Mỗi nghệ sĩ đều có một quan điểm, góc nhìn, phong cách riêng trong sáng tạo. Khi người nghệ sĩ hòa được phong cách, sự độc đáo mang đậm nét cá nhân đó vào cùng nhịp thở, tinh thần của thời đại sẽ tạo nên sự cộng hưởng rất lớn qua những hình ảnh, biểu tượng đầy tính sáng tạo.
Tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của họa sĩ Dương Bích Liên
Trong nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ là một cá tính sáng tạo độc đáo, riêng có và cả khát khao thể hiện cái tôi của chính mình với những sáng tạo riêng không trùng lắp, không trộn lẫn. Và trong dòng tác phẩm phong phú ấy, một số tác phẩm nổi bật chính là sự hội tụ của tài năng, quá trình lao động nghệ thuật miệt mài và cả sự nắm bắt đúng tinh thần, dòng chảy thời đại của cá nhân nghệ sĩ trên chính hành trình sáng tạo của họ. Từng có một Leptonxtoi với Chiến tranh và hòa bình, Victor Huygo với Những người khốn khổ, Honoré de Balzac với Tấn trò đời... vượt lên các tên tuổi cùng thời để lưu truyền cùng với tác phẩm đặc sắc của họ. Nét đặc sắc đó chính là khi tác phẩm đã khắc họa, lột tả thành công bối cảnh, con người và cả tinh thần của xã hội cùng những vấn đề đang diễn ra, tồn tại được nhà văn bao quát, khắc họa.
Có nghệ sĩ cả chặng đường sáng tác là sự kế thừa, tiếp nối nhưng vẫn trên nền cá tính, phong cách riêng độc đáo được thể hiện qua chính các tác phẩm - những đứa con tinh thần của họ. Nhà văn Nam Cao là cây bút sắc sảo với những quan sát tinh tế nhưng giầu lòng trắc ẩn. Đọc các tác phẩm của ông như Chí Phèo, Sống Mòn bên cạnh cái nhìn sắc sảo là tấm lòng nhân hậu khi khắc họa thân phận những người dân quê bị bần cùng hóa nhưng ở cuối con đường vẫn lóe lên khát vọng hoàn lương dù là vô thức. Những con người như ông giáo Thứ dù phải sống mòn mỏi trong cái nghèo, cái đói mà vẫn giữ được phẩm giá. Khi đến với cách mạng, vẫn cái nhìn sắc sảo mà đôn hậu ấy lại thể hiện rõ nét trong các nhân vật của truyện ngắn Đôi mắt. Từ anh nông dân tự vệ vừa thoát nạn mù chữ, còn đó nét ngây ngô khi vừa soát giấy vừa tranh thủ tuyên truyền đường lối, chính sách đến đôi vợ chồng tiểu tư sản đều như bước từ cuộc sống vào tác phẩm nhưng với sự khái quát cao của nhà văn. Chỉ với truyện ngắn ấy, nhà văn Nam Cao đã bắc được nhịp cầu thông suốt giữa hai giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sáng tác của mình cũng như cho thấy sự chuyến biến quan trọng trong nhãn quan, lý tưởng của chính nhà văn với thời cuộc.
Nhà thơ Huy Cận cũng là người có nhiều dấu ấn trong các thời kỳ sáng tác khác nhau với những cách tân độc đáo, sáng tạo trong thơ mới. Khi đến với cách mạng, tài thơ của ông cũng bắt nhịp, hòa lẫn với không khí, tinh thần của thời đại mới với những vần thơ viết về lao động đầy reo vui trong bài Đoàn thuyền đánh cá. Những câu thơ như Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng và rồi: Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào. Những câu thơ như reo vang niềm vui trong lao động thật sự đã lên được không khí của một giai đoạn, một thời kỳ. Bài thơ lột tả được sự háo hức của xã viên các hợp tác xã buổi ban đầu hăng say cống hiến vừa xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội vừa chi viện cho miền Nam. Bài thơ đã đi đúng mạch thời đại, được chọn vào sách giáo khoa, trở thành bài học cho học sinh khi tìm hiểu văn thơ cách mạng tiêu biểu trong chiến đấu, xây dựng giai đoạn 1954 - 1975.
