Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại là một nhà thơ tầm vóc với những trường ca có trường độ cảm xúc, giàu trí tuệ và tính khái quát cao, đi vào những vấn đề trung tâm của một giai đoạn lịch sử. Ông hiện diện như một nhà thơ vào loại tiêu biểu nhất của thế hệ mình, một thế hệ nhà thơ đi ra từ chiến tranh “làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”, ghi lấy cả một thời hào hùng, bi tráng. Đó cũng là thế hệ chủ lực trên thi đàn bước vào thời kỳ đổi mới với những trăn trở của một cuộc chuyển đổi đầy ngổn ngang và sự va đập các giá trị đông - tây.
“Tôi ấy mà, một cuống rạ bơ vơ”. Câu thơ thân phận và xa xót ấy gợi nhớ những gì đã chìm khuất trong tuổi ấu thơ của Hữu Thỉnh. Nhiều tư liệu cho biết, ông đã phải trải qua những năm vất vả, thiếu thốn thuở đầu đời và mãi sau hòa bình lập lại năm 1954 mới có điều kiện được đi học. Hơn 20 tuổi, Hữu Thỉnh nhập ngũ và trở thành lính xe tăng, từng tham gia những trận chiến khốc liệt như Quảng Trị, Tây Nguyên, Đường 9 Nam Lào và nhiều chiến dịch lớn khác cho đến khi giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Hữu Thỉnh có lần nói rằng: “Hiện thực chiến tranh, cuộc sống của người lính dội vào tôi mạnh đến mức vượt ra khỏi một thời đoạn, một đề tài. Nó thành một tâm thế”. Ở thời kỳ đầu, khi bút lực sung mãn, với lối tư duy mở rộng mọi kích cỡ của cảm xúc và suy ngẫm, Hữu Thỉnh đã dồn sức cho thể loại trường ca. Và, có thể nói, thành công nổi bật của ông chính là ở thể loại này với 4 tác phẩm tiêu biểu Sức bền của đất; Đường tới thành phố; Trường ca Biển, Trăng Tân Trào.
Sức bền của đất được sáng tác ngay trong dịp Tết Ất Mão, sau đó cùng với bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh, tác phẩm này đã được trao giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1975-1976. Trường ca này cấu trúc gồm những trường đoạn kế tiếp nhau, có sự đồng hiện giữa hiện tại và ký ức, giữa tiền tuyến với hậu phương, đan xen những cảnh chiến trận và tính trữ tình. Cách dàn dựng chủ yếu theo một tuyến thẳng, nghĩa là khá bình dị, chưa có sự đa dạng trong các thủ pháp nghệ thuật. Song, ở đây cũng đã bộc lộ những yếu tố trở thành căn cốt trong sáng tác của Hữu Thỉnh sau này, đó là giọng điệu trữ tình hồn hậu, sự nghiệm suy vào sâu thẳm cội nguồn văn hóa dân tộc và thiên hướng phác dựng lên bức tranh lớn hào hùng, bi tráng của cuộc chiến tranh.
Hữu Thỉnh đạt được độ chín chỉ vài năm sau đó khi ông đặt bút viết Đường tới thành phố vào năm 1977. Đây là một trường ca đồ sộ, công phu. Có thể nói, nó như dồn tụ toàn bộ vốn sống tích lũy được suốt cuộc đời lính chiến, và hầu như những ưu tư, cảm niệm suốt một thời tuổi trẻ của ông. Trường ca Đường tới thành phố là một sự phát huy tổng lực, một cuộc quyết chí của Hữu Thỉnh trên con đường sáng tạo. Sự cố gắng ấy của ông đã tạo nên được một thành công xứng đáng, tạo nên vị trí nổi bật của Hữu Thỉnh trong các nhà thơ trẻ xuất hiện thời chống Mỹ. Trong tư duy và hình tượng thơ, Đường tới thành phố ít nhiều có kế thừa Sức bền của đất. Tuy nhiên, tất cả đã được đẩy cao hơn và biên độ của cấu trúc đã được mở rộng. Cấu trúc mạch thẳng được tiếp tục, nhưng cùng với đó là sự mở rộng của không gian, tạo ra bề rộng của liên tưởng, tưởng tượng. Thế giới nghệ thuật trong Đường tới thành phố đã được dựng lên thành một tổng phổ đa tầng, nhiều mảng miếng, nhiều cung bậc, nhiều tuyến đan chéo nhau tạo nên sự cộng hưởng. Đấy là câu chuyện của người lính, nhưng cũng là câu chuyện của cả tiền tuyến và hậu phương, của cả một dân tộc trong cái khoảnh khắc đặc biệt của lịch sử tiến lên giành thắng lợi cuối cùng trong một cuộc chiến vào loại khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc hàng ngàn năm. Cái độc đáo là ở chỗ, Hữu Thỉnh đã nói được cả cái thời sự, cái hùng tráng, cái dữ dội, lại nói được cả những cái thẳm sâu, lặng lẽ, ẩn khuất trong lòng người. Cái lớn và cái nhỏ, cái hiện hữu và cái vô hình, niềm vui và nỗi buồn, đau thương và kiêu hãnh… Tất cả những yếu tố ấy làm cho Đường tới thành phố trở nên phong phú, sống động và có sức ám ảnh.
