Mặt nạ là một loại hình nghệ thuật có niên đại cổ xưa, mà ta có thể nhận thấy sự phổ biến đáng kinh ngạc của nó trên khắp các nền văn hoá trên thế giới. Các loại hình chính của mặt nạ bao gồm mặt nạ hội sân khấu, mặt nạ lễ hội hoá trang và mặt nạ tang lễ. Ở Việt Nam, người ta đã ghi nhận được sự xuất hiện của mặt nạ trong đời sống văn hóa của nhiều dân tộc: Kinh, Tày, Mường, J’ray, Dao, Cơ Tu, Ba Na, Hoa.v.v. Tuy nhiên, trong thực hành nghệ thuật hiện đại trước Đổi mới, các hình tượng nghệ thuật trên mặt nạ gần như không hề xuất hiện trong các tác phẩm hội họa. Khoảng thời gian từ sau Đổi mới cho đến nay, nghệ thuật Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập với thế giới, gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống. Trong bối cảnh đó, hình tượng mặt nạ dần xuất hiện trở lại, thoạt tiên lác đác và mơ hồ, nhưng càng ngày càng trở nên phong phú, mới lạ và sáng tạo, với những tên tuổi nhiều họa sĩ trẻ như: Trịnh Quốc Chiến, Lý Trần Quỳnh Giang, Bùi Tiến Tuấn, Lê Nguyên Mạnh, Lê Thế Anh, Nguyễn Thị Hoàng Minh.
PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh
Lật giở cuốn vựng tập các tác phẩm của giảng viên khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tôi quan tâm đến bức tranh Vân dại của PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh vẽ bằng bột màu, năm 1995. Trong tôi tự hỏi “tại sao tác giả lại sáng tác bức tranh này...”. Bởi từ lâu, tôi biết họa sĩ Trần Huy Oánh là một tên tuổi lớn, là một trong những họa sĩ gắn bó với nền văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà. Năm 2001, họa sĩ Trần Huy Oánh đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm tiêu biểu của ông như Cầu Hàm Rồng (sơn mài - 1976), Ra đồng (khắc gỗ - 1968), Ông cháu (khắc gỗ 1968), Bác cùng chúng cháu hành quân (đồng tác giả với Nguyễn Thụ, khắc gỗ).
Những hình tượng chủ đạo trong tranh của ông là người lính, là chiến tranh, là nhân dân cần lao, nên sự xuất hiện hình tượng Xúy Vân giả dại trong sự nghiệp sáng tác của ông làm tôi không khỏi thắc mắc. Đây là một bức tranh mang yếu tố dân gian, xuất hiện hình vẽ ba chiếc mặt nạ trong phần hậu cảnh. Đặc biệt, gương mặt Xuý Vân cũng từa tựa như mặt nạ. Hình tượng mặt nạ gần như không xuất hiện trong giai đoạn trước Đổi mới, thậm chí còn có phần cấm kỵ, có lẽ vì yếu tố huyền bí gắn liền với nó. Do đó, bức tranh vẽ Xuý Vân có vẻ là một tác phẩm kỳ lạ trong loạt tranh thường được biết đến của ông.
Đem những thắc mắc của mình tôi tới gặp thầy Trần Huy Oánh - tác giả bức Vân Dại. Tôi bắt đầu câu chuyện việc đi học vẽ của chàng thanh niên Huy Oánh ngày xưa, xem có gì khác với chúng tôi bây giờ không. Và thầy bắt đầu kể chuyện. Thầy kể dài, bằng một giọng rất điềm tĩnh mà lưu loát.
“Tuổi của tôi nằm gọn trong ba cuộc kháng chiến, là giai đoạn sôi động của đất nước. Ví dụ như năm 1945, nạn đói khiến người ta chết la liệt đầy đường, tôi có chứng kiến cảnh đó. Cách mạng thành công, tôi mới 9, 10 tuổi. Đến những năm 19, 20 tuổi, tôi thi vào Trung cấp Mỹ thuật, học chương trình hai năm. Hồi đó toàn bộ các thầy giáo đều đã học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, như thầy Trần Đình Thọ này, thầy Trần Văn Cẩn, thầy Hoàng Tích Chù, thầy Lương Xuân Nhị... Vì lúc đó mới kết thúc chiến tranh, và hòa bình mới bắt đầu, cho nên Nhà nước có rất nhiều việc, trong đó gây dựng mỹ thuật. Chủ trương là đào tạo gấp đội ngũ cán bộ để phục vụ công cuộc kiến quốc. Khi đó trình độ dân trí đang rất là thấp, Cụ Hồ đã làm hai việc quan trọng nhất, đó là chống giặc đói và giặc dốt. Vậy cán bộ mỹ thuật thì làm gì? Khi học xong thì phân công về các toà báo để minh họa, các nhà xuất bản, sở văn hóa các tỉnh, huyện...”
Nói đến đây, thầy cho tôi xem cuốn sách “Ký hoạ thời chiến”, in các bức ký hoạ thầy vẽ về những năm tháng khói lửa của đất nước. Tôi xem kỹ từng bức tranh thầy vẽ và nghĩ về các hoạ sĩ đi vào tận chiến trường, nếm mật nằm gai với bộ đội. Thật là một thời kỳ, gian khổ, ác liệt so với mình bây giờ.
