Diễn ra từ 13 / 9 đến 27 / 9 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc Lần thứ 5 - năm 2022 do Bộ VHTTDL chỉ đạo; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì tổ chức, nhằm tôn vinh thành quả sáng tạo của các tác giả qua việc trưng bày, giới thiệu những mẫu thiết kế sáng tạo, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có giá trị ứng dụng trong đời sống và tính thẩm mỹ cao.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải Nhất cho các tác giả
Nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng nghệ thuật
Thông tin từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Sau 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 538 tác phẩm của 283 tác giả thuộc 25 tỉnh/thành phố gửi tác phẩm tham dự, và đã chọn được 201 tác phẩm, bộ tác phẩm của 138 tác giả để trưng bày triển lãm và chấm giải. Ban Tổ chức cũng đã khảo sát nhiều địa điểm và lựa chọn nhà Cánh Diều, Bảo tàng Dân tộc học để phục vụ cho cuộc Triển lãm với mong muốn công chúng sẽ được thưởng thức những bộ sưu tập chất lượng nghệ thuật cao, được bài trí chuyên nghiệp và công phu trong một không gian lý tưởng”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhận định: “Mỗi một thời kỳ, mỗi thế hệ đều có những đóng góp mới cho sự sáng tạo sản phẩm, nó không chỉ để chia sẻ một ý tưởng thiết kế, ý tưởng sáng tạo, mà nó trở thành sản phẩm thường ngày, và đó là mục tiêu cao nhất của Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam trong thế kỷ này. Qua các sản phẩm tham gia triển lãm cho thấy yếu tố truyền thống vẫn luôn song hành với đương đại để tạo nên giá trị mới cho văn hóa của người Việt”.
Ban Tổ chức Triển lãm trao giải Nhì cho các tác giả đoạt giải
Đây cũng là kỳ triển lãm hội tụ nhiều tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có chất lượng nghệ thuật, thể hiện kỹ thuật cao của các nghệ nhân làng nghề. Họa sĩ Vũ Hy Thiều, chuyên gia lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật, cho rằng: “Các nghệ nhân đã khai thác tốt kỹ thuật truyền thống, đồng thời khai thác tốt hình ảnh và tính thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống, nổi trội lên là đan mây tre. Các nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật đan họa tiết truyền thống, chuyển sang họa tiết mới tạo nên các tác phẩm vừa mang tính truyền thống lại vừa rất hiện đại”.
Các tác phẩm của loại hình thiết kế sáng tạo xuất hiện nhiều ý tưởng độc đáo, cập nhật xu hướng công nghệ mới và đa dạng trong tìm tòi, thể nghiệm hướng tới lợi ích cộng đồng. Mảng sản phẩm ứng dụng với cách tiếp cận chất liệu và hình thức thể hiện phong phú dựa trên những nền tảng thủ công truyền thống dân tộc. Hai lĩnh vực này là tấm gương phản chiếu rõ nét đời sống của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hôm nay. Đó chính là sắc màu riêng của Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc lần thứ 5, mở ra trang mới cho mỹ thuật ứng dụng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Ban Tổ chức Triển lãm trao giải Ba cho các tác giả đoạt giải
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo Triển lãm cho biết: Trong những năm vừa qua, lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực rất được xã hội quan tâm, coi trọng. Thông qua những sự kiện như thế này, truyền thống văn hóa của Việt Nam tiếp tục được nhân rộng không chỉ ở trong nước mà còn ra với quốc tế. Triển lãm này sẽ này giúp quảng bá các sản phẩm, tác phẩm cho đội ngũ họa sĩ thiết kế, nghệ nhân, là sự tiếp nối nhằm phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng.
