Pháp luật, chấp hành pháp luật là đòi hỏi khách quan đối với mọi Nhà nước, mọi chế độ xã hội có phân chia giai cấp. Giáo dục, rèn luyện ý thức pháp luật cho quân nhân ở đơn vị cơ sở là hoạt động có tổ chức, có mục đích nhằm bổ sung, phát triển tri thức, bồi dưỡng quan điểm, tư tưởng, tình cảm, niềm tin, ý chí, thói quen hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Ý thức kỷ luật không chỉ là phẩm chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng, mà còn chi phối tất cả các mặt hoạt động của họ nhằm định hướng, hướng dẫn hành động trong đơn vị, góp phần chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm” (1).
Đơn vị cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật và các nhiệm vụ đột xuất khác. Đồng thời là nơi trực tiếp giáo dục, rèn luyện giúp họ có đủ những phẩm chất chiến đấu cần thiết của người quân nhân cách mạng. Do vậy, việc giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân có vai trò rất quan trọng, trực tiếp hình thành ý thức và hành vi chấp hành kỷ luật của quân đội; làm giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật ở đơn vị; góp phần nâng cao phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của người quân nhân trong quân đội.
Giáo dục, rèn luyện ý thức pháp luật cho quân nhân ở đơn vị cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, là “cầu nối” để đưa pháp luật, kỷ luật quân đội vào đời sống thực tiễn, góp phần nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho họ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chức trách được giao.
Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của quân nhân, tầm quan trọng tăng cường giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho lực lượng này, những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy các cấp ở đơn vị cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho quân nhân với nhiều chủ trương, biện pháp. Trong đó, tập trung quán triệt chỉ thị số 63/2008/CT-BQP ngày 22-4-2008 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ; chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 20-1-2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc triển khai thực hiện Ngày pháp luật trong quân đội; Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý tư tưởng, duy trì nghiêm lễ tiết tác phong quân nhân, các chế độ, nền nếp chính quy trong cơ quan, đơn vị là những vấn đề thường xuyên được chú trọng. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy tắc, quy định bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập, tham gia giao thông; phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan, ngành, lực lượng trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các tiêu cực, tệ nạn tác động vào đơn vị. Qua đó, đại đa số họ nhận thức đúng về pháp luật, kỷ luật; tích cực tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và các quy chế, quy định của đơn vị, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm như: trình độ nhận thức, kinh nghiệm, phương pháp và tính mô phạm trong giáo dục rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân ở một số cán bộ, chỉ huy chưa mẫu mực; nội dung, hình thức, phương pháp chưa thực sự phù hợp, ít sáng tạo, thiếu sức thuyết phục… làm ảnh hưởng đến định hướng giá trị nhân cách, lối sống và kỷ luật của mỗi quân nhân.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của đời sống xã hội, cùng với đó, sự tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, nhất là sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”..., đã xuất hiện một số trường hợp quân nhân có sự lệch lạc về tư tưởng, nhận thức, lối sống tự do buông thả, vi phạm kỷ luật dưới những hình thức khác nhau, đặc biệt có những trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật ở các đơn vị cơ sở, làm hoen ố bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội và hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Do đó, để không ngừng nâng cao chất lư ợng giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân ở đơn vị cơ sở hiện nay, cần nắm vững và thực hiện tốt một số yêu cầu:
Một là, tạo sự chuyển biến tích cực, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, chế độ quy định của đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao
Đây là yêu cầu cơ bản, thể hiện tính mục đích của quá trình giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân. Bởi lẽ, để tạo sự chuyển biến tích cực, tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, chế độ quy định ở đơn vị của mỗi quân nhân, cần làm cho họ nắm và thực hiện nghiêm kỷ luật quân đội, chế độ quy định của đơn vị. Mặt khác, phải có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong việc giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật của quân nhân; giúp họ có nhận thức đúng, có trách nhiệm cao trong quá trình rèn luyện ý thức kỷ luật của mình. Trong các hoạt động của mỗi quân nhân, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải luôn coi việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và chính xác pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất, năng lực của mỗi quân nhân; mọi hoạt động của họ phải theo đúng kế hoạch, có tác phong khoa học. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong đơn vị theo đúng điều lệnh quân đội; xây dựng đơn vị luôn có không khí đoàn kết, phấn khởi, tin cậy lẫn nhau với phương châm “toàn đơn vị nói và hành động theo điều lệnh”.
