Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ XXII từ ngày 18 đến ngày 20/11 tại thành phố Huế đã diễn ra trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Với tinh thần linh hoạt, thích ứng trong điều kiện bình thường mới, vừa đảm bảo phòng chống dịch an toàn, vừa đáp ứng được tiêu chí thực hiện một kỳ LHP trang trọng, LHP VN lần thứ XXII đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, sự ủng hộ của các nghệ sĩ và các nhà hoạt động điện ảnh.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại Lễ Khai mạc và họp báo LHP XXII
Nhiều hoạt động sôi nổi nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch
Ngoài việc chiếu phim trực tiếp, năm nay còn có thêm chương trình chiếu phim trên nền tảng số VTVGo với 67 bộ phim được Ban tổ chức thỏa thuận về bản quyền. Bên cạnh hoạt động chiếu 126 bộ phim tại 4 cụm rạp ở thành phố Huế trong suốt những ngày diễn ra LHP, bao gồm cả phim Dự thi và phim Toàn cảnh của cả bốn thể loại gồm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình cùng bốn bộ phim điện ảnh VN từng quay ở Huế, LHP VN lần thứ XXII còn có thêm các hoạt động ý nghĩa. Đó là hai Triển lãm Thừa Thiên Huế - điểm đến của các nhà làm phim và Di sản và bạn tại khuôn viên Học viện âm nhạc Huế. Triển lãm nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời qua phim ảnh góp phần quảng bá tiềm năng du lịch các vùng miền. Năm nay, bên cạnh hình thức triển lãm trực tiếp, Ban Tổ chức còn thực hiện triển lãm online được thiết kế với công nghệ 3D và được đăng tải trên nền tảng số, kịp thời phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, sự đổi mới này giúp Triển lãm đến gần hơn với đông đảo khán giả và các nghệ sĩ.
Buổi Lễ khai mạc LHP VN XXII diễn ra trang trọng với sự ra mắt của các Ban giám khảo, khách mời trong trang phục áo dài truyền thống
Cùng với chương trình thời trang Áo dài với điện ảnh, hai chương trình du lịch gồm Khám phá bối cảnh phim trường Huế cùng áo dài ngũ thân và Tìm hiếu dấu ấn của triều Nguyễn và nét văn hóa Huế đã mang đến những trải nghiệm cho các đại biểu về sản phẩm du lịch Huế xanh - an toàn nằm trong chiến lược quảng bá quan trọng về hình ảnh Huế - kinh đô áo dài và Huế - điểm đến an toàn thân thiện.
Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Ban tổ chức LHP đặt yêu cầu đảm bảo an toàn, phòng chống dịch hiệu quả lên hàng đầu. Không chỉ đại biểu, khách mời phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu phòng dịch mà tại các cụm rạp, công tác phòng dịch cũng được áp dụng linh hoạt. Tại các cụm rạp, vé mời được gửi đến tận tay các khán giả vừa đáp ứng được những tiêu chí phòng dịch vừa chắc chắn sẽ tới xem phim. Bởi vậy, các buổi chiếu phim tại rạp đều thu hút được khán giả ngồi kín số ghế được cho phép. Ngoài ra, rạp cũng nắm được thông tin cá nhân của khán giả để có thể theo dõi về sức khỏe, dịch tễ khi cần thiết.
“Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh”
LHP VN lần thứ 22 cũng là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh”.
Và “sức mạnh nội sinh” ấy đã được ngành Điện ảnh thể hiện rõ trong những nỗ lực tổ chức sự kiện lớn này thật hiệu quả, trong sự ứng phó kịp thời, điều chỉnh các phương thức tổ chức để thích ứng hoàn cảnh mới, thích ứng an toàn với đại dịch. Bởi vậy, dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng hình thức tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự phối hợp của Đài Truyền hình Việt Nam, một kỳ LHP VN đặc biệt với nhiều tác phẩm điện ảnh được phổ biến trên nền tảng số đã để lại những cảm xúc khó quên, cho thấy sức hút của điện ảnh khi góp phần xoa dịu những mất mát của đại dịch.
Chương trình du lịch Khám phá bối cảnh phim trường Huế cùng áo dài ngũ thân đã mang đến những trải nghiệm cho các đại biểu về sản phẩm du lịch Huế xanh - an toàn
Trong bài phát biểu chúc mừng thành công của LHP, ông Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 đã khẳng định:“Trong suốt những ngày qua, thành phố Huế như trút bỏ những âu lo do đại dịch, thực sự trở lại nét đẹp nên thơ của sông Hương, núi Ngự, cố đô văn hóa lịch sử với 7 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. Huế - thiên nhiên xinh đẹp, con người mến khách, làm mê hoặc lòng người, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật điện ảnh”.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc và trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII đã được thực hiện với tinh thần vượt khó và khát vọng cống hiến mà ngành Điện ảnh hướng tới để góp phần thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, 2021-2030” đó là “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”.
Các cụm rạp tại Huế thu hút khá đông khán giả tới xem phim
Với tinh thần đó, trong thời gian qua, với trách nhiệm của một Ngành nghệ thuật sáng tạo được xác định là mũi nhọn trong “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, LHP VN tiếp tục được khẳng định là một sự kiện nghệ thuật có dấu ấn chuyên nghiệp, thu hút được đông đảo nhà sản xuất, các nghệ sĩ, các nhà hoạt động điện ảnh, nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật, có giá trị nhân văn và đạt doanh thu cao”.
Sen Vàng đã có chủ
Sau hơn hai năm đối mặt với khó khăn, điện ảnh Việt Nam vẫn nỗ lực cho ra đời những tác phẩm chất lượng, đạt doanh thu cao. LHP lần này là một cuộc cạnh tranh sôi nổi và cam go khi chất lượng của các tác phẩm điện ảnh Việt Nam ngày càng nâng cao. Cuối cùng thì giải thưởng danh giá nhất: Bông sen Vàng thể loại phim truyện điện ảnh đã thuộc về bộ phim Mắt biếc, Bông sen Bạc được trao cho bộ phim hiện đang là phim có doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt Nam: phim Bố già. Ở thể loại phim Tài liệu, bộ phim Ranh giới xuất sắc giành giải Bông sen Vàng. Giải Bông sen Bạc được trao cho hai bộ phim: Phim đỏ và Ánh sáng của con. Thể loại phim Khoa học, Bông sen Vàng thuộc về phim Điểm mù giao thông, phim Lũ miền núi đoạt giải Bông sen Bạc.
Bộ phim Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ giành giải Bông sen Vàng
Ở thể loại phim Hoạt hình, giải Bông sen Vàng được trao cho phim Con chim gỗ, Bông sen Bạc thuộc về phim Người thầy của muôn đời và phim Ánh sáng không bao giờ tắt. Kỳ LHP năm nay có thêm một giải thưởng, đó là giải Kỹ xảo hoạt hình xuất sắc được trao cho hoạ sĩ Nguyễn Quang Trung - phim Mảnh ghép của Rồng.
Buổi Lễ bế mạc và trao giải đã kết thúc với lễ trao cờ LHP VN trang trọng giữa lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng - đơn vị đăng cai tổ chức LHP VN lần thứ XXIII diễn ra vào năm 2023 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Buổi lễ Bế mạc và trao giải đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả khi nhắc đến buổi Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19 vừa được tổ chức vào tối 19/11. Và phóng sự Nghệ sĩ điện ảnh đóng góp và tham gia phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ gây xúc động cho khán giả mà còn mang lại những niềm tin và hy vọng về một cuộc sống “bình thường mới”.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021