Nhận diện và phát huy giá trị Áo dài truyền thống trong bối cảnh hội nhập - Bài 1: Giá trị thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của trang phục áo dài

“Áo dài thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam” có lẽ đây là câu thường xuyên được mọi người sử dụng để ca ngợi Áo dài, phần nhiều những lời tốt đẹp đó lại dành cho Áo dài nữ. Vậy, bản sắc văn hóa Việt Nam thể hiện trên Áo dài là gì?

Sử dụng trang phục Áo ngũ thân đang là xu hướng của các bạn trẻ hiện nay

Khoảng 30 năm trở lại đây, Áo dài của phụ nữ Việt Nam được quan tâm coi trọng hơn, từ việc tuyên truyền, quảng bá, thiết kế, may mặc... nhưng nhiều người chưa nắm rõ về lịch sử thăng trầm, công năng và giá trị thẩm mỹ của Áo dài, chính vì lẽ đó trang phục này chưa phát huy giá trị để thực sự trở thành biểu tượng, là thương hiệu độc đáo của Việt Nam.

Là người luôn đau đáu với vấn đề bảo tồn và phát huy di sản Áo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế (nay là Sở VHTT) đã chia sẻ: “Festival Huế năm 2000 chúng tôi nỗ lực đưa áo dài ra đời sống hiện đại bằng hoạt động Lễ hội Áo dài. Làm thế nào để công chúng hào hứng với áo dài? chúng tôi phải tận dụng cả cung Diên Thọ, Ngọ môn, có lúc chặn cả 2 đầu cầu Trường Tiền, khai thác 6 nhịp cầu dài hơn 500m thành sân khấu, có 1000 cô gái Huế tham gia, 1000 chiếc chiếu hoa trải trên cầu để quảng diễn áo dài. Tôi tưởng rằng chúng ta đã thổi được luồng sinh khí mới cho áo dài Việt Nam, nhưng thật ra chỉ là sự vươn vai trỗi dậy của áo dài nữ, còn áo dài nam rất thảm hại. Ngay cả chính tôi, lúc đó cũng không tự tin với áo dài”. 

Chúng ta cùng ngược dòng trở về với câu chuyện của Áo dài Việt Nam.

1. Áo dài qua những thăng trầm

Tiền thân Áo dài hôm nay được cách tân từ Áo ngũ thân, hay còn gọi là Áo ngũ thân tay chẽn. Thoạt nhìn, loại áo này của nữ và nam khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm nhỏ. Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765), ông đã ra chỉ dụ phổ biến Áo ngũ thân trong dân chúng. Sau này, nhà Nguyễn (1802 - 1945) kế thừa và cải cách các loại trang phục đã quy định từ thời các Chúa, trong đó có Áo ngũ thân. Đặc biệt, giai đoạn năm 1836 - 1837, Vua Minh Mạng quyết định cải cách trang phục triệt để nhằm thống nhất cách mặc trong toàn cõi Việt Nam. Từ đây, Áo ngũ thân được coi như bộ Quốc phục, tồn tại và phát triển cùng các loại trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Áo ngũ thân ra đời trong bối cảnh Chúa Nguyễn ở Đàng Trong muốn thoát ly khỏi Vua Lê - Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, lấy tư tưởng của Nho giáo làm chuẩn mực đạo đức xã hội, cho nên kiểu dáng trang phục này của nam và nữ đã phần nào đáp ứng quan niệm thẩm mỹ cũng như sự thay đổi của xã hội đương thời. Áo ngũ thân tiện lợi gọn gàng, kín đáo khi mặc, mang đặc điểm riêng, khác với trang phục của các quốc gia trong khu vực, phù hợp với khí hậu, khắc phục được nhược điểm của những trang phục trước đó. Đặc biệt, khắc phục những nhược điểm cơ thể của đàn ông và phụ nữ Việt.