Trường ca Biển là một sự kế tục và cũng là một cuộc vượt thoát trong nghệ thuật viết trường ca của Hữu Thỉnh. Trước hết là sự thay đổi bối cảnh. Nếu như ở hai trường ca trước, bối cảnh chính là cái khoảnh khắc khốc liệt cuối cùng của chiến tranh, thì ở đây là cái dữ dội của biển trên một vùng đảo nhỏ xa xôi của Tổ quốc trong sự nhòm ngó, xâm lăng của kẻ thù. Kết cấu Trường ca Biển đã khác nhiều so với Sức bền của đất và Đường tới thành phố. Yếu tố tuyến tính, mạch thẳng đã bị thay thế bằng kết cấu song hành giữa một bên là câu chuyện của người lính, một bên là lời của sóng; giữa những cuộc đối thoại biển với người lính và bên kia là những cuộc độc thoại. Kỹ thuật cắt đoạn và bố trí các chương với sự giãn nở biên độ tạo ra những khoảng lặng, khoảng trống gợi liên tưởng và tưởng tượng ở người đọc, đã tạo cho trường ca này có màu sắc hiện đại và mang dáng vẻ của một bản giao hưởng ngôn từ với điệp trùng các tuyến, các vỉa tầng ngữ nghĩa, các cung bậc cảm xúc và chi tiết biến hóa.
Cái độc đáo của Hữu Thỉnh là ông tư duy mạnh ở cái lớn, cái ôm trùm, có tính thời đại và đặt chân vào những sự kiện trung tâm của thời cuộc. Điều này tạo cho sáng tác của ông có cái nóng hổi của thời thế. Tuy nhiên, một bí quyết khác của Hữu Thỉnh là đánh vào cảm xúc của công chúng bằng những yếu tố trữ tình khi ông khoét sâu vào nỗi đau của những phận người trong chiến tranh và dành nhiều trường đoạn khắc họa nội tâm.
“Chị đợi chờ quay mặt vào đêm
Hai mươi năm mong trời chóng tối
Hai mươi năm cơm phần để nguội
(…)
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch
Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền”
(Đường tới thành phố)
Chính điều này neo giữ những sáng tác của ông vào tâm trí người đọc.
Cái ám ảnh khi tiếp xúc với thơ Hữu Thỉnh là giọng điệu trữ tình hồn hậu. Yếu tố này mạnh đến nỗi, ngay cả khi Hữu Thỉnh viết trường ca về chiến tranh, mạch trữ tình vẫn là chủ đạo và quán xuyến từ đầu đến cuối. Và, đặc biệt, tính trữ tình có điều kiện phát huy khi nó trở thành một thành tố độc lập, chủ đạo trong những bài thơ ngắn của ông.
Nói đến đặc điểm thơ Hữu Thỉnh không thể không nói đến cái vẻ mộc mạc, cái chất “nhà quê” thôn dã vốn đã thấm vào trong hồn cốt thơ ông. Xuyên suốt trong các trường ca và những bài thơ ngắn sau này, cái thế giới “nhà quê” đó luôn luôn trở đi, trở lại với những hình ảnh thân thương, đẹp đẽ. Cảnh quê luôn gắn với người quê, đó là những sợi dây máu thịt chằng nối con người với cội nguồn xứ sở, với truyền thống cổ xưa, với những đau thương và khát vọng muôn đời.
Nguyễn Trọng Tạo có lần nói: “Thơ có hồn hay không, có phong phú đa nghĩa, đậm đà hay không trước hết là ở giọng. Cái giọng độc đáo nhà quê ấy đã tạo nên thần sắc thơ Hữu Thỉnh” - Nguyễn Trọng Tạo đưa thêm một nhận định: “Có lẽ trong các nhà thơ cùng thế hệ, Hữu Thỉnh là thi sĩ của nhiều câu thơ đầy ma lực, như chứa dược tố mooc - phin gây mê nghiện, nó nhập vào người đọc như nhập đồng, nó lôi dắt đối tượng như thôi miên. Thú thực có lúc tôi phải tự mỉm cười khi nghĩ rằng Hữu Thỉnh là một nhà phù thủy ngôn từ, cái nhà phù thủy vừa đáng yêu, đáng phục, vừa đáng sợ, đáng chờn”.
Sau chiến tranh, Hữu Thỉnh vào học khóa 1 Trường viết văn Nguyễn Du và làm báo, làm thơ. Cuộc sống những năm tháng ấy nhiều khó khăn, vất vả.
