Nóng... chuyện bản quyền

Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (trong đó có phim ảnh - truyền hình) đã được các cơ quan chức năng đề cập tới nhiều trong các cuộc tọa đàm, hội thảo, các phương tiện truyền thông. Việc phân tích nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài… đã đưa câu chuyện vi phạm bản quyền thành vấn đề nóng suốt một thời gian dài.

Phim Bố già

Muôn vàn kiểu vi phạm trên môi trường số

Vi phạm sở hữu trí tuệ là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thế giới với muôn hình vạn trạng các mức độ, kiểu cách vi phạm khác nhau. Đặc biệt, khi các nền tảng mạng phát triển thì tình trạng vi phạm bản quyền càng trở nên phổ biến. Mức độ vi phạm xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là các ngành nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, phim ảnh… Thực tế cho thấy vấn đề vi phạm bản quyền đối với lĩnh vực điện ảnh và chương trình truyền hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, khó kiểm soát và trở thành một rào cản lớn cho các nhà sản xuất và phát triển dịch vụ chính thống. Một số hình thức vi phạm phổ biến như: in sao đĩa lậu, trích đoạn các tác phẩm để làm sản phẩm phái sinh, cung cấp nội dung vi phạm trên Internet để thu phí quảng cáo hoặc tự ý phát sóng mà chưa có thỏa thuận… Phân tích về tình trạng vi phạm bản quyền, nhiều ý kiến có chung nhận định: Internet hiện là nguồn nhanh nhất đưa các tác phẩm đến công chúng nhưng đây cũng là nguồn gây tổn thất nhất cho những nhà sản xuất nếu bị xâm phạm bản quyền. NSND, đạo diễn Đặng Xuân Hải - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam từng chia sẻ: Tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra hết sức phức tạp, gây thất thu lớn cho ngành Điện ảnh. Nhiều bộ phim đang trong quá trình phát sóng đã có đĩa in lậu với các tập phim được đăng tải và xem tràn lan trên mạng. 

Ngày nay, chỉ với một cú click chuột, khán giả đã có thể xem nhiều bộ phim chiếu rạp được post miễn phí trên các trang mạng với đầy đủ phụ đề, thậm chí có cả bản đạt tiêu chuẩn HD. Nhiều website khai thác chi phí quảng cáo từ việc đăng tải các chương trình truyền hình thực tế hút khách mà không phải trả các chi phí liên quan, thậm chí còn thu lời từ số lượt tải về của người xem. Một ví dụ cho thấy, trên một trang web xem trực tuyến, chương trình The Voice đã có tới hơn 53 triệu lượt truy cập. Con số lượt xem trên hoàn toàn có thể mang về cho chủ sở hữu trang web và các đối tác kinh doanh một khoản lợi nhuận lớn mà không phải trả phí cho các đơn vị nắm giữ bản quyền chương trình. Theo đại diện Công ty Đầu tư phát triển công nghệ cao thì hiện tại Việt Nam đang có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và ca nhạc). Nếu 90% lượng người dùng Internet sử dụng sản phẩm này thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát có thể lên tới con số hàng triệu USD.

Vì mối lợi lớn nên mặc dù đã có chính sách về Bảo hộ quyền trong lĩnh vực Điện ảnh và Truyền hình trong môi trường số và các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc xử lý các hành vi sai phạm nhưng vẫn không thể ngăn chặn hết được. Hàng trăm website trong nước vẫn vi phạm bản quyền, hàng ngàn bộ phim, chương trình truyền hình vẫn hàng ngày được đăng tải miễn phí trên Internet và thu về nhiều món lợi bất chính. 

Áp dụng luật và kinh nghiệm quốc tế

Trước thực trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả tràn lan trên môi trường số đã có nhiều cuộc họp giữa các ban ngành, hiệp hội nghề nghiệp để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cũng như tìm kiếm các giải pháp. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều ý kiến có chung nhận định là do nhận thức của công chúng về quyền tác giả còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chủ thể quyền chưa chủ động bảo vệ sản phẩm của mình, các tổ chức quản lý chưa đủ mạnh để tự bảo vệ quyền tác giả, quyền của các nhà sản xuất và các quyền có liên quan, trong đó đặc biệt là thiếu kinh nghiệm về quyền tác giả. Trong một hội thảo về bản quyền, có đại biểu đã cảnh báo: một khi bản quyền điện ảnh, sản phẩm truyền hình thường xuyên bị vi phạm, ý thức về quyền sở hữu trí tuệ còn kém thì việc tranh chấp với các đối tác nước ngoài chắc chắn sẽ xảy ra trong nay mai. Nói về tình trạng vi phạm bản quyền trong môi trường số, luật sư Phan Vũ Tuấn - Hội sở hữu trí tuệ cũng cho biết: Vi phạm bản quyền là một lĩnh vực phức tạp và rất khó quản lý. Hiện, chúng ta vẫn thiếu những cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt nhẹ bên cạnh ý thức của người Việt chưa cao trong vấn đề tôn trọng bản quyền. Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc liên quan đến kiện cáo, tranh chấp bản quyền nhưng không phải vụ việc nào cũng được giải quyết thấu đáo. Nhiều vụ kiện bị kéo dằng dai và cách xử lý thiếu thuyết phục, làm nản lòng các chủ sở hữu bị vi phạm.

