Hội Thư viện Việt Nam, sau 5 năm nhìn lại: Vững tin để bước tiếp

Hội Thư viện Việt Nam (HTV) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, được thành lập năm 2006 theo Quyết định số 689/QĐ-BNV ngày 20-4-2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trải qua 15 năm hoạt động với 3 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, hiện tại HTV gồm: 356 Chi hội và Liên Chi hội thư viện, 6.291 hội viên trong cả nước. Nhìn lại nhiệm kỳ hoạt động 2016-2021 của HTV, dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 với những thách thức không nhỏ, song nhìn chung, HTV đã đạt những kết quả khả quan với nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhằm tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức ngành Thư viện ở Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

1. Công tác tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách ngành Thư viện Việt Nam

Nhiệm kỳ 2016-2021, HTV đã góp ý, phản biện cho các văn bản pháp quy quan trọng trong lĩnh vực thư viện, đó là: Dự thảo Luật Thư viện; Dự thảo Nghị định của Chính phủ thi hành Luật Thư viện; Dự thảo Quyết định của Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (năm 2016) và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (năm 2021)... Bên cạnh đó, Hội đã góp ý cho các Dự thảo Thông tư, Quyết định, Chỉ thị, Đề án của: Bộ VHTTDL, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các Bộ/ ngành T.Ư về công tác thư viện như: Thư viện phục vụ lưu động và luân chuyển sách báo; Quy chế xét Giải thưởng phát triển văn hóa đọc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thư viện công cộng cấp tỉnh; Chỉ thị của Bộ Công an Về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân; Tiêu chuẩn quốc gia Thông tin và tư liệu: Nhận dạng bằng tần số radio (RFID) trong thư viện... HTV tiếp nhận các văn bản, góp ý, phản biện với tinh thần và thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan.

Liên Chi hội Thư viện Đại học phía Bắc tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Luật Thư viện tại Trường Đại học Vinh năm 2020

Trong 3 năm từ 2018 đến 2020, HTV tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành ở Hà Nội để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thư viện, nhiều thành viên Ban Chấp hành Hội được mời tham gia Tổ phản biện của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (khóa XIV), gồm các ông: Phạm Thế Khang, Tạ Bá Hưng, Nguyễn Hữu Giới, Nguyễn Hoàng Sơn, Phạm Hùng Anh, Nguyễn Trọng Phượng… (hơn 20 phiên họp). Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành cùng nhiều cán bộ/ hội viên trong cả nước đã tích cực tham gia, góp ý, xây dựng Luật Thư viện (hàng chục hội nghị - hội thảo quốc gia, các hội nghị - hội thảo chuyên đề), chia sẻ suy nghĩ, tâm huyết, sáng kiến, góp ý của hội viên HTV cho sự ra đời của Luật Thư viện. Đây là thành quả và sự cố gắng, nỗ lực rất cao của Bộ VHTTDL, của ngành Thư viện Việt Nam và của HTV trong công tác tư vấn, phản biện xã hội, với ý thức trách nhiệm và tâm huyết.

HTV đã tích cực tham gia các Hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học, tập huấn do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, thường xuyên có ý kiến phát biểu - tham luận, trao đổi (về các vấn đề: Thông tin, truyền thông; Tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Tổ chức bộ máy và chính sách Hội và góp ý các dự thảo văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành T.Ư…).

2. Công tác thông tin, tuyên truyền, trưng bày, triển lãm sách, báo và tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4

HTV đã tích cực tham gia và phối hợp chỉ đạo các Chi hội, Liên Chi hội thư viện thành viên trong toàn quốc triển khai mạnh mẽ các hoạt động thông tin, truyên truyền và phổ biến kiến thức cho cộng đồng và bạn đọc. Ngay từ đầu năm, Hội đã có công văn gửi các Chi hội/ Liên chi hội tổ chức và triển khai các mặt hoạt động (trong đó chú trọng công tác tuyên truyền thông tin, trưng bày, triển lãm sách, báo, tư liệu và tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam), góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, truyền bá tri thức trong cộng đồng dân cư; đồng thời lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. 5 năm qua, hầu hết 63 Chi hội thư viện tỉnh/ thành phố và gần 200 Chi hội Thư viện - Trung tâm thông tin thư viện các trường đại học đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm sách, báo chuyên đề, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng 3-2, Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5; Ngày Quốc khánh 2-9; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12… Bằng sự sáng tạo, các gian trưng bày sách, báo, tư liệu của các thư viện ở Trung ương và địa phương, các thư viện trường đại học đã thực sự thu hút rất đông bạn đọc cả nước tham dự và nhiều ấn phẩm sách, báo đã có tác dụng tuyên truyền thông tin, quảng bá tri thức đến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HTV đã phối hợp chỉ đạo các Chi hội Thư viện tỉnh/ thành phố và Liên Chi hội thư viện công cộng khu vực cả nước tích cực tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa về chuyên môn nghiệp vụ thư viện, như: Tổ chức các triển lãm, trưng bày sách, báo, tư liệu, với quy mô lớn, phục vụ nhiệm vụ chính trị và các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách ở các tỉnh, thành/ khu vực và tham gia Hội thi Tuyên truyền Giới thiệu Sách toàn quốc các năm 2018 (tại Cần Thơ), năm 2019 (tại Điện Biên), năm 2021 (hình thức trực tuyến), cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc từ 2019 đến 2021, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành Thư viện Việt Nam. Đây là những cố gắng, nỗ lực rất lớn của các Chi hội/ Liên chi hội thư viện trong nhiệm kỳ đã qua.

