Nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay

Để xây dựng và hình thành con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản: giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tình cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại như dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đưa ra thì việc kiến tạo không gian, môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, nhất là môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể sẽ quyết định lớn đến việc hình thành những phẩm chất, năng lực tốt đẹp của con người mới - động lực quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Vai trò của môi trường văn hóa

Môi trường văn hóa là không gian, "bầu khí quyển" do con người sáng tạo ra qua quá trình tương tác, cải tạo môi trường tự nhiên theo hướng nhân văn, góp phần tô điểm cho cuộc sống của con người ngày càng tiến bộ, văn minh. Trong môi trường văn hóa, có sự tổng hòa của môi trường tự nhiên, môi trường nhân tạo (nhân văn). Vì thế, có người còn gọi môi trường văn hóa bằng thuật ngữ môi trường sinh thái - nhân văn để nói về đặc trưng nổi bật trong văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt: luôn gắn bó hài hòa với tự nhiên, thuận theo tự nhiên và tôn trọng tự nhiên.

Để tạo nên môi trường văn hóa, vai trò của chủ thể có ý nghĩa quan trọng. Với điều kiện địa lý, môi trường tự nhiên xứ nhiệt đới gió mùa, môi trường sông nước, cơ tầng văn hóa nông nghiệp - nông dân - nông thôn đã chi phối lớn đến việc hình thành môi trường, không gian văn hóa. Trong không gian văn hóa làng xã, người nông dân đề cao tính cộng đồng, tập thể; lối sống trọng tình nghĩa, trước sau thủy chung; các mối quan hệ, ứng xử được thực hành theo những khuôn mẫu, chuẩn mực đạo đức xã hội với tôn ti, trật tự, vai vế rõ ràng. Bên cạnh đó, ở vào vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng - ngã ba đường thông thương quốc tế, cửa ngõ đi vào Đông Nam Á, trong lịch sử, Việt Nam luôn bị các thế lực phương Bắc, phương Tây xâm chiếm. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã sáng tạo nên hệ giá trị văn hóa độc đáo, trở thành sức mạnh, niềm tin, đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, khẳng định giá trị, bản sắc, truyền thống dân tộc. Đúc kết về hệ giá trị văn hóa tinh thần của người Việt, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) khẳng định: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”(1).

Như vậy, trong môi trường văn hóa, yếu tố con người với hệ giá trị được sản sinh, gìn giữ, phát huy trong lịch sử là nhân tố quan trọng, quyết định đến tính chất, đặc trưng của môi trường văn hóa. Đồng thời, môi trường văn hóa còn được thể hiện qua cách thức con người tương tác với môi trường tự nhiên để làm mới không gian hiện có với sự hiện diện của hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, các công trình sinh hoạt cộng đồng... tạo ra diện mạo, khung cảnh, môi trường văn hóa đặc trưng ở mỗi vùng miền, tộc người.

Việc xây dựng môi trường văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục, trao truyền tri thức, kinh nghiệm, truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ. Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ vun đắp, hình thành cho con người những đức tính, phẩm chất tốt đẹp. Đồng thời, góp phần đẩy lùi cái xấu xa, thấp hèn, lạc hậu.

Một trong những chức năng quan trọng của môi trường văn hóa là thông qua những thiết chế, “quyền lực mềm” sẽ điều chỉnh, điều tiết hành vi, suy nghĩ, lối sống của con người theo hướng tích cực, hạn chế những xung đột, bất đồng, tạo sự hài hòa, ổn định, phát triển.

Môi trường văn hóa lành mạnh còn khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, động viên, cổ vũ con người không ngừng lao động, sản xuất, sáng tạo, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Môi trường văn hóa còn góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị, truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc, tạo cơ sở, nền tảng để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Một số thành tựu và những vấn đề đặt ra trong xây dựng môi trường văn hóa

Trong những năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng với sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương cùng các cơ chế, chính sách mới được ban hành, huy động được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân… Nhờ đó, môi trường văn hóa ở mỗi làng quê, khu phố, làng bản, thôn ấp hay trong không gian của mỗi gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị có những chuyển biến tích cực.