Hoàng Hậu Nam Phương và các con trong trang phục Áo ngũ thân

Từ những năm 1930, họa sĩ Cát Tường (1912-1946) khởi xướng cách tân Áo ngũ thân nữ, mở đường cho Áo dài hiện đại, tạo bước ngoặt mới cho Áo ngũ thân. Trước đây, vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam kín đáo trong tà Áo ngũ thân rộng rãi, giản dị, thì nay vẻ đẹp ấy được bộc lộ cởi mở, mạnh bạo hơn nhờ một số cải tiến như: cổ mở rộng, tay ngắn, thân áo ôm sát ngực, tôn vinh đường cong cơ thể người phụ nữ. Bỏ cách may 5 thân. Kiểu dáng, chất liệu, mầu sắc, hoa văn trang trí của Áo dài nữ bắt đầu đa dạng. Sự thay đổi này phù hợp với phong trào Âu hóa, tiếp thu văn minh phương Tây, cũng như phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ ở Việt Nam thời bấy giờ. Qua gần một thế kỷ, Áo dài nữ ngày nay vẫn không ngừng cách tân, trong khi đó, Áo ngũ thân cho nam giới Việt gần như rút lui khỏi đời sống, thay vào đó là các kiểu áo cách tân không đúng lối may truyền thống.

Đối với Áo ngũ thân của nam giới, qua hình ảnh người Pháp ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, trong lễ hội, từ người già đến trẻ nhỏ, đặc biệt đàn ông Việt luôn mặc Áo ngũ thân. Tuy vậy, do ảnh hưởng văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, dần dần trang phục Áo ngũ thân của đàn ông Việt thay đổi, mờ nhạt trong đời sống, chỉ còn đọng lại ở trang phục của những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc biến đối sang dạng trang phục gần giống với Áo ngũ thân và cũng gọi chung là Áo dài.

Cuối thập niên 1950, Áo dài nam (biến đổi từ Áo ngũ thân) xuất hiện trên sâu khấu, đặc biệt trong các vở diễn liên quan tới xã hội phong kiến tạo ấn tượng mạnh với các nhân vật phản diện như quan lại, địa chủ, cường hào. Từ giai đoạn này, thưa dần người biết đến kiểu dáng Áo ngũ thân nguyên bản. Trang phục truyền thống của sâu khấu cải biên đã ngấm dần vào thị giác khán giả và hồn nhiên bước vào đời sống. Cứ như vậy, Áo ngũ thân không còn giữ được những nét tạo hình và cách may, cách mặc như Áo ngũ thân có từ thời Nguyễn, không còn giữ được những đặc điểm tinh tế của Áo ngũ thân thuở ban đầu. Hình ảnh về Áo ngũ thân nguyên bản bị mờ nhạt, bị trang phục sân khấu chiếm lĩnh. Cách may, cách mặc trang phục này cũng dần tùy tiện, lòe loẹt, khoa trương, thiếu tinh tế của thẩm mỹ truyền thống dân tộc.

Suốt chiều dài lịch sử của Áo dài nữ (từ Áo ngũ thân nữ trở thành tên gọi Áo dài gọi chung cho cả nam và nữ), chúng ta thấy sự phát triển của trang phục này không ngừng, đặc biệt sự phát triển này phù hợp với bối cảnh xã hội và thẩm mỹ đương thời. Mỗi lần cách tân áo nữ, người ta lại thấy được sức sống của nó. Nhưng với Áo dài nam có một số phận tương đối khác, không những không tiếp thu kiểu dáng truyền thống mà càng xa rời bản sắc văn hóa Việt.

2. Đặc điểm của áo ngũ thân

Về cơ bản, Áo ngũ thân có kết cấu: 2 mảnh vải liền (chập làm 4 thân), 1 mảnh vải rời ghép với nhau tạo thành thân thứ 5. Chiều dài vạt áo quá đầu gối, vạt trước và vạt sau rộng; cổ áo vuông, đứng (nữ 2cm, nam 4cm); tay áo liền vai, rộng ở nách, thu hẹp ở đầu ống tay nên gọi là áo tay chẽn; 5 khuy áo cài bên phải chéo xuống nách và eo, tùy điều kiện và địa vị của người mặc mà chất liệu làm khuy áo khác nhau. Trang phục Áo ngũ thân truyền thống không thể thiếu khăn quấn đầu, người ta luôn phải mặc áo lót mầu trắng bên trong. Chất liệu may áo phổ biến là vải lụa tơ tằm, đa dạng về mầu sắc và hoa văn trang trí.