Hằng năm, các thư viện ở Việt Nam đã tích cực tham gia và có sự chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. 5 năm qua, các Chi hội, Liên Chi hội thư viện đã tổ chức/ phối hợp tổ chức tốt Ngày Sách và Văn hóa đọc (21-4) trên nhiều địa bàn, khu dân cư từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có Thư viện Quốc gia Việt Nam với các triển lãm quốc gia, hệ thống thư viện Quân đội, hệ thống thư viện Công an nhân dân, các thư viện Bộ/ ngành và các Chi hội thư viện tỉnh, thành phố; các Chi hội thư viện trường đại học và cao đẳng... với hình thức phong phú, hiệu quả như: Mít-tinh hưởng ứng, trưng bày sách, báo, tư liệu, xếp sách nghệ thuật, vẽ tranh theo sách, viết cảm nhận về sách, nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ, giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu sách, quyên góp ủng hộ sách và vật chất cho các thư viện khó khăn... 2 năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, hoạt động thông tin - tuyên truyền, trưng bày, triển lãm sách, báo, tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4 ở nước ta bị hạn chế, đã phải chuyển sang hình thức trưng bày - triển lãm trực tuyến, kết quả bước đầu khá tốt đẹp.

3. Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ: Hội nghị - hội thảo - tập huấn

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HTV đã chủ động kết hợp với các Chi hội/ Liên chi hội thư viện ở T.Ư và địa phương, tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn: Xu hướng mới của ngành Thư viện trong mối liên hệ với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp 4.0; Trao đổi về chủ trương và những quyết định mới về quyền công đoàn của người lao động; triển khai 3 Hội nghị trong khuôn khổ Dự án: Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tuyên truyền về quyền lao động và công đoàn cho các hội nghề nghiệp khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, HTV đã tổ chức các Hội thảo: Thư viện Việt Nam với Cách mạng công nghiệp 4.0; Hội Thư viện Việt Nam hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19... HTV đã phối hợp với Liên chi hội Thư viện các trường đại học và cao đẳng phía Bắc và phía Nam tổ chức Lớp Tập huấn Nâng cao Kỹ năng tổ chức phục vụ người đọc trong các thư viện điện tử - thư viện số ở Việt Nam (Kinh phí do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hỗ trợ). Hội phối hợp với Công ty Cổ phần Sao Mai tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến Phần mềm quản lý thư viện Liberty - Giải pháp quản lý thư viện thế hệ mới... HTV đã duy trì, nâng cấp trang web của Hội (vla.org.vn), đăng hơn 130 tin, bài về hoạt động Hội; kết nối gần 180 trang web của hệ thống thư viện cả nước, phục vụ tra cứu, nghiên cứu nghiệp vụ cho hội viên và cán bộ thư viện cả nước.

Hội nghị - Hội thảo “Thư viện Việt Nam hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19” tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021

Có thể thấy, hầu hết các Liên Chi hội/ Chi hội thư viện trực thuộc Hội trong 5 năm qua đã luôn chủ động, sáng tạo, tìm tòi suy nghĩ để có những giải pháp tốt, tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo và tập huấn nghiệp vụ có chất lượng, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thực tiễn thông tin - thư viện ở Việt Nam, như: Xây dựng Thư viện điện tử - Thư viện số - Thư viện thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện; Quản trị thư viện hiện đại như thế nào? Điều này chứng tỏ cách tiếp cận và hướng đi đúng đắn của ngành Thư viện và HTV trong việc tiếp cận những vấn đề mới, tri thức mới, liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0, thảo luận cùng nhau về việc ngành Thư viện Việt Nam chuẩn bị tâm thế và tư thế như thế nào trong xã hội hiện đại và sẽ tiếp cận, hội nhập với thư viện thế giới ra sao?

