay, các dự án bảo tồn văn hóa vẫn do người dân hoàn toàn “tự bơi”.

Thứ ba, hoạt động DLCĐ vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu liên kết giữa các hộ gia đình. Cho đến nay, mới chỉ có 6/64 hộ người Ê Đê tham gia cung cấp dịch vụ du lịch và đây cũng là những hộ đã làm du lịch từ trước khi Akŏ Dhông được công nhận là “buôn du lịch cộng đồng”. Nếu muốn trở thành một buôn DLCĐ thực sự, cần có nhiều hơn các hộ tham gia mới có thể tạo ra một “hệ sinh thái” du lịch cho cả buôn.

Thứ tư, cảnh quan du lịch ở Akŏ Dhông đang có nguy cơ bị đe dọa ở hai khía cạnh: Do chính quyền chưa có chính sách kiểm soát dòng người Kinh nhập cư vào Akŏ Dhông, hiện tại, số lượng dân nhập cư đã trội vượt dân tại chỗ và dẫn đến một số hệ lụy. Đáng ngại nhất là cảnh quan nhà sàn truyền thống của Akŏ Dhông bị phá vỡ do các hộ người Kinh không có thói quen ở nhà sàn; chính quyền địa phương vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền quản lý của cộng đồng đối với rừng mặc dù cộng đồng đã nhiều lần đề nghị. Nếu thiếu hành lang pháp lý chính thức, rừng cộng đồng tất yếu bị lấn chiếm và Akŏ Dhông sẽ mất đi một tài nguyên sinh thái quan trọng để thu hút khách du lịch.

Một số hàm ý chính sách

Thứ nhất, trên bình diện vĩ mô, chính quyền tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục triển khai các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành Du lịch của toàn địa phương. DLCĐ ở Akŏ Dhông sẽ thay đổi nhanh nếu du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk có sự tiến triển mạnh mẽ.

Thứ hai, để duy trì cảnh quan du lịch độc đáo của buôn Akŏ Dhông, các cấp chính quyền nên thực hiện các giải. Trước hết, khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền quản lý rừng cho cộng đồng Akŏ Dhông. Mặt khác, có giải pháp hỗ trợ các hộ có nhu cầu sửa chữa hoặc phục dựng nhà sàn dài của người Ê Đê. Chẳng hạn, có thể cho phép các hộ mua lại nguồn gỗ bất hợp pháp đang được lực lượng kiểm lâm quản lý với mức giá phù hợp để giúp họ có nguồn nguyên liệu làm nhà. Đồng thời, cấm không cho các hộ người Kinh tiếp tục nhập cư và định cư dọc theo hai trục đường chính của buôn để duy trì cảnh quan nhà sàn truyền thống.

Thứ ba, đồng thời với việc tiếp tục tập huấn kỹ năng làm cho DLCĐ, chính quyền nên tạo cơ chế thuận lợi và khuyến khích các công ty du lịch trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với các hộ làm du lịch trong buôn để đảm bảo nguồn khách cho họ.

Thứ tư, Ban Quản trị du lịch của buôn cần tăng cường vai trò điều phối để thúc đẩy sự liên kết giữa các hộ đã làm du lịch và thúc đẩy sự tham gia của các hộ còn lại vào mạng lưới cung cấp dịch vụ. Bản thân các hộ làm du lịch cũng cần đa dạng hóa dịch vụ để tăng sự hấp dẫn cho du khách. Định hướng phát triển trải nghiệm du lịch nông nghiệp theo chủ trương của già làng Ma Zi Ni là một hướng đi phù hợp.

Kết luận

Với tiềm năng nổi bật về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, từ một “buôn văn hóa tiêu biểu”, hiện nay, Akŏ Dhông đã chính thức được công nhận là “buôn du lịch cộng đồng”. Đây là mô hình chuyển đổi phù hợp vừa cho phép Akŏ Dhông phát huy được các lợi thế sẵn có, vừa duy trì được định hướng phát triển từ trước đến nay của buôn: phát triển kinh tế song hành với bảo tồn văn hóa truyền thống và bảo vệ rừng. Trong bối cảnh du khách quốc tế và nội địa có xu hướng tìm đến loại hình DLCĐ và chính quyền tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh đầu tư cho ngành Du lịch, Akŏ Dhông đứng trước nhiều cơ hội để chuyển đổi thành công. Tuy nhiên, nhiều thách thức đã và đang đặt ra cho Akŏ Dhông - các thách thức này bao hàm cả khía cạnh vĩ mô (cấp vùng) lẫn vi mô (cấp cộng đồng), biểu hiện qua các khía cạnh thể chế lẫn các hạn chế từ bên trong cộng đồng. Để đảm bảo xây dựng được một mô hình DLCĐ bền vững, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền địa phương và người dân Akŏ Dhông.

________________

1. Rozemeijer, N., Community-based tourism in Botswana: The SNV experience in three community-based tourism projects (Du lịch cộng đồng ở Botswana: kinh nghiệm SNV ở ba dự án du lịch cộng đồng), snvworld.org, truy cập ngày 15-3-2024.

2. ASEAN, ASEAN community - based tourism (Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN), Secretariat, Jakarta, 2016.

3. Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, có hiệu lực ngày 1-1-2018.

4, 5. Nguyễn Thị Kim Oanh, Đánh giá tài nguyên du lịch và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng buôn Akŏ Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tạp chí Trường Đại học Tây Nguyên, 2022, tr.105, 105.

6, 8. Xem thêm: Đặng Hoài Giang, Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2019, tr.164-165, 212.

7. Số liệu do trưởng buôn Akŏ Dhông cung cấp vào tháng 2-2024.

9. Tỉnh ủy Đắk Lắk, Đề án số 08-ĐA/TU về Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”, ban hành ngày 8-4-2022.

10. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND về Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025, ban hành ngày 13-8-2021.

11. Bùi Thị Nhẹ, Xu hướng du lịch chính của giới trẻ Việt Nam hiện nay, itdr.org.vn, 14-12-2022.

12. Phương Anh, Du lịch Việt 2023 - vượt mục tiêu nhưng vẫn chật vật, vnexpress.net, 25-12-2023.

13. Hà Thị Kim Duyên, Lê Thế Phiệt, Một số giải pháp để phát triển du lịch Tây Nguyên, Tạp chí Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, 2016, tr.31-33.

TS ĐẶNG HOÀI GIANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;