Trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển, cùng với sự du nhập của nhiều nền văn hóa của các cường quốc trên thế giới, vẫn còn không ít bạn trẻ Việt Nam đam mê âm nhạc truyền thống. Tình yêu đối với các làn điệu, nhạc cụ dân tộc của các bạn trẻ là sự kế thừa, phát huy để âm nhạc truyền thống mãi trường tồn theo thời gian.
Hòa tấu tác phẩm Chung một niềm tin (tác giả:cố NSND Xuân Khải) của các bạn học sinh FPT edu tổ chức
Vào một ngày mùa thu Tháng Tám, tôi có dịp được thưởng thức những giai điệu truyền thống của nhạc cụ dân tộc trong đêm nhạc FPT edu Tích Tịch Tình Tang 2022. Đây là cuộc thi do tổ chức FPT edu thực hiện, nhiều cảm xúc và ấn tượng đã đến với tôi khi các bạn sinh viên trình diễn các nhạc phẩm một cách tự tin, hào hứng, như những “nghệ sĩ chuyên nghiệp”. Trong trang phục Áo dài ngũ thân truyền thống, cùng với các thể loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn nguyệt..., những giai điệu tha thiết, ngọt ngào nhưng không kém phần sôi động đã bay bổng, hòa quyện vào nhau, tấu lên những bản nhạc: Chung một niềm tin (cố NSND Xuân Khải); Suy tư (NSND Mai Phương); Sang xuân (NSND Phương Bảo)… Đây là các nhạc phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi, một lòng chung thủy, gìn giữ những nét nhạc, nét văn hóa của bản sắc dân tộc Việt Nam.
Điều đặc biệt của đêm nhạc FPT edu Tích Tịch Tình Tang 2022, đây là buổi trình diễn các tiết mục đoạt giải cao nhất trong cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc do tổ chức FPT edu thực hiện với quy mô lớn, dành cho các bạn sinh viên ở các cơ sở: Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên FPT tham dự. Trải qua vòng sơ loại, tiến vào chung kết là sự góp mặt của gần 100 thí sinh với 76 tiết mục đặc sắc nhất và tiếp tục thể hiện tiết mục theo hai bảng đấu: độc tấu (bao gồm độc tấu, đàn tranh, đàn nhị, đàn tỳ bà, sáo, đàn bầu, đàn nguyệt, trống) và hòa tấu. Hơn ba tháng tập luyện, thi đấu vòng loại, các bạn sinh viên đoạt giải cao nhất đã làm chủ sân khấu, mang đến cho người nghe những giai điệu trầm bổng của các loại nhạc cụ và nhận được những tràng pháo tay dài, giòn giã của khán giả đông kín phòng hòa nhạc lớn tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Thành công của đêm nhạc cũng là sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức FPT edu khi đưa nhạc cụ truyền thống vào giảng dạy và trở thành môn học bắt buộc tại nhà trường từ năm 2015. Bởi, FPT luôn hướng tới đề cao các giá trị nghệ thuật, đồng thời góp phần nâng cao sự hiểu biết cũng như tình yêu đối với văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng đến các bạn trẻ. Như thầy Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, TS Nguyễn Khắc Thành từng chia sẻ: “FPT là tổ chức cung cấp năng lượng cạnh tranh toàn cầu, mong muốn những người học tập tại đây góp phần mở mang trí tuệ của đất nước. Lý do vì sao chúng tôi muốn các em học các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, tỳ bà, sáo… Vì chúng tôi muốn các em sinh viên khi bước ra thế giới, trong tâm các em luôn luôn có một tiếng đàn bầu”.
Các thành viên câu lạc bộ Đình làng Việt trong một buổi tập luyện âm nhạc
Bên cạnh sự yêu thích những âm điệu truyền thống của các bạn sinh viên FPT, còn rất nhiều bạn trẻ đem nhạc cụ truyền thống trở thành niềm đam mê để yêu thích và khám phá. Đó là các nghệ sĩ “không chuyên” của Câu lạc bộ Đình làng Việt, công việc của các thành viên đến từ nhiều ngành nghề như: nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên, họa sĩ, kỹ sư, nhà văn… nhưng có chung một niềm đam mê là yêu âm nhạc truyền thống. Có những thành viên trong câu lạc bộ có thể “chơi” nhiều nhạc cụ như: nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm với đàn tranh, nguyệt, nhị…. hay chàng kiến trúc sư trẻ Hoàng Hữu Hùng có thể sử dụng thông thạo đàn bầu, nhị, đàn nguyệt, hát xẩm, hát chèo… Các nghệ sĩ “không chuyên” dù bận rộn đến đâu, vẫn dành những khoảng thời gian cố định để tụ họp, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về những âm điệu, lời ca, tiếng hát. Câu lạc bộ Đình làng Việt không chỉ là địa chỉ sinh hoạt của các thành viên, mà còn là điểm đến của các bạn bè xa gần có cùng niềm đam mê, sở thích. Tình yêu đối với âm nhạc truyền thống của các thành viên Đình làng Việt không chỉ gói gọn trong câu lạc bộ mà còn được lan tỏa đến với nhiều tỉnh, thành của đất nước.