Trong số các nhà thơ thì nhà thơ Tố Hữu là trường hợp đặc biệt. Tài thơ cùng cảm hứng sáng tác của ông đã như hòa làm một cùng với thời đại mà ông đang sống để cho ra đời hàng loạt bài thơ như thức tỉnh, nói hộ nỗi lòng bao người. Những câu thơ như hòa lẫn con người với thời đại là mạch nguồn xuyên suốt trong thơ ông với hàng loạt bài đã được nhiều thế hệ thuộc nằm lòng như Em Phước, Từ ấy, Mẹ Suốt, Mẹ Tơm, Bác ơi… Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim (Từ ấy). Sự bừng tỉnh của cá nhân nhà thơ trước lý tưởng cách mạng cũng đồng điệu với hàng triệu con người thời điểm ấy khi cùng hướng về một lý tưởng, một mục đích chung là giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Nhiều hình ảnh mà ông dựng lên trong thơ cũng có sức lay động mạnh mẽ như các bài Mẹ Suốt, Mẹ Tơm. Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật/ Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con (Mẹ Tơm).
Nhà thơ Tố Hữu và bài thơ nổi tiếng Từ ấy
Nhạc sĩ Văn Cao, người nghệ sĩ đa tài khi vừa làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc cũng là một tên tuổi lớn khi gieo hồn mình vào giữa thời đại để mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ ông đều có những sáng tác lên được hồn cốt, tinh thần chung của nhiều người có chung một bối cảnh, một không gian địa lý có tên là dân tộc, là đất nước. Nếu giai đoạn trước cách mạng ông có Suối mơ, Thiên Thai thì giai đoạn sau là Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Làng tôi... Hàng loạt sáng tác của ông đã có chung tần số, sự rung cảm mà mỗi nốt nhạc ngân lên như nói hộ nỗi lòng bao người. Bài Mùa xuân đầu tiên được viết cho ngày tết độc lập đầu tiên của cả dân tộc đến giờ vẫn là một bài hát hay với những ca từ như reo vui, bùng nổ trước niềm vui lớn lao, cộng hưởng của cả một dân tộc, của hàng triệu con người: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/ Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm (Mùa xuân đầu tiên).
Nếu văn học, âm nhạc có sức lan tỏa rộng rãi với các hình thức sách truyện (đọc), phát thanh (nghe - hát)... thì các mảng nghệ thuật khác như hội họa, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh… cũng ghi nhận sự đóng góp, tài năng cùng sự chuyển biến về tư tưởng của các cá nhân, các nghệ sĩ gắn với thời đại trong từng mảng nghệ thuật mà họ cống hiến. Trong hội họa, từng có bốn họa sĩ được xếp vào nhóm “tứ kiệt” với Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái với nhiều tác phẩm tiêu biểu làm rạng danh cho nền hội họa Việt Nam. Hàng loạt tác phẩm hội họa như Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng), Điệu múa cổ I và II (Nguyễn Tư Nghiêm), Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (Dương Bích Liên) và đặc biệt là Phố Phái với hàng loạt bức tranh về Hà Nội làm nên một trường phái riêng mang tên của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Những đóng góp của họ và hàng loạt những nghệ sĩ tên tuổi khác không chỉ thúc đẩy hội họa Việt Nam phát triển mà còn góp phần làm phong phú cho đời sống tinh thần của công chúng, của nhân dân cũng như góp phần đưa những hình ảnh, sự kiện lớn của dân tộc đến với công chúng qua ngôn ngữ của mầu sắc, của hội họa.
Sân khấu (bao gồm kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch…) ghi nhận sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ với các tên tuổi lớn rải rác trong các thời kỳ như Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Lộng Chương, Trần Hoạt, Lưu Quang Thuận... Trong đó, mảng sân khấu chèo ghi nhận dấu ấn của nhà viết kịch Tào Mạt với Bài ca giữ nước bao gồm 3 vở riêng rẽ được nối nhau bằng nhân vật Hề hoạn với các vở Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua. Lưu Quang Vũ với hàng loạt tác phẩm như Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ... đã từng đốt nóng các sân khấu với hàng loạt vở diễn bắt trúng mạch thời đại với các vấn đề mà người xem trăn trở, quan tâm.
