Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, giống như nhiều sân khấu kịch và truyền thống khác, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng rơi vào tình trạng khó khăn, khi hàng loạt chương trình đã lên khung nhưng phải huỷ bỏ. Tuy nhiên, các cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát vẫn tích cực chuẩn bị, lên kế hoạch để khi dịch được kiểm soát sẽ sẵn sàng lên đường biểu diễn.
Vở diễn Làm vua
Nhà hát đã xây dựng và được phê duyệt Chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng cho khán giả trẻ năm 2021 với tiêu chí nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu nghệ thuật tuồng cho thế hệ trẻ. Mục tiêu của chương trình là mong muốn khán giả trẻ có thể biết và hiểu hơn về nghệ thuật tuồng, qua đó hướng tới đào tạo khán giả nhằm bảo tồn nghệ thuật tuồng hiệu quả bền vững. Ðến với chương trình, khán giả sẽ được tiếp cận các trích đoạn tuồng truyền thống, dân gian và lịch sử. Trong đó có mô hình nhân vật mẫu mực của nghệ thuật tuồng và đặc biệt là các sự kiện, nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, giúp các em học sinh sinh viên tiếp thu kiến thức lịch sử dễ dàng hơn, đồng thời yêu thích môn lịch sử để có trách nhiệm với lịch sử dân tộc, với Tổ quốc. Song song với đó, qua chương trình này, giúp các nghệ sĩ luyện tập, sáng tạo, gắn bó với nghề qua đó giới thiệu cái hay, cái đẹp, nét độc đáo của nghệ thuật tuồng đến với khán giả trẻ.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Năm nay, chúng tôi tổ chức giới thiệu nghệ thuật tuồng tới khán giả trẻ theo hình thức mới hoàn toàn, có sự đầu tư về mặt tài chính, trí tuệ, con người và cách tiếp cận nghệ thuật cũng khác hơn so với trước đây. Chương trình này trở thành một đầu việc mang tính chuyên môn sâu của nhà hát nhằm đưa nghệ thuật tuồng đến với khán giả. Nội dung của chương trình gồm giới thiệu, tương tác và đào tạo khán giả với mục đích kéo gần sự quan tâm của khán giả trẻ đối với sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu Tuồng nói riêng”.
Khác với các chương trình sân khấu học đường đã được triển khai những năm trước đây, Chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng cho khán giả trẻ năm 2021 sẽ có cách tiếp cận mới hơn. Ðó là, tùy theo thời lượng, đối tượng, độ tuổi, nhà hát sẽ xây dựng kịch bản, chương trình để phù hợp với lứa tuổi, cấp học và trình độ nhận thức. Thông qua lời dẫn, lời bình và sự thể hiện của các diễn viên, nhạc công trong từng tiết mục, khán giả sẽ hiểu rõ hơn về các nguyên tắc cơ bản trong kỹ thuật hát, múa, biểu diễn, hóa trang... Ðồng thời, phần tương tác, giao lưu giữa khán giả với các nghệ sĩ cũng được tăng thêm, điều đó tạo nên sự cuốn hút và gần gũi, thân thiện của khán giá đối với những người làm nghệ thuật, cũng như chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chương trình, khó khăn mà những người thực hiện gặp phải là “việc tập hợp, tìm kiếm tư liệu về nghệ thuật tuồng khá khó khăn bởi tài liệu thì có nhiều nhưng tính thống nhất không cao. Vì thế, trong chương trình này từ những tư liệu của Viện Sân khấu, các nhà nghiên cứu, cùng với kinh nghiệm nhiều năm của nhà hát, chúng tôi tập hợp và chọn ra những cái chung để giới thiệu về nét đặc trưng, các nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật tuồng Bắc tới khán giả” - Ông Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ. Trong chương trình này, các tiết mục sẽ được đưa đến với người xem: Ông già cõng vợ đi xem hội, Ôn Ðình chém Tá, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Trần Quốc Toản ra quân, Kim Lân qua đèo.
Trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội
Song song với việc xây dựng Chương trình giới thiệu nghệ thuật Tuồng cho khán giả trẻ năm 2021, Nhà hát Tuồng Việt Nam đang triển khai kế hoạch tập huấn cho diễn viên và nhạc công; phối hợp Ban Văn nghệ Ðài Truyền hình Việt Nam ghi hình hai vở diễn: vở tuồng lịch sử Trung thần và vở tuồng quân quốc Võ Tam Tư trảm cáo trong chương trình nhà hát truyền hình online để giới thiệu nghệ thuật truyền thống với khán giả cả nước; khi dịch được kiểm soát, các vở tuồng kinh điển truyền thống, lịch sử, hiện đại, dân gian sẽ lại được biểu diễn tại phố cổ và rạp Hồng Hà theo lịch thường xuyên hằng tháng, hằng quý. Ngoài ra một số kế hoạch khác nữa của nhà hát cũng đang tiến hành, đó là chuẩn bị cho chuyến đi biểu diễn phục vụ khán giả vùng sâu vùng xa theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL khi mà điều kiện của đồng bào vùng sâu vùng xa vẫn thiếu và họ còn yêu mến các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Năm nay, các địa phương như Sơn La, Hà Giang đã được nhà hát kết nối, khi dịch suy giảm, các nghệ sĩ sẽ lên đường đem món ăn tinh thần đến với khán giả.
Bên cạnh đó, công việc thực hiện các vở diễn đặt hàng của năm 2021 cũng đang được nhà hát tiếp tục triển khai, sau vở Làm vua đã được báo cáo dịp đầu năm, hai vở tiếp nối là Võ Tam Tư trảm cáo và Không còn đường nào khác. Ðây là hai vở diễn nhà hát đăng ký được đầu tư theo chủ trương của Bộ nhằm nâng cao đời sống trong tình hình dịch bệnh không có biểu diễn, không có luyện tập, cũng như tăng cường hoạt động nghệ thuật để có nhiều tác phẩm mới đến với công chúng.
Vở tuồng truyền thống Võ Tam Tư trảm cáo được phục dựng lại, dành cho đội ngũ diễn viên trẻ mới ra trường. Với vở diễn này sẽ giúp các diễn viên vừa được học tập, vừa nâng cao tay nghề biểu diễn, đồng thời có thêm thu nhập, khắc phục điều kiện khó khăn, đảm bảo đời sống tối thiểu khi nghệ sĩ không hoạt động biểu diễn do dịch bệnh; Không còn đường nào khác là vở tuồng hiện đại nói về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Ðịnh, Phó Tư lệnh các Lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam Việt Nam và phong trào “Ðồng khởi” của Bến Tre những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ðây là vở diễn Nhà hát Tuồng Việt Nam hướng tới thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với việc “tự lực tự cường và khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Tác giả: Thái An
Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021