Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và câu chuyện tự chủ

Năm 2021 đánh dấu quá trình 70 năm ra đời và phát triển của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đây cũng là dịp để nhìn lại những khó khăn mà Nhà hát phải đối mặt không chỉ trong câu chuyện tự chủ, mà còn về những khó khăn rất trầm trọng do dịch bệnh COVID-19.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị cấp cao APEC năm 2017

Bắt đầu từ năm 2009, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam bước vào quá trình tự chủ từng phần, đến năm 2014 chính thức tự chủ 100%. Chập chững những bước đi đầu tiên, từ đơn vị được bao cấp cho đến tự chủ tài chính toàn phần nên Nhà hát không tránh khỏi khó khăn khi "bơi ra biển lớn" của nền kinh tế thị trường. Đối mặt với thách thức tự chủ, lãnh đạo Nhà hát cũng buộc phải nghiêm túc giải bài toán về nguồn nhân lực. Việc đầu tiên là phải sắp xếp lại tổ chức, bố trí việc làm phù hợp, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ, người lao động, giải quyết chế độ chính sách, ổn định tư tưởng nội bộ. Để thúc đẩy sự nỗ lực của các nghệ sĩ, Ban Giám đốc mà người đứng đầu Nhà hát lúc đó là NSND Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra bảng phân cấp, trong đó nghệ sĩ cấp một là người có danh hiệu NSND, NSƯT hoặc người trẻ xuất sắc, có giải thưởng và những màn trình diễn đạt hiệu quả cao. Nghệ sĩ cấp hai là những người hoàn thành tốt các nhiệm vụ biểu diễn được giao. Nghệ sĩ cấp ba là những người trẻ vừa tốt nghiệp và mới về Nhà hát, được kiểm tra năng lực 6 tháng một lần để đảm bảo có đủ khả năng phát triển hay không. Cách phân chia này tỏ ra hữu hiệu khi các nghệ sĩ được cạnh tranh lành mạnh, không còn tình trạng cào bằng. Ban Giám đốc cũng thấy rõ, cần ổn định thu nhập cho nghệ sĩ, người lao động để giữ chân nghệ sĩ bởi đối với Nhà hát, nghệ sĩ chính là tài sản. Mỗi lớp diễn viên ở đây đều phải có từ 3 đến 5 năm công tác thực tế tại Nhà hát thì mới thành nghệ sĩ, đã và đang được mài dũa để trở thành những viên ngọc sáng. Bên cạnh đó còn tồn tại cả nỗi trăn trở để có cơ chế phù hợp với lớp nghệ sĩ lớn tuổi. Bởi lẽ khi đã tự chủ, nghĩa là theo phương thức Nhà hát tự trả lương thì các nghệ sĩ phải làm những nhiệm vụ theo yêu cầu, có nghĩa là “trả lương theo sản phẩm”. Ai làm việc hiệu quả hơn sẽ được hưởng lương cao hơn. Thế nhưng lại có một vấn đề mâu thuẫn đó là có nhiều người làm việc lâu năm nhưng hiệu quả lại không bằng những người mới vào. Một số khác đã gắn bó với Nhà hát nhiều năm và có nhiều thành tựu. Điều này khiến lãnh đạo Nhà hát rất khó xử vì phải tính toán làm sao để vừa đáp ứng được thị hiếu khán giả nhưng vẫn coi trọng, chia sẻ được với những nghệ sĩ đã có cống hiến lâu năm với Nhà hát. Cùng với áp lực này là việc phải tiếp tục bồi dưỡng lớp kế cận, trẻ tuổi. Vì thế, Lãnh đạo đơn vị phối hợp với các trường đại học, học viện nghệ thuật trong và ngoài nước để tìm kiếm nghệ sĩ trẻ tài năng cho Nhà hát. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các nghệ sĩ, diễn viên trong chương trình nghệ thuật Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ diễn ra vào tối 1/9/2020 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội

Do sắp xếp lại nhân sự, củng cố đội ngũ, phát huy sức mạnh tập thể, Nhà hát đã có một bộ máy đầy đủ nhân lực, trình độ, từ đội ngũ sáng tạo, thiết kế đến tập thể nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sẵn sàng đáp ứng các chương trình với nhiều "format" khác nhau, từ truyền thống cho tới đương đại. Phó Giám đốc Nhà hát, NSƯT Xuân Bình cho rằng, điểm nổi bật làm nên thương hiệu của Nhà hát chính là xây dựng được những “format” chương trình riêng, độc đáo. Trong cơ chế thị trường, hoạt động nghệ thuật ngày càng khó khăn, Ban Giám đốc Nhà hát đã luôn đổi mới tư duy làm nghệ thuật để kịp thích ứng, đồng thời biết gắn kết các cá nhân thành một tập thể đoàn kết giúp cho Nhà hát luôn đỏ đèn, nghệ sĩ có công ăn việc làm và đặc biệt là các chương trình nghệ thuật luôn có giá trị nghệ thuật cao, đi đúng tôn chỉ mục đích và xứng đáng với vai trò “anh cả” trong làng ca múa nhạc chuyên nghiệp. Có những thời điểm Nhà hát được Chính phủ, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ VHTTDL tin tưởng, cùng lúc thực hiện xây dựng từ 5 đến 7 chương trình nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, tạo được dấu ấn riêng.

