Chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

Trước bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, phát triển du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số đã và đang là xu hướng tất yếu, đặt ra yêu cầu đổi mới đối với ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch ở Hà Nội nói riêng. Thông qua nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Hà Nội hiện nay, bài viết bước đầu đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Sử dụng hệ thống thuyết minh tự động Audio Guide tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám giúp du khách có thể chủ động tìm hiểu nội dung toàn bộ hệ thống trưng bày, góp phần nâng cao chất luợng chuyến tham quan - Ảnh: hpa.hanoi.gov.vn

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sôi động, chuyển đổi số được coi là “chìa khóa” bứt phá cho ngành Du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Tại Hà Nội, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong công tác chuyển đổi số của thành phố. Chuyển đổi số trong phát triển du lịch được xác định tại Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách theo thời gian thực, trên cơ sở xây dựng và khai thác các nguồn tài nguyên dữ liệu về văn hóa, lịch sử của Thủ đô để phát triển du lịch. Hiện nay, ngành Du lịch Hà Nội xác định chuyển đổi số là giải pháp căn cơ, tất yếu và lâu dài.

Hà Nội được đánh giá là điểm đến hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch phong phú đặc sắc, trong đó có 5.847 di tích; 1.350 làng nghề; lượng khách du lịch tăng ổn định bình quân 10%/năm, doanh thu từ du lịch tăng bình quân 15,5%/năm. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách, đặc biệt là khách cao cấp. 

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong ngành Du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành khi hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế.

2. Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch ở Hà Nội

Chuyển đổi số trong cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển du lịch

Ngành Du lịch Hà Nội đã từng bước hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền số của thành phố, tuân thủ mô hình tham chiếu về kết nối mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Đồng thời, xây dựng, phát triển hạ tầng internet vạn vật phục vụ các ứng dụng trong du lịch thông minh của du lịch Thủ đô; tiếp tục triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Du lịch; đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu, đồng bộ với việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu du lịch Hà Nội; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Duy trì và nâng cấp cổng thông tin điện tử, đảm bảo hiện đại, thuận tiện cho du khách và người dân truy cập, thường xuyên cập nhật các hoạt động, sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, hoạt động của ngành Du lịch diễn ra tại Hà Nội.

Đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã thực hiện khai báo 26/26 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công của thành phố và đang thực hiện khai báo trên cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính của Sở... Đặc biệt, Sở Du lịch đã triển khai đường truyền dịch vụ thông tin hỗ trợ, tư vấn giải pháp miễn phí (24/7) qua Tổng đài 1800556896 nhằm tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị của khách du lịch nhanh chóng, kịp thời và mang tính thực tiễn cao, tạo dựng được hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Hà Nội trong mắt khách du lịch (1). Năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội xếp thứ 4/22 về chỉ số cải cách hành chính ở khối các sở, cơ quan tương đương sở (2).

Hà Nội đã xây dựng một cổng thông tin chung cho du lịch Thủ đô với tên miền sodulich.hanoi.gov.vn, hoạt động với hai ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, cùng với các tài khoản mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter để tăng tính tương tác, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả để truyền thông, quảng bá du lịch điểm đến Hà Nội.

Có thể thấy, sự tích cực chuyển đổi số trong cải cách hành chính ngành Du lịch đã góp phần mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển du lịch Thủ đô bền vững hơn trong bối cảnh mới. 

Chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển hệ thống du lịch thông minh

Thời gian qua, Hà Nội tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố; bổ sung thêm ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch.

