Đất vải vào mùa du ca

Những ngày này, tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tràn ngập không khí rộn ràng của các hội hát dân ca dân tộc thiểu số, đó là một không gian đầy ắp bản sắc văn hóa của xứ sở vải thiều mà hiếm nơi nào duy trì được. Đồng bào du ca hết làng trên, bản dưới, qua chợ phiên này, sang phiên chợ khác, rồi có khi theo tiếng gọi của con tim họ lại ngược lên tận mạn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Hữu Lũng hay thành phố Lạng Sơn để tham gia những phiên hát đến tàn canh rạng ngày.

Đồng bào hát dân ca bên sườn đồi

 

Mùa xuân tiết trời ấm áp, cũng là mùa của tình yêu đôi lứa và mùa tiếng hát của người Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu… cất lên thành lời. Đã bao mùa hát đi qua và trái tim những chàng trai, cô gái đa cảm nơi đây vẫn còn xao xuyến khôn nguôi về những đêm trăng thanh gió mát ngồi bên nhau ca hát. Hát để thay cho lời muốn nói, hát để trao duyên và gửi gắm tình yêu đôi lứa, để kết bạn, kết bè rồi có khi nên vợ thành chồng. Ở Lục Ngạn, đồng bào dân tộc nào cũng có niềm tự hào riêng về những di sản của mình. Nếu người Nùng mê điệu Soong hao (hát lượn), người Tày thích nhất hát Then, người Dao say tiếng Páo dung thì người Cao Lan trung thành với Sình ca, người Sán Chỉ có dân ca Cnắng cọô, dân tộc Sán Dìu tự hào có điệu Soọng cô... Các làn điệu có từ thời xa xưa, được cha ông truyền dạy cho con cháu như một sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai.

Tục hát của đồng bào được bắt đầu từ Tết Nguyên đán và luân phiên kéo dài đến hết tháng Giêng, qua tháng Hai âm lịch trước khi bước vào cao điểm mùa vụ chăm sóc cây trái, vun xới vườn đồi và thu hoạch nông sản. Lên Lục Ngạn mùa xuân, không khó để chúng ta gặp hình ảnh những tốp người trong trang phục màu áo chàm hoà lẫn màu xanh của đồi vải thiều, cam bưởi. Họ đi từng tốp, có khi là từng cặp sánh vai nhau hát bên vệ đường, bìa rừng hoặc dưới gốc cây.

Một trong những hội hát được nhiều người chờ đợi đó là ở xã Tân Sơn – nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng và nổi tiếng với câu hát Sli, hát Lượn (soong hao). Tân Sơn có chợ tình Thác Lười, họp 5 ngày một lần vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch. Tuy nhiên, có một phiên chợ đặc biệt vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm được xem là ngày hội của những người yêu tiếng hát dân ca. Đây chính là phiên “chợ tình Thác Lười” hình thành từ cả trăm năm trước, mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc bản địa. Có mặt tại đây vào dịp hội mới thấy không khí háo hức của những chàng trai, cô gái người dân tộc. Họ đến không chỉ để trao đổi mua bán hàng hóa mà còn để giao lưu, gặp gỡ bạn cũ bên bàn trà hay những chén rượu xuân thơm hương men lá. Đặc biệt, bà con còn tụ thành từng nhóm, từng đôi cùng hát đối, tỏ tình, giao duyên qua những điệu dân ca mộc mạc. Theo chuyện cũ, tích xưa, ngày chợ là nơi hẹn hò của những đôi lỡ dở tình duyên và cũng trở thành nơi gặp gỡ, tìm kiếm tình yêu của thanh niên cho thỏa nỗi mong nhớ bấy lâu. Ngày nay, trai gái trẻ gặp nhau để cùng kết duyên, già thì gặp bạn tình xưa, ai cũng háo hức đợi mong .