4. Hợp tác quốc tế về thư viện

Nhiệm kỳ 2016-2021, HTV đã tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, trao đổi, chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và giao lưu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy vậy, từ cuối năm 2019 đến 2021, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nên việc hợp tác quốc tế về thư viện có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ qua, HTV đã tiến hành một số hoạt động quốc tế như: HTV là trưởng đoàn đi dự Đại hội cán bộ thư viện các nước Đông Nam Á (CONSAL) lần thứ XVII, tại Myanmar năm 2018. Hội đã tham dự Hội nghị Giám đốc thư viện quốc gia các nước khu vực châu Á - châu Đại Dương lần thứ 26 (tại Myanmar); tham dự Hội thảo quốc tế Tầm nhìn toàn cầu của IFLA cho Khu vực châu Á - châu Đại Dương và có buổi làm việc với Ban Lãnh đạo IFLA (tại Hà Nội).

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, được sự quan tâm và hỗ trợ của Bộ VHTTDL và Tập đoàn Sam sung (Hàn Quốc), các thư viện lớn ở nước ta như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng đã được đầu tư Không gian chia sẻ S.HUB - Thư viện thông minh (mỗi thư viện hưởng lợi từ 5 đến 7 tỷ đồng). Hội phối hợp với Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Đại học Kyoto, Nhật Bản tổ chức các hội thảo: Hoạt động hợp tác nhằm thiết lập cơ sở thông tin khoa học giữa Nhật Bản và 3 nước Đông Dương; Lịch sử sách Việt Nam; Hiện trạng và tiềm năng khai thác/ nghiên cứu Kho tư liệu Nhật Bản cổ lưu trữ tại Thư viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. HTV Việt Nam tham dự Hội thảo Cửa ngõ của các nền văn hóa: từ văn học tới khoa học nhân văn Pháp - Việt Nam (tại Paris, năm 2019); tham dự     Hội nghị lần thứ Nhất Ban  Chấp hành CONSAL XVIII tại      Campuchia; tham dự Đại hội Thư viện - Thông tin thế giới lần thứ 85 do IFLA tổ chức (tại Hy Lạp).

Các Chi hội/ Liên chi hội thư viện đã có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Cổng thông tin Pháp - Việt/ Thư viện số Hoa phượng vĩ; Thư viện Quốc gia Việt Nam, Vụ Thư viện và một số Chi hội/ Liên chi hội đã phối hợp với Nga, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Singapore, Thái Lan… để tổ chức tốt nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về thư viện, tạo ra sự kết nối và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác thư viện trong khu vực và thế giới. Các hoạt động hợp tác quốc tế này vừa là cầu nối hữu nghị, hợp tác phát triển, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, vừa tranh thủ được nguồn tài trợ quý báu về vật chất và tinh thần cho các thư viện Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ qua, HTV đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và chức trách của mình, như một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có nhiều cố gắng và là thành viên gương mẫu của Hội ngành toàn quốc hoạt động trong ngôi nhà chung: Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

GS Moktar Ben Henda giảng bài tại Hội nghị tập huấn “Xu hướng mới của ngành Thư viện trong mối liên hệ với Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệp 4.0” cho các cán bộ của HTV năm 2020

Với những thành tích đạt được, 5 năm qua, các tổ chức, cá nhân của Hội đã vinh dự được Nhà nước, các Bộ, ngành T.Ư, Liên hiêp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: 3 lãnh đạo Hội được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương (được tôn vinh 2017), Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới (được tôn vinh 2019) và Thạc sĩ Bùi Xuân Đức (được tôn vinh 2022). Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 6 tập thể và 2 cá nhân của Hội được Bộ VHTTDL tặng Bằng khen, 22 tập thể và 18 cá nhân được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen. Nhiệm kỳ 2016-2021, Hội tặng bằng khen cho 29 tập thể, 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Đặc biệt, tại Đại hội cán bộ Thư viện các nước Đông Nam Á lần thứ XVII tại Myanmar), ông Phạm Thế Khang, nguyên Chủ tịch HTV đã vinh dự được tôn vinh là cán bộ thư viện tiêu biểu - xuất sắc của khu vực, được Ban Tổ chức trao giải Bạc.

Có thể khẳng định rằng, nhiệm kỳ 2016-2021 của HTV là một nhiệm kỳ có nhiều thuận lợi, song không ít khó khăn, thách thức: đó là Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và đại dịch COVID-19 từ năm 2019 đến 2022 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Song, kế thừa truyền thống quý báu của tổ chức Hội qua chặng đường phát triển, Hội đã thực hiện đầy đủ và tốt các nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ III, vẫn duy trì, tổ chức được khá nhiều hoạt động hữu ích, khẳng định vững chắc vị thế của HTV trong đời sống xã hội. Tập thể lãnh đạo Hội, Ban Chấp hành Hội cùng các Chi hội/ Liên chi hội thư viện cả nước đã đoàn kết, đồng lòng, lao động sáng tạo và đổi mới các hoạt động, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp Thư viện Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu thế thời đại trong tương lai.

Ths NGUYỄN HỮU GIỚI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;