Hương ước đã xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông, nó tồn tại tương đối phổ biến trong các làng Việt ở đồng bằng trung du Bắc Bộ. Đây là nguồn sử liệu quý giúp chúng ta nghiên cứu về phương thức quản lý nông thôn truyền thống khá hiệu quả của cha ông để suy nghĩ các biện pháp đẩy mạnh Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hiện nay, trong đó có việc phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Hương ước gồm các điều ước về nhiều mặt của đời sống làng xã, thôn, bản, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội, bảo vệ an ninh, thờ cúng, khuyến học, đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, những quy ước đã được tuân thủ qua nhiều thế hệ để trở thành thông lệ, phương hướng của từng cộng đồng cư dân ở nông thôn.
Ngày 19/6/1998 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 24 về xây dựng, thực hiện quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ đã hướng dẫn các địa phương xây dựng quy ước, hương ước. Toàn tỉnh hiện có 2.526 khu dân cư trong đó 2.176 khu dân cư đã xây dựng được quy ước khu dân cư văn hóa (350 khu dân cư mới chưa xây dựng được quy ước do sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết số 02 ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh). Qua thực tế việc xây dựng hương ước, quy ước ở các địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số Mường, Dao, Cao Lan... chúng tôi nhận thấy ở các thôn, bản, khu dân cư đã triển khai thực hiện tốt hương ước, quy ước. Việc thực hiện này đã góp phần rất đáng kể trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xác định đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, triển khai thực hiện chủ trương này ngành VHTTDL đã tích cực củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, văn hóa tâm linh khai thác tiềm năng du lịch của vùng đất cội nguồn dân tộc để phục vụ đồng bào, du khách trong và ngoài nước.
Trở lại với vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mường thông qua hương ước, quy ước, chúng tôi nhận thấy khá nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, có tiềm năng du lịch sinh thái đã chú ý đưa vào hương ước, quy ước những quy định bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ví dụ hương ước của thôn Minh Đức, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập đã quy định rất rõ về bảo vệ di tích, lịch sử, văn hóa, cách mạng kháng chiến “chiến khu lòng chảo Minh Hòa”, nơi đã ghi đậm chiến công của đồng bào các dân tộc chống thực dân Pháp, phát xít Nhật, quy định bảo vệ thác nước, cọn nước, các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng… để phục vụ du khách đến tham quan; quy ước của bản Hùng Nhĩ, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn quy định rõ việc không được bán nhà sàn đã có 50 tuổi ra khỏi làng để ngăn chặn việc “chảy máu nhà sàn” về đồng bằng, đô thị; quy định ngày lễ, Tết, hội, người dân trong bản mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trong quy ước của bản còn đề cập đến tục “kết nước nghĩa” giữa 2 làng Hùng Nhĩ và Nam Cường theo truyền thống. Hương ước của bản Lạng, bản Dù xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn có quy định không được chặt cây, hái củi trong khu rừng nguyên sinh Xuân Sơn, không chặt phá, khai thác đá cảnh, thạch nhũ trong các động, các hang (hang Lạng, hang Dùng, núi Ten…) bảo vệ cọn nước, thác nước trong khu rừng của địa phương. Quy ước của một số bản thuộc xã Đồng Thịnh, xã Hưng Long, huyện Yên Lập nói rõ việc giữ gìn, khôi phục điệu múa Mỡi, múa Trống đu của người Mường. Nhờ có những quy định trong quy ước văn hóa nên thời gian qua, các địa phương đã dần khôi phục được một số điệu múa truyền thống đã bị mai một của đồng bào để đưa vào các sinh hoạt lễ hội truyền thống.
Từ năm 2006 đến nay, múa Trống đu của đồng bào Mường, múa Chuông, múa Rùa của đồng bào Dao đã được đưa vào chương trình Ngày hội Văn hóa Thể thao của huyện Yên Lập. Điệu múa Chim Gâu, Xúc tép của đồng bào Cao Lan xã Ngọc Quan được chọn lọc đưa vào chương trình Liên hoan dân ca các dân tộc của huyện Đoan Hùng. Cùng với các huyện, thị, thành khác nhiều tiết mục dân ca, dân vũ, diễn xướng, trò chơi, diễn xướng dân gian được tập hợp để xây dựng chương trình biểu diễn trong lễ hội Đền Hùng, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Đồng bào và du khách rất thích thú khi được xem các điệu múa độc đáo, mang bản sắc dân tộc này.
Các địa phương có đồng bào dân tộc sinh sống đã rất tích cực hưởng ứng. Trong công tác chỉ đạo xây dựng văn hóa cơ sở có sự chuyển biến tích cực, cụ thể đã đi sâu vào việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ nhu cầu của người dân, phục vụ du lịch… Các huyện có đồng bào dân tộc như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đã tổ chức lễ hội truyền thống, sẵn sàng tham gia các tour, tuyến du lịch mới của tỉnh Phú Thọ kết nối với các địa phương trong chương trình du lịch về cội nguồn. Ví dụ trong quy ước một số bản xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn quy định về thái độ ứng xử của các gia đình đối với khách du lịch, nhất là khách nước ngoài khi tham gia loại hình du lịch sinh thái.