Theo anh Vi Văn Trên, cán bộ văn hóa xã Tân Sơn: Hội hát không chỉ là hoạt động khởi đầu một năm mới mà còn khởi đầu cho mùa du lịch mới của huyện, của tỉnh. Bắt đầu bằng những tour tuyến, kết nối đưa du khách đến thăm chợ tình Thác Lười, bản cổ Bắc Hoa, hồ Cấm Sơn, các vườn hoa mơ, hoa mận... và kết nối với không gian “Văn hóa - Du lịch Tây Yên Tử” của tỉnh Bắc Giang. Những làn điệu Sli, Lượn mộc mạc, trữ tình là cội nguồn truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng quê Lục Ngạn. Điều đặc biệt của phiên chợ là những người đã có gia đình có thể hát, ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình. Họ dùng những câu hát để hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, động viên nhau tiến bộ. Những đôi nào yêu nhau mà không lấy được nhau, khi gặp lại ở chợ tình, lời hát càng thắm thiết. Những lời trách hờn, kỷ niệm xưa cũ và cả những tiếc nuối khi còn yêu nhau có thể bộc lộ qua những câu hát mà không ai bị ghen tuông, ngăn cấm. Cả vợ chồng đều có thể đi hát như vậy. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng những điều riêng tư của mỗi người nhưng họ không vì người tình xưa mà phá hỏng hạnh phúc hiện tại, đó là giá trị nhân văn cao đẹp còn lưu giữ đến ngày nay.

Trong không gian chợ Thác Lười, chúng tôi gặp ông Mạc Văn Đậu, dân tộc Nùng ở xã Biên Sơn. Ông chia sẻ, đối với bà con trong vùng, đi chợ phiên Thác Lười ngày 12 tháng Giêng cũng chính là đi hội. Cũng như bao người dân khác, ông rất yêu dân ca dân tộc mình, tự sưu tầm, sáng tác các bài hát để truyền dạy cho lớp trẻ. Theo ông, thể loại hát giao duyên nam - nữ trong tình yêu được đồng bào yêu thích nhất. Lời ca có lúc ngân cao, có khi trầm ấm, bay bổng như mời gọi, như thiết tha thể hiện tình yêu, khát khao cháy bỏng của lứa đôi trong mùa xuân. Đến chợ, những đôi đã từng quen nhau, "thề non hẹn biển" mà không lấy được nhau thì họ hẹn cứ ngày này hằng năm lại gặp nhau tại chợ, đơn giản chỉ là để hỏi thăm và hát cho nhau nghe. Theo quan niệm của một số dân tộc, khi đã thành vợ thành chồng rồi thì sẽ hát giao duyên đến khi nào có con đầu lòng mới thôi.

“Từ nhỏ tôi đã được dạy hát Soong hao, người Nùng ở Lục Ngạn vẫn có câu hát truyền khẩu “Soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui” (hai ta đi chơi xuân hát Lượn, không Lượn là không vui). Cũng như bao chàng trai khác trên đất này, mấy chục năm nay, bước chân ông Đậu đi qua bao cuộc hát dân ca. Suốt thời trai trẻ đến giờ, hễ nghe tin trong vùng có hội hát là ông lại khăn gói tìm tới, mỗi vùng đất đều gặp những bạn hát có chung đam mê. Cũng nhờ tài ca hát, chất phong lưu trong ông được nhiều người hâm mộ. Chàng thanh niên đa tài ấy từng hòa vào dòng người đi hội để ca xướng những lời yêu thương, để rồi làm xiêu lòng biết bao sơn nữ. Và cũng qua những lần đi hát giao lưu, ông đã gặp rồi kết duyên với một sơn nữ đẹp người, đẹp nết nhất vùng đó là bà Triệu Thị Chễ. Nay tuổi cao, đông đủ con cháu nhưng ông bà vẫn đèo nhau đi hội, đồng thời ông còn tích cực sưu tầm bài hát cổ, sáng tác bài hát mới và mở các buổi truyền dạy hát dân ca cho lớp trẻ dân tộc Nùng trong vùng.