Bình phong Liên Ngư của tác giả Nguyễn Phước Nhật. Giải Khuyến Khích
Ban Tổ chức đã trao 2 bộ giải, gồm 22 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng nổi trội thuộc hai loại hình: Thiết kế sáng tạo và Sản phẩm ứng dụng. Trong đó, bộ giải thưởng thiết kế sáng tạo gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về tác phẩm Unzipped - Hỗ trợ trẻ vị thành niên về giới tính và ngăn chặn nạn xâm hại tình dục của nhóm tác giả Lê Thị Thu Thảo, Bùi Hạnh Lưu và Trần Thị Lệ Quyên (Hà Nội); 2 giải Nhì thuộc về các tác phẩm: ECAP - Bộ thiết bị gắn kết tái sử dụng chai nhựa của nhóm tác giả Trần Ngọc Thảo, Nguyễn Thị Trúc Anh, Lê Trần Mai Khanh, Lê Đào Lan Trúc (TPHCM); SCC - Hỗ trợ cộng đồng trẻ em nghèo của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Thu, Lưu Xuân Bách, Trần Thị Lệ Quyên (Hà Nội)…
Bộ giải thưởng sản phẩm ứng dụng gồm 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích (không có giải Nhất). Trong đó, 2 giải Nhì là tác phẩm Cổ tự môn (Lê Duy Đức - Sơn La), Bình hoa đan tre (Nguyễn Văn Tĩnh - Hà Nội)…
Những mong đợi từ công chúng
Năm nay, đến với Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc, công chúng, đặc biệt là giới chuyên môn đánh giá cao vai trò và sự nỗ lực của Ban Tổ chức Triển lãm. Đây là lần triển lãm đầu tiên Bộ VHTTDL thực hiện rút ngắn khoảng cách từ 5 năm xuống còn 3 năm/1 lần (2019-2022). Việc rút ngắn thời gian tổ chức là quyết định đúng đắn, phù hợp với bối cảnh phát triển của lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam và thế giới. Không gian trưng bày tác phẩm Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc năm nay được người xem đánh giá cao. Các tác phẩm, sản phẩm trưng bày được bài trí hợp lý, trang trọng, hệ thống đèn chiếu sáng, bục bệ đã hỗ trợ và tôn vinh tác phẩm, sản phẩm, giúp người xem hứng thú khi đến tham quan Triển lãm.
Tác phẩm Unzipped - Hỗ trợ trẻ vị thành niên về giới tính và ngăn chặn nạn xâm hại tình dục của nhóm tác giả Lê Thị Thu Thảo, Bùi Hạnh Lưu và Trần Thị Lệ Quyên (Hà Nội). Giải Nhất
Tuy nhiên, đến với Triển lãm, ngoài thưởng thức các giá trị của tác phẩm, sản phẩm, tham dự Lễ trao giải thì công chúng và nghệ sĩ mong muốn trong thời gian diễn ra Triển lãm, Ban Tổ chức cần thực hiện song song các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, giới thiệu nghệ nhân, nghệ sĩ để mọi người được chia sẻ, nắm bắt thông tin nghề nghiệp, học hỏi kinh nghiệm sáng tác, tạo mẫu sản phẩm, thúc đẩy sự sáng tạo cũng như định hướng sáng tác. Những hoạt động như trên cũng giúp những nhà quản lý nắm bắt thông tin để hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy vực mỹ thuật ứng dụng phát triển hơn nữa.
Tác phẩm Cổ tự môn của tác giả Lê Duy Đức (Sơn La). Giải Nhì
Thời gian định kỳ tổ chức tuy đã rút còn 3 năm, nhưng so với hoạt động đào tạo, sáng tác thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng ngày càng tăng thì quy mô và phương thức tổ chức triển lãm cần thay đổi cho thích ứng hơn nữa. Ví dụ, Bộ VHTTDL nghiên cứu tách mảng thủ công mỹ nghệ và thiết kế sáng tạo ra thành 2 triển lãm riêng biệt. Việc tách riêng sẽ tập hợp được nhiều hơn tác phẩm tham dự, bức tranh toàn cảnh của từng mảng sẽ được rộng hơn, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ có cơ hội tham dự hơn. Bởi cơ hội tham dự cũng là cơ hội được cọ sát, nắm bắt thông tin giúp tác giả thêm năng lượng sáng tạo.
Bộ Áo ngũ thân tay chẽn của tác giả Nguyễn Minh Đời. Giải Ba
Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc năm nay được tổ chức trong không gian của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một tác nhân khá quan trọng tạo nên thành công. Điều này cho chúng ta thấy rõ nhu cầu bức thiết địa điểm và không gian triển lãm chuyên nghiệp dành cho lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh trong giai đoạn hội nhập và trong bối cảnh Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030.
Tác phẩm Bình hoa đan tre của tác giả Nguyễn Văn Tĩnh (Hà Nội). Giải Nhì
Do Ban Tổ chức không chủ động được về địa điểm trưng bày, vì vậy, Triển lãm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (15 ngày), trong khi đó, các triển lãm tương tự trên thế giới thời gian triển lãm có thể kéo dài từ 1 tháng cho đến vài tháng. Việc kéo dài thời gian triển lãm có chất lượng như Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc, hoặc các Triển lãm có quy mô lớn là điều cần thiết, giúp đông đảo công chúng trong nước và quốc tế có nhiều cơ hội tiếp cận và thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Tác phẩm Ấm cá của tác giả Nguyễn Bảo Toàn. Giải Ba
Tác phẩm Kim long lưu bảo của tác giả Quách Phan Tuấn Anh. Giải Ba
ĐỨC MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022