Cơm mo cau muối sả ruốc là món ăn dân dã thường có mặt trong các bữa ăn của người làm thuê, gặt mướn, trong các gánh hàng rong của bà mẹ quê, hay trong cặp của các cậu học trò thế hệ ngày xưa nhà ở xa trường, trong đó có tôi.
Đồng hành với những bữa cơm trưa ngọt bùi hay những bữa ăn kham khổ, chiếc mo cau luôn hiện diện, chia sẻ nỗi niềm.
Cây cau mang đậm nét hồn quê đã cung cấp những chiếc mo có hai lớp vỏ ngược sứa vào nhau, lớp da ngoài màu vàng nghệ, lớp vỏ trong mềm mại, trắng ngà như da con gái bọc lấy buồng cau, giúp cho người dân quê ém tơi cơm rất thích hợp. Mo cau mịn mà không rách, vắt cơm chặt cứng không rời một hột, cứ thế hương từ mo cau hòa quyện cùng hương thơm của hạt gạo.
Hai bàn tay của mẹ vắt từng vắt cơm bọc trong bẹ cau rất điệu nghệ. Khi vắt cơm thật chặt, mẹ gói trông rất nhanh và không quên bỏ vào gói đậu phộng hay gói muối ruốt sả bằng lá chuối. Cơm gói trong mo cau đã ngon lại thơm mà còn được ăn chung với muối sả, nhất là muối sả ruốc của mẹ tôi làm thì không gì bằng.
Mo cau mở ra miếng cơm trắng ngần, mồ hôi đọng trên sớ mo lóng lánh, bẻ từng miếng cơm chấm muối sả, nhai từ từ vừa, cảm nhận mùi dẻo của thứ gạo quê hòa quyện với vị beo béo, bùi bùi, cay nồng, mằm mặn vấn vít trên đầu lưỡi. Nếu mà gặp những tháng trời mưa, làm sao diễn tả những bữa ăn thanh đạm mà ngon đáo để.
Nhớ lại ngày còn đi học xa nhà, tôi thường đi theo mẹ rồi nói nhỏ: Hôm nào mẹ rang muối ruốc sả, nhớ rang cho con nhiều nhiều một chút, mỗi lần con ăn cơm với muối sả là tụi bạn nhảy vào ăn ké, có lúc ăn hết muối sả mà cơm thì còn.
Cơm mo cau muối sả cũng chẳng có gì phức tạp, tàu mo cau già rụng ngoài vườn, thế là mẹ tôi lượm vào cắt hình chữ nhật, rửa sạch để ép cơm cho chúng tôi.
Riêng muối sả, mẹ cắt bảy, tám tép sả, lột vỏ rửa sạch, xắt lát rồi băm nhỏ, cùng với vài tép tỏi cũng băm nhuyễn. Bỏ lên chảo cho một ít mỡ hoặc dầu ăn, rang tỏi và sả vàng lên, bốc mùi thơm.
Ruốc là món ăn không thể thiếu. Lúc khó khăn thì mẹ rang sả, ruốc chung với nước mỡ, cũng có khi dư dả mẹ trộn lẫn thịt heo ba rọi rang vàng, gia vị là bột ngọt, đường, ớt… Cho ruốc hòa một chút nước trà, tất cả được xào đều, lúc đầu để lửa lớn cho khô và săn lại sau đó nhỏ bớt lửa cho đến lúc muối sả được tạo màu cánh gián rất đẹp là được. Tuy vậy, chế biến món ăn thành phẩm hoàn chỉnh thì cũng không đơn giản. Đấy là bí quyết, chỉ sơ suất một chút, ruốc sẽ bị đổi màu đen bầm, có lúc trở thành mùi thum thủm.
Nguyên liệu để làm muối sả ruốc
Thật khó có thể tả được niềm hạnh phúc khi thưởng thức bữa cơm muối sả đậm đà hương vị.
Cứ thế thời gian chầm chậm trôi, người mẹ quê tần tảo nuôi con khôn lớn, người nông dân nhễ nhại mồ hôi trên cánh đồng làm ra hạt gạo, các cậu học trò học hành đỗ đạt.
Giờ đây, cuộc sống đổi thay, chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay cơm hộp, có ngay món ngon, rượu bia... Riêng các cậu học trò xưa như tôi giờ đây rời xa tổ ấm, miếng cơm mo cau, chấm cùng các món muối sả, ruốc mặn ngọt bùi thuở hàn vi, món cơm nghèo dân dã nhưng vị ngon của cơm, của muối từ trong chiếc mo cau sẽ nhớ mãi, chắc chắn đã lưu giữ một góc nào đó trong mỗi con người.
PHƯỚC HƯNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023