Nếu mùa xuân cho hoa thơm thì mùa thu cho nhiều quả ngọt. Trong số những loại quả thuộc về mùa thu, tôi thích nhất là chuối, thức quà mộc mạc, dân dã như chính những người dân quê hiền lành, chất phác. Đó là loại quả gắn liền với sự tần tảo, chắt chiu; với hình ảnh của những người bà, người mẹ, người chị trong gia đình. Một sớm thu, nghe hương chuối chín vườn ai thoảng thơm đưa lại, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ hương chuối mùa thu nơi vườn nhà mẹ trồng.
Giống chuối mẹ trồng là chuối tiêu. Mẹ bảo, giống chuối này, bố xin được từ một người bạn quê ở Nam Định. Sau nhiều năm gây giống, vườn nhà đã có mấy chục khóm chuối lớn nhỏ. Chuối có quả nhỏ nhắn, vỏ dày, thịt mềm, thơm, lại giàu dinh dưỡng, cho năng suất cao. Tôi bị loại quả này thu hút bởi dáng chúng cong cong tựa hình trăng lưỡi liềm mùa thu; khi chín, hương thơm của chúng lại rất đặc biệt.
Nếu mùa thu ưu ái cho con người những hương thơm trái ngọt thì chuối là một thức quà dung dị mà đặc biệt. Có ai đó đã đem lòng yêu hương chuối chín mà bắt gặp cả cái nắng ngọt, cái gió thơm của mùa thu vàng. Có ai đó yêu hương chuối chín mà nhận thấy lòng mình trở nên dịu dàng, bình yên quá đỗi. Và cũng có ai đó, vì yêu hương chuối chín đã tinh tế nhận ra cái xôn xao rất khẽ của đất trời mùa thu.
Mẹ tôi chăm sóc từng khóm chuối chẳng khác gì chăm bẵm con cái. Vun trồng, nâng niu từ bao vất vả, mồ hôi để rồi chờ đợi và hi vọng,… Thời gian trôi, cây lớn lên, cho hoa, cho trái. Chăm từng khóm chuối, mẹ biết rõ cả đặc điểm của chúng như biết rõ tính cách của những đứa con. Mẹ biết khi nào cần thêm đất, thêm phân cho cây tươi tốt; khi nào cần lấy cọc, lấy túi che chống cho cây, cho buồng. Nhìn màu quả, dáng quả, mẹ biết chuối già chuối non, chuối đã có thể đem bán hay đã chín ở độ ngon nhất.
Có lần tôi thắc mắc hỏi mẹ: “Vì sao mình không để chuối tự chín cây như những loại quả khác mà lại phải chặt vào ủ?”. Mẹ từ tốn giải thích, rằng: “Mỗi cây mỗi đặc tính riêng. Giống chuối nếu để tự chín, sẽ dễ bị rụng, quả bị nứt và không chín đều, buồng và nải không đẹp”. Tôi lại tò mò “Vì sao các loại cây khác dẫu trải qua bao mùa quả vẫn tươi tốt còn mỗi thân chuối chỉ qua một mùa quả lại dần héo úa và chết đi?”. Mẹ cười, nói thật như đùa: “Thân chuối đặc biệt là thế. Chúng chẳng khác gì những người mẹ, sinh các con ra, cống hiến cho đời trái ngọt một lần rồi ra đi mãi mãi”. Nghe mẹ nói, tôi bỗng liên tưởng và phần nào hiểu được ý nghĩa ví von trong câu ca quen thuộc: “Mẹ già như chuối chín cây…”. Chợt thấy lòng rưng rưng, thấp thoáng một nỗi lo sợ vẩn vơ.
Nhớ những mùa chuối chín, mẹ vẫn thường gánh chuối ra chợ bán. Có bữa bán hết, mẹ phóng khoáng chiêu đãi cả nhà bữa cơm thịt, cơm cá. Mẹ lại chọn nải chuối thật đẹp, vừa chín bảo tôi mang sang biếu ông bà. Món quà “cây nhà lá vườn” này cũng được mẹ sẻ chia với bà con, xóm giềng. Mẹ luôn là thế, đảm đang, chu đáo, luôn nghĩ và sống cho mọi người.
Mùa chuối chín, vui nhất vẫn là chị em tôi. Chúng tôi tha hồ thưởng thức hương vườn nhà. Chuối không chỉ có vị ngon ngọt, dễ ăn, dễ tiêu hóa mà còn vô cùng bổ dưỡng. Có lẽ bởi thế, chị em tôi ăn mãi chẳng biết chán. Đã vậy, những bữa đi chợ bán chuối về, mẹ còn không quên mua đùm kẹo sắn, túi bỏng ngô làm quà cho chị em tôi. Tết Trung thu, mẹ lại góp những quả chuối chín thơm vào mâm quả cho bọn trẻ chúng tôi để thêm tròn hương, đủ vị bên cạnh hồng, ổi, cốm... Rồi mẹ chắt chiu, dành dụm từng đồng từ việc bán chuối để mua cặp sách, quần áo cho chị em tôi bước vào năm học mới.
Lập nghiệp xa nhà đã bao năm, lòng tôi cứ canh cánh một nỗi niềm nhớ quê da diết. Nhất là nhớ hương chuối chín dịu dàng như hương mùa thu và ấm áp như tình mẹ…
Tác giả: Xanh Nguyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020