Việc xây dựng môi trường văn hóa từng bước đi vào chiều sâu, gắn với những phong trào thi đua, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cá nhân và cộng đồng. Đối với việc xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, thời gian qua, bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo, các cơ quan, đơn vị đã tích cực thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” với những nhiệm vụ quan trọng là: Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở; kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả; hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của người cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ. Thông qua việc xây dựng văn hóa công sở, góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có tinh thần, thái độ tận tụy, phục vụ nhân dân với những đức tính, phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc; kiến tạo không gian, cảnh quan văn hóa công sở ngày càng văn minh, hiện đại với những giá trị, tôn chỉ, mục đích tốt đẹp được thực thi, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Đối với việc xây dựng môi trường văn hóa ở các làng bản, khu phố, nhiều phong trào cũng đã được tổ chức, phát động, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Thi đua thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; phong trào Xây dựng làng văn hóa, khu phố, ấp văn hóa, gia đình văn hóa... đã tạo những chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân về ý thức xây dựng môi trường văn hóa bắt đầu từ trong mỗi gia đình đến làng bản, khu phố, trong phạm vi nhà trường và toàn xã hội.

Qua 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với mục tiêu chung là “Đoàn kết xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt đẹp”, “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội”, được cụ thể hóa, triển khai sâu rộng trong cả nước, với 5 nội dung (Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh), 7 phong trào (Xây dựng gia đình văn hóa; Làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Học tập, lao động sáng tạo; Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến). Những năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc. Năm 2017, “đã công nhận hơn 19 triệu gia đình văn hóa. Đến nay, cả nước đã có trên 1,2 triệu tấm gương người tốt, việc tốt; đã công nhận hơn 69 nghìn làng, thôn, ấp, bản, buôn, tổ dân phố văn hóa”(2). Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy chất lượng đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; môi trường sống và làm việc được cải thiện theo hướng văn minh, tiến bộ. Việc xây dựng môi trường văn hóa  phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình, thông qua những việc làm cụ thể để xây dựng gia đình, cộng đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những thành quả từ phong trào đã góp phần tạo ra những giá trị mới để tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng đã “thổi một luồng gió mới” làm thay đổi diện mạo, cảnh quan văn hóa nông thôn cũng như chất lượng cuộc sống của người dân quê không ngừng được nâng cao. Với sự quan tâm, đầu tư về nguồn nhân lực, vật lực của Đảng, Nhà nước, bức tranh nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú. Trong 10 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả quan trọng,  “hạ tầng kinh tế - xã hội cải thiện rõ rệt, diện mạo mới cho nông thôn có nhiều khởi sắc; các thiết chế văn hóa được củng cố, phát huy hiệu quả; qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kết nối thị trường và nâng cao đời sống người dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với mục tiêu Chiến lược đề ra. Đến hết năm 2019, cả nước có 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tăng từ 278 nghìn km năm 2010 lên khoảng 580 nghìn km năm 2020; xây dựng trên 16 nghìn công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế; 58,6% số xã có Nhà văn hóa”(3).

Không chỉ làm thay đổi diện mạo, cảnh quan văn hóa làng quê mà chất lượng đời sống văn hóa của người dân cũng được cải thiện, nâng cao với những cơ hội, điều kiện về giáo dục, y tế, vui chơi, giải trí ngày càng được đáp ứng đầy đủ, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điều này được thể hiện qua mức tăng thu nhập bình quân đầu người, “tăng 3,1 lần, từ 16,6 triệu đồng năm 2010 lên 51,5 triệu đồng năm 2019. Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi”(4).

Môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, đồng nghĩa với việc những tệ nạn xã hội sẽ được kiểm soát, đẩy lùi, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ.

