Biểu diễn trực tuyến - giải pháp cần thiết cho sân khấu mùa dịch

Nghệ sĩ Xuân Bắc dẫn chương trình trực tuyến Cháy lên tối 1/8

Khi sân khấu đang ở vòng cực âm của hình sin, rơi vào cảnh “tối đèn, vắng khán giả”, thì bị thêm “cú đúp” là sự bùng phát của dịch COVID-19 khiến ngành biểu diễn càng thêm khủng hoảng. Sàn diễn đóng cửa, nghệ sĩ không được biểu diễn, không có thu nhập… khiến công tắc “bật tắt” (bật - mở cửa khi dịch tạm khống chế; tắt - đóng màn mỗi khi dịch bùng phát) vốn đã khá thành thạo trong năm 2020 lại không thể vận dụng vì tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát. Trong thời điểm khó khăn này, những hình thức như sân khấu truyền thanh, sân khấu truyền hình, rồi những kênh trực tiếp, online phần nào đó đã tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho đội ngũ nghệ sĩ, giữ vững tình yêu của khán thính giả với hình thức nghệ thuật này, và cũng là một việc làm rất cần thiết.

Chương trình Những ngôi sao bất tử của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc

Song song với sân khấu truyền thanh vẫn đến với bà con, thính giả khắp cả nước thường xuyên, đúng giờ trên các khung giờ cố định, để giúp sân khấu phát huy sức sáng tạo, không đóng băng vì dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ cuối năm 2020 Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã xây dựng kênh NTBDVN trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sĩ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Thấy được hiệu quả rõ rệt, tháng 6 năm 2021 Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục triển khai hình thức thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả.

Rõ ràng, các hình thức truyền hình vở diễn hay biểu diễn online có thể thiếu đi sự tương tác giữa khán giả và người diễn trong khán phòng, nhưng không còn nghi ngờ nữa, đây là một trong những giải pháp đáng chú ý giữa bối cảnh dịch bệnh kéo quá dài như hiện nay. Vì thế mà chương trình nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ các đài truyền hình, các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ. Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối TƯ, việc truyền hình sân khấu đã khích lệ các nghệ sĩ múa rối rất nhiều, cũng như quảng bá nghệ thuật múa rối tới nhiều vùng sâu, vùng xa vì đây là địa bàn rất ít được hưởng thụ nghệ thuật. Các nhà hát, các đơn vị cũng rất muốn quảng bá trên truyền hình nên đây là một sự quan tâm rất kịp thời.

Đây cũng hứa hẹn là sân chơi để đội ngũ người làm sân khấu duy trì lửa nghề và là cơ hội, là động lực để các nghệ sĩ thể hiện niềm đam mê, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đồng thời thực hiện nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu tinh thần cho người dân trong dịch bệnh. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN nhận định: “Đưa nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật sân khấu lên các kênh truyền hình, các nền tảng thông tin đại chúng cũng là một cách để quảng bá, phát huy, lưu giữ, tìm phương thức để duy trì nghệ thuật biểu diễn thông qua việc xem gián tiếp”.

NSƯT Chí Trung và hoa hậu Lương Thùy Linh dẫn chương trình trực tuyến Ở nhà cùng vui tối 14/8 tại điểm cầu Hà Nội

Chương trình đầu tiên được lựa chọn lên sóng online là Những ngôi sao bất tử của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc phát trên kênh VTV2 vào tối 27/7 nhân Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7). Tiếp đó, tối 28/7, chương trình nghệ thuật Tổ quốc trong tim được thực hiện tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Bình Thuận và Paris (Pháp). Cả hai chương trình đều để lại ấn tượng với khán giả. Tối 1/8 với tên gọi Cháy lên, nằm trong chuỗi chương trình San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch do NSƯT Xuân Bắc dẫn dắt đã kết nối 5 đơn vị biểu diễn: Nhà hát Kịch VN, Liên đoàn Xiếc VN, Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, Nhà hát Chèo VN… với các tiết mục ca nhạc, xiếc, trích đoạn chèo… đã thu hút được sự chú ý, theo dõi của hàng ngàn người xem. Đặc biệt tiết mục mới sáng tác Chiến binh nhỏ, do chính nhạc sĩ, NSƯT Đỗ An biểu diễn đã khiến người xem rưng rưng xúc động khi lấy cảm hứng từ những hiện tượng đang diễn ra trong cuộc chiến chống COVID hiện nay. Vào 20h30 tối 14/8 vừa qua chương trình Ở nhà cùng vui được phát tại 6 điểm cầu: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), nhà riêng của NSƯT Xuân Bắc và đầu cầu TP.HCM là tại nhà riêng của diễn viên Trương Ngọc Ánh. Với sự dẫn dắt của NSƯT Chí Trung và hoa hậu Lương Thùy Linh, sự xuất hiện của các khách mời: nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh (TP.HCM), ca sĩ Quang Hào (Đà Nẵng) cùng nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, cũng nhận được cổ vũ, động viên và truy cập của rất đông của khán giả. Tất cả các chương trình trên đều được Livestream trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam (https://www.youtube.com/channel/UC6oYADRmX1RnEERz8k_N6Rg), fanpage Cục NTBD (https://www.facebook.com/cucntbd), trang Facebook cá nhân NSƯT Xuân Bắc (https://www.facebook.com/nghesi.nguyenxuanbac), Youtube cá nhân NSƯT Xuân Bắc, trên trang của Báo điện tử Tổ quốc (https://toquoc.vn/), Báo Văn hóa (http://www.baovanhoa.vn) và chia sẻ trên nhiều fanpage và facebook của các nghệ sĩ nổi tiếng. 

