Đằng sau những bộ phim thua lỗ

Có khá nhiều lý do, các phân tích về những bộ phim Việt thua lỗ gần đây như Người lắng nghe: Lời thì thầm, 578 - phát đạn của kẻ điên, Kẻ thứ ba… Tuy khác nhau về nguyên nhân, nhưng điểm chung giữa các phim đều là nội dung chưa hay, thiếu sức thu hút từ câu chuyện, nhân vật.

578 - phát đạn của kẻ điên

Không phủ nhận sức hút, sự thành công của hàng loạt bộ phim khiến điện ảnh tại nhiều nước được xem là ngành công nghiệp sinh lời. Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng xác định điện ảnh là một trong những ngành công nghiệp văn hóa ưu tiên phát triển. Lợi thế về công nghệ, khả năng truyền bá thì đã rõ nhưng sự thất thu của hàng loạt phim Việt gần đây đang làm dấy lên những lo ngại, các thách thức mà phim Việt phải đối mặt trên con đường đưa điện ảnh Việt Nam thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Bỏ qua những hỗ trợ về kỹ thuật, kỹ xảo, hiệu ứng về hình ảnh, âm nhạc… thì điện ảnh luôn là sức hút từ câu chuyện, nhân vật, sự kiện, tình huống… Và dù có một vài phim thành công khi không đi theo công thức này thì nó cũng chỉ là số ít, một vài sự hiếm hoi giữa bạt ngàn thành công được đem đến từ các câu chuyện hay với các nhân vật hấp dẫn, khác biệt. Trong phần lớn các phim từng làm mưa làm gió, gặt hái thành công lớn, công chúng có thể dễ dàng tóm tắt câu chuyện, những sự kiện, cột mốc trong cuộc đời hay một đoạn đời nào đó của nhân vật. Ở một số phim, chính các tình tiết hay cách hành xử có một không hai của nhân vật lại khiến người xem bất ngờ, thuyết phục, thậm chí làm thay đổi cả nhân sinh quan, gợi ý cách đối diện, xử lý vấn đề cho không ít khán giả. Trong nguồn kinh phí “khổng lồ” để vận hành và làm ra một bộ phim, yếu tố hấp dẫn từ câu chuyện, nhân vật, các tình tiết, sự kiện… từ lâu đã trở thành những kim chỉ nam để các “tín đồ” theo đuổi ngành nghệ thuật này nương vào và phát triển. Từng có một nàng Scarlet trong Cuốn theo chiều gió đến nay vẫn được nhiều khán giả nhớ đến bởi nét xinh đẹp và sự tinh ranh. Nàng bị kẹt giữa cuộc chiến và giữa những người đàn ông của đời mình mà vì ngộ nhận, vì sai lầm nàng đã phải trả giá. Một chuyện tình trong Casanblanca sở dĩ trở thành kinh điển khi lồng trong câu chuyện thời chiến đầy biến động là mối tình sóng gió và bi kịch của đôi nhân vật chính. Điện ảnh Việt Nam cũng từng có một Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa, ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn mà chỉ cần nhắc tên là nhiều người nhớ tới câu chuyện xoay quanh họ. 

Nhìn lại thất bại của một số bộ phim gần đây như Kẻ thứ ba (kinh phí sản xuất 33 tỉ, thu về dưới 1 tỷ), 578: phát đạn của kẻ điên (60 tỷ, thu về hơn 3 tỷ), … sự cũ kỹ đến từ câu chuyện, nhân vật cũng như sự thiếu đầu tư chiều sâu cho kịch bản, các tình tiết, lý do dẫn dắt nhân vật đến các hành động, xử lý...

 Phim Kẻ thứ ba - một câu chuyện được làm từ năm 2018 và vì nhà sản xuất Hạnh Nhân vỡ nợ nên dự án đổ bể. Bên cạnh việc đưa tin về những lùm xùm xung quanh bộ phim, câu chuyện cũng được tiết lộ trên mặt báo. Khi diễn viên, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ đổ tiền để mua lại dự án, sự cũ kỹ của cốt truyện, sự thiếu hấp dẫn từ dàn diễn viên cộng thêm một số yếu tố khác đã khiến bộ phim mất hút, chìm nghỉm khi ra rạp. 

