Chỗ đứng của dòng phim độc lập

Không có kinh phí khủng cùng sự hỗ trợ của các màn kỹ xảo hoành tráng nhưng phim độc lập như một dòng chảy không thể thiếu ở các nền điện ảnh. Đây cũng là dòng phim mà cái tôi tác giả, sự sáng tạo cùng những quan điểm riêng về nghệ thuật được thể hiện rõ nét nhất.

Phim Cha cõng con

Hành trình gian nan

Bất cứ một nhà làm phim độc lập nào cũng từng nếm trải những gian nan từ bước lập kế hoạch, đưa dự án đi kêu gọi, chào hàng với những tổ chức, cá nhân, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Sau 7 năm từ bộ phim Chạm (Touch), đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh mới ra mắt bộ phim độc lập thứ hai mang tên Vai diễn đổi đời (Actress Wanted). Phim được đánh giá là đầy tinh tế, mới lạ. Nhưng để phim ra mắt được khán giả là một hành trình dài đầy truân chuyên. Đạo diễn Nguyễn Đức Minh từng chia sẻ trong một buổi tọa đàm rằng: “Sau 7 năm mới được làm bộ phim thứ hai, tôi vẫn kiên định với con đường làm phim độc lập. Tôi cố gắng thực hiện phim với số kinh phí ít nhất có thể. Mọi thứ đều thật tiết kiệm. Phim có rất ít bối cảnh, những gì có thể tự làm, tôi đều làm hết. Riêng việc dựng phim cũng mất cả năm trời”.

Lê Bình Giang, đạo diễn phim Kfc cũng mất tổng cộng 3 đợt quay trong gần 5 năm để hoàn thành tác phẩm đầu tay. Anh chia sẻ: “Đầu tiên và lớn nhất là câu chuyện kinh phí làm phim. Tiếp đến là chuyện tìm những người đồng hành cùng với mình trong dự án như sản xuất, diễn viên, đạo diễn hình ảnh… Vì làm phim độc lập thời gian thường lâu hơn, có khi kéo dài đến vài năm nên phải là những người thật sự yêu mến và tâm huyết mới có thể đồng hành cùng với mình được”.

Là người đã gắn bó với không ít nhà làm phim độc lập, nhà sản xuất (NSX) Trần Thị Bích Ngọc cho biết công việc làm phim nói chung là nhọc nhằn. Với nhà làm phim độc lập, chông gai nhiều hơn, gần như phải đối mặt với tất cả mọi chuyện, từ tìm tài chính đến sản xuất, phát hành... Chị ngậm ngùi: “Phim độc lập cứ chảy song song và lặng lẽ trong một thị trường tuy nhiều tiềm năng nhưng phim giải trí luôn chiếm ưu thế”.

Quyết tâm là chưa đủ

Với dòng phim độc lập, bài toán kinh phí luôn là đề tài hóc búa cho mỗi nhà làm phim. Là người đồng hành cùng các dự án phim đi tìm kinh phí từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài, NSX Bích Ngọc cho biết: “Đó là một quá trình chông gai với nhiều quy định ràng buộc khá phức tạp. Nhưng cũng không vì thế mà mình bỏ qua nó. Mỗi lần được lựa chọn tham dự các quỹ hỗ trợ điện ảnh hay chợ dự án, cái được đầu tiên là mình có cơ hội để giới thiệu về một câu chuyện muốn kể cho khán giả. Mình phải cố gắng làm sao trong một khoảng thời gian ngắn ngủi tiếp xúc với các hãng sản xuất, nhà đầu tư cho họ thấy được câu chuyện và tầm nhìn của đạo diễn cũng như của bản thân mình trong vai trò là sản xuất”.

Trên thực tế, nhiều bộ phim độc lập của Việt Nam như Bi, đừng sợ, Đập cánh giữa không trung, Chơi vơi, Người vợ ba, 16:30, Tro tàn rực rỡ, Cha cha cha, Cu li không bao giờ khóc, Vị... dù đã ra mắt hay đang trong quá trình sản xuất cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ điện ảnh lớn nhỏ.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh khi đem dự án của mình đi gọi vốn, tham dự các chợ phim, các lớp học trong khuôn khổ LHP cũng giành giải thưởng lớn (trị giá 20.000 USD) từ Diễn đàn tài chính Điện ảnh châu Á (thuộc LHP quốc tế Hồng Kông - Trung Quốc). Đào Thanh Hưng đạt giải nhất (trị giá 10.000 USD) với hạng mục dự án tài liệu châu Á ở Incheon (Hàn Quốc) với Tiếng hót sau những chấn song… Những giá trị đó tuy chưa lớn nhưng cũng giúp tháo gỡ phần nào bài toán về kinh phí.

