Liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi toàn quốc năm 2023 do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ 26 - 28/10 đã trở thành một “sân chơi” bổ ích và ý nghĩa để người cao tuổi (NCT) ôn lại truyền thống cách mạng, truyền thống người cao tuổi, góp phần xây dựng tổ chức Hội NCT ngày càng vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Tiết mục nghệ thuật tại Liên hoan - Ảnh: Tuấn Minh
Những khúc ca về tình yêu quê hương, đất nước
Qua 3 ngày tổ chức thi, các diễn viên là NCT không chuyên đến từ 19 tỉnh, thành phố, đã mang tới những tiết mục đặc sắc, được đầu tư tâm huyết, công phu để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc cho khán giả. Tinh thần phấn khởi, sôi nổi, tự hào là những gì hiện lên trên gương mặt các “nghệ sĩ”, “diễn viên” đặc biệt. Cô Ngọc Bé (đoàn Nghệ An) không giấu được niềm vui và hạnh phúc, cô chia sẻ: “Tôi ở Hội NCT thành phố Vinh đến nay đã 10 năm, ở địa phương, chúng tôi cũng được tham gia nhiều chương trình văn hóa văn nghệ nhưng đây là sự kiện dành riêng cho chúng tôi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Vai trò của tôi trong đoàn với Liên hoan lần này cũng hết sức đặc biệt, khi vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn nên cũng có chút lo lắng. Thế nhưng, sự phấn khởi, hào hứng đã lấn át tất cả, khiến cả đoàn như hòa làm một, biểu diễn hết mình, cống hiến cho khán giả những tiết mục hay nhất”.
Để chọn lựa ra 19 đội xuất sắc nhất tranh tài tại Hà Nội, trước đó, Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi được tổ chức tại 3 khu vực: phía Bắc (Hà Tĩnh), miền Trung - Tây Nguyên (Khánh Hòa) và phía Nam (Bà Rịa Vũng Tàu), đã thu hút 777 NCT đến từ 54 tỉnh, thành trong cả nước. Chủ đề mà các đoàn dự thi lựa chọn ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu con người, quê hương, đất nước, đề cao tình đoàn kết, gắn bó giữa 54 dân tộc anh em…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao giải A cho 8 đoàn NTQC Người cao tuổi trong Lễ tổng kết liên hoan tối 28/10 - Ảnh: Nam Nguyễn
Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Phạm Văn Hào hào hứng: “Tôi được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng đoàn dẫn các anh chị em ra Hà Nội dự thi, tôi cảm thấy rất vinh dự nhưng cũng có chút áp lực, làm sao để mọi người có chuyến đi an toàn, vui vẻ, đồng thời phải thể hiện thật tốt những gì đã tập dượt trước đó. May mắn dành được giải thì tốt nhưng không được thì chúng tôi cũng rất thoải mái, vì đến đây được giao lưu, trao đổi tình cảm, lan tỏa tinh thần phấn khởi, sôi nổi với các đoàn anh em khác là tuyệt vời rồi”.
Thời lượng giới hạn mà Ban tổ chức (BTC) cho phép các đoàn dự thi là 25 phút cho toàn bộ các tiết mục, vì vậy, đoàn nào cũng tập luyện kĩ lưỡng, lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc và ý nghĩa nhất để biểu diễn. Có thể lựa chọn 1 trong 2 thể loại hoặc kết hợp cả 2 thể loại ca và ca cảnh trong một chương trình. Đến với Liên hoan lần này, đoàn Hà Tĩnh đã chuẩn bị gồm 4 tiết mục: “Người cao tuổi Hà Tĩnh - Khúc hát tự hào” (nhạc: Hoàng Thành; lời thơ: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc) do tốp ca nam nữ và nhóm múa trình bày; tiết mục xẩm Nghệ “Tự hào đất mẹ hôm nay” (soạn lời Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Bá Ngọc; biểu diễn: Thái Bảo và tốp múa) ; tốp ca nam “Người con sông La” (nhạc và lời: cố NSƯT Quốc Nam) khắc họa chân dung, chí khí kiên cường, bất khuất của cố Tổng Bí thư Trần Phú; tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Người cao tuổi đất Hồng Lam vâng lời Bác dạy” (ý thơ: Thái Sinh; soạn lời: Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Bá Ngọc) ”. Cô Thái Bảo chia sẻ: “Từ khi có thông báo tổ chức Liên hoan ở cấp địa phương, đoàn Hà Tĩnh chúng tôi đã rất háo hức và bắt tay ngay vào công đoạn tuyển chọn diễn viên và tiết mục dự thi. May mắn được giải A và có cơ hội được biểu diễn ở sân khấu lớn tại Liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi toàn quốc. Để phù hợp với thời gian quy định của BTC, chúng tôi đã cố gắng lựa chọn và biên kịch các tiết mục sao cho vừa vặn mà không ảnh hưởng đến ý nghĩa của tiết mục”.
