Truyện cổ tích nảy sinh từ đời sống của nhân dân lao động, mang nội dung phong phú như chính cuộc sống ấy. Được sinh ra trên cơ sở một nền văn hóa nhất định, truyện cổ tích chứa đựng trong nó những dấu ấn văn hóa, những phong tục, tập quán của cộng đồng. Trên thực tế, giữa truyện cổ tích và phong tục, tập quán có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tiếp cận truyện cổ tích của một số dân tộc Tây Nguyên từ góc nhìn văn hóa sẽ giúp chúng ta có thể cảm nhận và lí giải sâu sắc hơn đời sống tâm tư tình cảm, quan niệm nhân sinh của cộng đồng họ. Vì vậy, khi nghiên cứu truyện cổ tích, việc nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của phong tục đối với sự hình thành của truyện cổ tích là điều cần thiết.
Cũng như nhiều thể loại khác của văn học dân gian, cổ tích không hoàn toàn là thế giới kỳ ảo, hoang đường; mà còn mang đầy đủ những dấu chỉ văn hóa, mang sắc thái của những cộng đồng người khác nhau trong một quốc gia Việt Nam đa dân tộc. Truyện cổ tích phản ánh những vấn đề liên quan đến phong tục, tập quán của đời sống dân tộc. Nhưng, chúng tôi dành nhiều sự quan tâm đến chủ đề phong tục gắn với sinh hoạt cộng đồng trong truyện cổ tích Tây Nguyên. Đó là nhóm truyện gắn với đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đặc biệt là nhóm truyện gắn với vấn đề kiêng kỵ trong đời sống tâm linh của các dân tộc này. Vì vậy, việc tìm hiểu chủ đề phong tục gắn với sinh hoạt cộng đồng trong truyện cổ tích Tây Nguyên sẽ giúp ta nhận thức đầy đủ hơn về một mảng truyền thống, về những phẩm cách đẹp đẽ của con người lao động nơi đây, cùng khả năng, cách thức họ “hóa ngọc” những phẩm cách đó trong sáng tạo của mình.
Trên cơ sở khảo sát 10 sưu tập truyện, với 460 đơn vị truyện cổ tích của các dân tộc ở Tây Nguyên, bước đầu chúng tôi đã tìm được 81 truyện cổ tích có chủ đề phong tục gắn với sinh hoạt cộng đồng. Trên cơ sở đó, chúng tôi tạm chia truyện phản ánh chủ đề phong tục gắn với sinh hoạt cộng đồng thành ba nhóm chính: nhóm truyện phản ánh chủ đề phong tục gắn với đời sống vật chất, nhóm truyện phản ánh chủ đề phong tục gắn với đời sống tinh thần, nhóm truyện phản ánh chủ đề phong tục gắn với vấn đề kiêng kỵ.
Chủ đề phong tục gắn với đời sống vật chất
Nhóm truyện này xuất hiện trong 43/81 truyện (chiếm tỉ lệ 53,1%).
Tục ăn trầu: phong tục ăn trầu xuất hiện trong 15/81 truyện (chiếm tỉ lệ 18,5%).
Tục ăn trầu đã xuất hiện phổ biến trong đời sống của dân tộc Tây Nguyên từ rất sớm. Trầu cau đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của cư dân và trở thành biểu tượng của truyền thống văn hóa tộc người. Trầu cau mang giá trị biểu trưng với nhiều ý nghĩa, miếng trầu xuất hiện khắp mọi nơi, từ trong sinh hoạt lao động thường ngày, đến những buổi lễ trọng đại như lễ tế thần, lễ mừng thọ, lễ tang; trong đó, rõ nhất là việc biểu đạt tục hôn nhân, cưới hỏi. Nguyễn Ngọc Chương cho rằng: “Trầu cau trước hết là hôn nhân, mang ý nghĩa lịch sử của hôn nhân, còn mang ý nghĩa đạo lý và tư tưởng con người…” (1). Từ góc độ folklore, truyện cổ dân gian nói chung thường phản ánh chân thực phong tục, tập quán ứng xử của mỗi dân tộc.
