Những năm qua, các học viện, nhà trường quân đội luôn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển lối sống văn hóa cho học viên, góp phần quan trọng vào hoàn thiện nhân cách của người cán bộ quân đội và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của mỗi học viện, nhà trường; góp phần quan trọng xây dựng quân đội ngày càng hiện đại. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm các giải pháp để phát triển lối sống văn hóa cho học viên trong các học viện, nhà trường quân đội là rất cần thiết.
Phát triển lối sống văn hóa cho học viên đào tạo sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội là quá trình tác động toàn diện của các chủ thể và sự nỗ lực của học viên trong quá trình tích hợp hệ giá trị văn hóa trong lối sống, nhằm làm cho lối sống của họ chất lượng hơn, phù hợp với các tiêu chí chân, thiện, mỹ, đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo của từng học viện, nhà trường và yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Phát triển lối sống văn hóa của học viên các học viện, nhà trường quân đội là quá trình liên tục phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn vốn có trên mọi phương diện hoạt động sống của họ trong suốt quá trình giáo dục đào tạo tại các học viện, nhà trường.
Đồng thời, phát triển lối sống văn hóa của học viên đào tạo sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội còn là quá trình thường xuyên tích lũy về lượng dẫn đến sự chuyển hóa về chất trong lối sống của họ. Lối sống, nếp sống văn hóa không phải ngay một lúc mà có, nó chỉ có được thông qua một quá trình giáo dục, rèn luyện; tự giáo dục, tự rèn luyện công phu, gian khổ. Do đặc điểm về tâm, sinh lý của con người nói chung, từ mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố sinh học với yếu tố xã hội trong bản chất con người nên một điều dễ nhận thấy là: để một cá nhân tiếp thu và rèn luyện được một phẩm chất, thói quen tốt đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức, mất rất nhiều thời gian. Nhưng khả năng bắt chước, tập nhiễm một thói quen, hành vi xấu thì lại rất nhanh và rất dễ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở mọi người phải rèn luyện tính kiên trì, bởi theo Người: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi; phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu” (1). Bởi vậy, để phát triển lối sống văn hóa của học viên, các chủ thể tiến hành giáo dục cũng như đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan cần kiên trì, bền bỉ; rèn luyện hệ thống phẩm chất nhân cách, thói quen hành vi tốt đẹp một cách thường xuyên, liên tục, tránh tư tưởng nóng vội, chủ quan, nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Mặt khác, khi đã có sự tích lũy đầy đủ về lượng, phải bằng những biện pháp cụ thể, kiên quyết tạo sự chuyển hóa về chất trong lối sống của học viên cấp phân đội; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, ngại khó, ngại khổ, ngại rèn luyện.
Trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các học viện, nhà trường quân đội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển lối sống văn hóa của học viên. Các chủ thể làm công tác quản lý, giáo dục - đào tạo và bản thân học viên đào tạo sĩ quan đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực, tương đối phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tiễn ở từng học viện, nhà trường. Lối sống văn hóa của học viên đã có nhiều tiến bộ trong nhận thức cũng như hành vi trong học tập, rèn luyện, công tác và nghiên cứu khoa học. Học viên đã có sự nhận thức tương đối đầy đủ về vai trò của lối sống văn hóa trong việc rèn luyện phẩm chất nhân cách người sĩ quan quân đội trong tương lai.
Tuy nhiên, trong lối sống của học viên vẫn còn có mặt hạn chế, biểu hiện ở tư tưởng thực dụng, hưởng thụ, ngại học tập, lười rèn luyện và ứng xử không đúng trong quan hệ xã hội. Những vấn đề này lại bị tác động từ mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, sự du nhập của những phong cách, lối sống bên ngoài xã hội nên nó phức tạp hơn. Không ít học viên có biểu hiện sống buông thả, thiếu hoài bão, mờ nhạt lý tưởng, thiếu trách nhiệm với tập thể, vị kỷ cá nhân, không quan tâm tới các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nhiều học viên chỉ chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác, chưa coi trọng việc tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng lối sống, phong cách quân nhân. Cá biệt, có học viên còn vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội hoặc sa vào các tệ nạn xã hội… Thực tế trên đặt ra yêu cầu cao đối với công tác giáo dục, đào tạo ở các học viện, nhà trường quân đội. Bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện tác phong quân nhân, phải làm tốt công tác phát triển lối sống văn hóa cho học viên để đào tạo ra những con người có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, tạo lập môi trường sư phạm quân sự giàu tính thẩm mỹ, nhân văn.
Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, phát triển quân đội, sự phát triển toàn diện của học viên đào tạo sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội rất cần thiết. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” (2).
