Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh: 30 năm một chặng đường không trải hoa hồng

Phải có suy nghĩ mới, cách làm mới, mọi người phải đồng lòng để giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa, nhất là nghệ thuật hàn lâm!”.

UBND TP HCM tặng cờ thi đua cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM - Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Thấm thoắt đã 30 năm kể từ lời răn dạy của cố NSND Thái Ly dành cho thế hệ nghệ sĩ múa hậu bối, đến nay, nhân dịp Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh sinh nhật tròn 30 tuổi xuân, các thế hệ nghệ sĩ của Đoàn múa lại bồi hồi nhớ lại những chặng đường gian khó. 

Ngày 21/6/1993, Nhà hát được thành lập. Khi ấy, biên đạo múa, NSND Vũ Việt Cường làm Tổng đạo diễn, sau này là Phó Giám đốc Nhà hát; NSND Kim Quy là Trưởng đoàn Vũ kịch. Lúc đó, Nhà hát chỉ có 13 cán bộ, không có trụ sở làm việc, không có phòng tập, không có diễn viên thế nhưng đêm diễn định kỳ hằng tháng vẫn đảm bảo là do đã tập hợp được những diễn viên yêu nghề, yêu nghệ thuật múa hàn lâm tập luyện và biểu diễn với vũ đoàn Kim Quy làm nòng cốt. Việc duy trì Nhà hát và đoàn Vũ kịch trong điều kiện cuộc sống còn nhiều thiếu thốn là những thách thức, trở ngại lớn với đội ngũ lãnh đạo lúc bấy giờ. May mắn cho đoàn là có những gương mặt tài năng như Hương Giang, Hồng Châu, Tấn Lộc, Yến Xuân, Thảo Dung, Tố Như, Mỹ Duyên, Dương Thảo, Phương Lịch…làm hạt nhân xung kích. Những năm sau thì Phúc Hùng, Phúc Hải, Phi Điệp, Bảo Trung, Ngọc Khải, Đức Nhuận…ở miền Bắc vào chi viện. Họ là những biên đạo, diễn viên múa giàu tâm huyết, từng dày công khổ luyện qua những trường lớp nổi tiếng trong và ngoài nước. Gạt đi những khó khăn, các nghệ sĩ luôn say mê luyện tập trong điều kiện thiếu thốn để các suất diễn của vở Giselle, Carmen, Hồ Thiên nga, Cướp biển… do NSND Kim Quy dàn dựng được biểu diễn định kỳ hằng tháng, khán phòng luôn tràn ngập hoa và những tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả. Đặc biệt, những tác phẩm múa đậm chất Việt Nam như Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Bài ca chim G’rứ, Mâm vàng Cửu Long, Chuyện tình non sông… do NSND Vũ Việt Cường và NSND Kim Quy biên đạo được khán giả yêu mến đón nhận, giới chuyên môn đánh giá rất cao và giành nhiều huy chương Vàng trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn múa chuyên nghiệp toàn quốc.

Nhiều vở diễn của NH Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh gây được thiện cảm với khán giả

Nhằm lan tỏa nghệ thuât múa hàn lâm tới với khán giả ở các tỉnh thành khác, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các vở ballet của Nhà hát đã được mang đi biểu diễn tại Cổ Loa, Bến Tre, An Giang, Đắk Lắk, Nha Trang,… Suốt 10 năm trời, Đoàn Vũ kịch của Nhà hát đóng vai trò như “sứ giả” mang múa “len lỏi” vào đời sống, phục vụ nhu cầu của nhân dân, rồi trở thành món ăn không thể thiếu của bà con. Từ chỗ người dân tò mò với những vở diễn, tới chỗ háo hức được xem, rồi ngỡ ngàng, cảm phục, hiểu và yêu mến nghệ thuật múa hàn lâm. 