Về nhiều làng quê hiện nay, không gian, cảnh quan văn hóa có nhiều đổi khác, đan xen với những nét đẹp văn hóa truyền thống (hình ảnh của ngôi đình, ngôi chùa cổ kính; lũy tre, cây đa, con đê đầu làng thân thuộc...) là khung cảnh của những khu phố mới khang trang, hiện đại với nhịp phát triển kinh tế nhanh, tạo không khí phấn khởi, vui tươi - động lực lớn để con người không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu, góp phần làm cho làng quê ngày càng trù phú, văn minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc xây dựng môi trường văn hóa ở một số cơ quan đơn vị, một số địa phương thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đánh giá về thực trạng này, Đảng ta chỉ rõ: “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”, “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”, “Môi trường văn hóa có nơi còn diễn biến phức tạp, xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, xuống cấp về đạo đức, lối sống”, “Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội”(5).

Thời gian qua, một số cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, do buông lỏng quản lý, thực thi pháp luật chưa nghiêm dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm kỷ cương phép nước, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào tham nhũng, chà đạp lên những giá trị, lợi ích quốc gia dân tộc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường văn hóa, làm suy giảm niềm tin giữa nhân dân với Đảng, chính quyền. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, “cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu (24 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Uỷ viên Bộ Chính trị; 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an)”. “Tính trong 4 năm (từ năm 2016 đến năm 2019), đã kiểm tra 220.560 tổ chức đảng và 1.060.542 đảng viên; uỷ ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 13.619 tổ chức đảng và 40.941 đảng viên. Qua kiểm tra, đã thi hành kỷ luật 1.063 tổ chức đảng và 45.990 đảng viên bằng các hình thức khác nhau”, “chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 44 vụ án (518 bị cáo) nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; với 3 án tử hình, 11 án chung thân, 5 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm, 414 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm, cải tạo không giam giữ 15 bị cáo”(6).

Những con số về các vụ việc, cá nhân, tổ chức vi phạm, bị phát hiện, kiểm điểm, kỷ luật… cho thấy, việc xây dựng môi trường văn hóa trong một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, môi trường văn hóa bị “ô nhiễm” khi những giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức công vụ bị chà đạp, xem thường dẫn đến sự tha hóa nhân cách khi nhiều cá nhân quá đề cao đồng tiền, danh vọng, chức vụ, quyền lực và dục vọng tầm thường của cá nhân.

Không chỉ trong một số cơ quan công quyền, môi trường văn hóa bị xâm hại mà trong không gian của nhiều gia đình hiện nay cũng đang phải đối diện với những nguy cơ của sự “đứt gãy hệ giá trị văn hóa”. Những mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm, lối sống giữa các thế hệ; một số cá nhân vì quá đề cao lợi ích vật chất mà sẵn sàng đánh đổi tính mạng của người thân và hạnh phúc gia đình; rồi sự chi phối, tác động của internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông hiện đại, khiến cho khoảng cách, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình càng trở nên biệt lập, khép kín.

Môi trường của một số cơ sở giáo dục - đào tạo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn bạo lực, của tình trạng học sinh bị xâm hại về thể chất, tinh thần; nạn mua bán bằng cấp; sự xâm nhập của những xuất bản phẩm độc hại trên không gian mạng đang chi phối và làm thay đổi suy nghĩ, hành động của nhiều học sinh, sinh viên theo chiều hướng phức tạp, tiêu cực.

Nguyên nhân dẫn đến môi trường văn hóa ở nhiều nơi bị “ô nhiễm” xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế; việc ban hành quy định, điều luật về văn hóa ứng xử còn chậm, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm; chưa phát huy hiệu quả vai trò gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gia đình, nhà trường và xã hội.

Môi trường văn hóa bị ảnh hưởng, chi phối bởi những tác nhân xấu sẽ là mảnh đất tốt dung dưỡng cho những thói hư tật xấu, những cái ác, cái lạc hậu, chậm tiến có dịp trỗi dậy, nảy sinh, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ của đời sống kinh tế - xã hội và sự phát triển toàn diện của mỗi người. Nhận diện để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, từ đó có phương án, biện pháp điều chỉnh là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa

Con người không thể tồn tại và phát triển nếu thiếu đi môi trường sống bao quanh. Việc xây dựng môi trường sống và làm việc lành mạnh, nhân văn, tiến bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thân với mỗi cá nhân và cộng đồng. Để xây dựng môi trường sống và làm việc ngày càng văn hóa, văn minh… cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mang tính thường xuyên, liên tục, trong đó tập trung vào một số giải pháp như:

Thứ nhất, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa. Để duy trì và phát triển môi trường văn hóa, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động có ý nghĩa như: phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Thực hành nếp sống văn minh trong cưới, việc tang, lễ hội; Xây dựng làng bản, khu phố, gia đình văn hóa... Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu, những cơ quan, đoàn thể có cách làm hay sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi cái xấu xa, thấp hèn.