Vất vả là thế, nhưng lòng vẫn đầy hồn nhiên, vẫn tràn ngập khát vọng sống và viết. Cũng thời kỳ này, Sang thu - một trong những bài thơ thành công nhất của Hữu Thỉnh đã ra đời.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”.
Bài thơ này ông viết vào mùa thu năm 1977. Sau những năm máu lửa chiến tranh, Hữu Thỉnh, trong một khoảnh khắc đã cảm nhận và tái tạo nên một bức tranh thu vừa gần gũi, vừa đẹp đẽ. Hơn thế, ở đây dường như kết tinh những vẻ khôi nguyên, tươi mới và bình dị của những năm tháng hòa bình đầu tiên. Bài thơ viết bằng cảm nhận. Nó cho thấy tác giả rất mạnh ở trực giác, bắt nhập vào hương sắc, nhịp điệu, âm thanh của tạo vật.
Sang thu, như một cột mốc, đánh dấu dòng chảy mới trong những sáng tác của Hữu Thỉnh về cuộc sống thời hậu chiến. Niềm vui nhanh chóng qua đi. Đất nước hòa bình, thống nhất nhưng cuộc sống lại đặt ra những vấn đề mới không ít nghiệt ngã. Thơ Hữu Thỉnh cũng dần dần đi vào những ưu tư, thức ngộ mới về thời cuộc:
“Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc
Chúng ta đã từng vò võ đợi nhau
Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế”
…
“Tôi cứ tưởng không còn ai xấu nữa
Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ
Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế”
(Nghe tiếng cuốc kêu)
Và đây nữa, những bi kịch lặng thầm nào ai đã nghĩ đến trong năm tháng chiến tranh:
“Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu
Ôi hoa tặng, chiều nay ai giẫm nát
Mưa dập vỡ trên đường em trở gót”.
(Tự thú)
Nếu nhà thơ là người ghi lại lịch sử tâm hồn của thời đại mình, thì Hữu Thỉnh chính là một trường hợp như thế. Thư mùa đông đã chạm vào những chỗ cuộn xoáy của lòng người thời hậu chiến. Cái bi kịch khi con người chợt nhận ra giữa thực tế và lý tưởng một thời là một khoảng cách xa tắp đến mù mịt; khát vọng về sự tốt đẹp, lương thiện không ngăn nổi cái nghịch lý, trớ trêu, cái xấu cái ác hoành hành đã được Hữu Thỉnh đề cập một cách đau đớn.
Nếu như Thư mùa đông giàu cảm xúc và nhiều khi cái thảng thốt xuyên thấm trong các hình tượng thơ thì đến Thương lượng với thời gian sự suy nghiệm, chất trí tuệ trở thành nhân tố chủ đạo.
Ta bắt gặp một câu hỏi đau đớn:
“Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?”
(Nghẹn)
Và đây là một suy tư đắng chát:
“Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc
Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người
(Ngẫu cảm)
Hữu Thỉnh cũng không ngại ngùng khi viết những câu thơ trần trụi:
“Kẻ phản phúc vừa lau tay sạch sẽ
Cười súng sính
Trong bộ cánh thớ lợ”
“Luật nhân quả
Ngủ gật trên bậc cửa”
(Bất hạnh)
Dù vậy, Hữu Thỉnh thường thoát ra khỏi bế tắc để tìm được một an ủi, hay một triết lý sống. Vì lẽ đó, thơ ông, dù về sau này chất chứa tâm trạng buồn mà vẫn không lạnh lẽo, mà vẫn toát lên vẻ hồn hậu của một tâm hồn luôn biết gạn lọc để vượt lên trên bùn lầy của cuộc sống.
“Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình
Dưới đáy cốc của hy vọng”
(Cặn lắng)
Thông qua lời nhắn nhủ của mẹ, ông nêu một phương châm sống:
“- Hãy yêu lấy con người
Dù trăm cay nghìn đắng
Đến với ai gặp nạn
Xong rồi, chơi với cây”
(Lời mẹ)
Cùng với thời gian, thơ Hữu Thỉnh không chỉ thêm điêu luyện mà còn đạt được sự hàm súc. Đôi khi gân guốc, mộc mạc đến tưởng chừng không thể mộc mạc hơn, nhưng cũng có khi sâu lắng, đầy sức gợi, chỉ mấy câu, mấy hình ảnh mà để lại nỗi ưu tư vô tận:
“Vừa trong mơ cùng tôi
Cây ra đường đã bụi
Vừa dào dạt cùng tôi
Biển đã thành sương khói”.
(Vừa trong mơ cùng tôi)
Nhạc thơ chậm và buồn, tứ thơ sâu thẳm.
Viết được thế thì người thi sĩ đã quá hiểu cái hư vô của cuộc đời.
Hiểu đời đến thế, thì thử hỏi, ông còn cần gì hơn là tình người?
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 502, tháng 6-2022