Thòi lòi là loài cá nước lợ, sinh sống trong hang hốc ở bãi lầy. Chúng có tài lặn sâu, bơi giỏi, nhảy cao, bò trong sình lầy, chạy trên mặt nước. Đặc biệt, do leo cây khá giỏi nên dân gian thường gọi nó là cá leo cây. Dù có bề ngoài sần sùi, xấu xí nhưng thịt cá không chê vào đâu được.
Cá thòi lòi gây ấn tượng ở vẻ bề ngoài như quái thú, nhìn đã ngại chạm. Từ da thô cho đến cặp mắt, từ bộ vây cho đến màu sắc đều rất đặc biệt. Cá thòi lòi nhỏ con, mỗi con chỉ to bằng ngón tay cái người lớn nhưng riêng cặp mắt đã to bằng ¼ cái đầu. Vì lồi hẳn ra ngoài nhìn ngộ nghĩnh mà cái tên thòi lòi ra đời. Hai vây trước của thòi lòi như đôi chân rắn chắc, giúp nó đi rất nhanh trên cạn. Tìm hiểu kỹ nguồn gốc mới biết chúng thuộc họ cá bống trắng, thích sống ở những bãi sình lầy khu cửa sông, rừng đước, mắm và ngập mặn. Họ nhà bống không chỉ nhiều thịt mà còn ngọt chắc nên thòi lòi thừa hưởng không ít lợi thế này. Có hai loại thòi lòi: thòi lòi nước ngọt thì nhỏ con và thòi lòi biển, to gấp đôi thòi lòi nước ngọt. Ở mỗi loại có vị đậm đà khác nhau nhưng theo người sành ăn thì thòi lòi biển thịt ngon hơn. Và tất nhiên, mỗi khi nhắc đến loài cá này, người ta sẽ nghĩ ngay đến đặc tính leo trèo của chúng. Hệ hô hấp kép thở bằng phổi và bằng mang giúp cá vừa bơi được dưới nước vừa đi lại trên cạn, thậm chí còn biết đào hang, nhảy cao đến 60cm.
Do thòi lòi chỉ sinh sống trong tự nhiên nên rất quý hiếm. Thường người dân địa phương đánh bắt thủ công, rất cực khổ. Họ dùng một cái hom, giống như lọp đặt vào miệng hang khi nào cá bò ra thì nhấc hom. Thòi lòi rất tinh khôn, đôi khi bị động hang, chúng ở yên sâu bên trong mà không ra ngoài. Chính vì sự khó nhọc ấy mà giá thòi lòi khá cao. Khi đã có nguyên liệu, người đầu bếp thỏa sức trổ tài múa chảo bằng một loạt món ngon từ cá leo cây: nấu lẩu, kho tiêu, chiên giòn, canh chua... và đặc biệt là nướng muối ớt. Món này vừa đơn giản, nhanh gọn, lại không làm mất đi hương vị vốn có của thòi lòi. Cá thòi lòi rất tanh nên khi sơ chế cần rửa rượu, xát chanh hoặc vò lá sả để loại bỏ lớp nhớt tanh ở da.
TRẦN THÁI HỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022