Qua những phong trào thi đua, các cuộc vận động, phải nâng cao nhận thức của người dân để họ chung sức, đồng lòng cùng chính quyền xây dựng môi trường văn hóa, gắn với đặc điểm, điều kiện văn hóa, phong tục, truyền thống vùng miền, tộc người, ngành nghề, lĩnh vực để mỗi người đều ý thức rõ tinh thần trách nhiệm của bản thân trong việc kiến tạo môi trường sống và làm việc ngày càng tốt đẹp.

Thứ hai, thực hành tốt tinh thần nêu gương, đặc biệt là với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; ông bà, cha mẹ trong gia đình; thầy cô giáo trong trường học. Tinh thần nêu gương thể hiện qua hành động, suy nghĩ, việc làm của mỗi cá nhân, nhất là qua việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, tư cách của người cán bộ, đảng viên, nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của tập thể, cộng đồng, dân tộc lên trên hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng, lan tỏa của những tấm gương sáng về tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường văn hóa có ý nghĩa quan trọng, truyền đi những thông điệp nhân văn để khuyến khích, động viên mọi người tích cực học tập, làm theo.

Bên cạnh đó, cần khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được hun đúc trong lịch sử; đồng thời,  không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nên những giá trị mới để vừa cố kết cộng đồng, tạo dựng niềm tin, sức mạnh và định hướng con người đến những điều tốt đẹp. Bởi trong môi trường văn hóa, hệ giá trị văn hóa đóng vai trò nền tảng, tạo sợi dây để liên kết, quy tụ sức mạnh cộng đồng.

Thứ ba, ngoài việc duy trì những chuẩn mực, quy tắc đạo đức xã hội (được thể hiện qua hệ thống hương ước, quy ước, luật tục, lệ làng), sức mạnh của “quyền lực mềm” từ vai trò của các tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản trong việc điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người… thì việc ban hành, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về văn hóa nói chung, về công tác xây dựng môi trường văn hóa nói riêng (nhất là những quy tắc ứng xử trong cộng đồng, trong các cơ quan, đơn vị) rất cần thiết, tạo hành lang cơ chế với những quy định chặt chẽ về quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để mọi người đều có quyền tham gia kiến tạo, gìn giữ và nâng cao chất lượng môi trường văn hóa; đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, phong phú, nhân văn.

Đồng thời, chúng ta phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại những giá trị cộng đồng, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa. Có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, những xuất bản phẩm kém giá trị, tuyên truyền những tư tưởng thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên internet và mạng xã hội.

Thứ tư, để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ có ý nghĩa quan trọng. Các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí, Nhà văn hóa cộng đồng, sân vận động, khu liên hiệp thể thao, thư viện, câu lạc bộ nghệ thuật, công viên, trung tâm sinh hoạt cộng đồng,... nếu được quan tâm, đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại ở các xã phường, thị trấn với những hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức định kỳ, thường xuyên sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi để người dân thực hành, sáng tạo và thụ hưởng những sản phẩm văn hóa, từ đó nâng cao năng lực, trình độ nhận thức, tạo đời sống văn hóa tinh thần phong phú với không khí hồ hở, vui tươi để con người hăng say trong lao động, sản xuất, góp phần dựng xây quê hương, đất nước đẹp giàu.

Có thể nói, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ  là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, cách ngành và là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân. Việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ góp phần tạo ra những con người mới có nhân cách, đạo đức, tri thức, năng lực và bản lĩnh, đồng thời khắc phục và đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, nước ta là nước phát triển, người dân có thu nhập cao như quyết tâm của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Tác giả: Nguyễn Huy Phòng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

 

;