Biến chuyển - Chuyển mình trong một thế giới đầy biến động

Trong bối cảnh lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại trong thế giới toàn cầu, khái niệm về Điêu khắc đã trải qua nhiều biến chuyển cũng như mở rộng các phạm vi hiểu và tri nhận. Trong số các phương pháp của thực hành Điêu khắc, Điêu khắc đá đặc biệt có một lịch sử lâu đời gắn với những công trình vĩ đại và văn minh nhân loại như những công trình điêu khắc đá cổ Ai Cập, Lưỡng Hà, Ba Tư, Hy Lạp và La Mã… Điêu khắc ngày nay đa nghĩa và mơ hồ hơn hầu hết những loại hình nghệ thuật khác trong lý thuyết nghệ thuật, giờ đây khái niệm Điêu khắc không chỉ còn được sử dụng để mô tả những địa danh, đài tưởng niệm, tượng đài công cộng hay những vật thể trừu tượng mà còn được sử dụng để mô tả những vật thể làm sẵn (ready-made), nhiếp ảnh, trình diễn, và còn hơn thế nữa.

Không gian triển lãm Biến chuyển

Được truyền cảm hứng từ chất liệu đá tại làng đá truyền thống Ninh Vân, Ninh Bình - cố đô Hoa Lư với một bề dày lịch sử và văn hoá truyền thống, 9 nghệ sĩ điêu khắc đã đến cư trú sáng tác từ tháng 4 năm 2021. Trong suốt những ngày hè nóng nực bên cạnh nguy cơ của đại dịch COVID-19 vẫn đang len lỏi khắp toàn cầu, các nghệ sĩ đã miệt mài lao động sáng tạo và cho ra đời gần 40 tác phẩm mới. Dự án được mang tên Biến chuyển phần nào cũng phản ánh thực tế và những phút thăng trầm trong suốt gần nửa năm chặng đường dự án, là thông điệp về một tinh thần, thái độ mà các nghệ sĩ muốn gửi gắm về việc thích nghi với hoàn cảnh trong mọi thách thức của cuộc sống. Biến chuyển cũng thể hiện niềm tin vào sức mạnh của nghệ thuật có tính tái sinh và mang lại những niềm hy vọng mới trong một thời điểm đầy tính lịch sử và biến động của nhân loại.

