Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tại TP. HCM, Bình Dương và một số tình, thành phía Nam. Cùng với nhiều tầng lớp nhân dân, các họa sĩ đã chung tay cùng xã hội chống dịch qua việc đấu giá tranh.
Có một điều, có thể gọi là may mắn, đó là giữa làn sóng COVID-19 này, khi mà người cách ly người, nhà cách ly nhà, thì mọi người vẫn còn liên lạc với nhau qua Internet, qua điện thoại. Chính nhờ yếu tố này, nhiều họa sĩ, các nhà hoạt động nghệ thuật đã tổ chức các buổi đấu giá tranh online qua mạng Facebook.
Các chương tình đấu giá vô tiền khoáng hậu
Thật ra, việc đấu giá tranh kêu gọi từ thiện đã có từ trước đây, nhưng chỉ đến khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam, hoạt động này mới diễn ra với một quy mô rộng khắp và tần suất dày đặc hơn.
Phan Cẩm Thượng Thị nữ, giấy dó, 2021
Có thể kể đến như các phiên đấu giá tranh và các hiện vật nghệ thuật của quỹ Be Strong Việt Nam; triển lãm và đấu giá online Cây đời mãi xanh 1, 2, 3, 4 do quỹ Quỹ Gieo Gạo thực hiện; Đấu giá tranh online của báo Tiền Phong; livestream đấu giá cây cảnh tặng vật tư y tế của Duy Hồ thực hiện từ Đà Lạt; đấu giá tranh của nhóm Sài Gòn mình thương nhau… Còn rất nhiều phiên đấu giá tranh trực tuyến vì thiện nguyện đã, đang và sắp diễn ra.
Trong đó, có lẽ điểm nhất là chương trình “Xin tranh… cho bệnh viện dã chiến” do nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi và cộng sự Lê Quang Đông Quân thực hiện từ ngày 18/8 đến 23/8. Chỉ sau hai ngày kêu gọi trên trang cá nhân của mình, anh đã nhận hơn 100 tác phẩm đến từ các hoạ sĩ và nhà sưu tập trên khắp mọi miền tổ quốc. Điều này vượt ngoài sức mong đợi của nhà tổ chức. Từ dự định một phiên đấu giá để gây quỹ mua 4-5 giường hồi sức, nhóm này phải tổ chức 4 phiên đấu vào 4 ngày liên tiếp, mỗi phiên kéo dài 12 giờ mới hết được số tranh đã nhận. Đây là điều chưa từng xảy ra với các buổi đấu giá tranh từ thiện trực tuyến trước đây.
Nguyễn Ngọc Vinh, Metro#3, in lụa, 2021
Với cách thức linh hoạt, hạ giá tranh xuống rất thấp so với giá thị trường, để mức giá “bán ngay”, bốn phiên đấu giá này đã cuốn hút các nhà sưu tập vừa muốn sở hữu tác phẩm, vừa muốn góp sức vào công cuộc chống dịch. Thậm chí, có nhà sưu tập, nickname Nam Tu, đã tham gia đấu hơn 40 bức trong suốt 4 phiên đấu và mua thành công 19 bức. Đây là con số gây kinh ngạc, bởi như anh chia sẻ: “Lúc đầu chỉ nghĩ là xem chơi thôi, nhưng khi xem hết lượt tranh đợt 1 đã thấy đẹp. Nên muốn xem thêm, rồi thấy thích vài bức. Ban đầu cũng không định đấu nhiều như vậy. Nhưng các phiên sau càng thấy đẹp. Nên càng ngày càng muốn ủng hộ nhiều hơn. Thật ra là quyết định đến còn nhanh hơn cả suy nghĩ lúc đó.”
Điều này không hẳn chỉ vì tranh, mà còn vì tấm lòng với cộng đồng, với những bệnh nhân đang ở lằn ranh sinh tử tại các bệnh viện, với những hoàn cảnh khó khăn vì dịch và phong toả triền miên.
Chính vì lẽ đó, nên cuối chương trình, Ban Tổ chức đã thu được số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, đủ chi 20 giường hồi sức, 4 máy thở, 10 xe lăn cho y tế và đóng góp vào các quỹ an sinh đang hoạt động khác. Đây là những con số mà bản thân Lý Đợi tự nhận là “không tưởng” so với mong muốn và dự kiến ban đầu. Hiệu ứng này chưa dừng lại ở đó, khi mà ở phiên đấu giá ủy thác sau đó, xem như phiên thứ 5, toàn bộ tranh mà nhà sưu tập Bùi Quốc Chí gửi tặng, đưa ra đấu giá đã được mua sau… 25 phút.
Cũng với cách thức tương tự, báo Tiền Phong tổ chức đấu giá tranh online của 12 họa sĩ danh tiếng như Lê Công Thành, Phạm Luận, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đoàn Văn Nguyên, Tào Linh, Đặng Tiến, Trịnh Tú, Nguyễn Văn Đức, Kim Thái, Đỗ Thúy Hằng. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, toàn bộ 12 bức tranh đã có người sở hữu, có những bức nhà sưu tập còn trả giá cao hơn giá mua ngay mà ban tổ chức đưa ra. Cuối chương trình, đã thu về được gần 2 tỷ đồng, tất cả được chuyển hỏa tốc vào miền Nam chống dịch.
