Khoảng trời của ngoại…

Những ngọn gió bấc hun hút tràn về. Ở quê nhà, hẳn là đất trời đã khoác lên mình màn sương lạnh chùng chình mênh mang trắng xóa. Cánh đồng sau mùa gặt những cuống rạ nằm chơ vơ, tiếng cuốc cuối ngày gieo vào khoảng không nỗi khắc khoải da diết. Tôi hình dung dáng ngoại ngồi trên bậc hè chải tóc. Thế nào cũng có vài sợi tóc rụng vướng vào chiếc lược gỗ, bàn tay nhăn nheo của ngoại gỡ từng sợi vo tròn rồi nhẹ nhàng giắt lên mái hiên. Làn tóc bàng bạc màu cứ thưa dần, như hàng cây rụng lá vàng xao xác trước ngõ. Chiều nay, mưa bụi vấn vương giữa phố vắng thưa người, lòng tôi giăng kín nỗi nhớ ngoại khôn nguôi.

Nhớ về ngoại, lại bùi ngùi thương căn nhà nhỏ của người, nơi mà dù nắng hay mưa khi nào cũng khiến tôi cảm thấy ấm áp, nơi thời gian trôi qua nhẹ tênh và thong thả, cũng là nơi lưu giữ bao dấu tích của ấu thơ tôi êm đềm. Lần nào được về với ngoại, tôi cũng dùng dằng muốn ở lại thật lâu, chỉ để vừa được nghe ngoại thủ thỉ những câu chuyện xửa xưa, vừa mân mê từng món đồ phủ màu năm tháng. Thương đứa cháu nhỏ lâu ngày mới được về thăm ngoại, thăm quê, bao giờ người cũng dặn dò tôi thật kỹ, bàn tay lốm đốm vết đồi mồi dịu dàng nắm lấy tay tôi... Trong mắt ngoại, tôi vẫn mãi là đứa cháu bé bỏng cần được che chở và yêu thương. Cũng bởi thế mà dù có ngược xuôi giữa dòng đời với bao hoài bão, mơ ước, lòng tôi chưa bao giờ quên đường về với ngoại - bến đỗ bao dung và yên lành.

Nhớ về ngoại, tôi nhớ tất thảy những gì thân thuộc từng ngày gắn bó với người. Đó là gốc mận già lặng thầm tỏa bóng mát, những sớm mai trong trẻo ngoại lom khom quét lá khô rụng đầy sân sau trận gió đêm trước; là cái chum lọc nước đã lên rêu, chắt chiu dòng nước ngọt lành để ngoại pha trà sớm, hương trà thơm nền nã, chân phương; là cánh võng mắc ở gian nhà giữa, cạnh ô cửa sổ nhìn ra khoảng sân xanh bóng tre, mà mỗi lần đặt lưng lên võng lại thoang thoảng mùi dầu gió của ngoại; là góc bếp nhỏ được ngoại sắp xếp ngăn nắp, sớm chiều bềnh bồng làn khói êm ả như ru… Trong khung cảnh ấy, ngoại tựa bà tiên độ lượng giữa bao la miền cổ tích. Tôi về lại hiên nhà thăng trầm bao mưa nắng, ngỡ như vừa mới đây thôi mình vẫn còn bé nhỏ, vui sướng đón lấy những bánh trái mà ngoại đã để dành cho...

Dường như càng trưởng thành người ta càng nhớ nhiều những chuyện xưa cũ. Đôi lần giữa những chộn rộn phố phường, khi chợt bắt gặp bóng dáng một cụ bà ngồi trầm tư trước bậc thềm, tôi lại nghĩ về ngoại, với tất cả niềm thương xen lẫn nỗi xa xót. Có lẽ khi đã ở quãng cuối của cuộc đời, những người già đều giống nhau ở sự cô đơn cất giấu trong thẳm sâu đáy lòng. Giờ này, ngoại có thể đang ngồi yên lặng, ánh mắt xa xăm nhìn ra khung cửa sổ, như những buổi chiều nào đó lặng thinh bên cánh võng, dõi theo đứa cháu vừa bước chân đi...

Và tôi, trên những chặng đường đời, trong xa xôi, vẫn thường tự hỏi: Gió đông về, những sớm tinh mơ ngoại có còn lụi cụi nhóm lửa đun nước? Những khuya trở lạnh, ngoại có cời bếp cho lửa đượm lên, bớt đi giá buốt; ngoại có còn lặng lẽ bật chiếc radio rè rè nghe chương trình tin tức, cải lương? Mùa đông nơi phương xa sẽ chẳng còn lạnh nữa khi tôi nghĩ về ngoại và biết rằng ngoại vẫn đợi tôi về giữa khoảng trời ăm ắp yêu thương...

Tác giả: Trần Văn Thiên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 447, tháng 12-2020

 

;