Trước đây, trong hương ước, cha ông ta đã đưa việc trọng danh dự cá nhân, gia đình trước cộng đồng làng xã được cụ thể hóa qua những điều khoản chặt chẽ và đi kèm chế tài xử phạt khi cá nhân và gia đình vi phạm những điều cấm. Tính “tự quản” đã có trách nhiệm trong xây dựng cộng đồng được coi là quan trọng số một. Vì vậy, trong quy ước văn hóa hiện nay, các địa phương đã chú ý việc khơi dậy lòng tự hào về quê hương, về những phong tục tập quán tốt đẹp, để từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng. Những danh hiệu, vinh dự không thể dùng đồng tiền để mua mà con người phải phấn đấu mới có được. Hương ước xưa tạo sức nặng dư luận để điều chỉnh hành vi, thế ứng xử và biết cách làm cho hương ước thêm sự linh thiêng khi hằng năm tổ chức “minh thệ” (ăn thề). Cho nên hiện nay ta nên đưa giao ước thi đua giữa các khu dân cư, giữa các gia đình trong thôn, bản vào hương ước một cách trang trọng, dân chủ sẽ phát huy được sức mạnh. Hiện nay, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với việc xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đang đặt ra nhiều vấn đề về giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong đó có phát triển du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Rất nhiều mối quan hệ không chỉ trong ứng xử mà còn là việc thực hiện quy định chung về môi trường sống, cảnh quan, các di sản thiên nhiên, không gian thoáng của hội hè, đình đám, trong các di tích đình, đền, chùa, miếu của làng, bản…
Rõ ràng, từ hương ước xưa, chúng ta học được nhiều điều khi xây dựng quy ước văn hóa hiện nay. Những năm trước, có một thực tế là khá nhiều khu dân cư chỉ căn cứ vào hướng dẫn chung nhất của Nhà nước để xây dựng khu dân cư, thậm chí sao nguyên văn những quy ước của nơi khác, không đưa ra hội nghị khu dân cư để họp bàn và thông qua trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nên nó na ná giống nhau. Vì vậy, những đặc điểm của làng, thôn xóm, bản, không được đề cập trong quy ước nên khó có sức thuyết phục. Để hương ước, quy ước có sức sống ngay từ khâu soạn thảo phải chú ý những đặc điểm riêng để xây dựng thì mới phát huy được sức mạnh của nó. Cái hay, cái độc đáo của quy ước, hương ước chính là ở chỗ này. Sau khi hoàn chỉnh khâu dự thảo, hương ước, quy ước của làng, xóm, bản, thôn phải được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh tình trạng “lệ làng to hơn phép nước”. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 ngày 16/7/2019 của HĐND tỉnh về sắp xếp, sáp nhập khu dân cư có 350/2.526 khu dân cư mới được sắp xếp, sáp nhập trong đó có nhiều đơn vị ở các xã miền núi đang trong thời gian tiến hành biên soạn lại quy ước khu dân cư văn hóa. Cân nhắc để đưa những đặc điểm riêng, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vào các điều khoản của quy ước sẽ có giá trị rất to lớn trong công tác tự quản để sớm ổn định và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Một kinh nghiệm rất quý báu của cha ông ta có việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, gia đình có nhiều công lao đóng góp xây dựng, phát triển làng quê, suy cho cùng cũng là việc thực hiện tốt hương ước “một trăm đồng tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”, “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp” là những đúc kết giá trị động viên tinh thần của việc khen thưởng của làng với cá nhân, gia đình. Tránh trường hợp khen thưởng tràn lan như bấy lâu nay nhiều địa phương vẫn đang thực hiện là bài học quý giá cho quản lý làng, xã, chỉ đạo phong trào.
Xây dựng văn hóa nông thôn, văn hóa xây dựng nông thôn mới là nội dung rất quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi một chủ trương lớn của Đảng, nói đến cùng là phải xây dựng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa từ ngàn đời nay của cha ông để lại và bổ sung vào đó những giá trị văn hóa mới trong tầm nhìn rộng lớn hơn vượt qua lũy tre làng để phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của hương ước xưa của các địa phương. Những thành công lớn do phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đem lại ở một số địa phương trong thời gian qua có kết quả cao phần lớn nhờ phát huy được tính tự quản cộng đồng của tập thể, các gia đình, cá nhân. Nhờ mặt chủ động này mà nhiều phong trào thi đua đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, đem lại hiệu quả xã hội rõ nét. Các câu lạc bộ dân ca giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên ngày càng nhiều, số lượng hội viên tham gia ngày càng đông. Mong sao ngày càng có nhiều thôn, làng, bản thông qua việc thực hiện hương ước, quy ước phát huy cao độ tính tự quản, tạo sức nặng dư luận làm tốt việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng nhau giữ gìn môi trường sinh thái, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế du lịch cộng đồng để cuộc sống thêm ấm no, hạnh phúc.
BÙI THỊ SINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023