Hai là, giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân phải gắn chặt với quá trình thực hiện nội dung, chương trình huấn luyện của đơn vị
Nội dung, chương trình huấn luyện đều góp phần vào quá trình giáo dục, hình thành, phát triển nhân cách và ý thức kỷ luật chiến đấu cần thiết cho quân nhân. Do vậy, giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân ở đơn vị được thực hiện thông qua nội dung, chương trình huấn luyện sẽ đem lại kết quả toàn diện, thiết thực, vững chắc. Thực hiện yêu cầu này, đòi hỏi trong khi triển khai nhiệm vụ huấn luyện để trang bị kiến thức toàn diện, bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ cho quân nhân; phải chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống và nâng cao nhận thức về kỷ luật, rèn luyện được tác phong, lối sống có kỷ luật cho quân nhân trong các tình huống của quá trình huấn luyện; để họ thực sự trở thành người có bản lĩnh chiến đấu và ý thức kỷ luật cao, phong thái, tác phong chững chạc trong ứng xử, giải quyết các mối quan hệ, làm việc có nền nếp, có kế hoạch, có tính nguyên tắc, linh hoạt, ứng biến trong mọi hoàn cảnh; đồng thời, phải luôn hướng người học vào chấp hành nghiêm quy chế huấn luyện, nâng cao kết quả học tập, thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu huấn luyện đặt ra.
Ba là, phải kết hợp chặt chẽ việc quản lý, duy trì các chế độ quy định ở đơn vị với tăng cường phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quân nhân trong tự giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật
Đây là yêu cầu tác động trực tiếp tới ý thức kỷ luật của quân nhân. Có quản lý, duy trì nghiêm các chế độ, quy định kết hợp với tăng cường phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quân nhân thì mới hiểu rõ, nắm chắc tình hình ý thức kỷ luật của quân nhân. Chủ động tạo điều kiện cho quân nhân rèn luyện trong thực tiễn, phòng ngừa, ngăn chặn được vi phạm kỷ luật; đồng thời, mới đề xuất được các nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật của quân nhân thích hợp. Để thực hiện tốt yêu cầu này, cần bám sát, tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các quy định, quy chế về quản lý, duy trì kỷ luật, phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ; nội dung, hình thức và phương pháp quản lý, duy trì, phát huy dân chủ kỷ luật của quân nhân phải khoa học và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với đặc điểm đối tượng, thực tiễn của đơn vị; phải quan tâm, động viên và phát huy tốt vai trò gương mẫu của cán bộ, chỉ huy các cấp; khắc phục tình trạng thụ động, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc giản đơn, áp đặt, tùy tiện, mang tính hình thức, gây nên sự ức chế, kìm hãm tính tích cực của quân nhân.
Bốn là, giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân phải được kết hợp với giáo dục, rèn luyện các phẩm chất nhân cách người quân nhân và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong mọi nhiệm vụ, mọi hoàn cảnh
Nhân cách quân nhân được cấu thành từ các phẩm chất khác nhau như: chính trị, tư tưởng; đạo đức; nghề nghiệp, kỷ luật… Trong đó, ý thức kỷ luật là một nội dung rất quan trọng. Cơ sở ý thức kỷ luật của quân nhân là một hệ thống các động cơ, thái độ trách nhiệm xã hội thống nhất, cùng được hình thành trong quá trình rèn luyện, xây dựng nhân cách quân nhân. Hệ thống đó bao gồm: ý thức giác ngộ chính trị, mục tiêu lý tưởng chiến đấu, ý chí quyết tâm hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ và tinh thần tập thể. Những yếu tố trên cùng hòa quyện vào nhau, tác động ảnh hưởng lẫn nhau và cùng tham gia vào định hướng, xây dựng nhân cách quân nhân. Do đó, khi bồi dưỡng rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân phải luôn kết hợp đồng bộ với xây dựng các phẩm chất nhân cách quân nhân; phải thường xuyên coi trọng bồi dưỡng những phẩm chất, phong cách của người quân nhân cách mạng, phương pháp, tác phong của họ theo mô hình, mục tiêu của từng chức danh trong đơn vị; bồi dưỡng những chuẩn mực, thói quen ứng xử có văn hoá trong giao tiếp; bồi dưỡng đạo đức, lối sống trong sáng trong quan hệ đồng chí đồng đội, giữa cá nhân với tập thể. Trong quân đội, theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì đạo đức cách mạng được thể hiện tập trung trong 10 điều kỷ luật: “Phong cách quân nhân phải là người có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần đoàn kết, tương trợ và có nếp sống văn minh, lành mạnh; thái độ hòa nhã, khiêm tốn; biết tự chủ và tự trọng trong lời nói cũng như trong hành động” (2). Trong quá trình bồi dưỡng rèn luyện ý thức kỷ luật của quân nhân, phải luôn phân tích, đánh giá đúng tình hình, trình độ phẩm chất, năng lực quân nhân để có các nội dung, hình thức, biện pháp kết hợp cho sát và phù hợp với từng đối tượng quân nhân, qua từng thời gian, từng nhiệm vụ cụ thể.