Sự thất bại của phim 578 - phát đạn của kẻ điên lại đến từ một góc cạnh khác. Bộ phim được truyền thông khá tốt từ hiệu ứng về mức đầu tư khổng lồ (khoảng 60 tỷ - con số lớn nhất của phim Việt tính đến thời điểm này). Phim mời được một số cộng sự quốc tế tham gia trong một vài khâu cũng như quảng bá về không gian, bối cảnh, sự đánh giá cao của một vài nghệ sĩ quốc tế… Buổi ra mắt phim cũng gây ấn tượng khi lượng khách đông nhưng phim đã không gây được hiệu ứng từ chính nội dung, câu chuyện và các nhân vật trong phim. Lý do để người cha đi trả thù cho cô con gái nhỏ bị bắt cóc dẫn đến sang chấn tâm lý chưa đủ sức thuyết phục. Âm nhạc của phim cũng là một điểm trừ khi không nâng được bộ phim mà còn khiến khán giả khó chịu khi chưa đủ độ ngấm, độ tinh, nhuyễn vào cùng với câu chuyện phim. Ở đây, sự chịu chi về bối cảnh, các màn đánh đấm, kỹ xảo… đã không cứu nổi nội dung rời rạc, thiếu thuyết phục, thứ làm nên linh hồn của một bộ phim.

Điểm lại những bộ phim thất thu, lỗ nặng thời gian gần đây có thể thấy có khá nhiều nguyên nhân, các lý do khác nhau nhưng điểm chung là sự thiếu cuốn hút của câu chuyện, nhân vật thiếu sức hút… cộng thêm nhiều lý do khách quan khiến các nhà sản xuất lỗ nặng, ảnh hưởng đến tâm lý, thị trường chung.

Đứng ở góc độ khách quan, sau dịch bệnh, lạm phát… cuộc sống có nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Ngoài yếu tố kinh tế, nỗi lo dịch bệnh cũng khiến một lượng lớn khán giả ngại đến rạp khi vẫn còn đó sự ám ảnh về dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Một nguyên nhân nữa đến từ sự cạnh tranh của các nền tảng phim trực tuyến. Hai năm dịch bệnh, nhiều bộ phim đã chọn nền tảng mạng để phát hành tới khán giả. Việc được tự do lựa chọn đầu phim, thời gian, không gian thưởng thức đã bước đầu tạo nên thói quen mới cho khán giả và ảnh hưởng trực tiếp tới việc đến rạp xem phim. 

Trong bối cảnh “bình thường mới”, rõ ràng việc đầu tư nói chung và điện ảnh nói riêng càng cần cẩn trọng hơn bao giờ hết. Hãy tập trung sức hấp dẫn vào câu chuyện, nhân vật sao cho thật độc đáo, cuốn hút bởi mọi thứ từ kỹ thuật, kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh chỉ có thể được nâng lên khi tựa được vào một cốt truyện hấp dẫn, một hay vài nhân vật độc, lạ, cuốn hút. Khi thiếu đi những yếu tố đó, bộ phim khó lòng đứng vững và sự thua lỗ có thể được dự báo trước. Điện ảnh là ngành công nghiệp của kinh tế, tiền bạc. Mọi sự đầu tư về kỹ xảo, công nghệ, các pha hành động hay cảnh quan mãn nhãn… đều có thể đổ sông đổ bể khi xoay quanh một câu chuyện thiếu sức hút, những nhân vật thiếu đi hấp lực. Được ví như “trái tim của tác phẩm điện ảnh”, câu chuyện và nhân vật cần phải được chú trọng, đặt lên hàng đầu mới mong bộ phim chạm đến và lay động được khán giả.

Trong thời đại của thông tin khi mỗi khán giả là một tuyên truyền viên thì hiệu ứng lan truyền từ khán giả cực kỳ quan trọng. Những phản hồi không tốt về 578 - phát đạn của kẻ điên đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu dù bộ phim đã có sự quảng bá rất tốt trước đó. Sự thanh minh của đạo diễn Lương Đình Dũng về hệ thống âm thanh chưa được hoàn hảo ở những buổi chiếu đầu vô tình để lộ sự thiếu hoàn chỉnh dù phim có nguồn kinh phí khủng. Tất cả đã làm nên sự thất bại của bộ phim dù êkip đã dầy công chuẩn bị trong suốt thời gian dài.

Sự thất bại của một số phim Việt ra rạp trong thời gian gần đây cũng như sự ảm đạm chung của thị trường toàn cầu cũng đặt ra câu hỏi: Liệu đã đến lúc hình thức rạp chiếu không còn là lựa chọn duy nhất cho các bộ phim? Có hay chăng sự kết hợp linh hoạt của nhiều loại hình trong việc đưa phim đến với khán giả như trực tiếp xem tại rạp kết hợp trả tiền để xem trên các nền tảng số? Việc kêu gọi hợp tác cùng đầu tư cũng đã được nhiều êkip tính đến khi phim ảnh là loại hình cần đến nguồn vốn lớn cũng như sẽ san sẻ bớt rủi ro khi có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia. Sau cùng, điện ảnh cũng như các loại hình sản xuất, phân phối khác cần tìm cho mình những cách thức mới để tồn tại và phát triển trong tình hình mới khi mà đại dịch đã ảnh hưởng trầm trọng đến toàn xã hội, các ngành nghề cũng như các phương thức vận hành, kinh doanh cũ.

NGÔ MINH NGUYỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;