Một số vấn đề về chính sách và pháp luật về điện ảnh

1. Chính sách và pháp luật

Khái lược về chính sách

Về khái niệm, theo Từ điển tiếng Việt, chính sách là sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra (1). Chính sách trong tiếng Anh là Policy, chỉ những hướng dẫn, phương pháp, thủ tục, luật lệ, biểu mẫu cụ thể và những công việc hành chính được thiết lập để hỗ trợ và thúc đẩy công việc hướng tới các mục tiêu đề ra. Mặt khác, chính sách còn là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến chính trị và pháp quyền; được hiểu ở những góc nhìn nhất định: xem xét nó một cách độc lập hay trong mối quan hệ với các phạm trù khác. Ngoài ra, “nếu nhìn nhận chính sách như một hiện tượng tĩnh và tương đối độc lập, thì chính sách được hiểu là những tư tưởng, những định hướng, những mong muốn cần hướng tới, cần đạt được; còn chiến lược hay kế hoạch, thậm chí pháp luật là hình thức, phương tiện để chuyển tải, để thể hiện chính sách” (2).

Quá trình ra quyết định chính sách là một quá trình chính trị; nhưng “sản phẩm của quá trình hoạch định chính sách thì dễ nhận thấy hơn, ví dụ như các quy định cụ thể, chi tiết của pháp luật, và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, đến sinh kế của mỗi người. Nhà nước là chủ thể có thẩm quyền quyết định ban hành chính sách công, với những nguồn lực công để đảm bảo chính sách được làm ra theo cách tốt nhất có thể, và thực thi sao cho hiệu lực, hiệu quả” (3).

Điều 2, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14-5-2016 của Chính phủ (Nghị định số 34) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật Ban hành VBQPPL) quy định: “Chính sách là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định”. Ở một khía cạnh khác, chính sách là hệ thống quan điểm, nhận thức, lý luận có tính chính thống, nền tảng cho việc hình thành quá trình tác động, điều chỉnh tới một đối tượng hoặc một lĩnh vực cụ thể. Như vậy, “khi nói đến chính sách là đã bao hàm cả cách thức để giải quyết vấn đề đặt ra, trong cách thức đó đã gồm mục tiêu, định hướng, giải pháp để thực hiện; còn vấn đề của xã hội chính là thực tiễn cần giải quyết” (4).

Sự khác biệt của chính sách và pháp luật

So với khái niệm pháp luật, chính sách được hiểu rộng hơn nhiều. Nếu xét nội hàm của khái niệm này trong mối quan hệ với chính trị và pháp quyền, thì khái niệm chính sách cần được tìm hiểu ở một số khía cạnh:

Chính sách là sự thể hiện cụ thể của đường lối chính trị chung. Dựa vào đường lối chính trị chung, cương lĩnh chính trị của đảng cầm quyền mà người ta định ra chính sách. Nếu chính sách là những tư tưởng, định hướng, mong muốn chính trị được thể hiện trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng thì pháp luật được thể hiện bằng các quy tắc xử sự mang tính pháp lý, được ban hành bởi Nhà nước theo những trình tự và thủ tục nghiêm ngặt (hình thức, thẩm quyền, quy trình soạn thảo và ban hành).

Khi được thể chế hóa, do chính sách là nội dung, pháp luật là hình thức nên chính sách có vai trò chi phối, quyết định đối với pháp luật. Theo nghĩa đó, “chính sách chính là linh hồn, là nội dung của pháp luật, còn pháp luật là hình thức, phương tiện thể hiện của chính sách khi nó được thừa nhận, được ban hành bởi nhà nước theo một trình tự luật định” (5). Khi tư tưởng chính sách thay đổi, pháp luật phải thay đổi theo. Ngược lại, pháp luật lại là công cụ thực tiễn hóa chính sách. Chính sách muốn đi vào cuộc sống một cách thực sự hiệu quả phải được luật pháp hóa, nếu không được thể chế hóa thành pháp luật thì chính sách sẽ khó có thể đi vào và phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Chính sách là cơ sở nền tảng để chế định, nên nói cách khác, pháp luật là kết quả của sự thể chế hóa chính sách. Có thể có chính sách chưa được luật pháp hóa (thể chế hóa), hoặc cũng có thể không bao giờ được luật pháp hóa vì nó không được lựa chọn để luật pháp hóa khi không còn phù hợp với tư tưởng mới hay sự thay đổi của thực tiễn; nhưng sẽ không có pháp luật phi chính sách hay pháp luật ngoài chính sách.