Đất nước bước sang trang mới, hội nhập và phát triển, Đoàn Vũ Kịch của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhanh chóng chuyển mình cùng xu thế chung của thời cuộc. Dưới “cái bóng” quá lớn của tiền bối, năm 2010, nghệ sĩ Phúc Hải, Phúc Hùng tiếp quản Đoàn Vũ kịch, mang theo bao trăn trở về bài toán phát triển đoàn ổn định, song, phải tìm hướng đi riêng cho phù hợp với thời cuộc. May mắn khi có các dự án từ nước ngoài như Đức, Pháp, Hà Lan, những kịch múa lớn đã được đầu tư dàn dựng. Các vở ballet kinh điển như Kẹp hạt dẻ, Giselle, Carmen…cũng được tái dàn dựng. Bắt kịp với xu thế chung của nghệ thuật múa thế giới, những vở múa mang hơi thở đương đại mới mẻ như Café Sài Gòn, Mùa xuân thiêng liêng,… được ra mắt và gây được nhiều thiện cảm với khán giả. Đặc biệt, Nhà hát còn dành các suất diễn miễn phí cho sinh viên và Đoàn Vũ kịch định kỳ tới biểu diễn tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố. Chủ đề cách mạng cũng được khéo léo lồng ghép vào các tác phẩm múa đương đại nhằm giáo dục nhận thức cho giới trẻ. Từ đối tượng được xem múa miễn phí, họ trở thành khán giả trung thành mua vé tới thưởng thức nghệ thuật hàn lâm. Quả thực, việc thay đổi thói quen của khán giả từ nhận vé mời sang bỏ tiền mua vé là bước đi tốn vô vàn thời gian, mồ hôi, sức lực và cả những giọt nước mắt. Tuy nhiên, đây là hướng đi mang lại hiệu ứng tốt trong việc tìm kiếm khán giả lâu dài cho Đoàn Vũ kịch. Các tác phẩm: Ru đêm, Đối thoại, Đi qua tình yêu, Chạm tay vào quá khứ, Hoàng hôn, Những đứa con thành phố, Ballet Kiều,…được ra đời trong sự chờ đón của khán giả và đến với công chúng theo một cách mới mẻ, đầy háo hức và trân trọng. Những đêm diễn đầy ắp khán giả là nguồn động lực quý giá cho các nghệ sĩ không ngừng rèn luyện và cống hiến. “Tre già măng mọc”, những thế hệ nghệ sĩ tài năng, trẻ trung, nhiệt huyết kế cận như Nghệ sĩ Phúc Hải (Trường Đoàn Vũ kịch); NSƯT Hồ Phi Điệp (Phó Trưởng Đoàn Vũ kịch), NSƯT Trần Hoàng Yến (Phó Trưởng Đoàn Vũ kịch), biên đạo múa Phúc Hùng, nghệ sĩ Khang Ninh, Thu Trang, Sùng A Lùng, Đặng Minh Hiền,…là những gương mặt “sáng giá” của Đoàn Vũ kịch, tạo hiệu ứng tên tuổi, gây tiếng vang trong công chúng yêu nghệ thuật múa tại TP. HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Sự đầu tư trong khâu tuyển chọn diễn viên có thực lực, diễn có cảm xúc, có sự tương tác với khán giả và cách thức thu hút khán giả, thay đổi thói quen thưởng thức múa của khán giả đã mang lại những đêm “cháy vé” cho Nhà hát.

Vở Kép hạt dẻ được Nhà hát tái dàn dựng

Có thể nói, mỗi giai đoạn là một niềm tự hào, mỗi lần chuyển mình là một lần lớn mạnh. Cho đến nay, Đoàn Vũ kịch xứng đáng là một “mắt xích” quan trọng trong chặng đường 30 năm hình thành, phát triển Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh. 30 năm qua là mồ hôi và cả nước mắt, để chặng đường hôm nay là hào quang lấp lánh của niềm kiêu hãnh, tự hào. 

Vở Carmen được Nhà hát tái dàn dựng

PHƯƠNG LAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;