Từ năm 2014, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam chính thức là đơn vị tự chủ 100%. Vượt qua biết bao khó khăn, bỡ ngỡ và nhiều sự thay đổi về hình thức quản lý nhưng Nhà hát vẫn trụ vững trong vòng xoáy thị trường của lĩnh vực ca múa nhạc. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.
●Được biết tuổi thơ của anh gắn bó với Nhà hát, chắc hẳn anh có rất nhiều kỷ niệm với nơi này?
- Tôi sinh ra và lớn lên trong khu tập thể của Nhà hát. Hằng ngày tôi vẫn thường sang Nhà hát chơi và rất thích xem các nghệ sĩ tập luyện. Tiếng đàn, điệu hát, lời ca cùng hình ảnh các cô, chú lao động nghệ thuật miệt mài đã ngấm vào tôi từ lúc nào không hay. Năm 1977, học hết cấp 2 tôi vào học bộ môn Violon thuộc khoa Đàn dây của Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ra trường tôi chỉ ước mơ được về làm việc tại Nhà hát, nơi tâm hồn tôi được nuôi dưỡng, trưởng thành. May mắn, ước mơ đó đã thành hiện thực. Đến bây giờ, tôi công tác tại Nhà hát được 32 năm nhưng nếu tính từ thuở nhỏ thì tôi đã có đến 50 năm gắn bó với Nhà hát và cũng chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ chuyển đi nơi khác. Ngoài gia đình riêng thì Nhà hát là ngôi nhà lớn của tôi và rất nhiều thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nên tôi luôn cố gắng hết mình để làm những gì tốt nhất cho Nhà hát.
●Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi “Ngôi nhà lớn” tròn 70 năm tuổi?
- Tôi thấy rất vinh dự và tự hào bởi Nhà hát Ca, Múa Nhạc Việt Nam có một bề dày lịch sử vẻ vang, có truyền thống tốt đẹp được hun đúc qua 70 năm xây dựng và phát triển. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới cũng như công cuộc xây dựng đất nước, đã có nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ nối tiếp nhau cống hiến tuổi thanh xuân, tài năng và cả máu để làm nên những chiến công, góp phần vào sự nghiệp phát triển nền nghệ thuật nước nhà. Từ một Đoàn Văn công nhân dân Trung ương ra đời tại miền sơn cước khiêm nhường của “Thủ đô gió ngàn”- căn cứ địa Việt Bắc với trụ sở và nơi luyện tập là vài ngôi nhà gianh vách lá đơn sơ, nghèo nàn, đến Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam hôm nay đã có nơi làm việc, “có Nhà để hát” đúng nghĩa. Niềm mơ ước của nhiều thế hệ đi trước đã thành hiện thực khi đơn vị có trụ sở làm việc và Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ bề thế nằm ở vị trí đẹp giữa trung tâm thủ đô Hà Nội. Nhà hát ngày càng lớn mạnh hơn về nhân lực và cơ sở vật chất. Số lượng nghệ sĩ của Nhà hát hiện nay là 170 người đều được đào tạo chính quy tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà hát có phương tiện và trang thiết bị khá hiện đại, được tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của đất nước. Nhà hát còn vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đất nước - điều này không phải đơn vị nào cũng có.
●Các thế hệ lãnh đạo đi trước trong đó có mẹ anh - NSND Chu Thúy Quỳnh đã có rất nhiều đóng góp cho Nhà hát, là người kế nhiệm anh có chịu nhiều áp lực không?
- Tôi thấy mình gặp nhiều thuận lợi khi được thừa hưởng tất cả nền tảng của thế hệ đi trước như: cơ ngơi bề thế, đội ngũ nghệ sĩ tài năng, cơ sở vật chất tốt nhất, danh tiếng, thành tích; các thế hệ nghệ sĩ đi trước luôn gắn kết và đồng hành với Nhà hát trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, đó cũng là áp lực rất lớn đối với chúng tôi khi phải tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị và thành quả mà các thế hệ đi trước đã vun đắp, gửi gắm. Tôi chỉ biết gắng hết sức mình, phối kết hợp với Ban Giám đốc, tập thể nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên để giải quyết từng vấn đề đặt ra. Tôi đảm nhiệm cương vị Giám đốc vào thời điểm Nhà hát gặp nhiều khó khăn nhất bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thêm nữa đây cũng là thời điểm cạnh tranh khốc liệt của nghệ thuật biểu diễn chính thống và nghệ thuật giải trí. Chức năng nhiệm vụ của Nhà hát là dàn dựng, biểu diễn các chương trình, tiết mục ca múa nhạc dân gian dân tộc đặc sắc, các chương trình ca múa nhạc Việt Nam đương đại đảm bảo tính dân tộc và nhiều tiết mục nghệ thuật của các nước trên thế giới phục vụ khán giả trong nước và quốc tế nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ người xem. Tuy nhiên, những chương trình nghệ thuật nghiêm túc thường kén khán giả trong khi xã hội ngày càng phát triển với rất nhiều hình thức giải trí hấp dẫn. Chính vì vậy mà chúng tôi phải tìm hiểu, vượt qua chính mình, xây dựng các chương trình mang tính truyền thống, dân gian dân tộc nhưng cũng phải gần gũi, tiếp cận được với giới trẻ, không giữ một format chương trình khô cứng mà luôn sáng tạo để mỗi chương trình đều mới mẻ. Chúng tôi phấn đấu để tiếp nhận hiện thực mới, sáng tạo, xây dựng những tác phẩm mới để đưa đến công chúng những hơi thở của ngày hôm nay.
Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (tháng 1/2021)
Ngoài ra, hằng năm chúng tôi đều có kế hoạch phục dựng, lưu giữ những tác phẩm múa, ca có giá trị, đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước để lưu giữ cho các thế hệ sau học tập, rèn luyện và phục vụ công chúng yêu nghệ thuật.
●Năm nay, ngành nghệ thuật biểu diễn gặp vô vàn khó khăn vì tình hình dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, vậy làm cách nào để đơn vị tiếp tục "đỏ đèn"?
- Năm 2021, diễn biến của đại dịch COVID-19 cực kỳ phức tạp, cả xã hội gần như tê liệt, gây ra hậu quả nặng nề cho tất cả ngành dịch vụ cũng như ngành nghệ thuật biểu diễn. Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL yêu cầu ngành Văn hóa phải có sản phẩm để phục vụ nhân dân, tôn vinh những người trên tuyến đầu chống dịch nên chúng tôi đã cùng 12 đơn vị tổ chức thực hiện các chương trình online phát sóng 2 tuần/lần trên kênh YouTube. Nhà hát chủ động kết hợp với các Đài Truyền hình, thực hiện 6 chương trình biểu diễn trực tuyến phục vụ nhân dân. Chúng tôi còn xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị như: chương trình chào mừng thành công Đại hội Đảng XIII, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trao giải Báo chí, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Ngày hội Di sản và Tuần Văn hóa đoàn kết các dân tộc… cùng nhiều chương trình lớn mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đó cũng là niềm tự hào, niềm vui và vinh dự của cả tập thể Nhà hát.
●Điều gì khiến cho một Nhà hát công lập khi thực hiện tự chủ lại có thể trụ vững trong cơ chế cạnh tranh hiện nay và khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường ca múa nhạc?
- Sự đoàn kết, đồng lòng của các cán bộ, công nhân viên; tài năng và nhiệt huyết của đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ cùng hoạt động theo tiêu chí “Lấy sản phẩm là thước đo công việc” đã tạo nên những thành công của Nhà hát. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn tự chủ, Nhà hát cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lương nghệ sĩ đã thấp, Nhà hát lại không còn nguồn chi trả lương của Nhà nước. Nhà hát vừa phải biểu diễn phục vụ chính trị, vừa phải xây dựng chương trình có doanh thu, khai thác Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ và lợi thế mặt bằng để có thêm nguồn tài chính, chi trả lương cho cán bộ, nghệ sĩ. Những thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi vận động anh em chỉ hưởng nửa lương với lời hứa “Không bỏ lại ai phía sau”, từ Ban Giám đốc đến các nghệ sĩ chỉ hưởng mức lương 4 triệu/tháng. Rất hạnh phúc và cảm động là anh chị em đều đồng ý, đồng lòng, gắn kết và xác định rõ: Nhà hát phải tồn tại thì mới thành công.
Giám đốc Nhà hát CMN Nguyễn Hải Linh nhận HCV Cuộc thi Tiếng hát Đường 9 Xanh 2019 do Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức
Dù còn hoạt động trong điều kiện khó khăn nhưng mấy năm trở lại đây, Nhà hát gặt hái được rất nhiều thành công. Năm 2018 tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt 2 tại Đà Nẵng, Nhà hát giành giải Đặc biệt với chương trình Lưỡng cực được dàn dựng theo phong cách mới, vẫn sử dụng âm nhạc dân gian nhưng kết hợp phối khí mới và kỹ thuật hiện đại. Năm 2019, trong cuộc thi Tiếng hát Đường 9 Xanh, chương trình Chuyện chưa kể với hình thức nhạc kịch, lồng ghép câu chuyện của Nhà hát trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được khán giả rất yêu thích cũng đã giành được Huy chương Vàng. Nhà hát còn đoạt giải Nhất Liên hoan các ban nhạc toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL tổ chức, Huy chương Vàng chương trình tại Festival âm nhạc quốc tế - Hạ Long (Halomus) cùng trong năm 2020.
●Anh có thể cho biết kế hoạch phát triển của Nhà hát trong thời gian tới?
- Nhà hát có rất nhiều dự định và kế hoạch trong thời gian tới nhưng công việc ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện và nâng cấp dàn nhạc dân tộc cấp quốc gia với quy mô tổ bộ nhạc cụ khoa học có hình thức như dàn nhạc giao hưởng phương Tây. Đây cũng là mong ước của nhiều thế hệ nghệ sĩ Nhà hát. Ngoài ra, Nhà hát còn xây dựng và phục dựng các vở kịch múa để phát triển đội ngũ diễn viên múa, hướng tới dàn dựng các buổi biểu diễn thường xuyên tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ phục vụ khán giả yêu nghệ thuật truyền thống; Xây dựng các format chương trình để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến thăm Hà Nội và Nhà hát; Giới thiệu các nhạc cụ, bài hát, điệu múa… vào chương trình giáo dục học đường với nhiều chương trình phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, sinh viên; Thực hiện các dự án hướng tới giới trẻ, xây dựng format với các kênh truyền hình vừa có tính chất giải trí lại vừa tuyên truyền về nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống Việt Nam. Và làm gì thì làm chúng tôi luôn phải giữ vững thương hiệu của Nhà hát là đơn vị hàng đầu của nền nghệ thuật dân tộc cách mạng Việt Nam.
●Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Hằng năm Ban Giám đốc luôn có các hoạt động tri ân các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên và người lao động đã nghỉ chế độ
THANH TÂM
Ảnh: LÊ GIÁP
Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021