Lạm bàn về sự tử tế

Lâu rồi, có người bạn tặng tôi cuốn sách có tiêu đề "Sức mạnh của sự tử tế". Nhận sách bạn tặng mà tôi thấy chột dạ: Hay mình "có vấn đề" trong lối sống, bạn phải tặng sách để nhắc nhở? Sau đó, qua tìm hiểu, tôi yên tâm hơn khi biết sách không chỉ được tặng cho riêng mình. Đọc cuốn sách do một tác giả tên tuổi người nước ngoài viết về những việc tử tế tận phương trời Tây. Như chuyện cô gái xách giùm một phụ nữ túi đồ nặng lên thang gác của một ngôi nhà nhiều tầng không có thang máy; chuyện người bảo vệ ở một công ty kinh doanh ân cần, lịch sự khi khách đến làm việc... Đọc cuốn sách có độ dày gần 200 trang với những việc tử tế nho nhỏ chắc nhiều người cùng có chung suy nghĩ "những chuyện ấy đâu phải là cao siêu gì". Liên hệ với Việt Nam, sống tử tế đã trở thành một phần của bản sắc văn hóa dân tộc, được phản ánh đậm nét qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao: "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", "Chị ngã em nâng", "Nhịn miệng đãi khách"; được nâng thành đạo lý sống "Uống nước nhớ nguồn". Còn với kẻ thù xâm lược, ông cha ta luôn đứng trên tầm cao đạo lý dân tộc để tuyên ngôn: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Vì nền đại nghĩa đó mà Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đã tha 10 vạn hàng binh của đội quân xâm lược nhà Minh, dù trước đó đội quân này đã phạm tội ác trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận; đối xử nhân đạo với phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc tại "Khách sạn Hilton"...

Như một mạch nguồn không ngưng nghỉ, ngày nay, việc làm tử tế được phát động thành phong trào của các đoàn thể: người tốt việc tốt; xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương; hũ gạo tình thương; áo ấm biên cương; cặp lá yêu thương; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... Từ những phong trào đó, đã xuất hiện nhiều nhân cách cao đẹp hóa thân vào những việc làm tử tế như: sơ cứu băng bó cho người bị tai nạn giao thông; bất chấp hiểm nguy tham gia săn bắt cướp trả lại đồ cho người bị hại; hiến đất làm đường giao thông; tài trợ kinh phí xây dựng trường học, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; giúp đỡ người gặp hoàn cảnh khó khăn… Còn những ứng xử lịch sự như nhường chỗ cho người già, phụ nữ trên chuyến xe đông người, hay nói lời "cảm ơn" khi được người giúp đỡ và "xin lỗi" khi làm phiền một ai đó đang được dân ta thực hành thường xuyên, trở thành thói quen đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng ta cũng lên án sự lệch lạc trong chuẩn mực sống cùng lối sống coi đồng tiền là thước đo giá trị còn góp phần làm tha hóa nhân cách ở một số người cách đây không lâu, người xem truyền hình chưa hết bàng hoàng trước vụ làm giả hài cốt liệt sĩ, vô cùng bức xúc trước những việc làm vô luân: bớt khẩu phần ăn của các cháu học sinh một trường tiểu học; làm hồ sơ khống bệnh nhân trong một bệnh viện để làm tiền; chuyện buôn bán thực phẩm bẩn... Ngày nay, khi việc kiếm được nhiều tiền, trở nên giàu có, trở thành "đại gia" đang là lẽ sống, là mục tiêu phấn đấu của không ít người,  xã hội cũng đang đặt ra vấn đề: sự giàu có của mỗi cá nhân có đi kèm với trách nhiệm xã hội? Trong khi nhiều doanh nghiệp thành đạt có những cống hiến lớn lao cho đất nước, khẳng định trách nhiệm xã hội thì cũng không ít doanh nghiệp rũ bỏ trách nhiệm trước những hợp đồng tài trợ khi nó còn chưa ráo mực.

