Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật âm nhạc truyền thống là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Song song với việc giữ gìn, phát triển tại các đơn vị, trường học nghệ thuật chính quy, các cơ sở văn hóa, thì việc bảo tồn âm nhạc truyền thống tại cộng đồng như: các câu lạc bộ, gia đình, hay sự truyền dạy của các nghệ nhân đã mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển và gìn giữ những nét đặc sắc trong âm nhạc mà ông cha ta đã truyền lại.
Âm nhạc truyền thống Việt Nam hay nhạc dân gian, dân ca được ra đời từ rất sớm, được lưu truyền trong dân gian và gắn bó mật thiết với đời sống xã hội cũng như của nhân dân. Cùng với quá trình phát triển lịch sử của đất nước, người dân đã không ngừng sáng tạo nên nhiều nhạc cụ, nhạc khí và các thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư, tình cảm, nhằm tiếp thêm sức mạnh về tinh thần trong quá trình lao động, sản xuất, cũng như trong cuộc sống.
Các nghệ sĩ giáo phường Đình Làng Việt tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018
Kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam rất phong phú, bởi nước ta có 54 dân tộc anh em, điều đó đồng nghĩa có 54 nền âm nhạc truyền thống khác nhau. Trong bài viết này xin được đề cập đến âm nhạc truyền thống của người Kinh, đa dạng và đặc sắc như: nhạc cung đình, Chèo, Hát xẩm, Đờn ca tài tử, dân ca, Ca trù, Quan họ… Nằm trong số đó, có các thể loại đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như Nhã nhạc cung đình Huế; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hát Xoan Phú Thọ; Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh; Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Điều đó cho thấy, âm nhạc truyền thống có mối quan hệ mật thiết trong đời sống của nhân dân, đồng thời là bộ phận quan trọng góp phần nâng cao giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong đó có âm nhạc truyền thống. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, của các dân tộc, các vùng, miền…”.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong Lễ hội truyền thống
Ngày 28-12-2021, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2214/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Chương trình đề ra mục tiêu phát triển phong trào có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc. Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026, đã xác định: “Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng, góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn…”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành VHTTDL: “Môi trường văn hóa cơ sở là động lực của sự phát triển... Trong môi trường văn hóa, đặc biệt là về văn hóa cơ sở, thì phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật…”.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với âm nhạc truyền thống được thể hiện rất rõ khi Nhà nước có chủ trương đúng đắn trong việc đầu tư, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ tại hệ thống các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước. Song song với đó, là việc khuyến khích các nghệ nhân tại cộng đồng truyền dạy âm nhạc dân tộc cho những người yêu thích cũng như các bạn trẻ, nhằm bảo tồn, phát triển các loại hình âm nhạc truyền thống tại các địa phương.
Với sự quyết tâm, chỉ đạo của cả hệ thống, đã có rất nhiều câu lạc bộ như ca trù, xẩm, dân ca, nhạc cụ dân tộc… tại cộng đồng, địa phương, tổ dân phố được mở ra, với sự đa dạng về hình thức hoạt động. Mỗi cơ sở, câu lạc bộ về âm nhạc truyền thống đã trở thành những hạt nhân trong việc lan tỏa văn hóa thông qua các hoạt động: sinh hoạt, giao lưu nghệ thuật, truyền dạy âm nhạc truyền thống của các nghệ nhân nhằm bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa của ông cha. Tiêu biểu như các câu lạc bộ: câu lạc bộ Quan họ làng Diềm tại tỉnh Bắc Ninh, câu lạc bộ hát Xoan và dân ca của Phú Thọ, chiếu Xẩm Hải Thành,… đến các câu lạc bộ do các bạn trẻ yêu thích nhạc cụ truyền thống: Trường Đại học FPT, Cầm ca,… Đây chỉ là một số trong rất nhiều câu lạc bộ hoạt động khắp cả nước.
Với sự hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các “hạt nhân” văn hóa tại các cơ sở địa phương, đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc trong thời kỳ hiện tại, cũng như trong tương lai.
Trong mấy năm nay, âm nhạc truyền thống đã được Đảng và Nhà nước chú trọng quan tâm. Điều đó cho thấy, loại hình nghệ thuật nào được nhà nước quan tâm thì sẽ rất phát triển, ví dụ như quan họ, đờn ca tài tử, bài chòi… Có sự quan tâm của Nhà nước thì hình thức nghệ thuật dân gian ấy tự sống lại. Tôi rất tán thành biện pháp của Nhà nước, tức là vừa Nhà nước, vừa nhân dân. Nhà nước thì hỗ trợ, nhân dân thì tự nguyện. Vì thế, thời gian qua, Nhà nước đã hỗ trợ các câu lạc bộ, hỗ trợ các buổi liên hoan, các buổi sinh hoạt, hướng đi đó rất đúng và chính xác. (Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan) |
NGỌC BÍCH