Vai trò của chính sách đối với pháp luật

Chính sách bao giờ cũng đi trước pháp luật, mang tính định hướng và là nền tảng để xây dựng pháp luật: chính sách phản ánh một cách trung thực, khách quan điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm cụ thể và dự báo xu thế, khả năng phát triển trong tương lai. Nếu chính sách không làm tốt vai trò này thì việc thể chế hóa các chính sách thành quy phạm pháp luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật sẽ không có tính khả thi, hoặc kìm hãm sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội.

Chính sách có tính ổn định tương đối để pháp luật có điều kiện đi vào thực tế cuộc sống vì pháp luật luôn hướng tới mục tiêu chung, thống nhất nên trong mỗi giai đoạn nhất định, pháp luật có tính đồng bộ và ổn định. Điều này có nghĩa, “khi một chính sách có quá nhiều thay đổi hoặc không có những lộ trình cụ thể sẽ gây khó khăn, phức tạp cho việc xây dựng và thực thi pháp luật” (6).

Chính sách là một trong các nguồn tạo ra những thể chế pháp luật mới. Hay nói cách khác, do chính sách là công cụ thể hiện thái độ chính trị của Đảng lãnh đạo để điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra theo định hướng, nên pháp luật được ban hành cùng các quy định cụ thể cho mỗi loại quan hệ. Như vậy, một chính sách mới được ban hành đồng thời tạo nên một lĩnh vực điều chỉnh mới của hệ thống pháp luật.

Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật

Trong mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật, có thể có chính sách chưa được luật pháp hóa (thể chế hóa), hoặc cũng có thể không bao giờ được luật pháp hóa vì nó không được lựa chọn để luật pháp hóa khi không còn phù hợp với tư tưởng mới hay sự thay đổi của thực tiễn, nhưng sẽ không có pháp luật phi chính sách hay pháp luật ngoài chính sách (7).

Chính sách có tính ổn định tương đối để pháp luật có điều kiện đi vào thực tế cuộc sống vì pháp luật luôn hướng tới mục tiêu chung, thống nhất nên trong mỗi giai đoạn nhất định, pháp luật có tính đồng bộ và ổn định. Điều này có nghĩa, khi một chính sách có quá nhiều thay đổi hoặc không có những lộ trình cụ thể sẽ gây khó khăn, phức tạp cho việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Chính sách là một trong các nguồn tạo ra những thể chế pháp luật mới. Thông thường, sau khi Nhà nước ban hành chính sách mới trên cơ sở định hướng chính sách của Đảng, chính sách này được thực thi thông qua việc cụ thể hóa thành các quy phạm pháp luật. Như vậy, một chính sách mới được ban hành đồng thời tạo nên một lĩnh vực điều chỉnh mới của hệ thống pháp luật.

Khái lược về pháp luật

Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, do Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật một mặt hướng dẫn, điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội phù hợp với nhu cầu của xã hội, mặt khác, hướng đến ý thức tình cảm làm cho mô hình hành vi đọng lại trong ý thức của con người. Pháp luật mang tính bắt buộc chung cho tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức nhằm mục đích ngăn ngừa, răn đe, trừng phạt những hành vi sai trái; giáo dục, cảm hóa những người có hành vi này, bồi dưỡng cho mọi người tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững… Pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ xã hội chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được lặp đi lặp lại (8).