Phong tục ăn trầu có mặt hầu khắp trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc. Miếng trầu là cầu nối mọi người xích lại gần nhau, khiến cho cuộc trò chuyện thêm dài, thêm đậm đà. Sau mỗi giờ lao động vất vả, miếng trầu là “liều thuốc” giúp con người bớt mệt nhọc, thư thái. Không chỉ những người dân lao động ăn trầu, mà cả những vị thần khai sinh ra đất, ra nước cũng ăn trầu. Miếng trầu tuy nhỏ bé, giản dị là thế nhưng nó lại góp mặt như một nhân tố trong những hoạt động kiến tạo kỳ vĩ.
Đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng trầu để mời khách, mời người mình yêu đầy trang trọng, tình nghĩa (K’Rông Busk con sông tóc - Ê đê, Vu Ta Vuông - H’rê…). Thậm chí, họ còn thần kì hóa miếng trầu, coi miếng trầu hay tục ăn trầu là nguồn gốc sinh ra loài người (Ông XơRơĐen - Cơ ho). Từ sự thân thuộc, gần gũi đến trân trọng miếng trầu, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã xem miếng trầu như là một phép thử. Thông qua miếng trầu mà vợ chồng nhận ra nhau, lời thề ước của đôi trai gái được minh chứng (PơRia, PơRó - Chăm, Ú và Cao - H’rê). Miếng trầu xuất hiện như một sợi dây kết nối vô hình, mang những con người nhân hậu, hiền lành, yêu thương nhau có thể trở về bên nhau. Điều có thể coi là nét riêng biệt của đồng bào nơi đây, dùng miếng trầu làm phép thử để cha con, mẹ con nhận ra nhau (Chàng Cóc và Mai Muôi - Xơ đăng, Con nai thần - Cơ ho). Miếng trầu trở thành phép thử huyết thống hết sức độc đáo. Những chi tiết trong truyện đã mang nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu vùng miền, đó là chế độ mẫu hệ. Trong khi người Việt hay các dân tộc miền núi phía Bắc theo chế độ phụ hệ thì đối với các dân tộc Tây Nguyên, chế độ mẫu hệ được thể hiện rõ nét trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Nhà gái cưới chồng cho con, sau khi cưới chồng đến ở nhà vợ, con sinh ra mang họ mẹ trong thừa kế tài sản. Trong nhiều truyện có chi tiết, người phụ nữ dùng miếng trầu để tự tìm chồng cho mình, tìm cha cho con, thể hiện quyền lực của họ trong gia đình và xã hội. Ngày nay, tuy có sự giao thoa về văn hóa, nhưng chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại như một dấu ấn văn hóa tộc người Tây Nguyên.
Với cái nhìn đối sánh trong truyện cổ tích của một số dân tộc, vùng miền khác, chúng tôi nhận thấy rằng, phong tục ăn trầu xuất hiện trong truyện cổ tích các dân tộc Tây Nguyên phong phú hơn. Theo kết quả khảo sát của tác giả Nguyễn Thị Minh Hoa, phong tục ăn trầu trong truyện của người Việt chỉ tìm thấy ở 6 truyện; tác giả Nguyễn Thị Mai đã tìm thấy 4 truyện trong truyện của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Điều này phần nào cho thấy, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cố gắng đưa nét phong tục gần gũi của cộng đồng mình vào truyện cổ tích, coi thế giới cổ tích là nơi bảo tồn, lưu giữ những phong tục tốt đẹp được lâu bền nhất.
Tục hút thuốc: xuất hiện ở 23/81 truyện (chiếm tỉ lệ 28,4%).