Phát huy truyền thống văn hóa tự hào của dân tộc
Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc không chỉ hướng đến mục tiêu động viên, khích lệ NCT “sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc”, mà qua lời ca tiếng hát còn gửi gắm đến những người con, cháu của mình tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, từ đó hiểu và kế thừa những truyền thống văn hóa tự hào của dân tộc.
Tại Lễ khai mạc Liên hoan tối ngày 26-10, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cũng khẳng định: Qua tiếng hát lời ca, qua chương trình nghệ thuật, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn, góp phần khích lệ, động viên người cao tuổi tích cực tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” tại cộng đồng, để người cao tuổi “sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ trao giải cho 6 tiết mục song ca xuất sắc - Ảnh: Nam Nguyễn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đánh giá: “ Kết quả của Liên hoan lần này có sức lan tỏa sâu rộng, đã cho thấy tinh thần yêu văn nghệ rất đáng hoan nghênh của các anh chị Hội NCT. Mỗi đội đều mang đến Liên hoan các tiết mục là những hình ảnh, vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của quê hương mình. Cách biên đạo, lồng ghép giữa ca và múa trong các tiết mục rất uyển chuyển, công phu, khiến chúng tôi có cảm giác đây là một đoàn nghệ chuyên nghiệp đang trình diễn. Qua Liên hoan, cũng là sự khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với NCT. Đồng thời, nói lên vai trò quan trọng của NCT trong việc xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp, vững bền”.
Theo dõi những tiết mục dự thi của 19 đội cho thấy, tuy thời gian chuẩn bị không quá dài, nhưng đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC) NCT đều làm rất tốt các khâu từ biên kịch, đạo diễn tới trang phục, hóa trang. Có thể nói, Liên hoan Tiếng hát Người cao tuổi toàn quốc năm 2023 đã thổi vào phong trào văn hóa, nghệ thuật của NCT một sức sống mới, tinh thần mới, khơi dậy mạnh mẽ lòng nhiệt huyết. Nhưng cũng vì vậy, đã khiến Hội đồng nghệ thuật rất nhiều khó khăn khi mà tiết mục nào, đoàn nào cũng xứng đáng được vinh danh. NSND Quang Thọ bộc bạch : “Đã làm giám khảo một số cuộc thi nhưng Liên hoan Tiếng hát NCT lần này quả thực làm tôi rất bất ngờ. Các tiết mục được các anh chị dàn dựng rất đồng đều, rất cuốn hút. Tiếng ca rất sáng, điệu múa rất uyển chuyển, hình như âm nhạc đã làm các anh chị trẻ lại, không hề thấy màu thời gian hiện hữu trên khuôn mặt. Cũng là NCT nên tôi rất vui và xúc động khi Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm thường xuyên, liên tục cho chúng tôi, điều đó khiến chúng tôi cảm thấy lòng mình còn tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, với cuộc đời”.
Một số tiết mục nghệ thuật tại Liên hoan - Ảnh: Tuấn Minh; Nam Nguyên
Trong tối ngày 28-10 , tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, 8 đoàn NTQC NCT các tỉnh, thành phố được trao Giải A gồm: Bà Rịa Vũng Tàu; Điện Biên, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Thuận, TP.HCM, Tiền Giang; 6 Giải B toàn đoàn cho Đoàn NTQC NCT các tỉnh: Bến Tre; Cao Bằng; Hà Nam; Khánh Hòa; Hưng Yên; Quảng Ngãi; 5 Giải C toàn đoàn cho Đoàn NTQC NCT các tỉnh: Nghệ An; Quảng Bình; Quảng Trị; Thái Bình; Thanh Hóa. Ngoài ra, BTC trao giải cho 13 tiết mục đơn ca xuất sắc; 6 tiết mục song ca xuất sắc; 13 tiết mục tốp ca xuất sắc.
Ảnh: Nam Nguyễn
Thành công của Liên hoan là sự hội tụ và lan tỏa sâu rộng của phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng NCT tiêu biểu của các khu vực trên cả nước. Chương trình đã để lại cho các đoàn NTQC NCT cảm xúc khó quên và hy vọng trong tương lai, NCT sẽ còn có nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa, để họ có cơ hội phát huy hết những thế mạnh, vai trò của mình trong công cuộc giữ gìn và trao truyền những nét đẹp văn hóa của dân tộc tới các thế hệ kế tiếp. Từ đó, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, giàu mạnh.
Một số tiết mục nghệ thuật tại Liên hoan - Ảnh: Tuấn Minh; Nam Nguyên
NGÔ HUYỀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 550, tháng 10-2023