Mảng nhiếp ảnh không chỉ ghi dấu tại các cuộc triển lãm, cuộc thi, các giải thưởng trong nước, một số nghệ sĩ còn đưa nhiếp ảnh Việt Nam vươn tầm ra thế giới với các tác phẩm dự tri, tranh giải trong những cuộc thi ảnh tầm cỡ khu vực và thế giới. Một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam còn trở thành hội viên của một số hiệp hội nhiếp ảnh quốc tế. Một vài nghệ sĩ với các thành tựu nổi bật được mang tước hiệu FIAP, trong đó một số ít mang tước hiệu M.FIAP - nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy - như Hoàng Quốc Tuấn, Lê Hồng Linh, Nguyễn Văn An… Các tác phẩm của họ đã góp phần quảng bá sinh động và chân thực hình ảnh một Việt Nam với thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp, con người cần cù, thân thiện, mến khách. Mới đây, các bức ảnh Hái hoa súng (tác giả: Khánh Phan), Bữa sáng ở chợ phiên (tác giả: Nguyễn Hữu Thông), Thưởng thức (tác giả: Trần Việt Văn), Thu hoạch cỏ năng (tác giả: Phạm Huy Trung)… chiến thắng tại các cuộc thi ảnh quốc tế trong năm 2021 giữa lúc dịch bệnh căng thẳng cũng góp phần quảng bá một Việt Nam tươi đẹp, bình an, đáng sống.
Tác phẩm Hái hoa súng của NSNA Khánh Phan đứng thứ ba chung cuộc giải MIPA Travel Award (Malta International Photo Award) 2021
Điện ảnh, ngành nghệ thuật được kỹ thuật, công nghệ hỗ trợ đã có sự tiếp cận rộng rãi với đông đảo công chúng. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có các cá nhân với những tác phẩm gắn với thời đại, bối cảnh bộ phim ra đời. Từng có các đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ, Hải Ninh, Huy Thành… với Con chim vành khuyên, Đến hẹn lại lên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió… nổi bật trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước gắn với công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bộ phim giai đoạn này và sau đó cùng khai thác mảng đề tài chiến tranh đã làm nên một đặc điểm, một nét riêng của điện ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới. Từ mảng phim có chung đề tài về chiến tranh, Viện Phim Việt Nam đã từng có một triển lãm mang tên Điện ảnh Việt Nam đi lên từ chiến tranh. Lớp đạo diễn trưởng thành sau có đạo diễn Hồng Sến, Đặng Nhật Minh… với Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10… Nhiều nghệ sĩ tên tuổi với các sáng tác không chỉ đại diện cho điện ảnh Việt Nam và còn giúp lan tỏa văn hóa, bản sắc, dấu ấn của Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Những bộ phim như Cánh đồng hoang (đạo diễn: Hồng Sến), Bao giờ cho đến tháng 10 (đạo diễn: Đặng Nhật Minh) là những bộ phim như thế. Cùng với các ngành nghệ thuật khác, nhiều tác phẩm điện ảnh đã khắc họa được văn hóa, con người Việt Nam trong những giai đoạn, bối cảnh khác nhau với lòng yêu nước, đức hy sinh như một phần của tính cách, con người Việt Nam. Những đạo diễn thế hệ sau dù trưởng thành, nổi danh trong các giai đoạn khác nhau từ bao cấp đến mở cửa, hội nhập cũng nối dài thêm sự khắc họa, tôn vinh văn hóa, con người Việt Nam đến với khán giả trong và ngoài nước.
Nhìn lại sáng tác của các nghệ sĩ ở mọi ngành nghệ thuật có thể thấy khi lý tưởng, góc nhìn của nghệ sĩ gắn bó, nhập cuộc cùng thời đại, xã hội mà họ đang sống sẽ cho ra đời những tác phẩm có sức lan tỏa lớn. Các tác phẩm đó đã góp phần không nhỏ trong việc phản chiếu xã hội và định hình lên các giá trị về chân, thiện, mỹ cho công chúng. Cũng qua các tác phẩm, công chúng tìm được lý tưởng, niềm tin, tình yêu với đời sống, với con người và cao hơn là với đất nước, với chế độ, xã hội, thời đại mà mình đang sống. Và các chính sách, chiến lược chấn hưng, phát triển văn hóa muốn đạt được thành tựu phải đặc biệt chú ý đến việc tạo cơ chế, chính sách, môi trường… để khuyến khích, động viên, thu hút các nghệ sĩ thuộc mọi ngành nghệ thuật cùng cống hiến, nhập cuộc một cách sâu rộng vào với thời cuộc, với xã hội. Chỉ khi có được những nhận thức đúng với những cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả mới hy vọng thu được quả ngọt là những tác phẩm hội tụ trong đó tri thức, tài năng và cả lý tưởng của người nghệ sĩ hòa quyện với lý tưởng, văn hóa tinh thần của dân tộc, của thời đại, của chế độ trong những giai đoạn, thời kỳ phát triển khác nhau của lịch sử.
TÔN QUẾ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022