Áo ngũ thân được sinh ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, do đó một số đặc điểm kết cấu của áo mang những nét tạo hình chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội đương thời, đặc biệt từ Triều phục. Áo ngũ thân tiếp thu từ trang phục trước đó như các loại áo Giao lĩnh, Bàn lĩnh, Trực lĩnh... nhưng nó khắc phục các nhược điểm của các loại trang phục nói trên ở công năng sử dụng tiện lợi hơn. 

3. Bản sắc văn hóa của trang phục áo ngũ thân

Bản sắc văn hóa Việt trên trang phục Áo ngũ thân là gì? Có phải mặc trang phục này phù hợp với bối cảnh, được may bằng chất liệu Việt Nam, do bàn tay người thợ Việt Nam làm ra và hoa văn trên áo là hoa văn truyền thống của Việt Nam?

Đối với trang phục nói chung, chúng tôi cho rằng, vấn đề tạo nên bản sắc văn hóa không hoàn toàn nằm trong chất liệu, người thợ và hoa văn. Các yếu tố đó chỉ đóng vai trò rất nhỏ để tạo nên bản sắc văn hóa trên trang phục.

Một gia đình ở Thái Bình trong trang phục Áo ngũ thân

Chúng tôi mạo muội đưa ra một số yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của Áo ngũ thân, những yếu tố này được hình thành và cộng hưởng từ kiểu dáng, ứng xử của người mặc.

Kiêm nhường: Đặc tính này thấy rõ trong cách may, mặc Áo ngũ thân. Trang phục Áo ngũ thân luôn có xu hướng giấu mình, khiêm tốn. Sự khiêm nhường, giấu mình thể hiện qua cách may và sử dụng trang phục, ví dụ như mặc áo the ra ngoài lớp áo lụa/gấm sáng mầu nhằm tạo sự thanh nhã, dễ hòa hợp với những người xung quanh, nhưng sự sang trọng, mạnh mẽ vẫn nhấn nháy, ẩn chứa ở lớp áo bên trong.

Sự kiêm nhường này còn thấy trong tạo hình của dáng áo. Do hạn chế về kỹ thuật cho nên người ta đã may áo thân liền vai (trang phục các nước trong khu vực cũng có đặc điểm này). Cách may này tạo ra đặc điểm thật vai như đúng hình thể người mặc (không bị gồ lên như áo may ghép tay của veston) áo sẽ ôm sát bờ vai người mặc, tạo cảm giác thật thà trước người đối diện. Người mặc áo sẽ thấy tự tin, thoải mái trong giao tiếp. Khác hẳn với lối may, mặc veston của người Âu. Chính vì lẽ đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu khi mặc trang phục Áo ngũ thân ông đã nhận xét “Mỗi khi khoác lên bộ trên Áo dài truyền thống này tự nhiên tôi thấy mình phải ứng xử cho tương xứng, nhất là tâm hồn mình phải thanh thản, suy nghĩ của mình phải trong sạch, hành vi của mình phải cao sang, thể hiện được là bậc quân tử”.

Kín đáo: Với lễ phục triều Nguyễn, trang phục phải che kín thân, chân, tay khi thực hiện các nghi lễ, do đó Áo ngũ thân phần nào cũng tiếp thu những đặc điểm này. Áo ngũ thân thường có tà trước và tà sau rất rộng (độ rộng tùy theo thân hình người mặc). Vạt áo rộng có chức năng che phủ thân và chân, đáp ứng thói quen sử dụng của người mặc khi ngồi ghế cũng như ngồi chiếu hoặc phản.