Cũng vì khó khăn về kinh phí mà đa số phim độc lập ra mắt là phim ngắn trong khi phim ngắn lại khó gây chú ý và tạo dấu ấn so với phim dài. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ trói chặt các nhà làm phim độc lập. Và với nhà làm phim thông thường phải cần đến 100% sức lực thì với các nhà làm phim độc lập đôi khi nó đòi hỏi nhiều hơn thế khi cần tới 200-300% sức lực để bộ phim có thể hoàn thành.

Gian nan đường ra rạp

Với con đường định trước là tham gia các LHP quốc tế, nhiều bộ phim độc lập đã chu du qua hàng chục LHP lớn nhỏ trên khắp thế giới và thu về thành công không nhỏ. Bộ phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di đã giành giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc và Quay phim xuất sắc tại LHP quốc tế Stockholm - Thụy Điển. Phim Cha và con và… được chọn vào hạng mục tranh giải cùng 18 bộ phim khác tại LHP Berlin lần thứ 65… Phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã tạo dấu ấn lớn tại các LHP trong nước và quốc tế…

Tại LHP Cannes 2017, phim độc lập của Việt Nam có dự án Vị của Lê Bảo cùng với dự án phim Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân được lựa chọn tham dự giải thưởng L’Atelier của Quỹ điện ảnh Cinéfondation. Đặc biệt trong năm 2018 đạo diễn Lương Đình Dũng với Cha cõng con thắng giải Phim hay nhất châu Á - LHP quốc tế Iran 2018… Phim Người vợ ba (The Third wife) của đạo diễn Nguyễn Phương Anh giành giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) tại LHP quốc tế Toronto ở Canada, giải TVE-Another Look tại LHP San Sebastian ở Tây Ban Nha, giải Phim hay nhất (Best Film) tại phần thi quốc tế của LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 24, giải “Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất” trong phần thi quốc tế tại LHP quốc tế Cairo lần thứ 40…

Cảnh trong phim Ròm

Dù gặt hái nhiều thành công quốc tế nhưng để phim đến được với số đông khán giả thì không phải dễ trong đó ngoài câu chuyện, thủ pháp kén khán giả còn có kinh phí hạn hẹp trong giới thiệu, quảng bá. Tuy nhiên, nói như NSX Trần Thị Bích Ngọc thì: “Nếu điện ảnh thiếu đi những tiếng nói cá nhân độc đáo và sáng tạo, điện ảnh chỉ còn là thức ăn nhanh của tinh thần. Lý tưởng nhất vẫn là cân bằng được giữa những phim giải trí cho số đông và những phim buộc ta phải day dứt, đặt ra những câu hỏi quan trọng về bản thân, về cuộc đời rộng lớn hay là về chính ngôn ngữ của điện ảnh…”.

Để đạt được điều đó, đã đến lúc các nhà làm phim độc lập bên cạnh việc tìm kiếm những nguồn kinh phí từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài cần tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, các tập đoàn, thậm chí là khán giả trong nước qua những hình thức kêu gọi vốn cộng đồng, kêu gọi vốn làm phim... Có như thế, nguồn đầu tư cho dòng phim này mới đa dạng, phong phú và phim cũng đến được với nhiều khán giả yêu quý nó. Một điểm nữa cần lưu ý là một số phim độc lập quá chú trọng việc tham dự các LHP quốc tế mà bỏ qua thị trường trong nước dẫn tới câu chuyện, nhân vật, một số tình tiết có thể khiên cưỡng, khó chấp nhận của số đông... Đổi mới, sáng tạo nhưng không quá dị biệt, khác thường cũng là bài toán đặt ra với không ít các bộ phim theo đuổi dòng phim độc lập. Trong số các bộ phim kể trên thì Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng dường như cân bằng được giữa các yếu tố khi vẫn ghi điểm tại các LHP quốc tế, giành giải tại các LHP, giải cánh diều trong nước và đến được với đông đảo khán giả qua các suất chiếu tại rạp. 

Nhìn vào nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây có thể thấy “dòng phim nhà nước” (phim truyện)gần như vắng bóng. Phim tư nhân, phim thương mại đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, dòng phim độc lập lại đang đại diện cho “tiếng nói”của điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế thông qua các nỗ lực không mệt mỏi của các nhà làm phim độc lập. Tuy nhiên, việc tìm cho mình được một tiếng nói riêng biệt, một chỗ đứng trong các cuộc thi, các LHP quốc tế hay ghi được dấu ấn trong lòng khán giả tại quê nhà vẫn là vấn đề mà các nhà làm phim độc lập phải hướng tới và giải mã.

THỦY TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022

 

;