Chia sẻ lý do yêu thích nhạc cụ dân tộc, kiến trúc sư Hoàng Hữu Hùng cho biết: “Âm nhạc truyền thống mang đến cho tôi rất nhiều ý nghĩa, nó giúp tôi thêm yêu cuộc sống, cũng như yêu những nét đẹp của văn hóa dân gian. Âm nhạc làm cho tôi có tinh thần thoải mái, vui tươi, cũng như giải tỏa căng thẳng. Những giai điệu truyền thống cũng góp phần giúp tôi tăng khả năng sáng tạo trong công việc là một nhà kiến trúc, dường như chất nhạc cũng ngấm vào những bản thiết kế của tôi. Và quan trọng nhất, âm nhạc là chiếc cầu nối để tôi được kết thân với rất nhiều người bạn tốt có chung tình yêu với âm nhạc truyền thống, cũng như những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc nước ta”.
Hay, các bạn trẻ thuộc dự án Nhã Âm, được thành lập ngày 2/9/2021 với mong muốn bảo tồn, phát huy và đưa âm nhạc truyền thống tới gần hơn với các bạn trẻ. Hiện nay, thành viên của Nhã Âm đã có hơn 100 bạn trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong đó, thành viên nhỏ tuổi nhất là các em học sinh sinh năm 2008, và lớn tuổi nhất là các anh chị sinh viên. Nhã Âm hoạt động theo hai hình thức là online và offline. Hình thức online được sử dụng để đăng tải các bài viết chuyên môn về âm nhạc truyền thống, minigame trên một vài nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, ra mắt các sản phẩm truyền thông và MV Cover… Còn để tổ chức các buổi biểu diễn lớn, nhỏ, hay các buổi sinh hoạt dự án, gây quỹ, tổ chức liveshow về âm nhạc truyền thống là các buổi offline của dự án.
NSND Thanh Ngoan giao lưu với các bạn trẻ trong đêm nhạc Ấn Cổ
Trong tháng 8 vừa qua, Nhã Âm đã tổ chức thành công đêm nhạc Ấn Cổ, ở đó bên cạnh các tiết mục của các khách mời là các nghệ sĩ tên tuổi trong làng âm nhạc cổ truyền như: NSND Trần Thế Dân, NSND Thanh Ngoan, NSND Thanh Thanh Hiền… là những màn biểu diễn của các bạn trẻ với các tác phẩm có sự kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Các tiết mục đã mang đến bầu không khí sôi động, trẻ trung, cuốn hút và được các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt.
Trưởng Ban tổ chức của dự án Nhã Âm - Trần Trâm Anh chia sẻ: “Trước khi ra mắt dự án Nhã Âm, chúng em có một vài nỗi lo và sợ rằng các bạn trẻ sẽ khó tiếp cận với loại hình âm nhạc dân tộc. Nên em và các bạn trong dự án đã nảy ra một ý tưởng đó là kết hợp tính hiện đại với tính truyền thống. Chẳng hạn như kết hợp nhạc cụ truyền thống với nhạc cụ phương Tây, hòa âm phối khí các bài dân ca mang âm hưởng hiện đại,… Em nghĩ rằng bằng cách kết hợp này, giới trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận với loại hình nhạc cụ truyền thống hơn và dần thêm yêu âm nhạc dân tộc”.
Các bạn thuộc dự án Nhã Âm luôn sinh hoạt duy trì đều đặn hằng tuần để luyện tập với các nhạc cụ dân tộc. Trong nhóm, bên cạnh các bạn trẻ đến từ các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thì cũng có rất nhiều bạn tự tìm tòi, mày mò học hỏi vì yêu thích, đam mê âm nhạc truyền thống.
Còn rất nhiều bạn trẻ đam mê âm nhạc dân tộc ở khắp mọi miền của đất nước. Điều đó cho thấy, mặc dù đất nước đang trong thời kỳ phát triển, công nghệ số với những bước tiến nhanh chóng, nhưng vẫn còn rất nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích và trân quý đối với bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có âm nhạc truyền thống. Họ là những bạn trẻ thấu hiểu vai trò, ý nghĩa to lớn của nền văn hóa nước nhà, để từ đó gìn giữ, phát huy và mang những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam giới thiệu đến với bạn bè thế giới, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
THÁI AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022