Trong thế giới phẳng, mỗi nền điện ảnh để phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh đều cần có những câu chuyện của riêng mình.
Poster phim Mùa ổi chiếu tại Pháp
Mỗi một vùng đất tùy theo vị trí địa lý, khí hậu, lịch sử… đều mang những nét riêng thể hiện trong quan điểm, lối sống, văn hóa, bản sắc, tính cách. Nét riêng biệt đó lại thông qua các ngành nghệ thuật, các câu chuyện, nhân vật để phản ánh văn hóa, lối sống, nét bản sắc riêng biệt của từng dân tộc, vùng miền. Theo thời gian, những biến số văn hóa cũng thể hiện trong việc thay đổi quan điểm, lối sống, trang phục, cách hành xử… Những thay đổi trong đời sống văn hóa ấy lại được truyền tải, phản ánh vào trong các tác phẩm. Cả một giai đoạn dài, cảm hứng của các nhà làm phim Việt là đề tài chiến tranh khi cả nước hừng hực khí thế “tất cả cho tiền tuyến”. Những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Một chuyện chép ở bệnh viện, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận… Câu chuyện phim và các nhân vật trung tâm trong phim là những chàng trai cô gái, những chị phụ nữ, những chiến sĩ, các em thiếu nhi… đều hết lòng vì sự nghiệp chung là đấu tranh giải phóng dân tộc. Âm hưởng đó có thể nói chính là khí thế, nhịp sống của một thời khi cả nước dồn sức cho tiền tuyến. Nhận xét về điện ảnh thời kỳ này, nhiều bạn bè quốc tế cho rằng đây là nền điện ảnh đi lên từ chiến tranh khi cuộc chiến đã trở thành chủ đề, cảm hứng xuyên suốt trong nhiều tác phẩm.
Nhìn sang các nền điện ảnh khác thì điện ảnh Liên Xô (cũ) cũng có hàng loạt bộ phim khai thác đề tài là cuộc chiến tranh vệ quốc với Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Người thứ 41… Điện ảnh Trung Quốc cũng có nhiều phim làm về thời kỳ kháng Nhật ở cả màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ. Ngay cả Hollywood thì cuộc chiến Nam - Bắc cũng được phản ánh qua nhiều bộ phim như Cuốn theo chiều gió, Cold Mountain (Núi lạnh), Lincoln… Có thể thấy, văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng chính là tấm gương phản chiếu lại đời sống, lịch sử, văn hóa của mỗi giai đoạn, vùng đất với những câu chuyện rất riêng.
Với điện ảnh Việt Nam, khi đất nước thống nhất, mở cửa thì hàng loạt đề tài mới phản ánh các mối quan hệ, thang giá trị của giai đoạn mới ra đời. Điện ảnh nở rộ hàng loạt đề tài, chủ đề ngoài cuộc chiến. Những bộ phim như Anh và em, Lương tâm bé bỏng, Canh bạc… mang đến những cảm nhận khác, con người khác ngoài chiến tranh. Đây có thể là thời kỳ nở rộ của các đề tài, thể loại. Nhiều đạo diễn đã kịp ghi dấu qua những đề tài xã hội, lịch sử như NSND Hải Ninh với Đêm hội Long Trì, Đặng Nhật Minh với Trở về, Mùa ổi, Lê Hoàng với Gái nhảy… Giải thích về sự đa dạng đề tài giai đoạn này nhiều phân tích đã cho thấy khi đất nước thống nhất, cuộc sống với thang giá trị mới len lỏi, những mối quan tâm, lo toan mới đã lấn át cảm hứng chiến tranh của giai đoạn trước nên có nhiều mảng đề tài, chủ đề, nhân vật… khác nhau được thể hiện trong phim ảnh.
