Ngay từ khi họp báo để đưa thông tin về vở nhạc kịch đã khơi gợi được sự thích thú, hấp dẫn đối với công chúng vì bản thân cuộc đời của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cùng người chồng tài năng Lưu Quang Vũ, những nguyên mẫu thực đã là những thần tượng của nhiều thế hệ yêu văn thơ nước nhà. Ê kíp sáng tạo vở (Kịch bản: Kim Thùy; đạo diễn sân khấu: Đào Duy Anh; đạo diễn nhạc kịch: Nguyễn Triều Dương; âm nhạc: Minh Đạo, Tường Văn; chỉ huy dàn nhạc: Minh Đạo; tổng đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh) từ cảm hứng đời thực đó đã đưa tới một vở nhạc kịch có rất nhiều suy tư cho người xem với những cách làm khá mới mẻ với một đơn vị công lập là Nhà hát Tuổi trẻ. Đó là việc casting để lựa chọn diễn viên, mời những cộng tác viên tài năng từ bên ngoài đơn vị, sử dụng công nghệ sân khấu hiện đại… đã khiến người làm nghề rất cảm phục vì sự dũng cảm, vì tinh thần tất cả cho chất lượng tác phẩm nghệ thuật.
Câu chuyện về cuộc đời nữ thi sĩ với bao mơ ước về tương lai, về tình yêu, rồi nỗi buồn đau, thất vọng, đổ vỡ trong bối cảnh nghèo đói khó khăn của một thời bao cấp cứ khiến người xem rưng rưng niềm cảm thông, yêu mến. Hai cuộc hôn nhân của cô là hai chương với những âm hưởng đan xen đầy cuốn hút.
Dàn diễn viên khá đồng đều của Sóng
Cô diễn viên múa nhỏ nhắn, xinh đẹp hồn nhiên đầy phấn khích khi lần đầu đến nước Nga. Mối tình chân thật, tha thiết với chàng nhạc sĩ không vượt qua nổi sóng gió bởi cơm áo không đùa với khách thơ và sự thật phũ phàng khi chồng bất lực, quay lưng lại với thực tế, mặc cho nữ sĩ đau khổ, quay cuồng vì cơm áo gạo tiền. Chia tay trong buồn đau bởi cả hai không còn tìm thấy chí hướng chung, cô gặp được cây bút trẻ vốn hâm mộ mình ở tòa soạn. Vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua định kiến kinh người của một thời đối với những phụ nữ đã qua một lần đò, cô lại bồng bềnh với giấc mơ hạnh phúc lứa đôi, tình yêu đã chắp cánh cho sáng tạo của cả hai. Chấp nhận lùi lại, giữ lửa để chồng được toàn tâm toàn ý sáng tạo, tuy rất tin yêu chồng, nhưng sự thật về việc anh có những quan hệ ngoài luồng đã làm đau trái tim vốn mong manh, nhạy cảm của người nghệ sĩ…
Nhạc kịch là một trong những thể loại sân khấu kết hợp trong đó nhiều yếu tố như âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và ngôn ngữ hình thể, nhảy múa… hợp thành một thể thống nhất để kể lại một câu chuyện hoàn chỉnh. Đó là khó khăn khi đòi hỏi kỹ thuật sân khấu rất cao, sao cho thông qua từng câu chữ, âm nhạc và động tác mà diễn viên thể hiện, khán giả có thể cảm nhận được nội dung và biểu cảm của tác phẩm, đồng thời cũng là điểm đầy hấp dẫn nếu tập thể nghệ sĩ thực hiện tốt, hài hòa được giữa các yếu tố đó để truyền tải được nhiều cung bậc cảm xúc chân thật nhất đến khán giả. Đây là thể loại không mới, nhưng lại chưa quá quen thuộc với khán giả Việt Nam.
Bài hát chủ đề xuyên suốt vở là ca khúc rất quen thuộc “Thuyền và biển” được phối khí biến hóa, phù hợp với tâm trạng của nhân vật, tình tiết diễn tiến của câu chuyện lúc êm ái ngọt ngào, lúc vui tươi háo hức và cũng có lúc cuộn trào dữ dội. Với những bài thơ từng đi cùng bao người Việt, được phổ nhạc, giữ nguyên tới 90% lời thơ “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”... của Xuân Quỳnh cùng một số bài thơ, lời thư của Lưu Quang Vũ… thực sự nhạc kịch đã âm nhạc hóa - một yêu cầu rất quan trọng cho nhạc kịch- khá tốt. Chân thực, giản dị, đủ cung bậc tình cảm, rất đời thường mà lại không kém phần bay bổng… được cảm nhận trọn vẹn trong tâm hồn khán giả vốn rất yêu quý đôi vợ chồng nghệ sĩ này.
Dàn nhạc bán cổ điển gồm 23 nhạc công đã chơi live - không chỉ phối hợp với nhau mà còn phải phối hợp ăn khớp với diễn viên đang diễn xuất trên sân khấu, thậm chí phải căn chuẩn với cảm xúc chung của diễn viên, của khán phòng để tạo không khí tốt nhất cho đêm diễn là một công việc cũng rất thăng hoa, đòi hỏi sự tập trung, xúc cảm khi chơi nhạc cụ…
Dàn diễn viên khá đồng đều với diễn viên chính còn rất trẻ, vẫn đang là sinh viên nhưng nhờ sự chỉ dạy, cùng sức lao động, rèn luyện nên Thu Thảo vào vai Xuân Quỳnh qua thời kỳ ngây thơ, trong sáng tới những năm tháng khó khăn vất vả, đau khổ… đều được lột tả tốt nhờ vào diễn xuất, vào ca hát, vũ đạo… Hai diễn viên Quốc Việt (vai Trọng Khoa- người nhạc sĩ chồng trước của Xuân Quỳnh) và Lê Việt Anh (Đăng Dương người chồng sau) cũng đã khá tròn vai. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm tiếc nuối khi người thì diễn xuất chưa thật tới, người lại đôi lúc ca hát còn chênh vênh… Các diễn viên nhí Lưu Hoàng Yến Nhi, Nam Phong, Song Tùng trong vai những người con của Xuân Quỳnh đều tạo được cảm tình với công chúng.
Ban lãnh đạo Nhà hát, bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng thành công của vở diễn
Điểm cộng cho chương trình còn là các công nghệ được tận dụng để làm tăng khả năng mở rộng không gian như công nghệ chiếu 3D mapping, sử dụng bục di động, tạo khung cho căn nhà, tổ ấm rất nhỏ của gia đình nữ sĩ… Vẫn mong muốn có sự cân bằng tốt hơn giữa nhạc và ca khi đôi lúc âm thanh quá lớn khiến ca từ lọt đi, rất khó cảm thụ. Hoặc yêu cầu rất khó như thoại cũng phải trong nền của ca- nghĩa là với nhạc kịch, không thể có thoại như trên sân khấu kịch vẫn chưa hoàn toàn được đáp ứng ở tác phẩm.
Đêm diễn kết thúc, ngoài việc kết nối khán giả với cuộc đời, tài năng thơ ca của cặp đôi thi sĩ, nhà viết kịch… còn là thông điệp rất đẹp mà NSƯT Cao Ngọc Ánh muốn nói “Sống phải có ước mơ và khát vọng. Con người sống mà không có ước mơ thì giống như một cái cây, nó cứ mọc lên rồi có lá có hoa thế thôi chứ không phải là con người. Còn đã là con người thì phải có ước mơ và dám khát khao, đi theo ước mơ của mình”.
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022