Vai trò của pháp luật đối với chính sách

Pháp luật là căn cứ xây dựng chính sách, là công cụ để cụ thể hóa và thực thi chính sách. Chính sách có tính linh hoạt và thích nghi với thực tế xã hội cao hơn pháp luật nhưng không thể tồn tại và phát huy tác dụng nếu thiếu pháp luật bởi hệ thống pháp luật tạo nên khuôn khổ pháp lý quy định và điều chỉnh tất các quan hệ xã hội. Chính sách do Nhà nước ban hành phải căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành và về nguyên tắc không được trái với các quy định của pháp luật. Do đó, không thể xây dựng chính sách có hiệu quả và khả thi khi không nắm được tất cả những quy định pháp luật đang điều chỉnh lĩnh vực liên quan đến chính sách đó.

Pháp luật phản ánh các chính sách ở điểm cân bằng. Điều này có nghĩa, do đặc trưng của pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được lặp đi lặp lại, do đó nếu không tìm ra được điểm cân bằng và tương đối ổn định thì chính sách khó có thể cụ thể hóa thành pháp luật.

Pháp luật được ban hành và đi vào cuộc sống giúp các quan hệ xã hội diễn ra có trật tự theo định hướng thống nhất với các chính sách hiện hành. Quá trình thực thi pháp luật giúp các đối tượng có ý thức chấp hành các quy định chung, trên cơ sở đó nêu cao tinh thần chấp hành chính sách một cách tự giác.

Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật

Trong mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật, chính sách bao giờ cũng đi trước một bước. Điều này có nghĩa là, chính sách có tính linh hoạt và thích nghi với thực tế xã hội cao hơn so với pháp luật. Mặt khác, chính sách cũng không thể tồn tại và phát huy tác dụng nếu thiếu pháp luật. Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật là mối quan hệ đa chiều và có nhiều hệ quả.

Chính sách mang tính định hướng và là nền tảng của pháp luật. Vì vậy, chính sách phải phản ánh một cách trung thực, khách quan điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước ở thời điểm hiện tại và dự báo khả năng, khuynh hướng phát triển trong tương lai. Trong mỗi giai đoạn, pháp luật sẽ có được tính đồng bộ và ổn định, vì nó luôn hướng tới một mục tiêu chung, thống nhất. Trái lại, một chính sách hay thay đổi hoặc thiếu lộ trình cụ thể sẽ gây khó khăn, phức tạp trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Pháp luật phải phản ánh các chính sách ở điểm cân bằng. Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều chính sách. Về cơ bản, các chính sách đều nhất quán, song lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội - cái nền của các chính sách - đôi khi không đồng quy tại một điểm. Pháp luật được xây dựng trên nền thường xuyên thay đổi, do đó, bản thân nó cũng chứa đựng những yếu tố không bền vững và thiếu tính khả thi. Mặt khác, “một hệ thống chính sách thiếu nhất quán cũng khiến pháp luật bị chồng chéo, không đồng bộ. Kết quả là khi tiếp tục hoạch định chính sách mới và cụ thể hóa nó thành pháp luật sẽ khó có thể thực hiện được trong môi trường pháp luật đó” (9).

2. Một số vấn đề pháp luật về điện ảnh

Đặc điểm pháp luật về điện ảnh

Hiện nay, điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất tại Việt Nam có quy phạm pháp luật điều chỉnh ban hành bằng văn bản luật của Quốc hội và được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho sự hoạt động và phát triển.

Luật Điện ảnh 62/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2007 (gọi tắt là Luật Điện ảnh) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18-6-2009 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2009. Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực điện ảnh tương đối ít, ổn định và thống nhất. Các quy định về điện ảnh đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào điện ảnh tại Việt Nam; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế với các chuẩn mực chung, phù hợp. Với cơ chế pháp luật rõ ràng, mang tính quốc tế, đảm bảo cho hoạt động điện ảnh hòa nhập với xu hướng phát triển chung của quốc tế nhưng vẫn giữ chủ quyền quốc gia, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Vai trò của pháp luật về điện ảnh

