Âm nhạc truyền thống được hình thành và phát triển từ rất lâu đời, là sản phẩm văn hóa do nhân dân sáng tạo ra và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân các dân tộc Việt Nam. Cùng với dòng chảy của lịch sử, âm nhạc truyền thống vẫn liên tục được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù xu hướng xã hội có phát triển đến đâu thì âm nhạc dân tộc vẫn luôn có vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt, vì đó là bản sắc văn hóa của dân tộc ta.
Ảnh: Quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Triển lãm thế giới Expo 202, Dubai UAE
Âm nhạc truyền thống gồm nhiều thể loại, đó là những làn điệu hát ru mềm mại, những câu hát giao duyên tình tứ, là các điệu hò, vè, ví, lý đặc sắc, là giai điệu đặc trưng của tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, vĩ dặm, chầu văn, quan họ... Nằm trong số đó, có các thể loại đã vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như Nhã nhạc - nhạc cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hát Xoan Phú Thọ; Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Trong sự đa dạng của âm nhạc truyền thống, ở mỗi thể loại lại có một nét đặc trưng, đặc thù riêng trong lời ca, âm hưởng, nhưng tựu chung đều là phương tiện chuyển tải nội dung giáo dục tình cảm, đạo đức cho con người; là phương tiện để các chàng trai, cô gái đến với nhau, gửi gắm tình yêu thương cho nhau; là phương tiện để những người cao tuổi, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục đạo làm người, tình yêu nước thương nòi cho các thế hệ tiếp nối. Âm nhạc truyền thống không chỉ trở thành chiếc cầu nối giữa con người với thiên nhiên, với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn là cầu nối văn hóa đặc biệt giữa đất nước Việt Nam với bạn bè năm châu trên thế giới. Mỗi thể loại âm nhạc truyền thống đều là những sứ giả văn hóa Việt Nam để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Thông qua các chương trình biểu diễn, âm nhạc của dân tộc Việt Nam đã giành được nhiều tình cảm, sự quan tâm của các vị khách quốc tế. Đồng thời đã mang đến cho bạn bè năm châu hình ảnh một Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Điều đó cho thấy âm nhạc truyền thống không chỉ là sự kết tinh văn hóa mà còn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của con người Việt Nam. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư và khuyến khích vào công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận với quy mô từ trung ương đến địa phương. Nhiều lứa học viên từ các ngôi trường nghệ thuật ra đời, nhiều thế hệ được truyền thừa lại bởi các nghệ nhân, nhưng số lượng đó không nhiều và để theo nghề lại càng ít, bởi người dân ngày càng ít mặn mà với âm nhạc truyền thống, đồng thời để theo nghề thì với đồng lương eo hẹp, các nghệ sĩ khó trang trải cho cuộc sống của mình.
Bên cạnh đó, theo dòng chảy thời gian, cùng với sự hội nhập quốc tế, âm nhạc dân tộc cũng dần mất đi khán giả do sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ, hiện đại của thế giới. Đặc biệt, với công nghệ thời đại 4.0 là sự bùng nổ của hàng loạt các ứng dụng YouTube, Facebook, Tiktok…
Tuy nhiên, bên cạnh sự thờ ơ, không mặn mà đó thì vẫn còn những cán bộ, nghệ sĩ yêu tha thiết âm nhạc dân tộc, vẫn đang nỗ lực, tìm mọi cách giữ gìn nét đẹp của âm nhạc truyền thống. Có nhiều sân khấu, câu lạc bộ biểu diễn hát chèo, chầu văn, xẩm, các loại hình dân ca… vẫn được duy trì đều đặn. Những dự án sân khấu học đường nhằm mang đến cho các em học sinh những trải nghiệm, làm quen với nghệ thuật truyền thống của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật. Hay các chuyến đi lưu diễn tại các địa phương, nơi vùng sâu vùng xa với mong muốn mang những món ăn tinh thần đến với bà con, khán giả.
Ca sĩ Hoàng Thùy Linh với MV Để Mị nói cho mà nghe
Cùng với đó, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đã tiếp cận khán giả bằng cách kết hợp với âm nhạc hiện đại với âm nhạc truyền thống. Sau khi phối khí, hòa âm, những tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động, trẻ trung hòa quyện với làn điệu dân tộc tạo nên phong cách mới cho tác phẩm âm nhạc, nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam, và đã thu hút sự nhiệt tình đón nhận của khán giả. Ví dụ như MV Bống Bống Bang Bang của Only C, với giai điệu vui nhộn “bắt tai” cùng ca từ đơn giản như kể lại câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” quen thuộc, Bống Bống Bang Bang nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người hâm mộ và đặc biệt là những khán giả thuộc lứa tuổi thiếu nhi ngay khi vừa ra mắt. Ca khúc cũng chứng minh được sức ảnh hưởng của mình đối với khán giả quốc tế khi được nhiều bạn trẻ quốc tế cover với nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Nhật hay tiếng Anh; hay nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng “làm mưa làm gió” Vpop với ca khúc Để Mị nói cho mà nghe (Thịnh Kainz, Kata Trần, T-Bass). Ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ. Cùng với giai điệu hiện đại, ca từ vừa mang yếu tố dân gian, vừa mang yếu tố văn học, ca khúc này của Hoàng Thùy Linh nhanh chóng chinh phục giới trẻ; Những ca khúc dân gian: Còn duyên (quan họ Bắc Ninh), Giận mà thương (dân ca Nghệ Tĩnh), Mười thương (dân ca Huế)… của ca sĩ Hồng Duyên được phối khí lại theo nhiều phong cách âm nhạc hiện đại như acoustic, jazz, semi-classic... được giới chuyên môn ví như một làn gió mới đầy tinh tế, trẻ trung bởi những bản phối hiện đại, từ đó tạo ra phiên bản mới cho những bài dân ca quen thuộc… Và gần đây nhất là các MV của ca sĩ trẻ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà) với sự kết hợp giữa Xẩm với rap và nhạc EDM. Nhạc rap và EDM có giai điệu trẻ trung, sôi động đã quá quen thuộc với giới trẻ được kết hợp với xẩm tạo thành bản nhạc độc đáo, vừa có chất xẩm dân gian vừa có chất rộn ràng của rap đường phố, vừa có sự cuồng nhiệt của dòng nhạc của EDM. Với sự kết hợp này, ca sĩ trẻ Hà Myo (Ngọc Hà) đã mang xẩm đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Sau bốn MV Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm Xuân chúc phúc, Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Ngọc Hà đã nhận được khá nhiều lời mời hát xẩm trên sân khấu lớn, trong đó cô liên tục chiếm sóng VTV sau giao thừa với các tiết mục xẩm kết hợp vũ đạo, rap…
Có thể nói, để bảo tồn những giá trị của âm nhạc dân tộc và phát huy trong thời đại mới thì bên cạnh sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, còn có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho những người làm nghề của các Bộ, ban ngành thông qua chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật truyền thống. Tin rằng, với sự chỉ đạo sáng suốt và phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, âm nhạc truyền thống sẽ tiếp tục phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
NGỌC BÍCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022