Khổng Đỗ Tuyền, Chuyển động tròn #21.2, đá tuff, núi lửa xanh, đồng

Nữ điêu khắc gia Lê Thị Hiền vẫn say mê với những khối hình học cơ bản và cách những khối hình này kết hợp với nhau tạo nên các chuyển động và đối thoại mở. Loạt tác phẩm Trượt lần này của nghệ sĩ, ngay khi bước vào không gian triển lãm, tạo nên những biến tấu và chuyển động ngầm gợi mở cho rung động và câu chuyện sắp được hé lộ. Những khối đá đen mạnh mẽ dứt khoát của Đào Châu Hải và Khổng Đỗ Tuyền dưới ánh sáng tự nhiên ban ngày và sự chuyển biến ánh sáng nhân tạo vào chiều tối tạo nên hiệu ứng đầy thi vị và trữ tình. Chuyển động đứng, Chuyển động trònSóng của Khổng Đỗ Tuyền mãnh liệt nhưng cũng chất chứa cảm xúc và suy tư ẩn chứa. Trong khi đó, Đào Châu Hải khước từ sự tạo nghĩa, đặt tên mà chỉ giữ lại những con số đầy lý tính trong loạt tác phẩm #5221#5222 mời gọi người xem/ người đọc tác phẩm hãy tự đắm chìm, quan sát, thưởng thức và suy tư cho chính mình. Cùng lúc đó, người xem bị cuốn vào chuỗi tác phẩm O của Trần An với mô típ những lỗ tròn lặp lại trên 5 tác phẩm. Hình tròn mang nhiều hình tượng gắn với khởi nguồn và nuôi dưỡng như trái đất, các hành tinh, các vị sao tinh tú, các phân tử... Nó cũng còn là cánh cửa xoáy những điều bí ẩn hút lấy đôi mắt người xem, và cũng đừng quên, đôi đồng tử cũng lại là một hình tròn. Rồi, để bước qua thế giới trừu tượng đó, chuỗi tác phẩm Đơn hàng của Đào Tân kéo chúng ta quay trở về một hiện thực đến xót xa về số phận những con người vô danh dường như đã bị phi nhân hóa trở thành một thứ hàng hóa vô tri vô giác trong chuỗi cung ứng lao động của nền kinh tế toàn cầu. Tiếp nối sau đó, chuỗi tác phẩm Biến thể của Lương Trịnh như một tấm gương đối chiếu và tương phản thú vị về vị trí của con người trong tương sinh quan về thế giới. Tuy thế, mối quan hệ của con người trong Biến thể được đặt ở câu hỏi về nguồn cội, về những liên kết tâm linh, về niềm tin với vạn vật hữu linh. Tác phẩm của Lương Trịnh cũng vì thế mà dường như có âm thanh và nhạc tính bên trong cũng như âm hưởng của núi trời và đá mà anh muốn gửi gắm. Còn Thái Nhật Minh vẫn tiếp tục khai thác những hình khối cong tròn gợi cảm vừa mang sức nặng lẫn sự thanh thoát đến lạ kỳ trong loạt tác phẩm Nữ thần, Dồn nén và Đôi cánh. Mê đắm tìm về một hình tượng lý tưởng của một Nữ thần - một biểu tượng huyền thoại, vừa thực vừa ảo về người phụ nữ, trong cách xử lý với chất liệu và hình khối lần này của Minh còn thấy sự khéo léo và tinh tế trong những khối dồn nén cảm xúc. Nữ thần, cảm xúc và cánh đều là những hình tượng không có thật trong trí tưởng tượng của con người, và giờ đây chúng được hiện thực hoá thành những khối đá vững chắc thách thức với thời gian. Mảnh ghép là thử nghiệm lần đầu của Lương Văn Việt với chất liệu đá. Tuy thế, nghệ sĩ vẫn khẳng định và thể hiện được kỹ năng tài tình trong việc xử lý không gian và tạo nên một cấu trúc kết nối khăng khít giữa toàn bộ chuỗi tác phẩm cũng như đặc tính hài hước trong cách sắp xếp luật chơi của mình. Không có một tuyến tính trật tự, thứ bậc cố định trong Những mảnh ghép. Tất cả là sự ngẫu hứng và tham dự vào tác phẩm theo nhiều chiều khác nhau của người xem. Kết thúc vòng tròn của Biến chuyển, Lê Lạng Lương mang đến chuỗi tác phẩm Cổng trời, một loạt tác phẩm vừa sinh động và hóm hỉnh. Cổng trời tồn tại như một biểu tượng trong tâm thức của người phương Đông về một cột mốc đánh dấu sự chinh phục thiên nhiên. Với những khối hình vừa mang hình bóng của con người vừa mang tính trừu tượng và mơ hồ, Cổng Trời dường như đặt câu hỏi cho chúng ta liệu những niềm tin vào một thế giới tâm linh hay một cõi xa xôi huyền bí nào đó vượt khỏi tầm kiểm soát và sự hiểu biết của con người có phải cho đến cùng cũng chỉ là một sản phẩm trong trí tưởng tượng của con người mà thôi?

Đào Hải Châu, #5221, đá cẩm thạch đen

Song song trong hành trình với Biến chuyển, các nghệ sĩ đã vượt qua nhiều cung bậc của Hỷ, Nộ, Ái, Ố, các tác phẩm nghệ thuật chính là sự đúc kết và phản chiếu cuối cùng của chặng đường đó. Mời các bạn cùng bước vào chiêm nghiệm trong không gian của Biến chuyển để mang theo những kí ức và cảm xúc cho riêng mình. Triển lãm Biến chuyển đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VINCOM, tầng  B1-R3, Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. 

ĐỖ TƯỜNG LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

 

;