Tiết mục của Nhà hát Chèo Việt Nam trên trang FB của NSƯT Xuân Bắc được 12.000 người theo dõi

Có thể nói những cố gắng của Bộ VHTTDL để thực hiện qua truyền hình, qua các nền tảng mạng online như: Cháy lên, Những ngôi sao bất tử, Tổ quốc trong tim… là hướng đi tích cực để các nghệ sĩ có cơ hội được thể hiện tài năng, đồng thời cũng mang tới những tiết mục thể hiện niềm tin chiến thắng, sự đoàn kết của toàn thể nhân dân đồng lòng phòng chống dịch COVID -19. 

Việc đưa các tác phẩm sân khấu lên sóng truyền hình, các nền tảng mạng internet nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả lẫn giới chuyên môn. Nhiều người kỳ vọng nhà hát truyền hình, biểu diễn online đi vào hoạt động sẽ thêm một kênh tiếp cận dành cho người hâm mộ sân khấu. Sự tiếp nhận của hàng triệu khán giả qua sóng truyền hình trực tiếp, mạng xã hội… chính là điều kiện để người làm sân khấu thăm dò ý kiến người xem, thúc đẩy sáng tạo cho tác giả, đạo diễn, diễn viên đi vào đúng quỹ đạo mà công chúng cần.

Rõ ràng trong lúc chúng ta đang phải hạn chế tụ tập đông người, các nhà hát chưa thể mở cửa đón khách trở lại thì việc đưa chương trình nghệ thuật của các nhà hát lên truyền hình và lên mạng internet có thể coi là một giải pháp khả thi và cần thiết. Đây sẽ là sân chơi dành cho giới sân khấu mang tính chuyên nghiệp cao và sẽ là nơi các nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn trong lĩnh vực sân khấu có cơ hội giới thiệu, phổ biến những tác phẩm và tài năng của mình tới hàng chục triệu khán giả trong cả nước. Nhìn vào thực tế sân khấu đóng băng vì dịch bệnh như hiện nay thì có sân khấu truyền thanh, nhà hát truyền hình, biểu diễn nghệ thuật online cũng có nghĩa hoạt động của các nhà hát vẫn được duy trì, nghệ sĩ vui hơn khi được làm nghề, khán giả cũng không vì thế mà quên sân khấu. Tuy nhiên, làm sao để các hình thức này thu hút hơn nữa người xem, cần lắm những sáng tạo không ngừng của chính những người làm nghề.

Tiết mục của Liên đoàn Xiếc Việt Nam

 

Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết chương trình nghệ thuật trực tuyến bao gồm hai hình thức đó là nhà hát online và chương trình biểu diễn online. Tuy nhiên trước mắt là tập trung vào việc ghi hình và phát sóng chuỗi chương trình biểu diễn online nhằm cổ vũ, góp phần nâng cao sức mạnh tinh thần cho nhân dân để vượt qua đại dịch COVID-19 đồng thời khơi dậy ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Do đang chấp hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên chương trình nhà hát online tạm thời dừng lại, chờ hết thời gian giãn cách mới triển khai tiếp. Dự kiến nhà hát online sẽ giới thiệu 24 chương trình, vở diễn của 12 đơn vị trực thuộc Bộ với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như kịch nói, nghệ thuật sân khấu truyền thống (tuồng, chèo, cải lương), múa rối, xiếc, cho đến các thể loại âm nhạc, múa đương đại, dân gian, dân tộc hay cổ diễn châu Âu như giao hưởng, nhạc kịch, ballet... Ðã có 4 đơn vị truyền hình đồng ý phát sóng các chương trình trên, đó là VTV, Ðài Truyền hình Hải Phòng, Truyền hình VOV và Truyền hình Nhân Dân. Và kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại thì việc phát sóng trên truyền hình vẫn được duy trì, các nhà hát sẽ làm song song cả online và diễn trực tiếp để xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình bởi đây là xu hướng phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay.

Chương trình nghệ thuật trực tuyến mới là giai đoạn đầu nên trước mắt chỉ thí điểm các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động này sẽ được nhân rộng ra các đoàn nghệ thuật trong cả nước để chương trình ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

 

 

Tiết mục của Nhà hát Tuổi trẻ trong chương trình trực tuyến Ở nhà cùng vui tối 14/8

 

Tác giả: Cao Ngọc - Thanh Tâm

Ảnh: Minh Khánh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

;