Ngành Du lịch TP.HCM có thế mạnh về mạng lưới giao thông đường thủy với 2 con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua cùng với các sông nhỏ, các kênh rạch với chiều dài khoảng 1.000km. Do vậy, tiềm năng về phát triển du lịch đường sông tại TP.HCM là rất lớn, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh như: Bình Dương, Tây Ninh, Ðồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích của bài viết nhằm nghiên cứu thực trạng nhu cầu sản phẩm du lịch đường sông, đồng thời đề xuất giải pháp phát triển du lịch đường sông tại TP.HCM.
Tour ngắm hoàng hôn và ăn tối trên du thuyền được đánh giá là thành công nhất trong tất cả các tour du lịch đường sông được tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Elisa Floating Restaurant
Một trong những đặc điểm nổi bật của TP.HCM là mạng lưới giao thông đa dạng, bao gồm đường bộ, hàng không và đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các vùng lân cận và quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Cần phải tạo ra những trải nghiệm du lịch đường sông mới mẻ và độc đáo, khác biệt so với các loại hình du lịch thông thường. Sự phát triển của sản phẩm du lịch đường sông sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng được thúc đẩy thông qua việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần có sự nghiên cứu cặn kẽ và nhận định rõ ràng về tiềm năng và hạn chế của du lịch đường sông tại TP.HCM. Việc này bao gồm phân tích các đặc điểm địa lý, văn hóa và kinh tế của khu vực, đồng thời xác định những định hướng phát triển phù hợp cho giai đoạn tiếp theo. Cần có các biện pháp rà soát và phòng tránh rủi ro, đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể và hiệu quả để giải quyết từng vấn đề.
Có thể nói, việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM không chỉ đòi hỏi sự cải thiện về mặt kinh tế và xã hội, mà còn đòi hỏi sự bảo tồn và bảo vệ môi trường đô thị. Chỉ thông qua sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và thực hiện các biện pháp cụ thể, chúng ta mới có thể hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững cho du lịch đường sông tại TP.HCM trong thời đại mới.
1. Thực trạng sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM
Qua kết quả khảo sát, hiện nay TP.HCM có một số sản phẩm du lịch đường sông:
Tour ngắm hoàng hôn và ăn tối trên du thuyền: tour du lịch này cung cấp cho du khách cơ hội nhìn ngắm thành phố từ phía sông Sài Gòn, ngắm cảnh bình yên, lúc hoàng hôn trên sông, thưởng thức ẩm thực và xem ca nhạc. Các du thuyền có sức chứa nhiều khách, tổ chức quy mô hiện đại và chuyên nghiệp như nhà hàng. Từ bến Nhà Rồng, du thuyền đưa khách du lịch ngược dòng sông Sài Gòn về hướng cầu Sài Gòn hoặc xuôi dòng về hướng cầu Phú Mỹ. Hiện nay, đang có một số tàu cung cấp dịch vụ này như tàu Bến Nghé, tàu Sài Gòn, tàu Elisa, tàu Viet Princess... các tàu này đều xuất phát từ khu vực bến Nhà Rồng có địa chỉ tại số 5, đường Nguyễn Tất Thành, phường 12, Quận 4. Đây là tour du thuyền ngắm hoàng hôn, ăn tối được đánh giá là thành công nhất trong tất cả các tour du lịch đường sông được tổ chức tại TP.HCM.
Tour chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: tour này xuất phát tại 2 địa điểm: đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1 và tại 671 đường Hoàng Sa, phường 7, Quận 3. Số lượng du khách mà mỗi thuyền phục vụ từ 2-6 người, thuyền có kích thước lớn hơn có thể chở khoảng 10 người. Lộ trình di chuyển dài khoảng 4km, thời gian di chuyển mất khoảng 1 giờ 30 phút. Du khách có cơ hội ngắm thành phố nhìn từ các con kênh, chiêm ngưỡng kiến trúc uy nghiêm, độc đáo của các ngôi chùa 2 bên bờ sông như chùa Pháp Hoa, chùa Vĩnh Nghiêm. Sau nhiều nỗ lực quảng bá, tiếp thị, tour chèo thuyền trên kênh Nhiêu Lộc đang dần thu hút du khách, không những dành cho khách du lịch nước ngoài mà còn cho khách nội địa. Hiện nay, tour này do công ty Thuyền Sài Gòn khai thác và triển khai nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí trên mặt nước như chèo kayak, thuyền chuối, các hoạt động văn nghệ...