Hút thuốc không chỉ là một thói quen mà còn là một phong tục, có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống sinh hoạt. Khách đến nhà là mời thuốc, thể hiện sự mến khách, sự thịnh tình, chu đáo của những người chủ nhà, chủ bản: “người chủ nhà mời người đàn ông hút thuốc, ăn cơm và nghỉ lại qua đêm” (Bon con nai - M’nông), “khi vợ chồng chàng Niăng tới chơi ở buôn làng của bác Roc Kreo, được Roc Kreo mang thuốc lá mọc ở gốc cây ra mời hút, thuốc ngon đến nỗi khói họ phả ra làm cho cả buôn làng phải say” (Chàng Niăn - Gia rai). Những đôi trai gái khi mới gặp mặt thường mời nhau hút thuốc để làm quen (Chàng Srôt Srăm và chị em Mooih, Maih - M’nông, K’Đu K’Đồng - Mạ, Chàng Lít - Gia rai, Nàng Bia Nát - Ba na…). Nhờ có điếu thuốc, bên những cuộc trò chuyện làm quen mà các đôi trai gái đã tìm được tình yêu, hạnh phúc cho cuộc đời mình.
Tục hút thuốc cũng được dùng làm phép thử để cho con nhận cha, vợ nhận chồng (Y Đăm “tai to” - Ê đê). Các dân tộc còn sử dụng điếu thuốc và tục hút thuốc làm đơn vị đo đếm thời gian (Chàng Jakna và chàng Jakura - Rag lai, An hem chàng Rít - Ê đê…). Một điều có thể nhận thấy rõ nhất qua các truyện trên là những mối quan hệ riêng tư, cá nhân cũng có thể được nhận diện trong sinh hoạt cộng đồng. Các mối quan hệ trong xã hội được nhận diện trong sinh hoạt cộng đồng thể hiện sự tôn trọng tập thể, coi trọng ý kiến cộng đồng của các thành viên sống trong cộng đồng ấy.
Phong tục trang phục: xuất hiện trong 5/81 truyện (chiếm tỉ lệ 6,2%).
Phong tục trang phục của các dân tộc được thể hiện đậm nét trên nhiều mặt, phản ánh nét đặc sắc trong văn hóa của mỗi dân tộc. Trang phục của đồng bào Ê đê hiện lên đầy màu sắc và tinh tế qua truyện Sự tích hạt gạo - Ê đê. Truyện cổ tích của các dân tộc Tây Nguyên không chỉ đề cập tới những bộ váy áo, trang phục truyền thống, mà trang sức - phụ kiện làm đẹp cũng được khắc họa khá rõ nét. Trang sức đối với họ không chỉ đơn giản để làm đẹp, mà ẩn chứa trong đó cả lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp, lâu đời. Truyện Sự tích chiếc vòng ngày cưới - Ê đê kể, từ chiếc vòng lấy từ cây mây quấn vào hai thân cây plang vươn cao không bao giờ đổ để làm thành hai chiếc vòng “buộc vào cổ tay trái cho Y Drao và H’Liêng để cầu mong hai cháu sống với nhau đến trăm mùa rẫy, con cháu chật nhà, chiêng ché đầy sân…”. Ngày tháng trôi đi, cộng đồng người Ê đê và các dân tộc Tây Nguyên ngày càng phát triển, từ chiếc vòng dây mây, họ đã dùng đá làm vòng đeo tay, sau đó dùng đồng, dùng bạc đúc ra những chiếc vòng để trao cho đôi trai gái trong ngày cưới. Nó không chỉ là vật cầu hôn, vật giữ gìn niềm tin, lòng chung thủy của đôi trai gái; đó còn là truyền thống, nét đẹp văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Phong tục đó được gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng cho đến ngày nay.
2. Chủ đề phong tục gắn với đời sống tinh thần
Nhóm truyện này gồm 25/81 truyện (chiếm tỉ lệ 31%).
Phong tục gắn với lễ hội: xuất hiện ở 12/81 truyện (chiếm 15%).
Có lẽ, tính cộng đồng của người Tây Nguyên thể hiện cao trong các lễ hội, theo kiểu “có rượu mọi người cùng uống, có thịt mọi người cùng ăn”. Mọi người tham gia lễ hội cũng là để chia vui, lưu truyền và sáng tạo thêm những giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội chính là nơi gắn kết, quy tụ của sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Lễ hội của đồng bào Tây Nguyên vô cùng phong phú: lễ đâm trâu, lễ ăn mừng lúa mới, tết Nhô lir bông…. Ở lễ hội, người ta có dịp thăng hoa vẻ đẹp của cộng đồng dưới dạng kết tinh. Mọi người đều chung một ý nghĩ ăn mặc đẹp nhất, hát hay nhất, múa khéo nhất, cùng vui chơi thoải mái và cùng say bên những chén rượu nồng nàn.