Một đại diện của Công ty đầu tư phát triển an ninh cao nghệ cao từng chia sẻ trong một hội thảo rằng dựa theo thống kê trên một trang mạng, có 7 chương trình video, gồm 2 chương trình ca nhạc và 5 bộ phim, nếu mỗi người xem trả 1.000 đồng thì trong nửa năm số tiền có thể lên đến 95 tỷ đồng. 

Phim Em chưa 18 cũng bị nhiều trang mạng copy lại

Chính vì lợi nhuận thu về quá lớn mà nhiều trang web sẵn sàng vi phạm, thậm chí trang web này bị phạt sẽ có thêm 2, 3 trang web mới ra đời. Chia sẻ về các giải pháp chống vi phạm bản quyền, đại diện tập đoàn CJ E$ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Nhiều năm trước Hàn Quốc cũng từng phải đối mặt với vấn nạn này. Chính phủ Hàn Quốc đã phải áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm bản quyền và bảo vệ quyền lợi của các tác phẩm điện ảnh và truyền hình tại Hàn Quốc trước sự phát triển trên môi trường số. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó mà tình trạng vi phạm giảm hẳn. Hàn Quốc cũng liên tục nâng cao mức xử phạt các loại hình sao chép qua việc sửa đổi luật vi phạm bản quyền. Ngoài ra, việc thành lập Trung tâm Bảo hộ bản quyền cũng giúp tăng cường công tác theo dõi và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Luật cũng quy định, tất cả các trang web tại Hàn Quốc đều phải cài đặt ICOP (hệ thống quản lý, truy lùng việc sao chép lậu) nhờ đó mà hạn chế không ít các hành vi xâm phạm. Quyết liệt là vậy, nhưng vào năm 2010, Hàn Quốc còn bổ sung thêm luật “bất quá tam” tức là cảnh báo ba lần (sau ba lần nếu còn phát hiện sai phạm sẽ bị phạt rất nặng)… 

Nói về tình trạng vi phạm trên môi trường số, đại diện Cục Bản quyền chia sẻ: “Hiện nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đang rất chú ý đến quyền bảo hộ tác giả và các quyền có liên quan trên môi trường số và Internet. Vì thế, phải gấp rút bổ sung và hoàn thiện những quy định pháp luật cho phù hợp với điều kiện môi trường chung”. Trong lúc chờ đợi những bộ luật hoàn thiện hơn thì việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành sẽ giúp hạn chế bớt những sai phạm. 

Vấn đề bản quyền lại càng thêm nóng khi mới đây đề án Xây dựng trung tâm Phát hành và Phổ biến phim trực tuyến (thuộc Cục Điện ảnh) vừa được thông qua với mục tiêu duy trì khoảng 3.000-4.000 đầu phim. Phấn đấu đến giai đoạn 2 (2028-2030) sẽ cung cấp tối đa 5.000 giờ phim, đạt khoảng 1 triệu lượt truy cập với khoảng 500.000 thuê bao. Từ năm 2031, cung cấp tối đa 10.000 giờ phim, phấn đấu đạt 3 triệu lượt truy cập với khoảng 1,5 triệu lượt thuê bao. Để đạt được mục tiêu đó thì vấn đề sở hữu trí tuệ, sở hữu bản quyền càng nóng hơn bao giờ hết trong đó đòi hỏi các cấp quản lý phải tạo ra một môi trường trong sạch, lành mạnh và minh bạch cho các doanh nghiệp phát triển thông qua các văn bản pháp lý rõ ràng và một hệ thống thực thi pháp luật nghiêm minh. Ngoài ra, cần tăng cường việc thực thi sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức cho người dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Có như thế mới mong hệ sinh thái trực tuyến được phát triển lâu dài và rộng khắp. Việc thực thi tốt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong sáng tạo cũng sẽ góp phần kích thích các tác giả, đơn vị sản xuất đầu tư nhiều hơn trong các sản phẩm nghệ thuật.

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;