Tour sinh thái bến Bạch Đằng - bán đảo Thanh Đa - Khu du lịch Bình Quới: tour xuất phát tại Tân Cảng từ 16-20 giờ vào cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) và các ngày lễ. Tour này đi qua những địa điểm: Khu du lịch Bình Quới 1, Bình Quới 2, ngã ba Rạch Chiếc, Tân Cảng. Trước đây, tour sinh thái bến Bạch Đằng - bán đảo Thanh Đa - Khu du lịch Bình Quới do Công ty lữ hành Saigon Tourist và Làng Du lịch Bình Quới đang khai thác và tổ chức, nhưng gần đây, tour này không còn phổ biến vì ẩm thực và những hoạt động trải nghiệm đã trở nên cũ, giá lại ngày càng cao, nên hiện nay tour này chỉ được làm theo yêu cầu của các công ty du lịch (nếu có), đa số là công ty lữ hành inbound.
Xe buýt đường sông tuyến Bạch Đằng - Bình Quới: đây là tuyến xe buýt đường sông số 1 dài 10,8km, xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn đến kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, tới khu vực phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức, đây là vị trí bến dành cho khách tham quan sông Bình Quới. Tuyến này, hiện có 12 bến đón và trả khách nằm trải đều tại các quận như Quận 1, 2, Bình Thạnh và thành phố Thủ Đức với tổng tuyến gồm có 4 tàu buýt, mỗi tàu có 80 chỗ, trong đó có 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị (phòng khi khách đông). Tuyến buýt sông số 2 là tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm có độ dài 10,3 km, có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ ra đến khu vực bến Lò Gốm thuộc phường 7, Quận 6. Hiện tuyến số 2 đang tạm ngưng để thi công đập ngăn triều Bến Nghé.
Tour bến Bạch Đằng - nhà vườn, thành phố Thủ Đức: tuyến này khởi hành vào lúc 8 giờ đến 16 giờ. Xuất phát từ bến Bạch Đằng, cano đưa du khách lên thượng nguồn sông Đồng Nai - Sài Gòn về thành phố Thủ Đức; tuyến này có đi ngang những địa danh: ngã ba Đèn Đỏ, chùa Bửu Long, Bảo tàng Áo dài Sỹ Hoàng. Tour bến Bạch Đằng - nhà vườn do công ty lữ hành Sai Gon Tourist tổ chức. Đây là tuyến có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng các điểm tham quan chưa có sự quản lý, quy hoạch phù hợp từ chính quyền mà do các hộ dân tự phát, các hộ dân đó không có kiến thức về du lịch nói chung và kinh doanh du lịch nói riêng, sản phẩm tham quan nghèo nàn, không có nhiều sự sáng tạo, không gian tham quan chật hẹp, dịch vụ kém nên tuyến này không phát triển.
Tour Tân Cảng - Bình Dương - Củ Chi: tuyến này xuất phát vào lúc 7-15 giờ 30 phút. Cano xuất phát tại Tân Cảng đưa khách du lịch về phía thượng nguồn của sông Sài Gòn. Tuyến này đưa khách du lịch đi qua những địa danh như: Ba Son, cầu Bình Lợi, cầu Kinh, Thanh Đa... Đến Bình Dương, khách du lịch được lên bờ tham quan nhà cổ của ông Trần Văn Hổ, chùa Bà Thiên Hậu, chợ Thủ Dầu Một... Sau đó, cano đưa khách du lịch ghé Củ Chi (khu vực bến Đình) đến khu vực ngã ba Bến Cát, tham quan địa đạo bến Đình, ăn trưa tại nhà hàng bến Đình và cano sẽ đưa khách về lại Tân Cảng vào lúc 15 giờ 30 phút. Sau quá trình tổ chức, tour này được điều chỉnh thành tour Củ Chi nửa ngày, bỏ các hoạt động tại Bình Dương.