Thông qua các tác phẩm, nhờ vào các dấu hiệu riêng biệt mà khán giả nhận diện được văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc, châu lục khác nhau cũng như những biến động của lịch sử, thời cuộc tác động lên mỗi dòng tộc, gia đình, số phận. Với điện ảnh, văn hóa, bản sắc dân tộc được thể hiện trong câu chuyện, nhân vật, tình huống, chi tiết được xây dựng. Cũng thông qua câu chuyện, nhân vật mà bối cảnh xã hội, các sự kiện và không khí thời đại được khắc họa. Không chỉ khắc họa thông qua câu chuyện, các nhân vật cũng phản ánh rõ nét văn hóa, sự khác biệt qua hàng loạt cử chỉ, cách hành xử, suy nghĩ… Đơn giản như một phụ nữ Việt sẽ có nhiều nét khác biệt với phụ nữ của các dân tộc khác. Từng có một chị Vân trong Nổi gió nặng tình chị em, mẹ con nhưng cũng nặng nghĩa dân tộc, đồng bào. Khi bị giặc bắt, dù bị đốt hết 10 đầu ngón tay chị vẫn trung thành với cách mạng. Một cô Nết trong Đến hẹn lại lên vừa đẹp người, đẹp nết, thùy mị hiếu thuận nhưng ba chìm bảy nổi khi nhan sắc của cô chót lọt mắt xanh của công tử nhà giầu. Cuối cùng, cô đã chọn con đường ra trận để tái hợp cùng người yêu. Một cô Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10 giấu nhẹm mọi hiểu lầm, đau khổ khi muốn người cha chồng được sống tiếp trong hy vọng về đứa con đi chiến trường sẽ trở về… Thông qua những người phụ nữ được xây dựng trên màn ảnh có thể thấy đức hy sinh, sự quên mình trở thành nét đặc trưng của rất nhiều phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.
Gần đây, bộ phim Bố già thu hút đông đảo công chúng ngoài yếu tố thiên thời, địa lợi thì còn một nguyên nhân khác khiến bộ phim hút khách. Đó là phim đã xây dựng thành công hình ảnh một người cha, người anh hết lòng vì gia đình, vì những người ruột thịt. Đức hy sinh đến quên mình, luôn sống hết lòng vì người thân và chịu mọi thiệt thòi, đau đớn về mình đã mang lại cho phim nhiều cung bậc về lòng bao dung, sự vị tha, nhân ái. Những câu chuyện, nhân vật như vậy luôn có sức sống khi đó không còn là câu chuyện của một gia đình, cao hơn là một vùng đất, một dân tộc. Và điện ảnh muốn chinh phục khán giả thì cần kể những câu chuyện của riêng mình.
Phim Trăng nơi đáy giếng
Ông Jay Roewe, Phó Chủ tịch cấp cao, phụ trách sản xuất và chương trình ưu đãi của HBO từng chia sẻ trong một cuộc hội thảo: “Chúng tôi mong muốn có các nội dung từ hoạt động sản xuất phim của Việt Nam đưa đến cho khán giả toàn cầu thưởng thức”. Tuy nhiên, số lượng phim Việt Nam ra được quốc tế đến nay vẫn khá khiêm tốn. Ông Jay Roewe còn nói vui “Việt Nam vẫn đang ngủ”. Đây cũng là ý kiến chung của một số bạn bè quốc tế khi họ đánh giá Việt Nam là một quốc gia tươi đẹp, có nhiều câu chuyện mong muốn được chia sẻ nhưng vẫn chưa thể hiện được nhiều trên phim ảnh. Lịch sử Việt Nam có nhiều câu chuyện hay như Lê Lai quên mình cứu chúa, Lý Đạo Thành vì nghĩa diệt thân rồi Hai Bà Trưng, Bà Triệu… Những con người biết bỏ lại lợi ích của bản thân, của gia tộc vì đất nước, vì bách gia trăm họ thì ở vùng đất nào cũng có nhưng mỗi người lại mang hình hài, tính cách và cả những lý do, cách hành xử, lựa chọn dấn thân, hy sinh rất khác nhau. Nó làm nên nét riêng trong mỗi câu chuyện, mỗi con người qua đó thấm đẫm nét văn hóa riêng của xứ sở họ đại diện. Tuy họ đều là biểu tượng, những anh hùng dân tộc nhưng vẫn có sự khác biệt bên trong mẫu số chung mang tính nhân loại, mang tính toàn cầu khi trở thành anh hùng, vĩ nhân, những con người cao cả.
Và điện ảnh của mỗi nước đều cần kể câu chuyện của riêng mình. Với điện ảnh Việt Nam cần đưa những câu chuyện của riêng mình ra với thế giới thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Một số nghệ sĩ cũng cho rằng đang là thời điểm thuận lợi, nhất là khi Luật Điện ảnh đang được sửa đổi với khung pháp lý quan trọng, hứa hẹn sự “cởi mở”. Nhưng, để hội nhập quốc tế, thì điện ảnh Việt cần xuất phát từ chính nội tại: Kể cho thế giới nghe câu chuyện giầu bản sắc Việt nhưng có giá trị mang tính nhân loại. Lựa chọn những câu chuyện riêng và kể lại với những phương pháp, cách tiếp cận và công nghệ hiện đại cũng là cách để điện ảnh mỗi nước phát triển bền vững và vẫn giữ được nét văn hóa, bản sắc riêng trong hội nhập.
TÔN QUẾ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022