Thời gian diễn ra lễ hội chính là khoảng thời gian đẹp nhất, thời gian giao thoa của thiên nhiên, đất trời và lòng người. Sau lễ ăn mừng lúa mới, đất trời ấm áp, núi rừng xanh tươi, trăm hoa đua nở, đó cũng là lúc M’tao M’xay cùng lũ làng vào rừng săn bắn (Con mèo khôn ngoan - Ê đê). Một lễ hội đặc sắc chỉ có thể bắt gặp ở Tây Nguyên, đó là lễ hội đâm trâu. Truyện Tết Tờ Lê - Mạ kể, sau khi Tết Tờ Lê trở nên giàu có thì chàng đã tổ chức lễ ăn trâu để cúng thần và quay trở lại làng cũ để mời cậu mình tới dự ngày lễ trọng đại này. Hay, để trả ơn thần rừng đã giúp chàng Acư làm ra chiếc trống thần, mang lại điệu nhạc vui cho dân làng, dân bản đã giết trâu cúng thần rừng. Ngày hội đâm trâu được tổ chức rộng rãi, “người sống và người chết vui vẻ về ăn thịt trâu để bước vào mùa mới (Sự tích cái trống - Tà ôi).
Đối với người Xơ đăng, lễ hội đâm trâu là một phong tục truyền thống có từ rất lâu đời - từ thuở khai đất, lập bản của tổ tiên ông cha. Họ gắn bó với lễ hội này đến nỗi, lấy đó để làm căn cứ tính thời gian trong năm, như trong các truyện Đăm Đoăn, Đăm Mao, Hai anh em làng Xét, Chàng Cóc… Dù được phản ánh trong truyện cổ tích của dân tộc nào chăng nữa, lễ hội đâm trâu cũng hiện lên đầy sinh động và trang nghiêm. Là nơi cầu mong, nhắn gửi tới thần linh, mang đến sự bình yên, ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa cho khắp buôn làng.
Các truyện Mòn Miên, Hai em nhỏ mồ côi và trăn thần và K’Tar lại phản ánh một lễ hội rất quan trọng của người Cơ ho, đó là lễ hội Nhô lir bông - ngày tết lớn nhất trong năm của họ. Ngày tết Nhô lir bông là ngày để những bản làng người Cơ ho nhộn nhịp sắm sửa váy áo rực rỡ, ca hát, vui chơi thâu đêm suốt sáng, là nơi trai gái hò hẹn. Lễ hội còn là một hình thức thể hiện sự tôn kính, biết ơn của con người đối với mẹ thiên nhiên thông qua các lễ cúng thần rừng, thần núi, thần đất (K’Bâu cụt - Mạ…).
Phong tục gắn với trò chơi dân gian: xuất hiện ở 13/81 truyện (chiếm 16,1%).
Trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên, các loại hình giải trí, các trò chơi dân gian cũng vô cùng đa dạng, đặc sắc, thể hiện nét văn hóa tộc người. Nói đến các dân tộc ở Tây Nguyên không thể không nhắc đến văn hóa cồng chiêng. Họ đánh cồng chiêng, đánh mã la trong lễ tạ ơn trời đất, ăn mừng tết, trong ngày cưới (Chàng Ji ông - Gia rai, Chàng chim Cu Gáy - Ra glai, Chàng Arin - Tà ôi…). Những lời ca, điệu hát truyền thống của dân tộc Ra glai ngọt ngào, tha thiết dường như đã làm chuyển biến cả đất trời (Sự tích cái gai của cây song mây, tre ngà và rau dền - Ra glai). Ngoài ra, các trò chơi dân gian như chọi dế, chọi gà, đấu dê…. cũng được miêu tả khá rõ trong một số truyện Thỏ và bà, Chàng mồ côi nhanh trí - Tà ôi. Những trò chơi ấy không chỉ mang tính chất giải trí đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là tài năng, mưu trí và trí tuệ dân gian.