Tour Bạch Đằng - Cần Giờ: đây là tour tổ chức tham quan rừng ngập mặn, bắt đầu xuất phát từ lúc 7-16 giờ 40 phút vào các ngày trong tuần. Địa điểm xuất phát là Tân Cảng, cano chở và đưa du khách về phía hạ lưu của sông Sài Gòn, tuyến này đi qua những địa danh như cầu Phú Mỹ, ngã ba Đèn Đỏ, ngã ba Nhà Bè… khách du lịch có cơ hội tìm hiểu về những địa danh như: khu trung tâm Vàm Sát, khu nuôi cá sấu nước mặn, khu bảo tồn Dơi Nghệ, du khách sẽ được trải nghiệm câu cá sấu, ngắm nhìn toàn cảnh khu bảo tồn chim từ tháp Tang Bồng tại trung tâm khu Vàm Sát; trải nghiệm thú vị câu cá thòi lòi, tắt mương bắt cá… Đặc biệt, tuyến bến Bạch Đằng - Tiền Giang: tuyến này phương tiện di chuyển chính là thuyền cao tốc, tour đi trong ngày và xuất phát từ Tân Cảng, sau đó xuôi theo sông Sài Gòn đến với miền Tây là Tiền Giang - Bến Tre, tham quan các địa danh như bến Nhà Rồng, cầu Phú Mỹ, chùa bà Quan Âm, Gò Công Tây chiêm ngưỡng không gian thơ mộng của 4 cù lao Long - Lân - Quy - Phụng, du khách có thể tham quan những bè cá nổi dọc sông Tiền, vườn trái cây theo mùa, uống trà mật ong và nghe đờn ca tài tử. Đây là tour rất hấp dẫn dành cho du khách trong và ngoài nước khám phá nét đẹp miệt vườn, đời sống, cảnh quan hữu tình và ẩm thực bình dị, đậm hương vị miền Tây.
Tuyến sông Sài Gòn - sông Mekong: đây là tour du thuyền có dịch vụ lưu trú. Hiện nay, đang có một số doanh nghiệp kinh doanh tuyến này với những dịch vụ chuyên nghiệp, cao cấp, cơ sở vật chất rất tiện nghi, sang trọng và đối tượng khách chủ yếu là khách quốc tế.
TP.HCM là nơi hội tụ đủ tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch đường sông, thông qua những chiến lược mà thành phố đã đưa ra kết hợp với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông. Việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm và đầu tư vào loại hình du lịch đường sông có thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt sự sáng tạo để tạo ra những loại hình du lịch mới, để du khách thấy thú vị và kéo dài thời gian họ lưu trú và quay lại thành phố nhiều lần, doanh thu sẽ tăng kèm theo sự phát triển xã hội, cải thiện và mở rộng nhiều dịch vụ mới và dịch vụ đi kèm nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân ở địa phương cải thiện kinh tế tốt và giải quyết được vấn đề việc làm.
Theo kết quả khảo sát, khách du lịch nhận thấy đường sông có điểm mạnh như: môi trường xung quanh sạch đẹp, thoáng mát; phương tiện di chuyển đa dạng, thuận tiện; chuyến đi được bảo đảm an toàn; dịch vụ ăn uống hợp vệ sinh; giá dịch vụ hợp lý; sản phẩm đa dạng, sáng tạo. Khảo sát này có tỷ lệ người trả lời dao động từ 80,9% đến 92,8%, số có ý kiến khác chỉ chiếm 24,9%...
Điều hấp dẫn khi trải nghiệm du lịch đường sông ở TP. HCM ((5)
Biểu đồ 1: Biểu đồ những điều hấp dẫn của du lịch đường sông ở TP.HCM
Về khó khăn: Hầu hết người trả lời đều thống nhất những khó khăn như: sản phẩm du lịch đường sông chưa phong phú, chưa có nhiều bứt phá; ô nhiễm môi trường xung quanh các con sông làm ảnh hưởng đến trải nghiệm; chưa xác định rõ được sản phẩm chủ lực; thiếu kinh nghiệm phục vụ khách du lịch; giá dịch vụ chưa phù hợp với tình hình kinh tế của xã hội hiện nay; chưa có quy hoạch phù hợp; thiếu sự phát triển đồng bộ giữa tuyến, điểm du lịch ở đường sông TP.HCM như biểu đồ:
Biểu đồ 2: Những khó khăn của việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông ở TP.HCM
Về tiềm năng: Các ý kiến của người trả lời phỏng vấn đều thống nhất về những tiềm năng phát triển du lịch đường sông ở TP.HCM là: có mạng lưới đường sông rộng khắp toàn thành phố, có nhiều cảnh quan, điểm du lịch hấp dẫn ven sông; là trung tâm giao thương, trung chuyển của Việt Nam với quốc tế; có nhiều cầu bắc ngang và có sự liên kết với các quận huyện dễ dàng để du khách tham quan và di chuyển; có nhiều sản phẩm du lịch đường sông; có nhiều phương tiện, cơ sở vật chất để phát triển du lịch đường sông như biểu đồ:
Biểu đồ 3: Những tiềm năng phát triển du lịch đường sông ở TP.HCM
Từ những vấn đề thực tiễn và qua điều tra khảo sát, tác giả nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP.HCM là rất lớn, đặc biệt phải kể đến cảnh quan 2 bên bờ sông và các điểm đến du lịch ven sông Sài Gòn. Đây là cơ sở để tác giả đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của sản phẩm du lịch đường sông, góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm du lịch đường sông hiện tại của du khách.