Vai trò cơ bản của pháp luật về điện ảnh thể hiện ở chỗ là công cụ hữu hiệu chủ yếu để Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, duy trì sự tồn tại và phát triển của điện ảnh, phát triển công nghiệp điện ảnh và phục vụ người dân. Dưới góc độ quản lý, quản trị quốc gia, Nhà nước sử dụng pháp luật về điện ảnh như một công cụ quan trọng tác động vào các hoạt động của lĩnh vực điện ảnh để đạt được mục tiêu định hướng của nhà nước. Ngoài vai trò cơ bản này, pháp luật về điện ảnh còn có vai trò:

Định hướng mục tiêu cho các chủ thể tham gia hoạt động điện ảnh: Do chính sách phản ánh thái độ, cách xử sự của Nhà nước đối với một vấn đề quốc gia, nên nó thể hiện rõ những xu thế tác động của Nhà nước lên các chủ thể trong xã hội, giúp họ vận động đạt được những giá trị tương lai mà nhà nước mong muốn. Nếu các chủ thể điện ảnh hoạt động theo định hướng tác động của chính sách, thì không những dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển mà còn nhận được những ưu đãi từ phía Nhà nước hay xã hội. Cùng với mục tiêu định hướng, cách thức tác động của pháp luật về điện ảnh cũng có vai trò định hướng cho các chủ thể hành động.

Tạo động lực cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh theo mục tiêu chung: Muốn đạt được các mục tiêu phát triển điện ảnh dân tộc, Nhà nước phải ban hành nhiều chính sách, trong đó mỗi chính sách lại có những cách thức tác động mang tính khuyến khích đối với các chủ thể thuộc mọi thành phần như: miễn giảm thuế, tạo cơ hội cho khán giả mọi vùng miền của đất nước tiếp cận với nghệ thuật điện ảnh, ban hành các chế độ ưu đãi đối với nghệ sĩ… Chẳng hạn, để tăng cường đầu tư vào ngành Điện ảnh, Nhà nước ban hành chính sách xã hội hóa hoạt động điện ảnh nhằm khuyến khích các chủ thể, các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài tích cực đầu tư vào ngành Điện ảnh, hay những lĩnh vực cụ thể của điện ảnh cần được ưu tiên phát triển.

Phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường đối với hoạt động điện ảnh: Trong nền kinh tế thị trường, quy luật cạnh tranh và các quy luật thị trường khác đã thúc đẩy mỗi chủ thể trong xã hội đầu tư vào sản xuất - kinh doanh điện ảnh, không ngừng đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành hàng hóa và dịch vụ điện ảnh cung cấp cho xã hội. Nhờ đó, xã hội và từng người dân, tổ chức đều được hưởng lợi như: số lượng - chất lượng phim và dịch vụ điện ảnh tăng về số lượng, đa dạng, phong phú về chủng loại, thương hiệu, mẫu mã, chất lượng ngày càng được nâng cao với giá vé ngày càng giảm. Nhưng sự vận hành của thị trường cũng gây ra những tác động tiêu cực, là mặt trái của thị trường như: độc quyền trong nhập khẩu, phát hành phim; sản xuất cung ứng không đầy đủ phim, sự chênh lệch về hưởng thụ điện ảnh giữa các tầng lớp xã hội, giữa các vùng miền; bất ổn định thị trường điện ảnh... gây ảnh hưởng không tốt tới nền điện ảnh dân tộc. Trong tình hình đó, Nhà nước phải sử dụng hệ thống pháp luật về điện ảnh để giải quyết những vấn đề bất cập, khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường đối với hoạt động điện ảnh.