Qua truyện cổ tích Tây Nguyên, chúng ta đã hiểu thêm về các lễ hội và trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đây.
3. Chủ đề phong tục gắn với vấn đề kiêng kỵ
Nhóm truyện này gồm 13/81 truyện (chiếm tỉ lệ 16%).
Từ xa xưa, trải qua bao cuộc vật lộn sinh tồn, con người đã đúc rút ra được nhiều kinh nghiệm và cả những may rủi mà họ không bao giờ giải thích được. Dần dần, họ hình thành nên niềm tin, có những lực lượng siêu nhiên vô hình đang chi phối cuộc sống của họ. Muốn sống yên ổn, phát triển hài hòa, không những phải thần phục kính tín để nhận được sự che chở của các lực lượng vô hình ấy, mà còn phải giác ngộ một điều “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Có những việc chưa được thực tế chứng minh, song theo tập tục của cộng đồng được bảo lưu qua thế hệ, nên kiêng là hơn cả, nhằm cầu mong sự bình an. Vấn đề kiêng kỵ trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên khá đa dạng, mang đậm dấu ấn tộc người, cũng đã được phản ánh trong những câu chuyện cổ tích. Từ kiêng kỵ trong ứng xử với tự nhiên (Sét Rok và Cắc Kè, Bà Tok Bok – Gia rai), kiêng kỵ trong quan hệ xã hội (Bơ Lô A Cặm - Cơ tu); kiêng kỵ trong sinh nở (Cei Kra - Ra glai), hôn nhân (Vì sao họ Mấu không được lấy họ Cau - Ra glai, Chàng Nam và con cù lân - Gia rai, Họ Blup Akôl - Tà ôi, K‘Đòng và Ka Ròng - Mạ, Sự tích các họ - Ra glai, Hai chị em Gơra Iới, BơLô MaRiêng - Cơ tu, Chuyện con nai vàng - Vân Kiều) đến kiêng kỵ trong ăn uống (Họ Kê, Họ Kêr, Họ Patả, Họ Akơơ - Tà ôi)…
Bắt nguồn từ quan niệm “có kiêng có lành”, xét cho cùng vẫn là nhằm cầu mong sự bình an, phát triển thuận lợi trong đời sống của con người không chỉ trong xã hội xưa. Sự tồn tại dai dẳng như luật bất thành văn của nó đáng để ta suy ngẫm về đặc điểm của văn hóa tộc người trên con đường phát triển.
Truyện cổ tích nảy sinh từ đời sống của nhân dân lao động, mang nội dung phong phú như chính cuộc sống ấy. Được sinh ra trên cơ sở một nền văn hóa nhất định, truyện cổ tích chứa đựng những dấu ấn văn hóa, những phong tục, tập quán của cộng đồng. Trên thực tế, giữa truyện cổ tích và phong tục, tập quán có mối quan hệ mật thiết với nhau. Phong tục, tập quán có thể là cơ sở, nguồn gốc ra đời của truyện cổ tích; còn truyện cổ tích đã góp phần phản ánh phong tục, tập quán một cách sinh động nhất. Vì vậy, khi nghiên cứu truyện cổ tích, việc nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của phong tục đối với sự hình thành của truyện cổ tích là điều cần thiết.
______________
1. Nguyễn Ngọc Chương, Trầu cau Việt điện thư (in lần thứ ba), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
2. Chamaliaq Riya Tiẻnq, Trần Kiêm Hoàng, Truyện cổ Raglai, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2010.
3. Y Điêng, Hoàng Thao, Truyện cổ Ê đê, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1987.
4. Đặng Nghiêm Vạn, Đặng Văn Lung, Tăng Kim Ngân, Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên (2 tập), Nxb Văn học, Hà Nội, 1985 - 1986.
5. Tạ Văn Thông, Võ Quang Nhơn, Truyện cổ Cơ - Ho, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1984.
6. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
Tác giả: Dương Nguyệt Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019