Xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích

Thực hiện Quyết định số 1990/QĐ-BVHTTDL, ngày 28-12-2020, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2020 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được sau hơn 3 năm triển khai Đề án; xác định những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; thuận lợi, khó khăn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm định hướng phát triển văn hóa đọc cho giai đoạn tiếp theo.

Đ/c Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc năm 2020

Ngày 15-3-2017, Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 329 với mục tiêu “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và tài liệu điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”.

Qua hơn 3 năm triển khai Đề án, các thư viện trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích, giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức hiệu quả. Cùng với ngành Thư viện, ngành Xuất bản đã có những đổi mới và phát triển, hình thức và nội dung, số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ VHTTDL đã tiến hành một số hoạt động để triển khai thực hiện Đề án: Xây dựng, ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai Đề án; Thực hiện và mở rộng ký kết các chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc; Tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và các cuộc thi dành cho người khiếm thị trên phạm vi toàn quốc; Tổ chức tập huấn triển khai các mô hình phát triển văn hóa đọc; Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về phát triển văn hóa đọc; Vận động xã hội hóa và sự chung tay của cộng đồng cho phát triển văn hóa đọc; Tổ chức xét tặng giải thưởng phát triển văn hóa đọc.

Những kết quả từ các hoạt động triển khai Đề án đã cho thấy sự khởi sắc của văn hóa đọc trong toàn hệ thống thư viện ở Việt Nam. Các chỉ tiêu, chỉ số về phát triển văn hóa đọc đều có sự gia tăng. Quá trình triển khai Đề án đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa đọc nước nhà. Môi trường đọc được cải thiện, mạng lưới thư viện không ngừng phát triển. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đổi mới nhằm thu hút người dân đến sử dụng sản phẩm và dịch vụ thư viện. Đề án không chỉ quan tâm đến những người sử dụng thông thường mà còn hướng đến phục vụ các đối tượng đặc biệt: người khiếm thị, phạm nhân trong các trại giam, nhà tù…

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Đề án vẫn có những hạn chế tồn tại như: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành, một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc chưa được đánh giá đúng mức; Kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án chưa được bố trí đồng đều giữa các địa phương, bộ, ngành; Một số thư viện thụ động, thiếu sáng tạo, đổi mới trong hoạt động kết nối cộng đồng nên không thu hút bạn đọc đến thư viện; Sự phối hợp giữa các ngành trong thực hiện Đề án chưa được quan tâm đúng mức…

Để đạt được các mục tiêu cụ thể đã đặt ra trong đề án, Hội nghị đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; Đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL và các Bộ ở Trung ương, phối hợp giữa ngành Văn hóa với các ngành ở địa phương để tận dụng tối đa thế mạnh, nguồn lực của các cấp, các ngành cùng chung tay phát triển văn hóa đọc; Tăng cường vai trò của công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Triển khai sâu rộng chương trình “Chung tay phát triển văn hóa đọc - Nâng tầm trí tuệ Việt” với hạt nhân là chương trình “Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt”, “Góc dành cho người tâm huyết với văn hóa đọc”, “Đọc sách cùng bạn”; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, thân thiện với người sử dụng; Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; Đẩy mạnh các hoạt động nhằm xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc trong thư viện, nhà trường, cơ quan, tổ chức…

Các tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị đã nêu rõ thuận lợi, khó khăn của đơn vị mình trong quá trình triển khai Đề án, đồng thời cũng khẳng định ý nghĩa to lớn của Đề án đối với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

10 tập thể được Bộ VHTTDL tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án

Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2020 cho 15 tập thể và 9 cá nhân; trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 10 tập thể, 8 cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc năm 2020 và trong 3 năm thực hiện Đề án; trao tặng sách cho các thư viện Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Hòa Bình, Điện Biên; tặng máy nghe nói và laptop cho Mái ấm Nhật Hồng và Thiên Ân.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban Tổ chức đã trưng bày một số sản phẩm và hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các thư viện, tủ sách, các sáng kiến của tổ chức, cá nhân trong phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của bạn đọc sáng tạo từ đọc, học tập qua sách, báo trong thời gian qua.

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 450, tháng 1-2021

 

;