2. Thảo luận về nhu cầu phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM
Đối với TP.HCM, việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là một chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng du lịch và tăng cường thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để thành công trong việc này, các giải pháp cần được thiết kế và triển khai một cách đồng bộ và khoa học.
Thứ nhất, xây dựng chợ nổi Gia Định: ý tưởng này không chỉ đơn giản là tạo ra một điểm tham quan mới mà còn là một cơ hội để tái hiện và phát huy văn hóa, ẩm thực và âm nhạc truyền thống của miền Nam. Chợ nổi Gia Định không chỉ là nơi du khách thưởng ngoạn mà còn là một trung tâm văn hóa và giáo dục, giúp du khách hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của địa phương.
Thứ hai, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật: việc đầu tư vào các phương tiện kỹ thuật hiện đại như du thuyền 4 sao, 5 sao không chỉ tạo ra trải nghiệm du lịch tốt hơn mà còn đảm bảo an toàn và thoải mái cho du khách. Sự sáng tạo trong việc sử dụng xe buýt đường sông cũng mang lại sự tiện lợi và độc đáo cho hành trình du lịch.
Thứ ba, vận dụng công nghệ thông tin trong quảng bá: sử dụng các ứng dụng và nền tảng trực tuyến để quảng bá sản phẩm du lịch đường sông không chỉ tăng cường sự tiện lợi cho du khách mà còn giúp tăng cường tầm nhìn và khả năng tiếp cận thị trường.
Thứ tư, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch trên sông: sự kết hợp giữa các sự kiện văn hóa và du lịch trên sông tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khó quên cho du khách. Những lễ hội ẩm thực, chương trình nghệ thuật và các hoạt động văn hóa sẽ là điểm nhấn thu hút du khách và tạo ra một bước tiến mới trong việc phát triển du lịch đường sông.
Thứ năm, kết nối và thu hút du khách qua thông điệp ngắn và ấn tượng: sử dụng các chiến lược truyền thông hiệu quả như thông điệp ngắn và hấp dẫn để thu hút sự chú ý của du khách. Việc liên tục cập nhật và phản hồi từ khách hàng sẽ giúp cải thiện và điều chỉnh chiến lược quảng bá một cách linh hoạt và hiệu quả.
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch đường sông: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và am hiểu về du lịch đường sông là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và trải nghiệm du lịch. Việc hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực mang lại những lợi ích bền vững cho ngành Du lịch đường sông.
Những giải pháp này không chỉ tạo ra những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo cho du khách mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế và phát triển bền vững của ngành Du lịch đường sông tại TP.HCM.
3. Kết luận
Nhu cầu phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP.HCM đang đặt ra những thách thức đối với ngành Du lịch. Mặc dù thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế về mặt địa lý, tuy nhiên, hiện tại, các sản phẩm du lịch đường sông chưa thể tạo ra điểm nhấn đặc biệt và thiếu sự sáng tạo. Các chương trình hiện tại chủ yếu tập trung vào các hoạt động như ăn tối và thưởng ngoạn trên sông; thiếu đi những trải nghiệm mới lạ và độc đáo. Hơn nữa, việc quảng bá các sản phẩm mới cũng đang gặp khó khăn do thiếu điểm dừng chân hấp dẫn và chất lượng sản phẩm không đồng đều trong tuyến du lịch. Cần có sự chú trọng vào việc đầu tư và phát triển các sản phẩm đi kèm; khai thác đầy đủ các di tích lịch sử và quan tâm đến quy hoạch cảnh quan để tăng cường sức hấp dẫn của du lịch đường sông ở TP.HCM. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị du lịch, cơ quan chính quyền và các bên liên quan để định hình và phát triển một cách bền vững cho ngành Du lịch đường sông trong tương lai gần.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Châu Văn Bình, Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2015.
2. Nguyễn Phước Hiền, Nguyễn Hoàng Long, Đào Quý Lương, Trần Trọng Thành, Xây dựng cơ sở dữ liệu tuyến điểm du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo tổng kết Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở, Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành, 2021.
3. Hiền Dương, Mô hình sản phẩm du lịch đường sông tổng quát của Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2021.
4. Nguyễn Phúc Hùng, Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.
5. Mai Hà Phương, Sản phẩm du lịch đường sông ở Thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp phát triển, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.
6. Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Định hướng các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.
7. Phan Thị Cẩm Giang, Một số giải pháp phát triển du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, 2018.
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU - TS NGUYỄN PHƯỚC HIỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024