Hà Nội triển khai ứng dụng cho điện thoại thông minh Visit Hanoi chạy trên các hệ điều hành di động iOS và Android. Sở Du lịch đang tiếp tục phối hợp với đối tác xây dựng ứng dụng với tên gọi Myhanoi trên App Store và Google Store, sẽ được tích hợp bản đồ số du lịch Thủ đô, giúp du khách tìm kiếm thông tin hữu ích một cách chủ động trong suốt chuyến đi, từ việc tra cứu các thông tin cơ bản, các sự kiện đang và sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, tàu xe... tới việc kết nối du khách với các điểm đến, nhà hàng, khách sạn, siêu thị... Ứng dụng còn hỗ trợ cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn giao thông quanh khu vực du khách đang đứng, vùng cảnh báo an ninh trật tự, vùng cảnh báo dịch bệnh… Myhanoi được xem như một trợ lý du lịch ảo uy tín cho du khách. Hiện nay, Sở Du lịch đang chủ trì xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chung (3). Cùng với đó, Hà Nội đã tăng cường triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, flycam 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách. Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 đơn vị điểm đến trên địa bàn Hà Nội triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh. 100% các trang web của ngành Du lịch Thủ đô đã được hoàn thiện, cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật tới du khách. Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, YouTube, TikTok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến…

Tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội cũng tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, như: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng... Việc xây dựng trang web, hình ảnh, âm thanh… được ghi lại dưới định dạng mp4, jpg, tham quan trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, đồ họa 3D… đã mang lại những trải nghiệm chân thật nhất cho du khách.

Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng và lắp đặt các trạm phát sóng wifi tại các khu vực du lịch trọng điểm, tập trung lượng lớn khách du lịch: khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố Sách Hà Nội, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, khu vực phố Trịnh Công Sơn, khu vực nhà chờ sân bay Nội Bài... phục vụ nhân dân và khách du lịch.

Chuyển đổi số được các công ty du lịch triển khai mạnh mẽ. Phần lớn các công ty du lịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội, như: Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Các ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… đã được triển khai (4). Sự chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số gắn với du lịch thông minh của Hà Nội đã làm thay đổi rõ nét nhận thức về chuyển đổi số và tác động mạnh mẽ không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, mà cả các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến trên địa bàn thành phố.

Du lịch Thủ đô đạt nhiều kết quả tích cực

Theo Sở Du lịch Hà Nội, giai đoạn 2016-2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,1%/năm, tốc độ năm sau cao hơn năm trước và hoàn thành vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng trung bình từ 8-10%/năm. Đặc biệt, mức tăng trưởng bình quân khách du lịch quốc tế đạt 21,2%/năm. Năm 2020 và 2021, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, khách du lịch suy giảm mạnh. Năm 2021, lượng khách đến thành phố chỉ gồm khoảng 4 triệu lượt khách nội địa, bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020. Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019. Giai đoạn 2020-2022, đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của Thủ đô giảm mạnh, chỉ đạt 3,4% vào năm 2020 và 3,5% vào năm 2022. Năm 2023, với việc chủ động triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, ngành Du lịch Thủ đô đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển du lịch đề ra. Năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch). Trong đó, gồm 4,72 triệu lượt khách quốc tế (có 3,33 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 2,8 lần so với năm 2022 (tăng 57,5% so với kế hoạch) và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022 (tăng 5,3% so với kế hoạch). Tổng thu từ khách du lịch đạt 93,41 nghìn tỷ đồng, tăng 142,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với kế hoạch, tương đương 84,4% kết quả năm 2019). Đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng; trong đó, có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 26.411 phòng. Năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 58,7%, tăng 20,1% so cùng kỳ năm 2022. Sự tăng trưởng đáng kể trong lượng khách du lịch đã có tác động tích cực đối với kinh tế của Hà Nội. Doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,7% và tăng 47,5%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 107,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng mức và tăng 11,2% (dịch vụ lưu trú đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 18,5%; dịch vụ ăn uống đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và tăng 10,5%) (5). Đây không chỉ là động lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế, mà còn là minh chứng cho khả năng thích ứng và phục hồi của ngành Du lịch Thủ đô trước những thách thức toàn cầu.

Chuyển đổi số trong ngành Du lịch với định hướng, chính sách từ Trung ương, thành phố, các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú… đã góp phần nâng cao vị thế cũng như giá trị, hiệu quả ngành Du lịch Thủ đô. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho ngành Du lịch cũng như du khách, mà còn tạo điều kiện cần thiết để hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Dấu ấn nổi bật của du lịch Thủ đô những năm qua là việc liên tiếp được vinh danh trong nhiều giải thưởng du lịch uy tín quốc tế cũng như được truyền thông quốc tế đánh giá cao, như: năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022 và giải thưởng Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 do Tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn. Năm 2023, Hà Nội tiếp tục nhận 3 giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023 và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á. Năm 2023 cũng là năm thứ 2 liên tiếp du lịch Thủ đô được lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của thành phố Hà Nội.