Theo ông, các làn điệu dân ca ở đây đa số theo các bước: Làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn. Người hát giỏi ngoài biết luật chơi, lề lối còn phải đối đáp linh hoạt, ứng tác tế nhị, tài tình khiến đối phương tâm phục khẩu phục. Trai gái quen nhau trong mùa hội, mến nhau qua câu hát và đến với nhau bằng sự rung động của con tim. “Mỗi điệu Sli, câu hát Lượn vang lên, lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc khó tả, nó gợi nhớ về một thời trai trẻ háo hức trước những mùa hội hát dập dìu, những đêm trăng hẹn hò và cả những mối tình tha thiết”, ông Đậu hồi tưởng. Nói rồi ông cất lên những lời ca thiết tha: “Pê hạc pén ma cà nả sở; Kín càng say toong bô mi hơ?" Nghĩa là: "Tôi gặp được bạn trong phiên chợ này, hỏi xem bạn đã có người yêu chưa?"…

Ở Tân Sơn đồng bào thường hát đối rằng: Nam: Anh và em cùng xuống chợ rồi rủ nhau lên đồi tâm sự. Cả năm vất vả, đôi ta chỉ có dịp này là thảnh thơi. Nữ: Mặt trời khuất sau cánh rừng, đêm xuống rồi anh ơi. Anh hãy kéo mặt trời lên đi, em sẽ đi cùng anh vui chơi.

Sau hội hát ở Thác Lười, người dân sẽ lại chuẩn bị hẹn gặp nhau tại các chợ phiên khác như ở Phong Vân, Phong Minh, Hộ Đáp, Biên Sơn, Tân Mộc rồi ngược Tân Hoa, Biển Động, Đèo Gia, Khuôn Thần, xuôi về Chũ xong lại vòng lên Bắc Lệ, Chi Lăng, Đồng Mỏ (Lạng Sơn)... để khoe sắc, đua tài và kết nối đam mê. Trong quá trình đi “lưu diễn” ấy, hễ gặp bạn hát là họ "bắt sóng" và hát suốt, hát trên sân khấu chưa thấy đủ, họ chuyển về hát trong nhà rồi lại trên khắp các sườn đồi, lối về, sân vận động, thậm chí bạn hát lần lượt mời nhau về dự hội hát ở xã mình, trước là để thăm nhà, thăm cửa, sau thì hát giao lưu.

Người viết bài này cứ ngạc nhiên mãi chưa thể lý giải được vì sao dân ca lại có sức quyến rũ mạnh mẽ đối với đồng bào ở vùng Lục Ngạn đến vậy. Được biết, với mục đích duy trì, bảo tồn, khôi phục, phát triển, giới thiệu và quảng bá rộng rãi những nét đẹp văn hóa truyền thống giàu bản sắc của nhân dân các dân tộc vùng cao Lục Ngạn, hướng tới xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của địa phương, kết nối với không gian văn hóa - du lịch giàu tiềm năng, năm nay, địa phương tổ chức hội hát Soong hao và phiên chợ xuân vùng cao với quy mô rộng lớn hơn, với nhiều nội dung chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đa màu sắc thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trong vùng về dự. Cả huyện hiện có hơn 30 câu lạc bộ hát dân ca dân tộc thiểu số thuộc 7 dân tộc. Họ tự nguyện, tự túc đóng góp kinh phí hoạt động và lưu diễn.

Chia tay Tân Sơn, Cấm Sơn, Phong Minh, Biên Sơn, Hộ Đáp, Khuôn Thần lúc xế chiều, trên suốt dọc đường đèo, hình ảnh những tốp người áo chàm bịn rịn đứng hát giao duyên kín các ngả ra về, trong tôi bừng lên một niềm tin khó tả. Phải chăng, địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích hiệu quả đối với các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số hay tình yêu với dân ca của đồng bào nơi đây đã đủ lớn, đủ mạnh để ăn sâu vào từng vỉa đất, mạch nước để rồi tự thân nó lan toả thấm thía? Thậm chí, có những nhà nghiên cứu văn hóa từng nhận xét rằng, hơn 50 năm nay, từ ngày họ biết về mảnh đất Lục Ngạn đến giờ, những hội hát đầy bản sắc dân tộc ở đây vẫn còn vẹn nguyên hình hài, chưa hề mai một.

 

ĐÔNG KHÁNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;