Đánh giá lại công dụng của tranh nghệ thuật
Khác với những lần quyên góp, kêu gọi từ thiện cho đồng bào lũ lụt miền trung, kêu gọi cứu trợ cho bà con bị hạn mặn miền Tây Nam Bộ. Đây là đợt kêu gọi tấm lòng của cộng đồng giữa hoàn cảnh 62/63 tỉnh, thành cả
nước đang có dịch, khắp nơi bị phong tỏa, di chuyển khó khăn, việc tụ tập tổ chức một chương trình nghệ thuật như đêm nhạc, chiếu phim, sân khấu… đều phải dừng hoàn toàn. Điều này đòi hỏi những nhà tổ chức các chương trình nghệ thuật kêu gọi từ thiện phải tìm ra một con đường khác, thích hợp và kịp thời. Các chương trình đấu giá tranh online trên nắm bắt và phản ánh được sự kịp thời đó.
Trước giờ, tranh nghệ thuật được giới chuyên môn đánh giá là một mặt hàng xa xỉ phẩm, ngoài tính năng làm đẹp và làm giàu thế giới tinh thần, thì chúng gần như vô dụng vì không có tác dụng khác. Nhưng trong tình thế hiện tại, chắc chắn các nhà nghiên cứu nghệ thuật sẽ đánh giá lại những nhận định được xem như là mặc định trước đây về “loại hàng hoá đặc biệt” này.
Hồ Hưng, Đời thương hồ, màu nước, 2021
Chúng giờ đây, đã bộc lộ một công dụng khác, ngoài việc là vật sở hữu, trao đổi giữa nghệ sĩ, gallery và nhà sưu tập. Giá trị vật chất quy đổi từ tranh giờ đây đang giúp cho bệnh nhân có thêm máy thở, giường nằm, trang thiết bị y tế. Giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ấm cúng, giúp một sản phụ vượt cạn thành công, giúp tuyến đầu chống dịch có thêm bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng sức khoẻ… Đây là những công dụng mà chỉ trong hoàn cảnh xã hội ngặt nghèo như hiện tại, chúng ta mới nhận thấy được ở tranh.
Lê Ngọc Tường, Nét xưa, sơn dầu, 2002
Tranh là tác phẩm nghệ thuật có thể cảm nhận được nhanh chóng và trực tiếp, không cần quá nhiều thời gian để nắm bắt nội dung như một bài hát, một bộ phim, một tác phẩm văn chương hay kịch nghệ. Đó là nghệ thuật của thị giác tức thời. Trong hoàn cảnh mọi thứ bị phong toả và ngưng trệ, công chúng dường như cũng không còn đủ kiên nhẫn để thưởng thức một chương trình nghệ thuật quá dài về thời lượng để ủng hộ. May thay còn có tranh, có các tác phẩm điêu khắc. Những tác phẩm này đáp ứng ngay được tâm lý cộng đồng đó. Từ đây, chúng trở thành một trong những chiếc cầu nối gắn kết những tấm lòng thiện nguyện với những hoàn cảnh khó khăn. Nói một cách bay bổng, những tác phẩm này không chỉ “vị nghệ thuật” mà tự thân giá trị chúng đã “vị nhân sinh”.
“Trong hai phiên này, chúng tôi muốn đấu giá 1 bức tranh mà mang lại 3 lợi ích. Đầu tiên, đó là họa sĩ sẽ giới thiệu được tác phẩm có chất lượng cao, nếu bán thành công, sẽ nhận về một phần trong giá bán đó để tái đầu tư. Bản thân nhiều họa sĩ và gia đình cũng đang sống trong đại dịch, cũng chịu những khó khăn như bất kì ai. Thứ hai, người mua bức tranh đó, dù giá rẻ hơn thực tế, thì cũng có được chất lượng như ý, chứ không phải miễn cưỡng vì yêu thương, chia sẻ mà mua. Thứ ba, BTC Cây đời mãi xanh và Quỹ Gieo Gạo cũng muốn có trách nhiệm với cộng đồng, khi nỗ lực xóa nhòa ranh giới về chất lượng giữa tranh thiện nguyện và tranh triển lãm. Để cái câu “hơi đâu, tranh thiện nguyện mà” sẽ không còn tồn tại trong thời gian tới” - nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi cho biết.
Đến cuối tháng 8/2021, đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, đã có nhiều sự hy sinh, cả của cải lẫn tính mạng, để ngăn chặn chúng. Mỗi con người lúc này khi nhìn về xã hội đều đau đáu muốn đóng góp một phần khả năng của mình trong công cuộc chung này. Và các họa sĩ, nhà sưu tập, nhà tổ chức nghệ thuật trên đây đã dùng chính những tác phẩm - vốn bị xem là “vô dụng” nếu so với như yếu phẩm - để đóng góp vào cộng đồng. Điều này giúp mọi người như khám phá ra khía cạnh thiết thực khác trong câu nói trứ danh của văn hào Nga Dostoevsky: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”.
VĂN ĐỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021