Trần Huy Oánh, Vân dại, bột màu, 1995
“Suốt từng đấy năm giảng dạy, năm nào nhà trường cũng tổ chức đi thực tế. Ngày xưa giảng viên đi cùng với học trò. Thí dụ học trò đi một tháng thì chúng tôi cũng đi một tháng, học trò đi ba tháng thì tôi cũng có thể đi ba tháng. Thầy trò cùng vẽ với nhau, cùng ăn, cùng ở ở địa phương. Nhưng mà hồi đó có chiến tranh, cho nên là thầy trò toàn đi vào những cái vùng chiến tranh. Nguy hiểm lắm. Sau này thấy nguy hiểm quá thì phải làm cái việc là… thí dụ tôi phụ trách một lớp có 20 người, thì tôi phải chia ra làm ba tỉnh, có tỉnh bảy người, tỉnh sáu người. Đấy, để nếu như nhỡ mà bị bom nó bỏ thì chết ít thôi, nếu không thì chết cả lũ.
Những ngày tháng đó, tôi cũng chiêm nghiệm ra, vẽ là gì, thế nào là vẽ… Hồi đó tôi vào Trường Sơn, có ngồi vẽ những chiếc ôtô của bộ đội đậu ven đường. Tôi ngồi vẽ rất lâu, vì vẽ ôtô rất khó, nhiều chi tiết máy móc lủng củng. Lúc đấy tôi mới nảy ra câu hỏi, vì sao mình vượt đường xá xa xôi, đi vào chỗ chết, chỗ bom đạn, để mà yên tâm ngồi vẽ cái ôtô? Hồi lâu bỗng dưng lại tự trả lời được: Mình vẽ cái ôtô trong cái đời sống của nó. Cái ôtô này nó đang sống ở chiến trường, là cái ôtô đã từng trải, có một cái tinh thần khác, khác hẳn cái ôtô ở Hà Nội. Phải vẽ cái tinh thần, cái cuộc sống đó, chứ không phải vẽ ra chính xác cái cấu trúc, cái lốp cái gầm của ôtô. Vậy thì cái ngôn ngữ tạo hình là cái gì? Đó không phải là việc chạy đua với cái máy ảnh. Vẽ chứ có phải là chép đâu. Mình phải nhìn được forme, không vẽ nhiều, nhưng mà trên tranh lại có cái hình đó.”
Đến đây, tôi bắt đầu hỏi thầy về Vân dại. Khi chiến tranh kết thúc, phải chăng những đề tài như Vân dại là cảm hứng mới của thầy. Tôi cũng thắc mắc xem liệu có phải công cuộc Đổi mới đã có ảnh hưởng đến những hình tượng được sử dụng trong tranh, giống như cái mặt nạ đó không. Nhưng câu trả lời là không. Thầy khẳng định vẫn vẽ như thế, nhất quán, trước Đổi mới và sau Đổi mới vẫn vậy.
“Tôi chỉ vẽ về thân phận của con người. Trong chiến tranh, người lính là đối tượng phản ánh rõ ràng nhất về thân phận con người. Và trong thời bình, đó là thân phận của người phụ nữ, một thân phận rất điển hình trong xã hội thời trước. Khi vẽ bức tranh Vân dại, tôi nghĩ về số phận của người phụ nữ trong hoàn cảnh éo le như thế. Đó là cái lận đận của người đàn bà, oan ức và không có cách nào chống đỡ, trong cái xã hội lấy giáo huấn Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Tôi đã trải qua giai đoạn phong kiến, biết thế nào là lý trưởng, chánh tổng, thế nào là mõ. Hồi đó, nhà tôi ở gần cái điếm canh, ngay cạnh đó là gia đình mõ. Nghe người ta rao mõ, “chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ tây đông” đúng như thế. Cụ đồ thì điếc. Mấy vở chèo, kể cả vở Thị Màu lên chùa ấy, khái quát giỏi thật đấy. Gói gọn trong đó mà hiện lên cả một cái xã hội. Nhưng mà sau này chèo được biến tấu đi thì không hay nữa, chứ cái chất vốn dĩ nó hay lắm…”
“Hình tượng mặt nạ, và hình tượng Vân Dại mà tôi vẽ, về mặt hình thức thì khác với đề tài mà tôi theo đuổi trong chiến tranh, nhưng về mặt bản chất, sâu xa thì nó giống nhau cả, không khác gì, chính là nó, chính là vấn đề xã hội. Trong chiến tranh, con người có lý tưởng, hoài bão, và cô Xuý Vân cũng vậỵ. Những chiếc mặt nạ chỉ là cái cớ để nói lên cái tổng quát đó, chứ tôi cũng không có nghiên cứu sâu xa về cái mặt nạ. Kể cả về động tác của nhân vật. Tất cả đơn giản là cảm xúc. Xã hội có nhiều sự tương phản, và chúng ta làm nghệ thuật, cần tìm ra được cái sự tương phản đó để đem vào trong tác phẩm. Chiến tranh kết thúc rồi, thì mình lại tìm cảm hứng trong cuộc sống hằng ngày thôi, cảm hứng vẫn sẵn đây. Giống như nhà văn, là viết cái của họ, cái nỗi lòng của họ. Vẽ cũng vậy, nói nôm na là anh nào vẽ anh đấy, trong nội tại có cái gì thì ta vẽ cái đấy.”
Trần Huy Oánh, Ông và cháu, khắc gỗ, 1968
Bức tranh Vân dại có lẽ không phải là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Trần Huy Oánh, nhưng lại là tác phẩm đặc biệt không thể thiếu để hiểu thêm về thầy. Vẽ Xuý Vân, nhưng ông lại kể câu chuyện về thời đại của mình, về ký ức của mình. Lối vẽ của ông biểu cảm, rung động, không vẽ tả thật, nhưng trong đó ẩn chứa một sự chân thực, phơi bày tâm can. Người nghệ sĩ lúc này như con đập, để dòng nước là văn hóa, là tinh thần thời đại chảy qua. Những hình tượng thoát thai từ cuộc sống, đồng nhất với rung cảm mãnh liệt và tình yêu cuộc sống của người nghệ sĩ.
HOÀNG HUỆ PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022