Năm là, phải giải quyết, phát huy tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa cấp trên và cấp dưới trong bồi dưỡng rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân
Các cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì, đặc biệt là cấp ủy, chính trị viên, chỉ huy ở đơn vị có vị trí, vai trò rất quan trọng trong bồi dưỡng rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân. Thực tiễn cho thấy trên các lĩnh vực hoạt động ở đơn vị cơ sở, sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, chỉ huy là nhân tố quyết định tạo nên hiệu quả các mặt công tác của đơn vị đều có ảnh hưởng trực tiếp tới ý thức kỷ luật của quân nhân. Thông qua thực tiễn hoạt động lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ các cấp trong giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật của quân nhân, một mặt giúp họ nâng cao tri thức, tích lũy kinh nghiệm, mặt khác mỗi quân nhân luôn dõi theo những lời nói, hành vi của các lực lượng trong đơn vị, đặc biệt là quan hệ giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa cấp trên và cấp dưới để xây dựng tình cảm, niềm tin đúng đắn, định hướng tư tưởng, chỉ đạo hành động của họ. Vì vậy, kết quả giáo dục, rèn luyện ý thức kỷ luật cho quân nhân ở đơn vị cơ sở không chỉ phụ thuộc vào một tổ chức, cá nhân nào, mà là kết quả của sự phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa cấp trên và cấp dưới. Thực hiện tốt yêu cầu này cần xây dựng được quy chế hoạt động đúng đắn, mọi thành viên phải tự giác, chấp hành nghiêm quy chế hoạt động và giải quyết các mối quan hệ theo đúng điều lệnh, điều lệ của quân đội, chế độ quy định của đơn vị; đề cao tinh thần tập thể, cộng đồng trách nhiệm trong giải quyết các mối quan hệ; khi giải quyết các mối quan hệ có liên quan tới kỷ luật của quân nhân đều phải có sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, phải tôn trọng nguyên tắc dựa trên cơ sở có lý, có tình, vì nhiệm vụ, vì tập thể và sự tiến bộ của nhau; mọi người đều phải có ý thức trách nhiệm xây dựng đơn vị luôn có môi trường kỷ luật nghiêm và kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, chống lại những hiện tượng tiêu cực, vi phạm kỷ luật từ trong nội bộ cũng như ở ngoài đơn vị; bản thân cán bộ lãnh đạo, chỉ huy dù trên cương vị nào, ở đâu cũng phải gương mẫu trong lời nói và bằng việc làm, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau vì hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.
______________________
1. Hồ Chí Minh, Nói chuyện với các đại biểu quân đội, thương binh và quân nhân phục viên nhân dịp Tết Đinh Dậu, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tr.305-307.
2. Bộ Tổng Tham m ưu, Điều lệnh quản lý bộ đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
Tài liệu tham khảo
1. Quân ủy Trung ương, Văn kiện Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, ngày 24-10-2020.
2. Nguyễn Văn Phương, Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của quân nhân ở đơn vị cơ sở, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020.
Ths NGUYỄN NGỌC ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022