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, để phát triển lối sống văn hóa cho học viên đào tạo sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội, cần chú trọng một số biện pháp cơ bản sau:
Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của các chủ thể trong phát triển lối sống văn hóa cho học viên
Theo đó, các học viện, nhà trường quân đội cần phát huy vai trò của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng và hiệu quả tham mưu, hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong phát triển lối sống văn hóa cho học viên. Đồng thời, phải chuẩn hóa nội dung phát triển lối sống văn hóa thành các tiêu chí cụ thể trong học tập, rèn luyện, công tác phát triển đảng, thi đua, khen thưởng, kiểm tra đảng, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm, làm cơ sở cho học viên tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Cùng với đó, các nhà trường cần gắn việc phát triển lối sống văn hóa cho học viên với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Để đạt hiệu quả cao, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến về phát triển lối sống văn hóa; kiên quyết đấu tranh với những nhận thức và hành vi “lệch chuẩn”, phát triển văn hóa ứng xử, xây dựng văn hóa ứng xử với mạng xã hội để học viên ít bị tác động từ mặt trái của nó. Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên, cần tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và vai trò gương mẫu trong phát triển lối sống văn hóa cho học viên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (3). Từ đó, xác định rõ động cơ, trách nhiệm của mình, luôn yêu người, yêu nghề, tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; ra sức rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển lối sống văn hóa cho học viên với các hoạt động giáo dục, đào tạo và rèn luyện kỷ luật
Giải pháp này cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa trang bị kiến thức, kỹ năng công tác với bồi dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực, giá trị văn hóa nhân văn, tiến bộ, thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo. Bởi lẽ, chỉ trên cơ sở một nền tảng kiến thức chuyên sâu, học viên mới vững vàng trước những tác động xấu của môi trường xã hội; từ đó, biết phân tích, lựa chọn các chuẩn mực, giá trị sống và xây dựng cho mình lối sống văn hóa. Do vậy, các học viện, nhà trường quân đội cần cụ thể hóa tiêu chí đánh giá lối sống văn hóa và phát triển lối sống văn hóa, cũng như ý thức chấp hành kỷ luật cho từng đối tượng học viên theo chức trách, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất. Chú trọng định hướng cho học viên trong thực hiện nhiệm vụ phải “quân lệnh như sơn”; xây dựng nếp sống chính quy, khoa học và tiến bộ là thước đo trong học tập, nghiên cứu khoa học. Mỗi học viên lấy đó làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng thời, chú trọng xây dựng cho học viên nếp sống đẹp, nhân ái, vị tha, có trách nhiệm với đồng đội, nhân dân, với chính bản thân mình và vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Phát triển nếp sống văn hóa đi đôi với xây dựng đơn vị chính quy, mẫu mực tiêu biểu.
Phát huy vai trò nhân tố chủ quan của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện, phát triển lối sống văn hóa nhằm biến quá trình này thành quá trình tự giác phát triển
Đây là giải pháp quyết định đến hiệu quả của quá trình giáo dục, đào tạo trong nhà trường quân đội. Thực tiễn cho thấy, vai trò của các lực lượng giáo dục, tuyên truyền chỉ có hiệu quả khi học viên tự giác, tích cực, không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, hành động, phát triển lối sống văn hóa. Đó chính là sự chuyển hóa từ quá trình được phát triển sang quá trình tự giác phát triển lối sống văn hóa. Do vậy, các học viện, nhà trường quân đội cần quán triệt sâu sắc cho học viên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và Quân ủy Trung ương về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, xây dựng con người mới trong lực lượng vũ trang; xây dựng cho họ thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong xem xét đánh giá và xử lý các tình huống thực tiễn; định hướng hoạt động tự phát triển lối sống văn hóa của học viên theo chuẩn mực văn hóa tốt đẹp. Qua đó, giúp học viên biết tự điều chỉnh về nhận thức và hành vi nhằm loại bỏ những quan điểm, tư tưởng lạc hậu, phản nhân văn, hành vi đạo đức, lối sống không phù hợp với chuẩn mực xã hội và yêu cầu giáo dục, đào tạo; chủ động tìm tòi, lĩnh hội những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng sống có văn hóa. Trong quá trình học tập, rèn luyện, mỗi học viên phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, lối sống cũng như năng lực thẩm mỹ của mình; luôn tự kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện, phát triển của bản thân so với mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, giảng viên, học viên, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong sạch, lành mạnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “…phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chư a ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chư a đủ áo mặc, cán bộ không đư ợc kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng” (4). Quán triệt tinh thần đó, để mỗi học viện, nhà trường quân đội thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, phải tích cực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng hệ thống giảng đường, phòng học, nhà văn hóa, phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc, nơi ăn ở, khu thể thao, vui chơi, giải trí, vườn hoa, cây cảnh, pa-nô, khẩu hiệu… khang trang, sạch đẹp để học viên được sống và học tập trong một môi trường văn hóa lành mạnh, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Qua đó, nét đẹp văn hóa thẩm thấu vào chiều sâu nhân cách của học viên, hình thành lối sống văn hóa tiến bộ, coi lý tưởng cách mạng là mục tiêu phấn đấu. Xây dựng các mối quan hệ văn hóa giữa quân nhân và tập thể quân nhân, tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; kịp thời phát hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc để định hướng đúng nhận thức và lối sống của cán bộ, giảng viên, học viên trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Đồng thời, thắp lên ở họ tình yêu cuộc sống, khát vọng được học tập, rèn luyện, nghiên cứu - sáng tạo, hoạt động, cống hiến và nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, từng bước hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
_______________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.46.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.48-49.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.76
TRẦN HỒNG QUÂN - VŨ ĐỨC BỘ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022