Tạo lập sự cân đối, hài hòa, lành mạnh trong phát triển điện ảnh: Để ngành Điện ảnh phát triển một cách ổn định bền vững, Nhà nước phải dùng chính sách để tạo lập các cân đối vĩ mô cơ bản như cân đối giữa hàng - tiền, cung - cầu, xuất - nhập khẩu, tiết kiệm - tiêu dùng… trong hoạt động điện ảnh. Đồng thời, Nhà nước còn dùng chính sách để điều tiết, đảm bảo cho sự phát triển cân đối giữa điện ảnh nhà nước và tư nhân, giữa các vùng miền của đất nước, giữa các nhà đầu tư - sản xuất - làm phim trong nước và Việt kiều…

Kiểm soát và phân bổ các nguồn lực điện ảnh trong xã hội: Nhà nước luôn quan tâm đến quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực cho phát triển. Để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực theo hướng bền vững, nhà nước thông qua các chính sách thực hiện kiểm soát các nguồn lực xã hội trong nước và nước ngoài tích cực đầu tư vào ngành Điện ảnh. Đồng thời, quá trình khai thác, sử dụng ngân sách và phân bổ hợp lý các nguồn lực trong xã hội, như chính sách cho Việt kiều làm giám đốc công ty phim tư nhân, chính sách xây dựng rạp chiếu bóng, chính sách đất đai, chính sách thuế đối với điện ảnh, chính sách bảo vệ phim nội địa...

Tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động điện ảnh: Thông qua các chính sách, Nhà nước tạo những điều kiện cần thiết để hình thành môi trường thuận lợi cho các chủ thể xã hội hoạt động điện ảnh như: chính sách phát triển thị trường điện ảnh, chế độ ưu đãi đối với nghệ sĩ, phát triển cơ sở hạ tầng điện ảnh...

Thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cấp quản lý điện ảnh: Việc thực hiện các giai đoạn trong chu trình chính sách không chỉ và không thể do một cơ quan nhà nước đảm nhiệm, mà cần có sự tham gia của nhiều cơ quan thuộc các cấp, các ngành khác nhau hay của nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh. Vì vậy, thông qua quá trình chính sách sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, nhà hoạt động điện ảnh… góp phần tạo nên sự nhịp nhàng, đồng bộ trong hoạt động thực thi pháp luật về điện ảnh.

3. Chính sách, pháp luật về điện ảnh và những mục đích và nội dung hướng tới của Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Từ một số vấn đề về chính sách, pháp luật về điện ảnh nói trên, có thể nói về sự liên quan trực tiếp đến mục đích và nội dung chính của Luật Điện ảnh (sửa đổi, dự kiến được thông qua trong năm 2022).

Mục đích tổng quát: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh và công nghiệp điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch và có tính khả thi cao, đồng bộ với các bộ luật, luật có liên quan đang có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Mục đích cụ thể: Thứ nhất, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thứ hai, thực thi Hiến pháp và đồng bộ với các luật mới ban hành và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thứ ba, thiết lập cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, cũng như xác lập nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thứ năm, tạo hành lang pháp lý để phát triển điện ảnh dân tộc, vừa phát huy được tính chủ động của các thành phần tham gia hoạt động điện ảnh, vừa đảm bảo và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh điện ảnh; Thứ sáu, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, phát huy hiệu quả việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới thông qua điện ảnh và góp phần quảng bá điểm đến du lịch.

Những nội dung chính: Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tập trung vào 4 nội dung chính trong các chính sách, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

 Chắc chắn, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến được thông qua trong năm 2022 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của ngành Điện ảnh nước nhà.

________________

1. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.157.

2, 5. Đinh Dũng Sỹ, Chính sách và mối quan hệ giữa chính sách với pháp luật trong hoạt động lập pháp, thongtinphapluatdansu.edu.vn, 16-9-2008.

3, 7. Lê Tuấn Phong, Đánh giá tác động của chính sách trong xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11 (411), tháng 6-2020.

4, 8. Hà Thị Thanh Vân, Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật, lapphap.vn, 1-6-2005.

6. Chính sách công là gì? Vai trò của chính sách công?, luatminhkhue.vn, 20-9-2021.

9. Đặng Văn Khanh, Mấy vấn đề về quan hệ giữa chính sách với pháp luật, lapphap.vn, 1-1-2004.

ĐẶNG TRẦN CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;