Phong thái khỏe mạnh, duyên dáng: Do kỹ thuật may và kiểu dáng của Áo ngũ thân khắc phục nhược điểm cơ thể của người đàn ông và phụ nữ Việt, cũng từ các đặc điểm này mà tạo cho đàn ông tự tin, mang phong thái nghiêm trang, oai vệ, đĩnh đạc và khỏe mạnh, nam tính. Nhà điêu khắc Mai Thu Vân (Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật VN) đã nhận xét: “Áo ngũ thân do kết cấu vai liền tay cho nên đã tạo cho thân hình người mặc khỏe mạnh, đặc biệt là bờ vai người đàn ông Việt vốn thường xuôi nhưng khi mặc áo lại thấy cơ thể vạm vỡ”. Còn với Áo ngũ thân nữ, tuy không phô diễn đường cong cơ thể như Áo dài hiện đại nhưng người xưa đã không quên tạo sự gợi cảm, duyên dáng, ý nhị. Cổ áo nữ cao chỉ có 2cm (cổ áo nam 4cm) nhằm khoe “cổ kiêu ba ngấn” và làm cho khuôn mặt sáng hơn, tay áo chẽn sát bắp tay (chén hơn áo nam) tạo thêm cảm giác cánh tay người phụ nữ được gọn gàng và thon thả. Những đặc điểm làm duyên trên tấm Áo ngũ thân không phải ở hoa văn cầu kỳ mà rất nhẹ nhàng ở những chi tiết nhỏ trên dáng áo. 

Thầm mỹ tinh tế: Qua kết cấu tạo hình áo, cách phối mầu (như đã trình bày trên phần đặc điểm áo), xử lý các chi tiết và cách mặc để phù hợp với công năng sử dụng đã thể hiện thẩm mỹ hết sức tinh tế trên Áo ngũ thân. Có một chi tiết nữa rất đáng quan tâm đó là chiếc khăn quấn đầu của người Việt. Đây là chi tiết tưởng nhỏ trên trang phục, nhưng nó bộc lộ thẩm mỹ, cách ứng xử của người mặc với những người xung quanh. Người xưa luôn quấn khăn mầu đen hoặc khăn mầu đậm trên đầu ngoài việc làm gọn tóc nó còn làm cho khuôn mặt sáng hơn, thanh thoát hơn. Ngày nay khăn còn khắc phục các nhược điểm về tóc của người đàn ông. Khăn mầu đậm, giầy mầu đen và sự nhấn nháy trên trang phục tạo thêm sự sang trọng, lịch lãm cho người mặc. 

Sự tinh tế còn thể hiện trên kỹ thuật may, như ghép hoa văn ở sống áo thật khớp, đường may thẳng, mũi kim nhỏ, đều, có chỗ được giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. 

Về cách mặc cũng hết sức cầu kỳ, như phải mặc lớp áo lót trong sáng mầu vừa có công năng giữ mồ hồi, vừa tạo cứng cáp cho lớp áo ngoài, vừa có sự nhấn nháy mầu sắc trên trang phục. Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy lớp áo lót trong mầu trắng luôn làm cho lớp áo dài ngoài trở nên sang trọng và phù hợp cho dù người mặc sử dụng áo ngoài mầu gì, da người mặc đen hay trắng. Giống như bộ Âu phục, có lẽ lớp áo bên trong của bộ trang phục Áo ngũ thân giữ vai trò quan trọng tạo ra phong thái và duyên dáng của người mặc. 

Áo ngũ thân đã được định hình qua mấy thế kỷ, nhưng trải qua biến động của lịch sử và thời gian đã phần nào làm phai nhạt những vấn đề về lịch sử cũng như giá trị của nó. Tuy Áo dài hiện đại được các nhà thiết kế không ngừng tìm tòi và sáng tạo để bồi đắp thêm những giá trị của trang phục này, nhưng tiếc thay mới chỉ thành công ở áo nữ. Hiện nay nhiều kiểu dáng Áo dài ra đời, nhưng những giá trị mang bản sắc văn hóa Việt Nam trên các trang phục đó cần phải đánh giá thấu đáo, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của Việt Nam.

NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;