Dẫu thị hiếu khán giả có thay đổi, thì các chương trình làm tốt, đáp ứng đúng nhu cầu vẫn thu hút khán giả. Nắm bắt được vấn đề đó nên lãnh đạo Nhà hát đã quyết định mở ra nhiều hướng phát triển mà một trong những hướng đó là xây dựng Câu lạc bộ nghệ thuật ngay tại khuôn viên Nhà hát để tổ chức các đêm diễn cho từng ngày trong tuần theo mỗi thể loại âm nhạc khác nhau như: thính phòng, cách mạng, trữ tình, dân ca, nhạc trẻ... Mô hình này nhằm xây dựng tụ điểm biểu diễn nghệ thuật thường xuyên, tạo sân khấu cho nghệ sĩ của Nhà hát biểu diễn, đồng thời định hình cho khán giả về một điểm hẹn nghệ thuật của Thủ đô. Nguồn nhân lực của Nhà hát để thực hiện ý tưởng này rất dồi dào, trong đó có nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu quý như: NSND Thái Bảo, NSƯT Đức Long, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Lương Huy, NSƯT Phương Thảo, ca sĩ trẻ Hoàng Quyên…; Âm nhạc có NSƯT Đỗ An, NSƯT Xuân Bình, NSƯT Trường Giang, NSƯT Thanh Hương, NSƯT Văn Ngư…; Múa có các biên đạo trẻ: NSƯT Thanh Nam, NSƯT Quỳnh Dương, Phương Linh… Đội ngũ nghệ sĩ hùng hậu này đã giúp cho số lượng tiết mục và số buổi biểu diễn của Nhà hát luôn duy trì đều đặn. Địa bàn hoạt động của Nhà hát rộng khắp cả nước, từ vùng sâu vùng xa tới biên giới, hải đảo, các công trường, khu công nghiệp… Ban lãnh đạo cũng xác định rõ, chỉ có gắn kết các cá nhân thành một tập thể đoàn kết vững mạnh thì Nhà hát mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách rất khốc liệt chưa từng có tiền lệ này.

Hướng tới mục tiêu thu hút đông đảo công chúng, đồng thời giữ gìn và phát huy chức năng của đơn vị, các chương trình vẫn luôn đảm bảo chất lượng cao nhất, lãnh đạo Nhà hát đã thay đổi tư duy, quan điểm về nghệ thuật biểu diễn nhằm thích ứng với xu thế phát triển của xã hội nhưng vẫn phải giữ đúng định hướng nghệ thuật của Nhà hát là: Bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian, dân tộc, để phục vụ nhu cầu quần chúng và nhiệm vụ chính trị, trên tinh thần vừa học hỏi kinh nghiệm vừa thực hiện, tiếp cận những tư duy mới phù hợp với sự phát triển của xã hội, từng bước nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng. Ông Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Chúng tôi xác định phải tập trung xây dựng những chương trình có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của số đông khán giả. Tuy nhiên, Nhà hát cũng không chạy theo xu hướng thương mại hóa nghệ thuật mà luôn vững vàng với tôn chỉ, mục đích đã đặt ra.”

Chương trình nghệ thuật Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 do Nhà hát thực hiện 

Bên cạnh đó Nhà hát còn có Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ - một địa chỉ văn hóa lý tưởng với 800 chỗ ngồi, các trang thiết bị hiện đại, vừa là nơi tập luyện, biểu diễn các chương trình của Nhà hát vừa cho các cơ quan, đơn vị bên ngoài thuê để tổ chức hội nghị, hội thảo, mang thêm nguồn thu về cho cơ quan. 

Song song với biểu diễn phục vụ nhân dân, Nhà hát còn phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, phục vụ các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Năm 2020, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu 70 năm phát triển, bền bỉ xây dựng thương hiệu, tạo dấu ấn trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. 

Bước sang năm 2021, đại dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, cộng thêm liên tiếp những đợt thiên tai, hạn hán, bão lũ, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, các hoạt động văn hóa, thể thao bị đình lại đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nghệ sĩ, người lao động của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam lại càng khó khăn hơn khi là đơn vị nghệ thuật tự chủ tài chính 100%. Việc đảm bảo đời sống, ổn định tư tưởng cho trên 170 cán bộ, nghệ sĩ, người lao động là bài toán khó có lời giải thỏa đáng đặt ra cho Ban lãnh đạo Nhà hát. Nhưng với phương châm: “Không để ai lại phía sau” cộng với tinh thần đoàn kết, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ khó khăn vất vả nên mọi chế độ chính sách, lương hàng tháng của cán bộ, nghệ sĩ và người lao động vẫn được đảm bảo. 

Chương trình nghệ thuật Bình minh phương Đông chào mừng Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN lần thứ 36, năm 2020

Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19, hầu như tất cả các nhà hát và các đơn vị nghệ thuật trong cả nước đều phải đóng cửa tạm dừng hoạt động nhưng được sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục “đỏ đèn” nhưng chuyển sang hình thức biểu diễn trực tuyến, phát trên kênh YouTube của Cục Nghệ thuật biểu diễn và của Nhà hát. Đặc biệt 2 chương trình Cháy lên và Tổ quốc trong tim nhằm tri ân, động viên những “chiến sĩ áo trắng” là các y, bác sĩ cùng cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch được khán giả đón nhận nhiệt tình, được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật cũng như sự lao động hết mình của các nghệ sĩ Nhà hát. 

Với bề dày truyền thống 70 năm, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam không những được khán giả khắp mọi miền đất nước yêu quý mà các đơn vị nghệ thuật khác và đồng nghiệp cũng rất trân trọng bởi những thành tích đã đạt được. Các chương trình của Nhà hát luôn được đánh giá cao qua các kỳ liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Số lượng người xem, tần suất biểu diễn và doanh thu luôn dẫn đầu các Nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL. Điều đó khẳng định phương hướng và cách làm của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam là đúng, năng động, sáng tạo, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp nước nhà.

MINH ANH - THANH TÂM

Ảnh: LÊ GIÁP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;