Truyền hình và các phương tiện thông tin đã làm tốt thiên chức cao cả, hướng con người về nẻo chân - thiện - mĩ. Những con người có những việc làm tử tế được vinh danh  trong những hội nghị tuyên dương từ trung ương tới địa phương. Truyền hình Việt Nam có hẳn chuyên mục "Những việc làm tử tế"; sách "Gương người tốt, việc tốt" đến nay đã được in nhiều tập. Cái xấu bị công luận lên án, phê phán.

Lại nói về cuốn sách "Sức mạnh của sự tử tế", các cá nhân có những việc làm tử tế cũng có kết cục tốt đẹp. Cô gái xách giúp túi đồ cho người phụ nữ đã được bà của người phụ nữ đó cảm mến mời sống chung trong ngôi nhà nông thôn ở ngoại ô Paris và mở cửa hàng liên doanh với họ ở đó luôn. Còn thái độ lịch sự, ân cần của người bảo vệ (cùng uy tín sẵn có của doanh nghiệp) đã tạo ấn tượng tốt cho đối tác, góp phần mang đến cho doanh nghiệp một hợp đồng giá trị. Vậy cái thông điệp "cứ sống cho tử tế, bạn sẽ được rất nhiều" đang được lan tỏa mạnh mẽ trong "thế giới phẳng" hôm nay.

Cái gì tốt đẹp, phù hợp xu thế phát triển của xã hội thì tồn tại. Cái xấu, cái lạc hậu bị đào thải. Ngày hôm nay, trong muôn vàn đổi thay của cuộc sống, những giá trị Việt qua bao đời dày công xây dựng vẫn được gìn giữ, phát huy. Chúng ta thêm vững niềm tin khi thế hệ trẻ đang vươn lên không ngừng làm chủ khoa học, làm chủ tri thức, hoàn thiện nhân cách con người mới. Họ cũng đang là chủ nhân của những phong trào tình nguyện, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. 

Có những việc làm tử tế trong mắt nhiều người lại là chuyện lạ khó tin. Hình ảnh người tham gia giao thông đỗ xe trước cột đèn chờ tín hiệu đèn xanh trong đêm vắng; một người lui cui nhặt rác trong công viên, ở nơi công cộng hay hình ảnh người dân tự nguyện đứng báo tàu cho người tham gia giao thông nơi đường tàu và đường giao thông mà không có barie, biển báo; đến hình ảnh những hiệp sĩ giao thông băng bó, sơ cứu cho người bị tai nạn... chưa phải là những hình ảnh phổ biến, đôi khi lại bị cho là "chơi trội", là lập dị, là "hâm". Và người lớn hôm nay thấy gì khi thế hệ @ sửa thành ngữ "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" thành "Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ". Phải chăng, ở đây đang có sự "đứt gãy truyền thống"; có sự thay đổi hệ giá trị, lối sống cá nhân, vị kỷ đang lên ngôi?

Song, cuộc sống có quy luật tự điều chỉnh. Cái gì tốt đẹp, phù hợp xu thế phát triển của xã hội thì tồn tại. Cái xấu, cái lạc hậu bị đào thải. Ngày hôm nay, trong muôn vàn đổi thay của cuộc sống, những giá trị Việt qua bao đời dầy công xây dựng vẫn được gìn giữ, phát huy. Chúng ta thêm vững niềm tin khi thế hệ trẻ đang vươn lên không ngừng làm chủ khoa học, làm chủ tri thức, hoàn thiện nhân cách con người mới. Họ cũng đang là chủ nhân của những phong trào tình nguyện, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Bằng những việc làm tốt đẹp đó, thế hệ trẻ hôm nay đang khẳng định vai trò chủ nhân tương lai của đất nước. Đấy chẳng phải là tre già măng mọc sao?

Tác giả: Nguyễn Tiến Quang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

;