Vừa qua, bức tranh “Số 7” của Mark Rothko hay còn được biết tới là bức tranh vẽ 3 vệt màu đã được mua với giá 82,4 triệu USD. Điều bất ngờ là, bức tranh với những mảng màu đơn sắc có vẻ như ai cũng có thể dễ dàng vẽ được lại có giá rất “điên khùng” và làm nhiều người không hiểu nổi.
Họa sĩ Mark Rothko
Mức giá phi thực tế hay có lý?
Tại phiên đấu giá ngày 15/11/2021, bức tranh Số 7 được giao dịch tại sàn đấu giá Sotheby’s New York. Tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Harry Macklowe, ông trùm bất động sản Mỹ có khối tài sản hai tỷ USD.
Bức tranh ra đời năm 1951, chất liệu sơn dầu trên vải, gồm các khối màu hoa oải hương, xanh lá cây và cam cháy hình chữ nhật không đồng đều, xếp chồng lên nhau với phần mép mềm mại. Với chiều cao 2,4m, tác phẩm như nhấn chìm người xem, gợi chiêm nghiệm và trải nghiệm quang học sâu sắc.
Theo Sotheby’s, màu sắc rực rỡ, hào quang của tác giả và thời gian ra đời giúp Số 7 là một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của Rothko. Năm 1951 là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp họa sĩ khi ông phát triển phong cách trừu tượng đặc trưng và phương thức biểu đạt nghệ thuật thuần thục. Ba dải màu riêng biệt, có chiều sâu.
Ngay khi thông tin về bức tranh Số 7 được mua với mức giá kỷ lục, được thông tin trên các phương tiện truyền thông trong nước, đã ra 2 luồng ý kiến trái chiều.
Với những người yêu nghệ thuật, mức giá Số 7 đạt được trên sàn đấu giá quốc tế là phi thực tế. Vì xem ra, không quá khó để thực hiện bức tranh này. Thậm chí, nhiều commet trên mạng xã hội còn hài hước cho rằng, “Ai chê tôi nhà quê hay không có khiểu thẩm mỹ thì tôi xin chịu, chứ với tôi bức tranh này chỉ là sự hoang phí vải và màu vẽ thôi”, hay “Nhìn mãi mà chẳng thấy cái gì, cũng chẳng cảm giác gì. Chẳng lẽ bức tranh giá trị là do nó có thời gian dài nằm trong nhà vị tỷ phú”, hoặc “Mình sẽ vẽ hẳn năm vệt màu xem giá cao hơn không”…
Tuy nhiên, với các nhà phê bình mỹ thuật trong nước, mức giá ấy không có gì là phi lý mà hoàn toàn hợp lý. Trước hết hãy tìm hiểu về tiểu sử của tác giả. Marth RothKo chính là người đã giới thiệu đến công chúng cuộc cách mạng trong nghệ thuật trừu tượng với sự tiên phong của phong cách Color field painting (tranh tường màu). Những tác phẩm của Mark Rothko mang đậm sự khác biệt về một phong cách nghệ thuật mới lạ, độc đáo, gây tranh cãi, nhưng cũng hoàn toàn xứng đáng với những mức đấu giá kỉ lục.
Những bức tranh đa hình của ông gồm những mảng màu loang hình chữ nhật rất lớn (thường gồm nhiều lớp màu mỏng khác nhau) bố trí song song với nhau, thường theo chiều thẳng đứng, với các mép biên mềm mại, không đều, tạo cảm giác lờ mờ, nhấp nháy, như thể chúng được treo và trượt trên mặt vải. Sự tương phản giữa sáng và tối, màu nóng và màu lạnh là những nỗ lực không hề giấu giếm của ông nhằm thể hiện quan điểm của mình về những xung đột và khó khăn của đời sống hiện đại.
Những bức tranh này của Mark Rothko luôn tạo cho người xem một cảm xúc khó tả, nhưng nhìn chung luôn có sự choáng ngợp khi những bức tranh như trùm lấy người xem, thôi miên và đưa họ đến những trải nghiệm chưa từng có về nghệ thuật.
Theo Arthive, những vệt màu của Rothko không đơn giản như mọi người nghĩ. Họa sĩ áp dụng nhiều kỹ thuật, được giữ kín với cả các trợ lý của ông. Các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử và tia cực tím cho thấy Rothko sử dụng một số thành phần tự nhiên như trứng, keo da thỏ và một số thành phần nhân tạo như màu acrylic, keo phenol formaldehyde, sơn alkyd cùng nhiều chất khác... Các chất này giúp màu mau khô, dễ dàng vẽ lớp mới chồng lên.
Một bức tranh của họa sĩ có thể lên tới 20 lớp với các sắc thái tương tự. Điều này giúp tác phẩm đạt hiệu ứng về chiều sâu và phát ra ánh sáng từ bên trong. Phần mép mềm mại, mờ dần tạo cảm giác bức tranh không có ranh giới.
Giá nghệ thuật và giá thị trường chỉ tương đối
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (TP HCM) cho rằng, Mark Rothko cùng với Jackson Pollock, Willem de Kooning và Cy Twombly... đã tạo ra một thứ hoàn toàn khác trong mỹ thuật. Điều này tương tự như trong thơ hiện đại, khi mà vần điệu, thể thức không còn quan trọng. Nên nhớ rằng, những nghệ sỹ này, khi lần đầu giới thiệu những “sản phẩm” điên rồ của mình, đã gặp phản ứng hết sức tiêu cực, đặc biệt, từ các nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật. Chẳng phải vô cớ, mà sau này, những mảng màu đơn sắc hay những nét vẽ nguệch ngoạc ấy có gía bán “điên khùng”.