Có thể nhận thấy, chính việc triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành Du lịch của Hà Nội. Du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hình ảnh của Thủ đô được quảng bá rộng rãi đến thế giới, qua đó nâng cao vị thế của Hà Nội trong khu vực và quốc tế.

Chuyển đổi số trong phát triển du lịch Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch Hà Nội còn chưa đồng bộ và thống nhất. Những hoạt động số hóa còn khá rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn; thiếu hụt nguồn lực (bao gồm nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực); rào cản trong văn hóa doanh nghiệp; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng; sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn yếu, do doanh nghiệp du lịch chủ yếu là nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao; còn thiếu văn bản cụ thể quy định hay hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, dẫn tới nhiều bất cập trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch ở Thủ đô...

3. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Hà Nội trong bối cảnh chuyển đổi số

Theo Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, địa bàn thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 35-39 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đón 48-49 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 13-14 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 270-300 nghìn tỷ đồng. Để đạt được những mục tiêu này, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.

Thứ hai, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cho ngành Du lịch. Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh; vào công tác quản lý và phát triển điểm đến; vào công tác thống kê, bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch.

Thứ ba, đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số của ngành Du lịch, xây dựng các sản phẩm thông minh giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng; gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử.

Thứ tư, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành Du lịch và công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.

Thứ năm, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thành phố, xây dựng bản đồ số trong hoạt động du lịch…

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch Thủ đô; đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo về du lịch, phóng sự trên các kênh truyền thông, hệ thống báo đài của Hà Nội và Trung ương, thông qua hệ thống các trang mạng điện tử, chương trình FM du lịch…

Thứ bảy, tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm. Phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn farmtrip, presstrip, đoàn làm phim, nhiếp ảnh đến tham quan, khảo sát các điểm đến du lịch tại các tỉnh, thành phố nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến và xây dựng các tour du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính kết nối cao.

Thứ tám, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành Du lịch, nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số. Đẩy mạnh liên kết giữa các viện, trường đại học, cao đẳng có các ngành đào tạo du lịch, văn hóa nghệ thuật, quản trị kinh doanh với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.

___________________

1. Hà Nội sẽ số hóa các khu du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, sodulich.hanoi.gov.vn, 27-2-2024.

2. Hằng Trần, Linh Phạm, D. Tùng, Thành phố Hà Nội công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, thanhuyhanoi.vn, 20-2-2024.

3. Lê Ngọc Cường, Phát triển du lịch thông minh trong thời đại 4.0 tại thành phố Hà Nội - Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Công Thương, số 9, 5-2022.

4. Đăng Khoa, Du lịch Hà Nội ứng dụng công nghệ số hướng đến phát triển bền vững, tapchicongsan.org.vn.

5. Thu Hường, Năm 2023: Du lịch Hà Nội bội thu giải thưởng quốc tế với nhiều xếp hạng cao, consosukien.vn, 1-2-2024.

Tài liệu tham khảo

1. Minh Anh, Ngành Du lịch Hà Nội tích cực chuyển đổi số để hút khách, thanglong.chinhphu.vn, 2-11-2022.

2. Phương Bùi, Chuyển đổi số chất lượng du lịch Thủ đô bứt phá, laodongthudo.vn, 26-2-2024.

3. Bộ VHTTDL, Quyết định số 1783/QĐ - BVHTTDL ngày 17-5-2019 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1671/QĐ-TTg ngày 30-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2025.

4. Dương Thị Hồng Nhung, Ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội, Tạp chí Công Thương, số 4, 3-2022.

5. Hồ Thị Bảo Nhung, Chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, 3-2022.

6. Thái Phương, Hà Nội: Chuyển đổi số trong phát triển du lịch, kinhtedothi.vn, 10-10-2023.

7. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 191/ KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

8. UBND thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 287/ KH-UBND ngày 30-11-2023 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

TS ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;