“Vấn đề là khai phá một tư tưởng, chứ không phải hình thức biểu hiện, giống như thơ Haiku Nhật Bản, mở ra sự liên tưởng mênh mông”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nói.
Đồng tình với nhận định này, nhà nghiên cứu Nguyễn Như Huy bổ sung thêm, điều quan trọng với người nghệ sĩ là có tư tưởng. Tư tưởng quyết định tất cả. Thế giới thay đổi liên miên, nếu trong bản thân nghệ sĩ không có một nhà phê bình thì không thể có tư tưởng.
Hơn thế, Mark Rothko còn là một họa sĩ có đời sống cá nhân nhiều biến động, gây tò mò với hậu thế. Rothko được xem là họa sĩ tiêu biểu của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng Mỹ sau Thế chiến II. Ông là một trong những khách mời danh dự tham gia lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1961. Họa sĩ được dùng tiệc tối cấp nhà nước với Tổng thống Lyndon Johnson và phu nhân Lady Bird. Tranh của ông được triển lãm tại các phòng trưng bày, bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới. Ngoài vẽ, ông giảng dạy tại Trường Mỹ thuật California, Cao đẳng Brooklyn...
Ông bị trầm cảm từng đợt và nghiện rượu nặng. Đầu năm 1968, Rothko được chẩn đoán mắc chứng phình động mạch chủ nhẹ. Ông bỏ qua lời khuyên của bác sĩ và tiếp tục uống rượu, hút thuốc và lối sống không lành mạnh. Bạn của ông là nhà phê bình nghệ thuật Dore Ashton lúc đó đã nói rằng Rothko “rất lo lắng, gầy gò, bồn chồn”. Ngày 25/02/1970, trợ lý của Rothko phát hiện ông nằm chết trên sàn nhà bếp với đầy máu. Ông đã dùng quá liều thuốc an thần và dùng lưỡi dao cạo cắt một động mạch ở tay phải. Không có thư tuyệt mệnh.
Giá trị tranh của Rothko tăng cao trong nhiều thập kỷ sau khi ông tự sát vào năm 1970. Sau khi ông qua đời, việc thực hiện di chúc của Rothko phải cần tới một phiên tòa phức tạp và ngoạn mục nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, kéo dài 11 năm (1972-1982).
Tác phẩm Đường kẻ của họa sĩ Barnett Newman
Bên cạnh những yếu tố về cá nhân nghệ sĩ, con đường nghệ thuật, việc một tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao ngất ngưởng còn phụ thuộc vào hoạt động của thị trường nghệ thuật và chiêu thức kinh doanh trong hoạt động nghệ thuật của các nhà đấu giá, người môi giới.
Họa sĩ Tào Linh khẳng định, giá thị trường và giá trị nghệ thuật chỉ có mối quan hệ tương đối. Một bức tranh có giá cao không có nghĩa đó là một bức tranh đỉnh cao.
Tờ Guardian nhận định: “Thị trường nghệ thuật không phản ánh ai là họa sĩ giỏi nhất. Bức tranh được định giá cao nhất không có nghĩa là đẹp nhất. Mua và bán tác phẩm nghệ thuật là hoạt động kinh doanh. Vì vậy, giá cả của nó được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ vì chất lượng tác phẩm”.
Điều này giải thích cho một số tác phẩm gần đây gây sốc với người xem vì giá cao ngất ngưởng mà xem ra tác phẩm lại quá ư dễ dãi. Đó là quả chuối dán băng dính trên tường của nhà điêu khắc người Ý Maurizio Cattelan, 59 tuổi, đặt tên là "Diễn viên hài".
Tại Triển lãm nghệ thuật đương đại Art Basel ở Miami (Mỹ) năm 2019 diễn ra trong từ ngày 5 đến 8-12, một nhà sưu tập người Pháp đã thương lượng mua tác phẩm với giá 120.000 USD (gần 2,8 tỉ đồng VN) và tác phẩm tiếp tục được trưng bày trong gian của nhà trưng bày Pháp Emmanuel Perrotin.
Hay bức tranh Đường kẻ của họa sĩ Barnett Newman chỉ với một đường kẻ màu trắng trên nền màu xanh, hoạ sĩ tài năng này đã có thể đem về cho mình 43,8 triệu USD. Một con số không tưởng.
Gần đây, họa sĩ Jens Haaning đã nhận số tiền 84.000USD của một bảo tàng ở Aalborg, Đan Mạch. Tuy nhiên, đến hẹn, tác phẩm bảo tàng nhận được chỉ là hai tấm vải trống trơn được đóng khung. Họa sĩ Jens Haaning cho biết, 2 bức tranh vải trắng là tác phẩm nghệ thuật có tựa đề: Ôm tiền chạy mất. Họa sĩ khẳng định, đây không phải hành vi trộm cắp. Bức tranh của ông phản ánh tình trạng trả lương thấp cho người lao động. Họa sĩ này đã sử dụng 2 bức tranh trắng trơn với kích thước chênh lệch rất nhiều, để minh họa khoảng cách thu nhập trung bình hàng năm ở Đan Mạch và Áo. Tác phẩm bất ngờ này của họa sĩ Haaning khiến nhiều người cảm thấy buồn cười và thắc mắc.
Jens Haaning là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng ở Đan Mạch với nhiều dự án nghệ thuật gây chú ý như vẽ lại quốc kỳ nước này bằng màu xanh lá cây. Haaning từng đưa một đại lý ôtô và một phòng khám trị liệu vào trong triển lãm tại Đan Mạch.
THU CÚC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022